Phật nói:
Ngay cả nếu người ta thoát ra từ việc tạo tác ác, vận may hi hữu của người ta là được sinh ra làm người.
Đây là bẩy vận may hi hữu lớn lao. Phật nói về chúng nhiều lần, theo nhiều cách. Chúng phải được hiểu; chúng có tầm quan trọng lớn lao.
Thứ nhất: vận may hi hữu là được sinh ra làm người. Tại sao? Tại sao lại không phải là vận may hi hữu để được sinh ra như chó? hay như trâu? hay như lừa? hay như cây? hay như tảng đá? Tại sao ân huệ hi hữu lại là được sinh ra làm người? - bởi vì ngoại trừ con người, toàn thể tự nhiên đều đang ngủ say. Bạn cũng không thức tỉnh. Để tôi nhắc lại: toàn thể tự nhiên đang ngủ ngoại trừ con người, và con người cũng không thức tỉnh, mà ở chính giữa.
Đôi khi điều xảy ra buổi sáng là bạn cứ lật mình và trở mình trên giường. Bạn biết rằng bây giờ là lúc dậy, mà dầu vậy vẫn còn giấc ngủ. Nó là trạng thái lưng chừng. Bạn có thể nghe thấy người đưa sữa nói với vợ mình, bạn có thể nghe thấy tiếng trẻ con léo nhéo và chuẩn bị đi tới trường, bạn có thể nghe thấy tiếng xe bus dừng bên ngoài nhà để đón lũ trẻ, và dầu vậy việc mơ vẫn tiếp tục. Bạn vẫn cảm thấy buồn ngủ, mắt vẫn nhắm. Thỉnh thoảng bạn trôi dạt vào giấc ngủ, thỉnh thoảng bạn trôi dạt ra khỏi nó. Đây là trạng thái của con người.
Và Phật nói: Đó là ân huệ hi hữu - bởi vì toàn thể tự nhiên đang trong ngủ rất say, ngủ say tới mức thậm chí không có mơ. Nó đang trong trạng thái sushupti. Con người đã đi tới trạng thái thứ hai: trạng thái của việc mơ. Ít nhất có mơ nào đó. Mơ nghĩa là bạn không ngủ say thêm nữa. Bạn chắc chắn không thức tỉnh, bởi vì khi bạn trở nên thức tỉnh thì bạn thành vị phật. Bạn đang ở đâu đó lưng chừng giữa con vật và vị phật. Bạn đang treo trong trình trạng lấp lửng.
Và Phật nói: Đó là một cơ hội lớn lao, một ân huệ hi hữu - bởi vì nếu bạn nỗ lực thêm chút ít thì bạn có thể trở nên thức tỉnh. Chó không thể trở nên thức tỉnh được, dù nó nỗ lực đến đâu. Cây không thể trở nên thức tỉnh được; dù nó cố gắng đến đâu, điều đó là không thể được. Nếu cây cố gắng cần mẫn, nó sẽ trở thành chó. Nếu chó cố gắng cần mẫn, chó có thể trở thành người. Nhưng việc thức tỉnh chỉ xảy ra khi bạn là con người. Con đường đi tới Thượng đế chỉ đi từ con người thôi. Và ở phương Đông chúng ta nghĩ - và ý nghĩ này có nhiều tính hợp thức trong nó - rằng ngay cả các devas, các thiên thần, các thần, cũng không được ân huệ như con người đâu. Vì sao? Bởi vì con người đứng ở ngã tư đường. Ngay cả các thần mà muốn được giải thoát, họ sẽ phải được sinh ra như con người.
Con vật đang ngủ say, con người ở ngay điểm giữa đường, và các thần ở trong mơ của họ quá nhiều. Thế giới các thần là thế giới mơ. Đó là lí do tại sao họ lại có nhiều cảnh tượng hay thế: nó là thế giới mơ, tưởng tượng. Họ sống trong tưởng tượng. Con người sống ở ngay giữa đường, và có khả năng con người có thể đi tới những trạng thái thức tỉnh hơn của hiện hữu. Con người có thể trở thành sự thức tỉnh.
... vận may hi hữu của người ta là được sinh ra làm người.
Cho nên đừng bỏ lỡ cơ hội lớn lao này. Chỉ sau tranh đấu rất lớn lao bạn mới được sinh ra làm người. Làm phí hoài nó thì quả là đơn giản lố bịch. Trong hàng triệu kiếp bạn đã đi tới trạng thái này. Bởi vì bạn đã tới, bạn có thể phá huỷ nó chỉ bằng việc ăn, uống và vui vẻ. Bạn có thể đơn giản đánh mất toàn thể cơ hội này. Có những người mà nếu bạn bảo họ cầu nguyện hay thiền, họ sẽ nói, "Thời gian đâu? Chúng tôi không có thời gian." Và thế rồi bạn có thể thấy họ chơi bài trong câu lạc bộ, và bạn hỏi, "Anh đang làm gì vậy?" Và họ nói, "Giết thời gian" - vẫn cùng những người đó. Khi đó là vấn đề về việc thiền họ nói, "Nhưng không có thời gian." Và khi đó là vấn đề uống rượu, hay đánh bạc, hay đi xem phim, hay chỉ ngồi dính chặt hàng giờ trước chiếc ti vi, họ lại có đủ thời gian. Thế thì bạn hỏi họ; họ nói, "Chúng tôi đang giết thời gian."
Bạn đang giết thời gian, hay thời gian đang giết bạn? Ai đã từng có khả năng giết thời gian? Bằng không, với bao nhiêu người đã từng giết thời gian như vậy, thì đến lúc này, thời gian chắc phải chết rồi. Chẳng ai đã từng có khả năng giết thời gian. Thời gian giết mọi người. Từng khoảnh khắc - thời gian đều đem tới cái chết. Ở Ấn Độ chúng ta có cùng một từ cho cả hai: thời gian chúng ta gọi là kal; và với cái chết chúng ta cũng có cùng cái tên, kal... bởi vì thời gian đem tới cái chết.
Thời gian là cái chết. Từng khoảnh khắc, bạn đang trượt vào trong cái chết. Từng khoảnh khắc, cái chết đang tới ngày một gần hơn, gần hơn. Mọi đồng hồ đều phục vụ cho cái chết. Toàn thể thời gian đều phục vụ cho cái chết. Và làm người chính là một cơ hội hi hữu, và rất dễ đánh mất nó. Phật nhắc nhở chúng ta. Điều thứ hai ông ấy nói:
Nếu người ta sinh ra được làm người, vận may hi hữu của người ta là có sáu giác quan hoàn chỉnh.
Có những người có thể được sinh ra là người, nhưng lại mù, hay điếc, hay câm, hay đầu óc trì trệ. Thế nữa cũng là điều không thể được - Chẳng ai đã từng nghe nói về bất kì người đầu óc trì trệ nào lại trở thành vị phật. Điều đó chưa bao giờ được biết tới, điều đó là không thể có được. Cần có thông minh lớn lao. Rất khó trở nên nhận biết nếu giác quan của bạn bị thiếu - bởi vì với nhận biết, nhạy cảm là điều phải có. Người có mắt và người không có mắt ở hai trạng thái khác nhau, trạng thái khác hẳn nhau. Người có mắt nhạy cảm hơn, bởi vì mắt là phần nhạy cảm nhất của thân thể. Tám mươi phần trăm nhạy cảm của bạn thuộc vào mắt. Người mù chỉ có hai mươi phần trăm nhạy cảm so với người có mắt. Người mù bị bao trong bóng tối tinh tế, và không có cách nào để thoát ra khỏi nó. Người đó sống bị bao quanh trong một nhà tù rất tinh tế. Rất khó thoát ra khỏi nó.
Đôi mắt bên ngoài của bạn cho bạn thoáng nhìn nào đó, tầm nhìn nào đó, và bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về con mắt bên trong nữa. Nhưng người không có con mắt bên ngoài thì không thể quan niệm nổi về con mắt thứ ba là gì. Người chưa bao giờ nhìn thấy cái gì thì không thể có cái nhìn thấu suốt được. Nếu cái ‘nhìn ra' bị thiếu, cái nhìn vào sẽ bị thiếu; chúng tồn tại theo cặp. Đó là lí do tại sao khi bạn thấy người mù, lòng từ bi lớn lao lại nảy sinh trong bạn. Chỉ quan sát người mù người ta cảm thấy rất, rất từ bi. Tại sao? Người này khuyết tật nhiều thế. Người này là con người đấy, vậy mà tám mươi phần trăm kinh nghiệm mầu sắc, ánh sáng, lại bị thiếu. Toàn thể cuộc sống của người đó là vô mầu; người đó không biết mầu lục là gì. Hãy nghĩ về bản thân bạn: nếu bạn chưa bao giờ biết tới hoa hồng, nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy cầu vồng, nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời mọc và mặt trời lặn, nếu bạn chưa bao giờ thấy khuôn mặt người đàn bà hay đàn ông đẹp, nếu bạn chưa bao giờ thấy cái đẹp, con mắt hồn nhiên của đứa trẻ, nếu bạn chưa bao giờ thấy khuôn mặt, vẻ duyên dáng của người đã đạt tới, bị bạn bị lỡ biết bao nhiêu.
Bạn sẽ giống như tảng đá, ít giống con người.
Phật không chống lại giác quan; câu này sẽ chứng minh điều đó cho bạn. Phật nói: Cảm giác, và thèm khát cảm giác là xấu, nhưng giác quan là tốt. Và mang tính nhạy cảm là tuyệt đối cần thiết. Cho nên hãy trở nên nhạy cảm hơn.
Để tôi làm điều đó rõ ràng cho bạn. Nếu bạn dùng mắt chỉ để đạt tới cho sự thèm khát và bạn cứ tìm kiếm thèm khát, thế thì mắt bạn sẽ dần dần trở thành đờ đẫn. Con mắt thèm khát bao giờ cũng đờ đẫn. Con mắt thèm khát bao giờ cũng xấu. Nếu một người nhìn bạn với con mắt thèm khát, bạn bỗng nhiên cảm thấy bị xúc phạm - người đó đang xâm phạm. Mắt người đó giống như con dao đâm vào tim. Người đó không phải là người có văn hoá, người đó không lịch sự chút nào.
Chuyện xảy ra:
Mulla Nasruddin đi vào một văn phòng; anh ta phải đã tới bởi công việc nào đó. Tiếp viên là một người đàn bà đẹp. Anh ta nhìn cô ấy với đôi mắt thèm khát thế, và rồi anh ta hỏi, "Phòng tắm ở đâu?" Người đàn bà nói, "Anh đi thẳng tới cuối hành lang. Anh sẽ thấy một phòng có dấu hiệu 'Nam' - và đừng để dấu hiệu đó ngăn cản anh. Cứ đi vào."
Khi bạn nhìn người đàn bà với đôi mắt thèm khát thì bạn không phải là quí ông lịch sự. Thực sự, bạn có chút ít vô nhân. Khi đôi mắt nhạy cảm, không thèm khát, chúng có chiều sâu. Khi mắt không nhạy cảm, mà chỉ thèm mãnh liệt cảm giác, chúng nông cạn. Và bạn sẽ thấy chúng đục ngầu: chúng sẽ không trong suốt. Khi đôi mắt cực kì nhạy cảm, thế thì chúng có chiều sâu, chiều sâu trong suốt. Bạn có thể nhìn vào chúng và bạn có thể đạt tới chính trái tim của người đó. Người đó trở thành sẵn có qua đôi mắt của mình, và qua đôi mắt bạn có thể thấy mình đang gặp kiểu người nào.
Mắt mang tính rất chỉ dẫn. Đó là lí do tại sao những kẻ phạm tội không bao giờ nhìn thẳng vào mắt bạn, họ sẽ tránh điều đó. Người phạm tội sẽ nhìn sang bên cạnh, họ sẽ không nhìn thẳng - bởi vì họ không hồn nhiên. Họ biết rằng mắt họ có thể tiết lộ, mắt họ có thể nói điều gì đó mà họ không muốn nói. Nếu bạn có thể quan sát mắt người, bạn có chính chiếc chìa khoá vào cá tính người đó.
Và cùng điều đó cũng đúng cho các giác quan khác. Hãy nghĩ về người điếc, người không nghe. Wagner, người đã không nghe, Ravi Shankar, người đã không nghe chim hót vào buổi sáng, với họ chim cu cu không tồn tại, người đã không nghe ai đó hát bài tình ca hay bài ca buồn, với người đó sáo chỉ là thanh trúc hổng. Hãy nghĩ xem người đó nghèo nàn làm sao.
Phật nói: Ân huệ đầu tiên là ở chỗ ông được sinh ra làm người, ân huệ thứ hai là ông được sinh ra với sáu giác quan. Bây giờ hãy dùng cơ hội này; hãy trở nên ngày một nhạy cảm hơn. Và làm sao bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn? Khi bạn không thèm khát, bạn trở nên nhạy cảm hơn. Khi bạn thèm khát, tính nhạy cảm của bạn bị mất; bạn trở thành nông cạn. Người không thèm khát, dần dần, thu được nhiều năng lượng thế. Nếu một người mà không có thèm khát, thì tất cả các giác quan của người đó trở thành cửa sổ rõ ràng - không khói, không rào chắn. Và bên trong và bên ngoài gặp gỡ qua sự nhạy cảm đó.
Ngay cả khi người đó được hoàn chỉnh trong sáu giác quan, vận may hi hữu của người đó là được sinh ra vào thời của phật. Ngay cả nếu người đó được sinh vào thời phật,
Và Phật nói: Ông có thể là con người, ông có thể được sinh ra với tất cả các giác quan hoàn hảo, nhưng nếu ông không được sinh ra trong thời của phật thì ông sẽ bỏ lỡ sự tiếp xúc với cái không biết. Bạn có thể thấy cây, bạn có thể thấy hoa, bạn có thể thấy sao, nhưng những điều này không là gì nếu so với con người của chứng ngộ - bởi vì ông ấy đại diện cho cái không biết trong thế giới của cái biết. Ông ấy đem tia sáng của Thượng đế vào bóng tối của trái đất. Ông ấy là việc nở hoa thực của tâm thức.
"Điều đó là hi hữu," Phật nói, "được sinh ra vào thời của phật." Thực tế, chính ân huệ lớn lao là được cư ngụ cùng thời gian, cùng không gian, khi vị phật cư ngụ - bởi vì cái gì đó của rung động sống của ông ấy nhất định chạm tới bạn. Sự hiện diện của ông ấy nhất định trở thành mưa rào phúc lành. Cho dù bạn không bao giờ tới ông ấy, cho dù bạn chống lại ông ấy, cho dù ông ấy đi qua thị trấn của bạn và bạn không có thời gian tới thăm ông ấy, cho dù thế thì sự bình thản của ông ấy vẫn đem cái gì đó tới bạn, cái gì đó không được yêu cầu. Ông ấy sẽ đạt tới cái không được mời của bạn. Hãy nghĩ: nếu Phật mà không được sinh ra, thế giới này đã không như thế rồi. Và người Ki tô giáo đã làm rất giỏi để bắt đầu lịch của họ theo Christ. Điều đó là tốt - Christ tạo ra sự gián đoạn vô cùng với quá khứ. Chỉ sự tồn tại của ông ấy thôi - Christ là vị phật - sự tồn tại của ông ấy đã tạo ra một lịch sử hoàn toàn khác. Điều tốt là người Ki tô giáo đã ghi ngày tháng lịch sử của họ theo sau Christ và trước Christ. Trước Christ nó chẳng là cái gì; tất cả đều bình thường. Sau Christ một hiện tượng vô cùng đã bắt đầu đi vào một độ cao khác.
Ở Ấn Độ chúng ta không thể làm được điều đó, bởi vì chúng ta đã bắt gặp biết bao nhiêu chư phật. Thật khó cho chúng ta để làm điều đó theo cách đó. Bằng không thì đã có biết bao nhiêu là lịch, và điều đó sẽ gây lẫn lộn. Nhưng bất kì khi nào vị phật tồn tại thì nhân loại lại lấy một chỗ ngoặt, chỗ ngoặt đi lên. Bất kì khi nào vị phật đi vào lịch sử, lịch sử không bao giờ còn như cũ - toàn bộ viễn cảnh thay đổi. Và khi phật đang trong hiện tại thì rất dễ cho bạn thiền, bởi vì năng lượng của ông ấy đang chuyển động. Bạn có thể đơn giản cưỡi lên con sóng của ông ấy. Khi bạn làm việc thiền một mình và vị phật không hiện diện, bạn đang tranh đấu đơn thương độc mã với những rào chắn lớn thế; điều đó gần như không thể nào được, không có thể được, tới mức bạn sẽ là kẻ chinh phục. Có Phật điều đó gần giống thế này.
Ramakrishna thường nói, "Khi gió thổi theo đúng hướng, bạn đơn giản để cho con thuyền của mình trong dòng chảy và gió sẽ đem nó đi. Chỉ đợi cho đúng hướng thôi; thế thì bạn không cần làm nỗ lực gì. Bạn đơn giản ngồi trong thuyền, gió sẽ đem nó đi." Khi Phật đang thổi và toàn thể sự tồn tại đang nổi sóng, thế thì mọi thứ đang đi tới Thượng đế. Bạn có thể đơn giản nắm tay, và bạn có thể cưỡi lên con sóng này rất dễ dàng. Bạn có thể đơn giản để cho chiếc thuyền của mình trong dòng chảy, và dòng chảy đang đi đấy.
Do đó Phật là phải khi ông ấy nói: Được sinh ra vào thời của phật là cơ hội hi hữu.
Ngay cả nếu người đó được sinh vào thời vị phật, vận may hi hữu của người đó là được gặp người chứng ngộ.
Nhưng khó khăn có đó: bạn có thể được sinh ra vào thời của Phật nhưng bạn có thể chẳng bao giờ gặp ông ấy - bởi vì ngay chính ý tưởng rằng ai đó đã chứng ngộ là ngược lại bản ngã của bạn. Bạn không thể tin được rằng ai đó đã chứng ngộ còn bạn thì không. Không thể nào có chuyện ai đó đã đi lên trước bạn. Bạn không thể tin được điều đó bởi vì bản ngã của mình, và bạn sẽ tìm cả nghìn lẻ một lí do để không đi tới vị phật. Bạn sẽ tìm các lí lẽ rằng ông ấy sai, rằng ông ấy mắc chứng hoang tưởng, rằng ông ấy cứ nói đại, rằng ông ấy không thực là vị phật - "Bằng chứng là gì?" Mọi người thường tới Phật và hỏi, "Bằng chứng của ông là gì? Ai là nhân chứng cho ông?"
Bây giờ đây là những câu hỏi ngu xuẩn. Ai có thể là nhân chứng đây? Phật tính xảy ra trong sự một mình sâu sắc đến mức không ai có thể là nhân chứng được. Nó không phải là hành động trong thế giới này, nó là hành động bên ngoài thế giới. Ai có thể là nhân chứng đây? Nó xảy ra trong tính một mình vô cùng. Nó xảy ra ở cốt lõi bên trong nhất; không ai có thể thấy được nó. Vị Phật phải tự công bố; không có cách khác. Và ai sẽ xác nhận rằng ông ấy là vị phật? Mọi người hay tới ông ấy và họ sẽ tìm cả nghìn lẻ một cách để chứng minh rằng bất kì cái gì ông ấy nói đều đã trùng hợp hay không trùng hợp với kinh sách cổ. Nó chưa bao giờ trùng hợp cả; nó không thể thế được, theo chính bản chất của mọi sự. Bởi vì bất kì khi nào ai đó trở nên chứng ngộ thì người đó đều đem một tầm nhìn khác vào trong thế giới, điều chưa bao giờ tồn tại trước đó.
Từng người chứng ngộ đều đem món quà mới cho thế giới, điều chưa tồn tại trước đây. Cho nên nếu bạn nhìn vào trong Vedas bạn có thể không tìm thấy nó; nếu bạn nhìn vào Upanishads bạn có thể không tìm thấy điều Phật đang nói. Điều đó sẽ có vẻ như chút ít nổi dậy, không chính thống. Người chứng ngộ mang tính nổi dậy, là không chính thống, bởi vì chân lí mang tính nổi dậy và chân lí là không chính thống. Cho nên bất kì khi nào vị phật tới, mọi người bắt đầu nhìn vào kinh sách cổ của họ để xem liệu có bằng chứng không, và điều đó thì chẳng bao giờ xảy ra cả.
Khi Christ tới người Do Thái bắt đầu nhìn vào kinh sách cổ của họ, và họ chẳng bao giờ trở nên được thuyết phục rằng con người này là Chúa cứu thế mà họ đã chờ đợi. Họ đã đóng đinh ông ấy. Tại sao? - bởi vì họ không thể hình dung được điều đó.
Mọi người tin vào kinh sách. Kinh sách là thứ chết, và kinh sách do bạn làm ra, do bạn thu thập lấy, do bạn diễn giải. Không ai biết kinh sách thực sự ngụ ý gì. Không ai có thể biết được - bởi vì lời có đó, nhưng nội dung phải do bạn trao cho.
Tôi đã nghe...
Mulla Nasruddin tới bác sĩ và nói, "Tôi rất lo nghĩ. Một tuần trước, tôi về nhà thấy vợ tôi đang trong tay một người đàn ông khác, người này đã nói với tôi trong lúc đi ra uống cà phê. Năm đêm sau, lại đích xác điều đó xảy ra."
"Anh bạn quí ơi," bác sĩ nói, vậy anh cần gì bác sĩ. Anh cần luật sư chứ."
"Không đâu," Mulla khăng khăng, "tôi cần bác sĩ thực. Tôi muốn biết liệu tôi có uống quá nhiều cà phê không."
Bây giờ điều đó là tuỳ... cách bạn nhận điều gì đó, cách bạn diễn giải nó. Việc diễn giải nhất định tới từ tâm trí bạn.
Hãy nghe một giai thoại.
Đó là đêm trăng mật của họ, và cô dâu Do Thái đã mặc bộ áo ngủ mỏng tang và bò vào giường, phát hiện ra anh chồng theo nhà thờ Tân giáo đang sắp đi ngủ trên tràng kỉ. Lúc đó là tháng chay Lent, lúc mà người Ki tô giáo dừng ít nhất một trong những việc hưởng thú của họ.
"George ơi," cô ấy gọi, "anh không định làm tình với em sao?"
"Anh không thể làm được, em yêu," anh ta đáp, "bởi vì đó là Lent."
"Sao thế, điều đó khủng khiếp quá!" cô ấy kêu lên, buột khóc. "Làm với ai? và bao lâu?"
Bạn hiểu không?
Bây giờ tâm trí đam mê, tâm trí thèm khát, có cách diễn giải riêng của nó. Lời chẳng thành vấn đề gì nhiều; bạn phóng chiếu ý tưởng của mình lên lời. Nếu bạn đang tìm cái gì đó bạn sẽ có thể thấy nó. Nếu bạn không tìm cái gì đó bạn có thể không thấy nó. Và khuynh hướng tự nhiên của tâm trí con người là trước hết phủ nhận rằng ai đó đã đạt tới. Điếu đó xúc phạm tới bản ngã. Đó là lí do tại sao điều đó lại rất khó cho bạn.
Nếu ai đó tới và nói rằng người khác, hàng xóm của bạn, là kẻ giết người, bạn tin ngay lập tức. Bạn chẳng bận tâm về bất kì bằng chứng nào. Bạn nói, "Tôi đã biết anh ta từ lâu rồi. Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng anh ta là thế." Nếu ai đó tới và nói, "Người kia là kẻ cắp, vô đạo đức," thế này thế nọ, bạn chẳng bao giờ bận tâm về bất kì bằng chứng nào. Nếu mọi người bận tâm về bằng chứng thì đã không có nhiều buôn chuyện trong thế giới này. Ai bận tâm tới bằng chứng? Khi ai đó bị kết án bạn lập tức tin ngay điều đo bởi vì điều đó cho bạn cảm giác rằng bạn tốt hơn người khác. Nhưng nếu ai đó tới và nói, "Một người đã trở thành thiền nhân, thiền nhân vĩ đại," lập tức có nghi ngờ. Bạn nghe điều đó nhưng bạn không muốn nghe đâu. Bạn nói, "Điều đó không thể được. Tôi biết người đó mà; anh ta là kẻ lừa dối. Làm sao anh ta có thể thiền được? Tôi biết anh ta từ chính thời trẻ con; chúng tôi đã là đồng sinh trong trường. Không, anh ta không thể thế được. Bằng chứng là gì?" bạn hỏi. Bất kì khi nào ai đó nói về ai đó khác là tốt, bạn đều đòi hỏi bằng chứng bởi vì điều đó làm tổn thương bản ngã bạn: "Thế là ai đó khác đã trở thành tốt trước mình sao?"
Khi vị phật bước đi trên đất ông ấy công bố điều không thể có được, điều mà chỉ hiếm khi mới xảy ra. Ông ấy đang nói ông ấy đã trở thành vị phật, và tất nhiên chỉ ông ấy mới có thể nói được điều đó. Không có cách khác để chứng minh hay bác bỏ điều đó. Phát biểu của ông ấy là không chứng minh được hay không bác bỏ được - và bản ngã của bạn bị tổn thương.
Phật nói: Vận may hi hữu là được sinh ra vào thời của phật, và thậm chí vận may hi hữu hơn là được gặp người đã chứng ngộ - để đi tới, để cúi lạy. Bởi vì chỉ nếu bạn cúi lạy, nếu bạn buông xuôi, thì bạn mới có khả năng thấy được. Vấn đề không phải ở con mắt vật lí. Nhiều người đã thấy Phật bước đi, đi từ thị trấn nọ sang thị trấn kia, nhưng họ lại không phải là những người đã thấy ông ấy. Chỉ vài cá nhân hi hữu trở thành đệ tử của ông ấy mới thấy được. Bởi vì không thể nào thấy được vị phật mà lại không trở thành đệ tử. Nếu bạn đã thấy, thế thì bạn đã thấy; và thế thì bạn không thể lại như cũ được nữa. Thế thì toàn thể cuộc sống của bạn bị đảo lộn. Thế thì bạn đang trong hỗn độn, thế thì bạn được tái sinh. Thế thì sẽ có sự sụp đổ hoàn toàn của quá khứ của bạn, sự sinh thành mới, và tất nhiên, tất cả mọi đau đớn bao giờ cũng có trong việc sinh thành mới.
... Ngay cả nếu người đó có khả năng gặp người chứng ngộ, vận may hi hữu của người đó là có trái tim được thức tỉnh trong sự tin cậy.
Bạn có thể thấy, nhưng điều đó cũng không nhiều nhặn mấy. Chừng nào tin cậy còn chưa nảy sinh trong bạn...
... Trái tim được thức tỉnh trong sự tin cậy. Hãy cố gắng hiểu từ 'tin cậy' này. Nó không ngụ ý đức tin. 'Đức tin' nghĩa là giáo điều; 'đức tin' nghĩa là tin vào giáo điều. Chẳng hạn, người Ki tô giáo tin vào Ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần thiêng liêng. Đây là đức tin. Hay, người Hindu tin vào ba khuôn mặt của Thượng đế; đó là đức tin.
Khi bạn đương đầu với vị phật và bạn tin cậy vào người này, thế thì đó là tin cậy. Tin cậy mang tính cá nhân; đức tin mang tính lí thuyết, quan niệm. Tin cậy giống như tình yêu - bạn rơi vào tin cậy cũng như bạn rơi vào tình yêu. Nó không phải là đức tin. Không phải là Phật đã thuyết phục bạn về cái gì đó. Không, sự hiện hữu của ông ấy đã thuyết phục bạn về bản thể riêng của ông ấy. Ông ấy đã thuyết phục bạn không tin vào giáo điều, ông ấy đã thuyết phục bạn rằng cái gì đó đã xảy ra ở đây trong con người này. Bạn đã trở nên được thuyết phục về sự kiện rằng đây là một con người đã được biến đổi, được siêu việt, người không còn của thế giới này nữa. Đó là sự tin chắc, tin chắc mang tính cá nhân. Nó không phải là lí lẽ, nó không phải là thần học - nó là chuyện tình.
Khi mọi người tới tôi để được điểm đạo mang tính chất sannyas, tôi ngay lập tức có thể phân biệt liệu đó là tin cậy hay đức tin. Có hai kiểu người: người này tới và nói, "Bất kì điều gì thầy nói cũng đều thuyết phục tôi. Lí lẽ của thầy là siêu. Lập luận của thầy hấp dẫn tôi." Bây giờ, người này đã tới tôi như người tin. Người đó đã không thực sự tới. Một ngày nào đó người đó có thể tìm thấy ai đó, người có thể ‘hoá giải đức tin’ của anh ta với tôi - bởi vì có thể có lí lẽ hay hơn. Bao giờ cũng có khả năng này, bởi vì logic là con dao hai lưỡi; nó cắt theo cả hai cách. Cùng lí lẽ đó có thể được dùng để phá huỷ sự thuyết phục, cùng lí lẽ đó có thể được dùng để tạo ra nó. Logic giống như kẻ mãi dâm, hay giống như luật sư. Nó có thể đi cùng bất kì ai, với bất kì ai trả giá.
Chuyện xảy ra:
Trong giờ uống cà phê có cuộc thảo luận lớn. Một triết gia một hôm nói trong giờ uống cà phê, "Nếu các ông cho tôi hệ thống logic của Aristotle, tôi sẽ áp đặt cho kẻ thù của mình một kết luận. Cứ cho tôi phép tam đoạn luận và đó là mọi điều tôi yêu cầu."
Triết gia khác nói, "Nếu các ông cho tôi hệ thống chất vấn của Socrates thì tôi sẽ dồn kẻ thù của mình vào trong góc và đánh bại anh ta ngay lập tức. Đó là mọi điều tôi yêu cầu."
Mulla Nasruddin, sau khi nghe tất cả những điều này nói, "Các anh trai ơi, nếu các anh cho tôi chút ít tiền mặt, tôi bao giờ cũng giành được quan điểm của mình tôi bao giờ cũng kéo kẻ thù của mình vào một kết luận bởi vì chút ít tiền mặt dễ hiểu cực kì hơn sự hiểu biết."
Logic không phải rất căn bản; nó là hời hợt. Nếu ai đó tới và anh ta nói rằng anh ta tin vào điều tôi nói, thế thì đó không phải là tin cậy. Nhưng có vài người hiếm hoi nói, "Chúng tôi không biết điều thầy đang nói, chúng tôi thậm chí chẳng hiểu gì mấy. Chúng tôi thích điều thầy nói, nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng tôi rơi vào tình yêu với thầy." Tin cậy đã nảy sinh. Bây giờ, không ai có thể phá huỷ tin cậy này được, bởi vì nó là phi logic.
Bạn không thể phá huỷ được tin cậy bởi vì nó không dựa trên logic. Bất kì cái gì dựa trên logic cũng đều có thể bị phá huỷ: nếu bạn có thể co kéo logic nó sẽ sụp đổ. Nó có nguyên nhân; kéo nguyên nhân ra và hậu quả sẽ biến mất. Nhưng tin cậy lại không có nguyên nhân. Nó cũng giống như rơi vào tình yêu. Nếu bạn đi tới Majnu và chứng minh cho anh ấy rằng Laila không phải là người đàn bà đẹp nhất trên thế giới, và về mặt logic bạn cứ chứng minh điều đó, anh ta sẽ nói, "Đừng tự gây khó xử cho mình một cách không cần thiết thế. Chẳng ai có thể chứng minh được điều đó đâu."
Điều thực tế đã xảy ra là vua của thị trấn của Majnu đã triệu anh ta tới. Nhà vua trở nên rất tốt với anh ta. Majnu đã đi, kêu khóc và gào thét trên phố trong đêm. Anh ta chỉ gọi, "Laila! Laila!" Và nhà vua trở nên rất từ bi. Ông ta triệu anh ta tới và ông ta nói, "Anh là kẻ ngốc. Ta đã thấy Laila của anh; cô ấy là một cô gái bình thường. Thực tế, bởi vì anh kêu khóc nhiều quá nên ta nghĩ cô ấy phải rất đẹp, cho nên đích thân ta đã trở nên quan tâm. Nhưng khi ta thấy cô ấy thì ta đơn giản cười to. Anh là thằng ngốc! Và ta có nhiều từ bi với cái ngốc của anh. Anh là thanh niên tốt; đừng làm phí hoài cuộc sống của mình."
Ông ta triệu tới mười hai người đàn bà trong hậu cung của mình và ông ta nói, "Anh hãy chọn lấy một người bất kì." Họ đều đẹp nhất, quí giá nhất của vương quốc. Majnu nhìn và anh ta nói, "Chẳng cái gì sánh được với Laila." Và anh ta nói với nhà vua, "Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ thực sự muốn thấy Laila, bệ hạ sẽ cần đôi mắt của thần. Mắt của Majnu sẽ được cần tới. Không có cách nào để thấy Laila và cái đẹp của cô ấy ngoại trừ qua con mắt của Majnu."
Đệ tử là một Majnu. Người đó là người điên; người đó đã rơi vào tình yêu. Phật nói: Trái tim của người đó được thức tỉnh trong tin cậy... Sự hiện diện của Phật là sự hấp dẫn của ông ấy. Sự duyên dáng bao quanh Phật đã làm xúc động trái tim người đó. Đó không phải là logic của Phật, đó không phải là triết lí của Phật. Cho dù Phật vẫn còn im lặng thì điều đó cũng chẳng khác biệt gì nhiều; người đó sẽ bị thuyết phục như nhau. Cho dù Phật có bắt đầu tự mâu thuẫn thì điều đó cũng sẽ chẳng tạo ra khác biệt gì. Đó là lí do tại sao bạn thấy rằng tôi cứ mâu thuẫn hoài. Những người tới qua trí năng dần dần biến mất. Mâu thuẫn giúp tôi vứt cỏ dại khỏi khu vườn của tôi. Những người đã tới qua tình yêu thì không bận tâm. Họ nói, "Được đấy, thầy cứ tận hưởng việc tự mâu thuẫn đi, nhưng chúng tôi yêu thầy. Thầy không thể lừa chúng tôi được." Họ nói, "Thầy có thể cứ mâu thuẫn nhưng thầy không thể buộc chúng tôi chạy xa khỏi thầy được."
Những người tới qua đức tin, chẳng chóng thì chầy, sẽ phải ra đi - bởi vì chân lí mang tính nghịch lí. Chỉ lí thuyết mới không nghịch lí. Chân lí có tất cả mọi mâu thuẫn của cuộc sống trong nó. Chân lí rất phi logic, rất phi lí.
Ngay cả nếu người đó có sự tin cậy, vận may hi hữu của người đó là đánh thức trái tim của thông minh.
Và thế rồi Phật nói: Nhưng điều này không phải là kết thúc. Khi trái tim ông tràn đầy tình yêu, và tràn đầy tin cậy và tin tưởng, đây không phải là kết thúc. Đây mới chỉ là bắt đầu. Bây giờ ông phải giúp cho thông minh của mình đi lên và chiếm quyền sở hữu mình. Tin cậy là cánh cửa: bạn phải đi vào qua nó, nhưng bạn không nên vẫn còn ở cửa. Bằng không, bạn chẳng bao giờ đi vào trong lâu đài này. Chung cuộc, ban phải đi tới kinh nghiệm riêng của mình. Tin tưởng là tốt, tin cậy vào vị phật là tốt, có tin cậy là tốt, nhưng điều đó không đủ - bởi vì tin cậy của bạn vào Phật vẫn không phải là kinh nghiệm của bạn. Điều đã xảy ra cho Phật phải xảy ra cho bạn nữa. Thế thì bước thứ hai xảy ra: thông minh riêng của bạn nảy sinh. Bây giờ nó không chỉ là tình yêu hướng tới Phật; bây giờ bằng kinh nghiệm riêng của mình bạn đã trở thành nhân chứng. Nó không phải là tin cậy vô căn cứ. Lúc ban đầu tin cậy là vô căn cứ, nhưng đến cuối nó trở thành tuyệt đối có căn cứ. Căn cứ này không do logic cung cấp, căn cứ này được kinh nghiệm của bạn cung cấp. Khi nó đã trở thành kinh nghiệm riêng của bạn, bạn không nói, "Tôi tin cậy vào Phật." Bạn biết nó là phải, nó là đúng.
Ai đó hỏi Shri Aurobindo, "Ông có tin vào Thượng đế không?" và ông ấy nói, "Không." Người này đâm ra phân vân. Anh ta đã tới từ Đức, anh ta là giáo sư. Và anh ta đã tới chỉ để nghe con người vĩ đại này. Anh ta đơn giản bị choáng rằng con người này nói, "Không." Và anh ta đã trong việc tìm kiếm Thượng đế. Anh ta nói, "Tôi có nghe đúng không, thưa ngài? Ngài nói không?" Aurobindo lặp lại, "Vâng," ông ấy nói, "tuyệt đối không - bởi vì không có vấn đề về đức tin. Tôi biết Thượng đế hiện hữu. Không có vấn đề về đức tin. Anh hỏi, ‘Ông có tin vào Thượng đế không?' Tôi không tin, tôi biết."
Đức tin là việc thay thế nghèo nàn cho hiểu biết.
Cho nên Phật nói: Thứ nhất ông tin cậy. Tin cậy đơn giản có nghĩa là ông đã tình cờ bắt gặp một người ở xa ông, xa khỏi ông. Ông đã tình cờ bắt gặp một người đã chỉ cho ông tương lai riêng của ông, định mệnh của ông. Cứ dường như một hạt mầm đã thành cây, và hạt mầm này đã trở nên nhận biết rằng cây là có thể có. Và cây này nói, "Có thời tôi cũng là hạt mầm hệt như bạn." Bây giờ tin cậy nảy sinh trong hạt mầm này. Nếu người đó chưa bao giờ thấy cây này, người đó sẽ chẳng bao giờ mơ về nó cả. Làm sao hạt mầm có thể mơ về cây được? Người đó chưa bao giờ thấy cái một. Đó là lí do tại sao được sinh vào thời của phật lại là phúc lành lớn lao - bởi vì có cây, và hạt mầm của bạn có thể bắt đầu mơ. Khi động chạm đầu tiên của cây đổ lên hạt mầm, người đó tin cậy. Tương lai riêng của người đó bây giờ trở nên đầy các khả năng. Nó sẽ không chỉ là việc lặp lại của quá khứ, nó sẽ là cái gì đó mới. Người đó xúc động. Xúc động đó là tin cậy. Người đó rùng mình tới tận gốc rễ. Bây giờ, lần đầu tiên, người đó biết có nghĩa; bây giờ, lần đầu tiên người đó biết có định mệnh. Cái gì đó đang sắp xảy ra: "Mình không phải là sự ngẫu nhiên. Mình đang mang thông điệp lớn lao. Nó phải được dịch ra, nó phải được giải mã. Mình phải trở thành cây và nở hoa, và lan toả hương thơm theo gió."
Nhìn thấy vị phật, bạn đã thấy phật tính riêng có thể có của mình. Đó chính là tin cậy là gì... nhưng nó vẫn chưa đủ. Thế rồi bạn phải làm việc cần mẫn để làm cho nó thành sự thực. Hạt mầm phải rơi vào đất, phải chết đi trong đất, được sinh ra như chồi. Và cả nghìn lẻ một khó khăn phải vượt qua: gió có đó, sấm chớp có đó, con vật có đó, và chồi mới lại rất mảnh mai, rất yếu ớt - với tiềm năng vô hạn trở thành mạnh mẽ, nhưng ngay bây giờ nó không mạnh. Nó sẽ cần sự giúp đỡ của ai đó; nó sẽ cần người làm vườn. Đó là nghĩa của thầy.
Khi bạn chọn thầy, bạn chọn người làm vườn. Và bạn nói, "Xin hãy bảo vệ con cho tới khi con đủ mạnh mẽ để đi con đường riêng của con." Nhưng tin cậy là cánh cửa.
Ngay cả nếu người đó có sự tin cậy, vận may hi hữu của người đó là đánh thức trái tim của thông minh.
Và điều cuối cùng:
Ngay cả nếu người đó đánh thức trái tim thông minh, vận may hi hữu của người đó là nhận ra trạng thái tâm linh ở trên kỉ luật và thành đạt.
Toàn thể mục đích của kỉ luật là để đi tới một điểm mà kỉ luật có thể bị vứt bỏ. Toàn thể mục đích của thực hành tôn giáo, của sadhana, là để đi tới một khoảnh khắc khi tất cả mọi sadhana có thể bị vứt bỏ và bạn có thể đơn giản tự phát. Thế thì bạn đã nở hoa.
Chẳng hạn, nếu bạn phải liên tục thiền, và một ngày nào đó bạn dừng việc thiền của mình và tâm trí nhảy lùi lại, thế thì đây không phải là trạng thái lớn lao gì. Một khoảnh khắc nên được ham muốn, được khao khát, khi bạn thậm chí có thể vứt bỏ việc thiền của mình. Nhưng chẳng cái gì khác cả; nó vẫn còn như cũ. Dù bạn có công phu thiền hay không, bạn vẫn còn mang tính thiền. Việc thiền phải trở thành phần cốt lõi nhất của bạn, phần của bản thể bạn, không phải là cái gì đó bị áp đặt từ bên ngoài. Không phải là bạn phải ép buộc bản thân mình là tốt; không phải là bạn phải kìm nén những cám dỗ xấu của mình, không. Bây giờ không có cám dỗ, không có ép buộc. Người ta đã siêu việt lên trên kỉ luật. Đây là điều Phật gọi là ‘Kỉ luật của Siêu việt'. Đây là vận may thứ bẩy, vận may cuối cùng, điều tối thượng.
Được sinh ra làm người mới chỉ là cái bắt đầu, và thế rồi bạn phải đi tới điểm mà tất cả mọi kỉ luật đều có thể bị vứt bỏ. Thế thì bạn đã trở thành một Thượng đế, thế thì bạn đã trở thành tự phát như tự nhiên, thế thì không có căng thẳng, thế thì bạn không có tính cách nào, thế thì bạn hồn nhiên như đứa trẻ. Nhận biết của bạn là hoàn hảo bây giờ, nhận biết của bạn là đủ bây giờ. Không còn cần cái gì khác nữa.
Trích từ "Kỉ luật của siêu việt - Tập 4"
_________________
Herenow-Consciousness-Alert
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét