Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là spiritual bypassing, tạm dịch là: né tránh tâm linh. Đầu thập niên 80, nhà tâm lý học John Welwood đặt tên cho thuật ngữ “spiritual bypassing” ý muốn nói đến hiện tượng sử dụng các phương pháp và niềm tin tâm linh để tránh né đối diện với những cảm xúc không thoải mái, những vết thương chưa lành, và những nhu cầu cảm xúc, tâm lý.
Căn cứ theo nhà điều trị tâm lý Robert Augustus Masters, spiritual bypassing khiến chúng ta thu rút bản thân mình lại, ẩn nấp sau một lớp màn, lá chắn tâm linh của những niềm tin và thực hành siêu hình. Ông nói, “nó không chỉ cách ly chúng ta khỏi những nỗi đau và khó khăn cá nhân, mà còn cách ly khỏi những giá trị tâm linh đích thực, chôn chân chúng ta trong một cõi không siêu hình, mảnh đất của sự nhẹ nhàng được cường điệu hoá, sự tốt đẹp, và sự giả tạo.”
Đau đớn nhận ra spiritual bypassing của chính mình
Trong cuốn sách Spiritual Bypassing: When Spirituality Disconnects Us From What Really Matters của Robert August Masters, ông viết:
“Đặc điểm nhận dạng của spiritual bypassing bao gồm: buông bỏ một cách cực đoan, kiềm nén, đóng băng cảm xúc, tích cực một cách cực đoan, tẩy chay giận dữ, nhân từ mù quáng hoặc quá sức chịu đựng, ranh giới yếu ớt, lỏng lẻo, phát triển lệch lạc (trí thông minh lý trí phát triển nhiều hơn trí thông minh cảm xúc và luân lý), xem nhẹ những mặt tiêu cực, mặt trái của bản thân, và ảo tưởng rằng mình đã đạt tới một tầm mức cao hơn.”
“My vibration is so high, man. My chakras are so aligned. Fuuuckkkk, I’m a spiritual beast, bro.”
Khi tôi tiếp tục nhìn vào các né tránh tâm linh, tôi để ý thấy được nhiều hơn những góc tối tâm linh, và tôi đã nhận ra được rằng trong vô thức tôi đã rơi vào những cái bẫy này không lần này thì cũng lần khác.
Mặc dù đau đớn nhưng đây là một số nhận thức quan trọng nhất tôi từng có. Chúng giúp tôi ngưng lại việc sử dụng thứ tâm linh biến dạng như một liều ego boost, (làm phình to bản ngã lên, để có được cảm giác như mình là cái rốn của vũ trụ,) và bắt đầu chịu trách nhiệm hơn để giải quyết những nhu cầu tâm lý và những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
10 chuyện “tâm linh” người ta làm gây tổn hại tới sự phát triển của họ
Hãy nhớ: Bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ nhìn nhận nếu thấy mình trong danh sách này. Tôi e rằng có một số điều trong đây tất cả những người có khuynh hướng theo đuổi tâm linh đều mắc phải. Chính tôi cũng đã vướng mắc vào hầu hết những chuyện này trước đây, và ngay cả hiện nay tôi vẫn còn phải cố gắng cảnh giác với những cái bẫy này. Mục tiêu ở đây không phải là để phán xét, mà là để gia tăng ý thức về bản thân để phát triển hướng đến một nền tảng tâm linh trung thực, hỗ trợ, và hữu dụng hơn.
1. Tham gia vào những hoạt động “tâm linh” để khiến bản thân thấy cao siêu hơn người khác
Đây có lẽ là một trong những góc tối lan tràn phổ biến nhất, và nó có nhiều hình dạng sắc thái. Một số cảm thấy mình cao siêu hơn người khác vì họ đọc/nghe Alan Watts hoặc những tên tuổi khác trong cộng đồng tâm linh (còn người khác thì không). Hoặc từ chối không sử dụng xe máy mà chỉ sử dụng xe đạp (vì sợ làm ô nhiễm môi trường). Hoặc không xem TV. Hoặc những người ăn chay. Hoặc những người sử dụng đá crystals. Hoặc đi chùa. Hoặc luyện tập yoga hay thiền định. Hoặc sử dụng các chất thức thần.
Cố gắng được giác ngộ – Chỉ để có cảm giác mình giác ngộ hơn người khác
Hãy chú ý rằng không phải tôi đang hạ thấp giá trị của những hoạt động này. Tôi yêu Alan Watts, tôn trọng những người ăn chay, và thiền định thật sự cũng rất lợi ích. Ý tôi muốn nói ở đây là việc theo đuổi những ý tưởng và thực hành tâm linh rất dễ khiến bạn rơi vào cái bẫy ego trap–tin rằng bạn cao cấp hơn, giác ngộ hơn rất nhiều so với tất cả những “con cừu” ngoài kia. Rốt cuộc thì với thái độ hướng đến “tâm linh” như thế cũng không khá hơn gì chuyện bạn nghĩ mình ngon hơn những người khác vì bạn là một người theo phe Dân chủ hay là một fan của MU (hội chứng fanboy). Tư duy này thật sự ngăn cản bạn khỏi tâm linh đích thực vì bạn chỉ lo tập trung hơn thua với người khác, thay vì nghĩ đến chuyện tạo dựng ra một sự kết nối với thế giới, vũ trụ và cảm nhận được sự bao la kì vĩ, huyền bí tinh tế của sự tồn tại.
2. Sử dụng “tâm linh” như một lời bào chữa cho sự vô trách nhiệm của mình
Nhiều người lấy hai chữ “tâm linh” ra để ngụy biện cho sự vô trách nhiệm, không đáng tin cậy của họ. Họ nói những câu như:
“It is what it is.” (Chuyện nó như vậy thì nó như vậy.)
Vũ trụ đã hoàn hảo rồi.
Mọi thứ xảy ra đều có lý do.
Những câu nói tương tự như vậy có thể là những lời ngụy biện cho việc lười biếng, và việc từ chối nhìn lại bản thân. Tôi không nói về tính đúng-sai của những câu nói này. Tôi chỉ đang nói rằng nếu bạn thường xuyên trễ hẹn, trễ deadline, nếu bạn thường xuyên xao lãng trách nhiệm với những mối quan hệ thân thiết, hay đóng tiền nhà trễ, có lẽ bạn không nên tiếp tục nói với bản thân “Sao cũng được man, thực tại cũng chỉ là hư ảo mà thôi.”
Tin rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do – 3 tháng chưa đóng tiền nhà
Cũng gần giống như vậy, bạn sẽ rất dễ dàng đánh lừa bản thân nghĩ rằng mỗi khi người khác có thái độ với xu hướng của bạn, lý do là vì người đó “không biết tôn trọng lối sống của tôi” hay “họ mới là người có trình độ tâm linh thấp, cần phải tu tâm dưỡng tánh thêm.” Nhìn nhận những lúc chúng ta hành xử ích kỉ, thô lỗ, vô tâm, gây đau khổ cho người khác thì khó hơn nhiều tư duy đổ lỗi. Khó hơn nhiều khi chúng ta biết thú nhận rằng bản thân mình còn lâu mới hoàn hảo, và đây là một quá trình phát triển và học hành không bao giờ có hồi kết.
3. Thu thập thêm những sở thích, niềm tin mới đơn giản chỉ vì chúng đang thời thượng
Con người có xu hướng muốn hòa nhập. Tất cả chúng ta đều mong mỏi cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Và chúng ta lập ra đủ mọi hình thức hội nhóm, quốc gia, chủng tộc, chủ nghĩa vân vân để thỏa mãn nhu cầu này. Người ta cũng lập ra đủ các thể loại bang hội xung quanh tâm linh. Việc này có mặt tốt và cũng có mặt trái.
Thực hành thiền định và uống Ayahuasca – Vì muốn bắt chước những đứa “cool ngầu”
Những người này muốn nhảy lên chuyến xe lửa tâm linh, thế là họ bắt đầu tập yoga (mà thậm chí không hiểu được chữ yoga có nghĩa là gì), mặc quần áo phong cách “New Age”, đi đến các lễ hội âm nhạc, uống ayahuasca,… và tự nhủ với bản thân rằng những thứ này làm họ “tâm linh” hơn. Những kẻ tâm linh nửa mùa này thật sự chỉ đang làm loãng đi tâm quan trọng của những nghi vấn tâm linh, sự suy niệm, trải nghiệm và nhận thức.
4. Đánh giá những người bộc lộ cơn giận, ngay cả khi giận dữ là cần thiết
Đây là một trong những cái bẫy spiritual bypassing tôi để ý thấy mình hay vấp phải. Tôi nhận ra là khi người ta nổi giận với tôi, tôi sẽ phản ứng bằng cách nói những câu như, “giận dữ không giải quyết được gì,” hay “tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề tốt hơn nếu chúng ta có thể giữ được bình tĩnh.” Nhưng bên trong, tôi đang âm thầm phán xét người kia, nghĩ rằng, “Chỉ cần họ giác ngộ hơn thì đã không có màn kịch drama này xảy ra.” Thật ra thì đây cũng chỉ là một cách né tránh những vấn đề sâu hơn cần được giải quyết.
Phán xét khi người ta nổi giận với mình – Vì 3 tháng chưa đóng tiền nhà
Khi bạn trở nên hứng thú với tâm linh, một trong những câu trích dẫn đầu tiên về giận dữ bạn sẽ gặp đó là: “Chứa giữ tức giận cũng giống như cầm trên tay một cục than nóng với mục đích gây tổn thương người khác, chính ngươi là người sẽ bị phỏng.”
Câu trích dẫn này thường được cho rằng là lời Phật dạy, nhưng thật ra nó là một cách nói khác đi từ sách của Buddhaghosa (Phật Âm) vào thế kỉ thứ 5.“By doing this you are like a man who wants to hit another and picks up a burning ember or excrement in his hand and so first burns himself or makes himself stink.”
— Buddhaghosa, Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) IX, 23
Điểm tinh tế của câu nói này khuyên chúng ta không nên chứa giữ, níu bám vào cơn giận; chúng ta nên cảm nhận nó, bộc lộ nó nếu cần thiết, rồi sau đó buông bỏ. Nhiều người không hiểu lại cứ cho rằng giận dữ dưới bất cứ hình thức nào cũng đều vô minh, thiếu trí tuệ. Giận dữ là một cảm xúc tự nhiên của con người và là một phản ứng thích hợp trong nhiều tình huống. Nhiều khi, giận dữ là một dấu hiệu cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng cần được xử lý.
Trớ trêu thay, nhiều người theo đuổi tâm linh lại kiềm nén những cảm xúc “phi tâm linh” và gia tăng một cách giả tạo những cảm xúc “tâm linh” chẳng hạn như lòng nhân từ, bác ái, bình đẳng… Điều này dẫn đến sự giả tạo. Họ sẽ luôn vật lộn đấu tranh với chính mình để thể hiện ra sự bình thản, nhẹ nhàng, tốt bụng, tỏ ra luôn bình an thư thái, cuối cùng thì chỉ khiến người khác thấy giả dối.
5. Sử dụng tâm linh để bào chữa cho việc lạm dụng drugs
Rất nhiều người, trong đó có tôi, tin rằng những chất thức thần có khả năng hỗ trợ cho quá trình tiến hóa tâm linh. Tuy nhiên nhiều người đã đi quá xa thành ra lậm, sử dụng lý do này để biện minh cho việc lạm dụng gây hại tới bản thân, họ trở nên mù quáng đến mức không còn nhìn ra được mặt trái của những loại chất này.
“Hành trì nghi lễ” cần sa – 17 lần một ngày
Trong nhiều trường hợp cực đoan, những người “tâm linh” “hành trì nghi lễ cần sa” của họ suốt ngày (trừ những lúc ngủ); sử dụng psychedelics quá thường xuyên hoặc những lúc không thích hợp; và hoàn toàn từ chối rằng những chất này hoàn toàn không có hiệu ứng tiêu cực. Các loại chất thức thần, bao gồm luôn cần sa, chắc chắn cũng có mặt trái của nó. Nếu bạn sử dụng chúng một cách vô trách nhiệm hoặc chỉ đơn giản là kém may mắn, psychedelics như LSD hoặc nấm có thể gây ra và để lại chấn thương thần kinh lâu dài (cá nhân người dịch đã gặp trường hợp như vậy). Và cần sa, một loại chất thức thần nhẹ, là một loại drug nếu bạn sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên cũng sẽ tạo thành một thói quen, dần dần nó sẽ trở thành một đám mây che mờ tâm trí, xói mòn động lực. Hãy biết tôn trọng nó và sử dụng nó cho khôn ngoan.
6. Cường điệu hóa “sự tích cực” để né tránh những vấn đề trong cuộc sống của họ và thế giới
Phong trào “tích cực” đã bùng nổ tại các nước phương Tây những năm gần đây. Mạng Internet tràn ngập những bài viết, memes, lặp đi lặp lại thông điệp sáo rỗng: “Suy nghĩ tích cực!” “Just be positive!” “Đừng tập trung vào mấy chuyện tiêu cực!”
20 triệu người chết mỗi năm vì đói nghèo trên hành tinh cô ta – “Just stay positive, Fam!! Namaste
Tư duy này quên mất một điều quan trọng: Những góc tối của thế giới sẽ không tự nhiên biến mất chỉ vì chúng bị ngó lơ. Thực tế là nhiều vấn đề từ vi mô đến vĩ mô sẽ càng tệ hơn, phức tạp hơn khi chúng bị trì hoãn.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên gánh vác trách nhiệm cứu thế giới trên vai mình và luôn cảm thấy bất lực, nặng nề, chán nản. Thật ra thì theo nhiều chỉ số quan trọng, thế giới đang khá hơn mỗi ngày, nhận ra điều này để có cảm giác lạc quan là một thái độ lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân bằng giữa sự lạc quan đó và thái độ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thật sự trong cuộc sống của mình, của cộng đồng, và thế giới.
7. Kiềm nén những cảm xúc không phù hợp với những đạo lý “tâm linh” của họ
“Không đời nào, tôi không thể nào bị trầm cảm hay cô đơn hay sợ hãi hay lo lắng. Tôi rất yêu cuộc sống, và tôi quá [thông tuệ/anh minh/giác ngộ] để cho phép những thứ này xảy ra.”
Tôi vấp phải vấn đề này khi tôi di chuyển đến Hàn Quốc để làm một giáo viên Anh ngữ trong một năm. Tôi đã nghĩ rằng mình đã đạt đến được đẳng cấp chill bất khả lung lay theo phong cách vô vi của Lão Tử, cứ “thuận theo tự nhiên”, như một cái phao bập bềnh giữa những con sóng của định mệnh.
Giả vờ như không sợ hãi và tức giận bởi vì nó không tâm linh
Rồi tôi gặp phải những cú sốc văn hóa, nỗi cô đơn khủng khiếp, và cảm giác nhớ nhà sâu sắc, và tôi đã phải thú nhận với chính mình rằng tôi chẳng phải là một bậc thầy về Zen (Thiền tông) hay gì cả. Nói đúng hơn là tôi biết khả năng “thuận theo tự nhiên” và chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình là một đạo lý luôn có giá trị, nhưng đôi khi điều đó sẽ có nghĩa là chấp nhận thành thật với cảm xúc của mình. Chỉ khi tôi biết thành thật với bản thân tôi mới có thể nhìn rõ được sự thật trong những trải nghiệm, hoàn cảnh và có trách nhiệm giải quyết chúng.
8. Cảm thấy căm ghét bản thân khi những góc tối trong người bộc lộ
Tôi nhận ra được việc này trong chính mình không lâu sau khi biết về khái niệm né tránh tâm linh. Việc tự cho mình là người trí tuệ đã giác ngộ được những chân lý “cao hơn” đã gây ra một sự méo mó khủng khiếp trong nhận thức của tôi. Tôi trách móc phê phán bản thân, cảm thấy tủi nhục hổ thẹn mỗi khi có một hành động thiếu đức hạnh.
Khi bạn bắt đầu có xu hướng tâm linh, rất dễ thần tượng những người như Đức Phật hoặc Đạt Lai Lạt Ma, và nghĩ rằng những người này hoàn hảo, luôn hành động trong ý thức tuyệt đối và từ bi. Thực tế thì việc này hầu như không phải. Thậm chí rằng nếu như thật sự có những người đã đạt đến một trình độ siêu việt, luôn hành động đúng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần nhìn nhận rằng con số đó cực hiếm.
Thực tế mà nói, chúng ta là những con người dễ sa ngã, và chúng ta sẽ phạm nhiều sai lầm. Nhiệm vụ gần như là bất khả khi để sống một vài tuần mà không vi phạm một sai lầm nào, có thể chỉ là những sai phạm nhỏ nhặt. Nhìn rộng ra nhiều năm, sẽ có những sai lầm lớn. Nó xảy ra với mọi người, không sao. Tha thứ bản thân. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là rút kinh nghiệm từ những sai lầm và không bao giờ ngưng cố gắng.
9. Rơi vào những tình huống xấu vì tin người quá mức và không có trực giác nhìn người
Đây là tôi, 100%. Trong một thời gian dài, tôi luôn giữ quan niệm rằng mỗi người đều xứng đáng được đối xử bằng tình thân ái và tử tế. Cho đến giờ tôi vẫn không phản đối ý tưởng đó, nhưng tôi đã nhận ra rằng có nhiều trường hợp tôi tạm thời cần phải cân nhắc đến những yếu tố khác chứ không phải chỉ biết mặc định dùng lòng từ bi đối xử với mọi người.
Khi sống ở những nước khác, tôi đã rơi vào nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng bởi vì tôi đã quá cả tin những người tôi không biết, hoặc đối xử tốt với những kẻ khả nghi. May thay tôi vẫn chưa phải vào nhà thương lần nào, nhưng tôi đã bị cướp và lừa gạt vài lần. Lúc đó tôi đã tin rằng bản chất họ là những người “tốt” và cũng sẽ đối xử tốt với tôi nếu tôi đối xử tốt với họ. Tư duy này cực kì ngây thơ, và tôi đã hiểu được rằng trong một số hoàn cảnh thân thiện không phải là câu trả lời.
Tin rằng tình yêu là tất cả – Bị cướp ở Thái Lan vì tin người lạ
Một sự thật đáng buồn là đại đa số mọi người trên thế giới này vẫn còn phải vật lộn mưu sinh kiếm sống. Rất nhiều người đã lớn lên từ nghèo khổ, môi trường đầy tội phạm, và họ chỉ học được rằng cách duy nhất để sống sót là săn những con mồi yếu hơn. Tôi cho rằng ít nhất 51% dân số trái đất không có tư duy kiểu này, nhưng nếu bạn đi đến một thành phố hay đất nước còn kém phát triển, nghèo khổ còn tràn lan, bạn nên biết được những phương án phòng thủ cơ bản như:
Không đi một mình khi trời đã tối.
Hạn chế đến những nơi vắng vẻ.
Đừng dừng lại và tiếp xúc với những người muốn bán cái gì đó.
Quan sát hành vi của những người mình tiếp xúc xem họ có như đang bị drug ảnh hưởng không, có tỉnh táo, nhây lì, nguy hiểm không…
10. Hoàn toàn bác bỏ khoa học
Nhiều người trong cộng đồng tâm linh có khuynh hướng phản bác khoa học, anti-science; tôi nghĩ đây là một chuyện đáng xấu hổ. Họ bác bỏ khoa học vì những niềm tin và phương pháp tu tập được người khác cho phản khoa học, unproven. Unproven hay pseudoscience chỉ có nghĩa là nó chưa được xác thực thông qua các thí nghiệm có thể lặp lại trong phòng lab. Không có nghĩa rằng nó không đúng hay không có giá trị.
Cho rằng mọi thứ khoa học đều bullshit và có thể ném vào thùng rác
Phương pháp khoa học (Scientific method) là một trong những công cụ tốt nhất chúng ta có để hiểu về cách vận hành máy móc của vũ trụ khả quan. Nó cho phép chúng ta khám phá ra được những bí ẩn trong sinh học, quan sát được nhiều thứ cách xa trái đất tỉ năm ánh sáng, kéo dài mạng sống của loài người, và vô vàn lợi ích khác… Hoàn toàn bác bỏ khoa học là chúng ta đã mất đi một trong những lăng kính quyền năng nhất cho việc thấu hiểu thực tại...
Tác giả: Jordan Bates
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét