Ăn gì cũng sợ‏


Lo sợ nguy cơ bệnh tật nguy hiểm từ những điểm bán thức ăn đường phố, chợ, nơi có nhiều thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, không nhãn hiệu, bao bì, không địa chỉ, tên nhà sản xuất, cơ sở chế biến, không hạn sử dụng... không ít người thường tìm đến một địa chỉ tin cậy hơn, đó là siêu thị.

Công bố mới nhất của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) qua khảo sát các mẫu thực phẩm trên địa bàn TP.HCM với 6 loại: bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt (những món ăn được người dân sử dụng hằng ngày), trong đó có nhiều loại được thu thập ở các siêu thị, có đến 100% mẫu khảo sát bị nhiễm chất làm trắng huỳnh quang độc hại, thêm một lần nữa khiến người dân bất an. 
Bất an nhưng người tiêu dùng không thể không mua và không thể không sử dụng vì dường như không có sự lựa chọn an toàn nào khác. Vậy là đành “nhắm mắt nuốt đại” rồi tự an ủi nhau: “Không ăn thì chết ngay mà ăn thì chết từ từ”. Câu nói ấy bây giờ rất dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi.
Vì đâu mà thực phẩm độc hại ngày càng lan tràn như thế, phổ biến đến cả những địa chỉ mà người dân vốn đặt sự tin cậy?
Cho đến thời điểm này có thể nói quy định pháp luật không thiếu. Mới đây nhất, Bộ Y tế là cơ quản lý chuyên ngành về phụ gia thực phẩm đã ban hành Thông tư số 27 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm; rồi Nghị định số 38/2012 của Chính phủ về thi hành một số điểm của luật An toàn thực phẩm quy định Bộ Công thương là cơ quan được giao quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị…
Trước thực trạng cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất công nghiệp độc hại để chế biến thực phẩm rồi những thực phẩm độc hại ấy lại “vô tư” đến tay người tiêu dùng phổ biến khắp nơi, thì dường như những quy định ấy không “thấm” vào đời sống.
Trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương nơi có các cơ sở sản xuất thực phẩm độc hại tiếp tục vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong thời gian qua, PV Thanh Niên thâm nhập điều tra, vạch mặt nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng hóa chất độc hại. Có những cơ sở nằm ngay mặt tiền đường, hoạt động năm này qua năm khác ngay trong khu dân cư mà chính quyền địa phương “không hề hay biết” và “chưa một lần nào phát hiện sai phạm”. Điều bức xúc hơn là sau các bài báo điều tra công phu về các cơ sở sử dụng hóa chất để sản xuất thực phẩm, không thấy cơ quan chức năng nào lên tiếng hay vào cuộc, tiến hành điều tra nghiêm túc toàn diện thực trạng nhiễm bẩn của mặt hàng đó để có câu trả lời cho người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng một lần nữa phơi bày thực trạng việc quản lý từ khâu sản xuất, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm gần như bị thả nổi. Vậy sự tồn tại của các cơ quan quản lý thực phẩm để làm gì?
Ăn gì bây giờ cũng sợ! Sức khỏe người dân bị đe dọa bởi nỗi lo thực phẩm độc hại gây suy gan, suy thận, hư hại đường tiêu hóa, ung thư, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản… Không thể các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc trước vấn nạn này.

Đình Phú