TIẾNG VIỆT MÌNH NGỘ QUÁ ( Nguyễn Văn Hà )



Hôm nọ tôi nói chuyện với đứa cháu (con ông anh) ở Melbourne Úc Châu bằng tiếng Việt.
Cháu tôi khá rành tiếng Việt, nhưng đến khi nghe nó dùng tỉnh từ kép và trạng từ kép, tôi mới biết là nó nói theo tiếng Anh hơn là tiếng Việt! Nghĩa là nó hiểu ngược lai những gì nó nghĩ!
Nhưng đó không phải là lỗi của nó mà tại vì tiếng Việt của mình... ngộ quá!


1/ Tỉnh từ kép, trạng từ kép:


Khi lập lại một tỉnh từ 2 lần, trong tiếng Anh, có nghĩa là nhấn mạnh trạng thái đó!
Nhưng trong tiếng Việt khi lập lại một tỉnh từ 2 lần, thì người nói có ý muốn làm giảm trạng thái đó!

Thí dụ như:

- Bầu trời xanh xanh
- Đóa hoa hồng hồng
- Con chó đen đen
- Dáng em gầy gầy

Những tỉnh từ đó khi lập lại 2 lần có tác dụng làm giảm "cường độ" của trạng thái!
Tức là "xanh xanh" có nghĩa là "xanh nhạt" chứ không phải xanh đậm!
"Hồng hồng" có nghĩa là hồng chút chút thôi!
"Đen đen" là không quá đen!
"Gầy gầy" là chỉ ... hơi gầy chứ không quá gầy!

Và độc đáo khác là khi muốn làm cho "trạng thái" giảm nồng độ hơn nữa, chúng ta có thể đổi âm "trắc" của chữ đầu thành âm "bằng" trong tỉnh từ kép!
Thí dụ như
- thay vì nói "nụ bông đỏ đỏ", người ta lại nói "nụ bông đo đỏ"
- thay vì nói "cành hoa tím tím", chúng ta nói "cành hoa tim tím"

Đó là cách dùng tỉnh từ kép.
Nhưng khi dùng trạng từ kép thì nghĩa lại ngược lại cách dùng tỉnh từ kép!
Thí dụ như khi muốn kêu ai đi nhanh lên, ta nói "Đi lẹ lên!"
Nhưng khi muốn thúc người nào đi nhanh hơn nữa thì ta lại nói "Đi lẹ lẹ lên!"
Nghĩa là không như tỉnh từ kép làm giảm "cường độ", trạng từ kép làm tăng "cường độ" lên!

2/ Thành ngữ:

Đó là cách dùng tỉnh từ kép và trạng từ kép trong tiếng Việt.
Còn bàn tới thành ngữ thì tiếng Việt mình có nhiều thành ngữ ngộ nữa!
Để nói lên những điêu oái oăm ai oán trên đời, người ta thường dùng những thành ngữ "tréo cẳng ngỗng"
Chúng ta không nói "Con Cha Cháu Ông" mà lại dùng thành ngữ ngược với logic, đó là "Con Ông Cháu Cha", để chỉ những người có quyền lực trong xã hội.
Hoặc thí dụ khác: thay vì nói "Bay Cao, Chạy Xa", tiếng Việt mình lại dùng thành ngữ "Cao Chạy, Xa Bay" vừa đảo vị trí động từ và trạng từ, vừa đổi cả logic của thành ngữ, để nói lên sự hài hước của ý"chạy trốn cho nhanh cho xa để tránh nguy hiểm!"
Còn nữa, thành ngữ "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" là do dân gian cố tình tạo ra sự vô lý (đàn bà làm gì có râu mà cắm!) để có ý nói lên chuyện nhầm lẫn, lộn xộn, theo kiểu hài hước!
Tiếng Việt rât giản dị mà nhiều khi đảo tới đảo lui cũng tạo ra những ý nghĩa rất là phong phú và độc đáo!
Thí dụ như chữ "nhiều" trong cuộc đối thoại giữa 2 người dưới đây:

- Ông A có nhiều tiền quá!
- Đâu bằng ông B. Ông B có nhiều hơn nhiều!
- Còn Ông C thì sao?
- Ông C cũng có tiền, nhưng so với 2 ông kia thì ít hơn nhiều!

Chữ dùng ngắn gọn mà đậm đà xúc tích!

3/ Chữ tắt:
Người Miền Nam hay xài chữ tắt khi nói về người thứ ba, thí dụ như "Ông ấy" thì hay gọi là "Ổng", "Bà ấy" thì gọi là "Bả".
Tương tự "Anh ấy", "Chị ấy", "Cô ấy" thì hay kêu tắt là "Ảnh", "Chỉ", "Cổ"...
Nhưng ngộ thì ngộ, người mình cũng giới hạn chữ nghĩa cho không... quá ngộ! Cho nên không ai gọi "Em ấy", "Cậu ấy", "Mợ ấy", "Con ấy" thành "Ẻm", "Cẩu", "Mở", "Cỏn" hết!

4/ Danh từ cũng có giống!

Trong tiếng Pháp, nếu danh từ có giống đực, giống cái (Le, La) thì danh từ trong tiếng Việt mình cũng có giống!
Đó là "giống CON" và "giống "CÁI"
Thí dụ như trong thân thể người ta:
- "đầu" thì kêu là "Cái đầu"
- "mắt" thì kêu là "Con mắt"
- "miệng" thì gọi là "Cái miệng"
- "tim" thì bắt đầu bằng "Con tim"
- "bụng" thì kêu là "Cái bụng"
Các vật dụng trong nhà:
- "Bàn", "Ghế" thì gọi là "Cái bàn", "Cái ghế"
- Nhưng "dao" thì lại gọi là "Con dao"
Ra ngoài thì:
- "Cái cây", "Cái cổng"
- Nhưng "đường" thì lại gọi là "Con đường"!
Và thoạt nghe, ta cứ nghĩ "giống CON" là "giống Nam" như chữ "Le" trong tiếng Pháp và "giống CÁI" là... "giống Nữ" như chữ "La" trong tiếng Pháp.
Nhưng không hẳn là vậy vì chữ "Con" dùng cho cả "Con trai" lẫn "Con gái", và "Con đực" lẫn "Con cái"!
Nghĩa là "giống Con" không thể nào là "giống Nam" được!
Tương tự khi ta thốt lên "Cái thằng này!" thì "giống Cái" không thể là "giống Nữ" được!
Tức là cứ việc chấp nhận danh từ tiếng Việt có 2 giống, đó là "Giống Con" và "Giống Cái" (và 2 giống này là giống gì thì ... không thành vấn đề!)
Công nhận tiếng Việt của mình rất là ngộ mà hay quá, phải không các bạn!
Hèn gì cháu tôi ở Úc, dù thông thạo tiếng Việt, nhưng vì không có cơ hội sống trong môi trường dân gian nói chuyện thuần túy tiếng Việt, nên vẫn không thấm nhuần nỗi những cái tinh tế tuyệt vời của tiếng Việt!
Đó là vài nhận xét mộc mạc quê mùa của tôi về những đặc điểm "ngồ ngộ" (tỉnh từ kép!) trong tiếng Việt mình.

Nguyễn Văn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét