Đà Lạt: Một thoáng tĩnh

Hồi nhỏ, cứ đến hè là lũ trẻ chúng tôi khăn gói lên Đà Lạt ở với ngoại, chơi với mấy dàn su su và cây me đất, với đồi Cù, hồ Xuân Hương, thung lũng và thác nước. Mấy chục năm sau quay trở lại, me đất đồi Cù thì không còn, và Đà Lạt ở trong lòng có phần thay đổi. Đó cũng là sự việc đương nhiên như vật đổi sao dời thôi. Khi tuổi tác khác đi thì việc đi tìm sự cảm nhận về thiên nhiên và con người ở mỗi nơi cũng sẽ phải thay đổi, mình chỉ làm sao để những hoài niệm không mất đi mà chỉ biến đổi thành những dạng thức khác. Điều này không phải dễ làm, vì phải bỏ công sức suy nghĩ và quyết định để có những lựa chọn thích hợp khiến mình có được những kinh nghiệm mới tốt nhất. Tôi đã thử. Và như thế, lần này Đà Lạt để lại dấu ấn trong tôi với những khoảnh khắc tĩnh đến an lạc, như kiểu an lạc hay được nói đến trong nhà Phật.
Nóng lạnh

Người Sài Gòn thường hay nhắc đến cái mát mẻ của Đà Lạt mà thèm thuồng, không như cái nóng nực bụi bặm của Sài Gòn. Bởi thế người ta mới nói “đi nghỉ mát” ở Đà Lạt. Bây giờ câu này coi bộ chỉ đúng cho mùa Giáng Sinh ở Đà Lạt thôi, chứ mùa hè, tầm tháng 6 tháng 7 thì Đà Lạt cũng nóng như ai. Nóng đến mức nắng lên thì có cái dù là sướng lắm. Không thì tìm bóng cây nào mà trú, chứ đi bộ chơi dưới trời nắng thì cũng cháy tóc thôi.
Cho dù người ta có tin vào hiện tượng nhiệt độ trên thế giới đã và đang thay đổi hay không thì cái nóng ở Đà Lạt vẫn là một thực tế không chối cãi được. Nhớ lại hồi trước, cái thời tôi thường chạy tung tăng trên đồi Cù, có ai ở Đà Lạt biết đến quạt máy là gì. Ngày nay, dùng quạt máy vào mùa hè là chuyện bình thường. Trong khách sạn cũng có máy lạnh. Ban ngày phải mở máy lên, tối khuya mới tắt được. Cái nóng ở Đà Lạt là vậy đó, nhưng cái se lạnh vào buổi sáng sớm và chiều tối ở đây thì vẫn là yếu tố thu hút lòng người. Người ta vẫn đi Đà Lạt để được dắt tay nhau đi bộ tà tà quanh hồ Xuân Hương thưởng thức không khí mát lạnh ở đây.


Cảnh hồ Xuân Hương lúc mặt trời mọc.

Chỗ ở


Nhân nói đến chuyện không khí mát mẻ, đã ở Đà Lạt thì nên tìm một chỗ thích hợp ở trên cao để có thể ngắm cảnh trong khí trời se lạnh tuyệt đẹp. Chỗ nào cao ráo, có tầm nhìn ra hồ Xuân Hương thì thật đáng đồng tiền lắm. Này nhé: mặt trời mọc trên cảnh hồ sương mù mờ ảo, mặt trời lặn trong ánh đèn màu thành phố bên hồ nước lấp lánh với những thuyền thiên nga lướt nước nhẹ nhàng chở những tiếng cười giòn giã của trẻ con hoặc những cặp tình nhân trẻ tuổi, và cả lúc mặt trời chiếu sáng giữa tiếng còi xe inh ỏi - tất cả những cảnh tượng này đều là nguồn lực có thể kích động phần trái tim của người ta đã phần nào chai cứng vì quen với nhịp đập kỹ thuật số hoặc máy khoan bê tông cốt thép từ các lô cốt trên các con đường trong thành phố Sài Gòn. Chỉ một thoáng lặng vào buổi sáng hoặc tối bên người thương như thế giúp người ta có cơ hội lấy lại sự cân bằng trong tâm hồn và cuộc sống.


Cảnh hồ Xuân Hương lúc mặt trời lặn.

Ngắm cảnh


Đã đi Đà Lạt nhiều lần thì vườn hoa, thác nước, hồ Than Thở rồi cũng trở thành những trò chơi của tuổi trẻ. Đứng tuổi hơn hoặc tò mò hơn thì tìm tĩnh lặng ở nơi đâu? Xin trả lời: bàn chân ta đi khắp các nẻo. Đi bộ ở Đà Lạt thật tuyệt vời. Những con đường dốc xinh xinh, những cầu thang trong đồi gập ghềnh, uốn éo luôn dẫn ta đến những ngõ ngách bất ngờ. Hầu như ở đâu cũng có thể bắt gặp tầng tầng những ngôi nhà mái ngói đỏ chênh vênh trên đồi chen lẫn trong những rừng thông xanh và các cầu thang uốn lượn vòng vèo đẹp đến lặng người, một sự kết hợp hài hòa giữa năng lực của con người và sức mạnh của thiên nhiên. Nhìn lên đồi hoặc nhìn xuống thung lũng đều đẹp cả.
Ngoài những con đường chính dẫn đến trung tâm thành phố nơi chợ Đà Lạt, nơi xe cộ qua lại có thể làm khách đi đường giật mình vì những tiếng còi vô cớ, những con đường khác ít xe cộ hơn trong thành phố dọc lên dọc xuống các ngọn đồi lớn nhỏ khác nhau thì thật yên tĩnh. Cái tĩnh của không gian ở đây làm cho người ta có thể nghe thấy tiếng của chính mình và suy nghĩ của chính mình, để mà trầm mình điều chỉnh lại nhịp sống của bản thân sao cho tinh thần được an lạc.


Nhà ngói đỏ trên đồi.



Nhà ngói đỏ trên đồi.

Ăn uống

Đã chịu chơi, thôi thì cũng phải ăn cho đúng điệu. Hãy thử nhà hàng Nam Phan. Đáng tiếc đây không phải là một bữa ăn cho một người lao động bình thường khoảng 20 ngàn đồng mà theo tiêu chuẩn Việt Nam được xem là loại sang. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn một người sống ở Mỹ, một bữa ăn 25 đô la một người trong một vila xưa với kiến trúc Pháp là không đáng kể, và là một kinh nghiệm rất đáng nhớ.
Bạn hãy tưởng tượng: một khu vườn đẹp như mơ nhìn xuống hồ Xuân Hương, một vila trần cao và trang trí nội thất sang trọng, một thực đơn bao gồm năm món có cả nước uống do đầu bếp tốt nghiệp trường nấu ăn hẳn hoi chuẩn bị, cách trình bày các món ăn tinh tế, người phục vụ chuyện nghiệp hạng nhất, một bàn ăn trải khăn trắng tinh với khăn ăn được ủi hồ cứng ngắt, chén dĩa gốm sứ cao cấp Minh Long, một không gian riêng biệt trong thiên nhiên hữu tình và tĩnh lặng - làm cho người ta không khỏi ngẫm nghĩ về sự may mắn mình đang được tận hưởng, và rằng mình có thể cống hiến và sống tốt hơn đẹp hơn cho đời. 25 Mỹ kim là quá rẻ cho một kinh nghiệm như thế này. Có điều kiện thì sao lại không thử chứ!



Nhà hàng trong vila Pháp.



Món tráng miệng.




Đường riêng vào nhà hàng.



Cảnh hồ Xuân Hương và đồi núi Đà Lạt nhìn từ nhà hàng.

Trò chuyện

Trò chuyện với dân địa phương là một cái thú của người đi du lịch. Xin giới thiệu một “đặc sản” của Đà Lạt mà có thể ít người biết tới: sư chùa Linh Sơn. Cũng là trường trung cấp Phật học, chùa Linh Sơn là nơi ở, tu hành, giảng dạy của nhiều sư đến từ khắp nơi trong nước. Chùa này là một trong những chùa lâu đời nhất ở Đà Lạt, được xây hoàn tất vào năm 1940. Không ít khách du lịch viếng thăm chùa mỗi năm, nhưng điều thú vị và hay nhất về chùa là không khí trang nghiêm thật sự của một địa điểm tôn giáo. Phật tử đến chùa để tụng kinh niệm Phật và sinh hoạt tôn giáo trong không khí trang nghiêm, sư ra sư thầy ra thầy.
Vào những lúc không tụng kinh hay có lễ, lang thang trong chùa ở khu vực quầy sách thế nào bạn cũng gặp một hai thầy. Họ là thầy tu thật đấy, rất hiểu biết, thân thiện, cư xử đứng đắn, tác phong đĩnh đạc. Chưa kể nhiều người trong số họ có bằng cấp tiến sĩ do đã từng đi học ở Ấn Độ. Các thắc mắc về đạo Phật ở mức độ nào họ cũng giải đáp được. Kể cả những người có ý muốn tìm hiểu đạo Phật về khía cạnh nghiên cứu khoa học cũng phải nể kiến thức của những vị sư sẵn sàng mở lòng chia sẻ kiến thức của mình trong lĩnh vực này.
Thế là người ta mãn nguyện, và như thấy niềm tin về cuộc sống con người và những điều tốt đẹp trong đời quay trở lại.


Chùa Linh Sơn.


Nhện trong chùa.

Những sư ở Đà Lạt không nhất thiết phải là người Đà Lạt, nhưng họ chọn Đà Lạt là nơi tu tập và hành đạo, và trở thành những người tu hành có đức hạnh và tài năng. Đó chẳng phải là đất lành là gì?

Anvi Hoàng/Viễn Đông