Thác là thể phách!… Nhưng thiêu hay chôn?‏

Trong nhiều thập niên trước đây mai táng cho người quá cố là hình thức thường thấy ở Mỹ (cũng như ở Canada). Phần đông người Mỹ không hề đắn đo khi quyết định: ông bà, cha mẹ lần lượt được yên nghỉ nơi mồ yên mả đẹp, nên tới phiên mình thì cũng tìm nơi ru giấc ngủ ngàn thu ở một nghĩa trang nào đó, tốt nhất là ở một mảnh đất nghĩa trang gia đình, để có thể yên vui bên cạnh thân thích đã từ giã cõi đời. Đó cũng là ước vọng và chọn lựa của nhiều người Á đông nơi chân trời góc biển mong khi chết được vùi nắm xương tàn nơi quê cũ.
Nhưng ngày nay chúng ta sống trong một xã hội khác hẳn hoàn cảnh vài thập niên trước đây. Trong vòng một số năm tới đây, như nhiều cuộc thăm dò cho biết, càng ngày càng có nhiều người Mỹ chọn thiêu hơn là chôn cất.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính cho sự thay đổi này là do nạn đại suy thoái (Great Recession) về kinh tế gây ra. Thiêu xem ra rẻ hơn chôn cất và giảm giá chi phí, chỉ tốn khoảng một phần ba hay một phần tư so với lối mai táng cổ truyền.
Theo hiệp hội các lò thiêu Bắc Mỹ có tên là CANA (Cremation Association of North America) thì tỷ số chuộng giải pháp thiêu mỗi năm tăng khoảng 1 phần trăm và trước khi kinh tế suy thoái vào 2008 thì tỷ lệ này vào khoảng 36,2 phần trăm. Những năm sau đó, tỷ lệ hằng năm tăng gấp đôi và nhiều tiểu bang ở Mỹ có con số gia tăng rất đáng kể. Wyoming từ 42,3 phần trăm trong năm 2006 lên 56,1 phần trăm trong năm 2010. Tennessee gia tăng từ 16 lên 27,6 phần trăm và Rhode Island từ 27,5 lên 37,5 phần trăm.
Nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán vào năm 2017 thì cứ hai người Mỹ sẽ có một chọn giải pháp thiêu khi qua đời.
CANA, hiệp hội lò thiêu và nhà quàn lớn nhất Mỹ và Canada cho biết giá thiêu trung bình là 2.570 Mỹ kim. Trong khi ấy giá tẩn liệm và mai táng trung bình là $7.755.Điều này có nghĩa, chọn thiêu có thể chỉ chi ra số tiền bằng một phần ba phí tổn mai táng.
Tuy nhiên, không hẳn chỉ do giá cả tạo thành sự chuyển hướng.
Một lý do đáng chú ý là chúng ta sống trong một xã hội di chuyển nhiều hơn thế hệ trước. Trước đây, người ta thường mua một miếng đất tạo thành nghĩa trang gia đình. Ngày nay, đa số chúng ta khi vào đời, có học vấn và nghề nghiệp riêng, rồi lập gia đình và dời xa nơi chôn rau, cắt rốn. Vì thế, khi chết ước nguyện về chốn cố hương chỉ dễ dàng thực hiện được bằng cách để thân thể hóa cốt khôi (tro cốt), đựng trong bình và thực hiện giấc mơ hồi hương hơn là mang một cỗ quan tài vừa cồng kềnh, vừa tốn kém vô cùng.
Tín ngưỡng có cản trở dịch vụ thiêu hay không?
Về mặt lịch sử, Mỹ là một quốc gia dân chúng phần đông theo Thiên chúa giáo và giáo hội theo truyền thống chủ trương chôn cất người quá cố và không chấp nhận việc thiêu hủy thân xác người chết. Nhưng dần dần cấm đoán được nới rộng vào thập niên 1960.
Do Thái giáo, Hồi giáo đều không chủ trương thiêu hủy nhưng ngày nay nhiều nhà quàn có giám đốc Do Thái cũng nhượng bộ yêu cầu muốn thiêu của các tín đồ khách hàng.
Nhìn chung, dân Mỹ càng ngày càng có khuynh hướng thế tục và nhiều người cho biết chẳng theo tôn giáo nào cả hoặc vô tín ngưỡng. Có người vẫn nhận là tín đồ nhưng với thái độ cởi mở và khoan nhượng hơn. Từ đó có sự phân ly giữa giáo điều cổ truyền của tôn giáo về xử lý thân xác sau khi chết và chọn lựa cá nhân trong hoàn cảnh cụ thể, đã giúp người ta có nhiều cách chọn lựa hơn khi nhắm mắt từ giã cõi đời.
Thiêu hủy cũng là một biện pháp hấp dẫn đối với việc bảo vệ môi sinh hơn là chôn cất. Trước khi mai táng, người quá cố được ướp hương rồi hạ thổ, xây mộ và hằng năm người sống không thể không săn sóc mồ mả thân nhân. Đối với truyền thống Á đông việc chôn cất còn đòi hỏi nhiều lễ nghi hơn: người sống không thểđể mồ mả thân nhân trong tình trạng hoang vu sụt lở và hằng năm phải tảo mộ và quanh năm không thể để “hương khói vắng lạnh”. Sau một số năm lại có thể phải cải táng, rất tốn công, tốn của.
Trong khi ấy, hỏa thiêu là một biện pháp gần gũi với việc bảo vệ môi sinh hơn chôn cất, vừa rẻ tiền vừa gọn nhẹ, và cũng thuận lợi cho việc thờ cúng.
Cốt khôi (tro tàn sau khi thiêu) có thể để trong các bình mỹ thuật. Ngày nay, có đủ kiểu bình giúp ghi nhớ sở thích và sự nghiệp của người chết lúc sinh thời. Nhà văn thì dùng bình kiểu có giá bút, thể thao gia dùng bình hình trái banh, nghệ sĩ dùng bình tranh lập thể, ca sĩ dùng bình có loa hoặc cây đàn và gắn máy phát âm.
Người chọn giải pháp thiêu hủy lập luận: “Khi chúng ta chết thì thân xác chúng ta trở về tình trạng thối rữa và chôn cất cũng làm cho đất đai ô nhiễm. Chỉ có cách thiêu hủy là chấm dứt nhanh chóng tiến trình hủy hoại ghê gớm của thân xác và bảo vệ môi trường”.
Hỏa thiêu thân xác là phương pháp quen thuộc và có lịch sử lâu dài. Người Hy Lạp cổ sử dụng nó, người La Mã xưa cũng có tục lệ này. Thổ dân Mỹ cũng có nhóm thích hỏa thiêu người chết và ở Á đông việc hỏa thiêu thi thể được Phật giáo cho phép.
Riêng với dân Mỹ truyền thống dựng nhà hỏa thiêu phải kể từ bác sĩ Francis LeMoyne. Ông này là người tiền phong sống ở Washington, Pa., trong một vùng quê thanh bình, vào năm 1876 đã xây một nhà thiêu tối tân để dành cho mình sau khi chết. Sáng kiến của LeMoyne, nhắm vào việc bảo vệ môi sinh, được nhiều người hưởng ứng và nhiều lò thiêu ra đời đón khách.
Phong trào thành hình thì cũng có nhiều nhà quàn lợi dụng kiếm lời, gây ra tai tiếng cho kỹ nghệ lò thiêu. Tệ đoan xảy ra khi tro cốt người này lẫn với người kia, và có nơi nhận tiền của gia đình người chết rồi chồng chất thi thể người quá cố cho thối rữa mà không hoàn thành thủ tục thiêu xác như hợp đồng. Vụ này xảy ra vào năm 2002 với nhà thiêu Tri-State Crematory ở Noble, Ga.
Sau khi nhận tường trình rằng thi thể nằm rải rác chen lẫn bộ phận người chết gần lò thiêu, giới hữu trách liên bang đã tới nơi để điều tra và tìm thấy hàng trăm thi thể (tổng cộng 334) hoặc bị ném xuống hố, chất thành đồng, hoặc bỏ trong xe chở xác và tất cả trong tình trạng phân hủy. Trong khi ấy, gia đình nhờ thiêu thân nhân đã nhận một mớ bụi xi măng với vôi vữa về thờ. Chủ lò thiêu Ray Brent Marsh bị truy tố về 787 trọng tội và lãnh án 12 năm tù và buộc phải viết thư xin lỗi các gia đình tang chủ. Bị cáo không giải thích vì sao lại làm việc này.
Thân nhân người chết vì ham rẻ (giá thiêu loại giá bèo) và không theo dõi quá trình thiêu nên mới bị lừa gạt. Cũng từ đó các tiểu bang đều có luật cho phép mở và giám sát các lò thiêu và ngành này cũng từng bước cải thiện cung cách đối xử với khách hàng và thực hiện bổn phận thiêng liêng với người đã khuất.
Thủ tục chôn cất đã quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng thủ tục thiêu thì ít người biết đến cho dù ước muốn cuối cùng là được thiêu để “cát bụi trở về với cát bụi”.
Thủ tục đại khái như sau: Người chết được đặt vào trong một cỗ quan tài gỗ tạp hay bằng các tông. Thi thể người chết có thể được đeo một thẻ kim loại có số thứ tự để sau này nhận xác.
Sau khi kiểm tra lý lịch người chết, giấy phép của chính quyền và tờ chấp thuận của thân nhân, thì quan tài được đặt vào lò thiêu. Nhiệt độ trong lò lên tới 1.800 độF (982 độ C). Sau ít nhất một giờ với lửa hồng, nhiệt độ cao, thân xác kẻ quá cố trở thành một nắm tro màu xám và được cào vào hộp. Nếu người chết từng bị giải phẫu và có gắn đinh vít, dây kim loại, răng vàng thì chúng được nhặt ra. Riêng phần xương chân tay không cháy nát thì được đập vụn ra và nghiền nát bằng máy nghiền và sau đó cho tất cả vào hộp rồi được trả về gia đình để thân nhân tùy ý sử dụng hoặc mang về thờ hoặc đưa tới nơi thờ tự hay rải sông, rắc biển.
Tuy nhiên, đôi khi trong khi thiêu xác có xảy ra biến cố nếu người chết quá mập và có quá nhiều mỡ dư.
Mới đây, vào tháng Tư năm 2012 ở Áo, thi thể một phụ nữ nặng tới 440 pounds (200 kg) trong lửa hồng bỗng bùng cháy, làm nghẹt ống thông của lò thiêu và suýt nữa phá hủy toàn bộ lò thiêu. Nhưng những ai thích thiêu hủy thân xác đừng ngại vì gần đây ở Mỹ vì có dịch bệnh-siêu-ký nên nhiều lò thiêu được xây dựng quy mô có thể thiêu một thân xác nặng tới 1.000 pounds (454 kg).
Giải pháp này càng được cải thiện với biện pháp thiêu hủy tối tân hơn, có lợi cho môi sinh hơn. Đó là biện pháp “thiêu hủy xanh” (Green cremations). Lối này dùng một hợp chất gồm nước và potassium hydroxide, đã được một số tiểu bang áp dụng và trở thành một chọn lựa cho những ai chọn giải pháp thiêu hủy.
Theo phương thức này thì thi thể kẻ quá cố được đặt vào một bộ máy được gọi là Resomator. Thay vì dùng lửa, thì “cái phòng thép không gỉ” này do nhà quànBradshaw Funeral and Cremation Services thiết kế, đã dùng một hợp chất gồm nước, potassium hydroxide và nhiệt độ để phân hủy cơ thể thành các chất hữu cơ và vô cơ, trong đó có peptides, muối và đường.
Nói cách khác, máy đã hòa tan tất cả các mô, các tế bào của người chết và biến xương cốt của người này thành những mảnh sáng bóng nho nhỏ, rồi nghiền nát tất cả thành bột trắng nhỏ hơn, mịn hơn so với nếu dùng lối hỏa thiêu thường.
Khi thân nhân muốn thiêu hủy thân xác người quá cố tại nhà quàn Bradshaw ở Stillwater, Minn., thì sẽ được đề nghị hai giải pháp thiêu hủy: hoặc bằng lửa (hỏa thiêu) hoặc bằng nước (thủy phân).
Bradshaw là một trong số ít nhà quàn ở Mỹ đề nghị phương pháp thiêu hủy mới. Trong nhiều năm phương pháp này đã được bệnh viện Mayo Clinic sử dụng. Nơi đó các chuyên gia y học sử dụng biện pháp bảo vệ môi sinh để thiêu hủy tử thi sau khi mổ xẻ.
Vào năm 2003, Minnesota là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ chấp nhận phương cách thiêu hủy bằng thủy phân.
Bradshaw mãi tới năm 2012 mới thực hiệu lối thiêu hủy bằng dung dịch nước và cho biết giá cả dù dùng lửa hay nước đều như nhau.
Dùng dung dịch nước thiêu hủy thân xác thường được quảng cáo là rất có lợi cho môi sinh hơn dùng lửa. Vì lửa thiêu sẽ nhả khói và sẽ gây ít nhiều tác hại tới môi trường. Do đó, dùng nước là biện páp “Xanh hơn nữa” để kết thúc cuộc sống (Greener ending)!
Kỹ nghệ tống táng ở Mỹ không phải là không hái ra tiền, vì nó lên tới 13,4 tỷ Mỹ kim, trong khi thiêu hủy chỉ chiếm 20 phần trăm số này. Hiện giờ nhiều nhà quàn ởMỹ, trước đà gia tăng thân chủ chọn thiêu, còn từ chối giải pháp lửa hồng. Đi ngược xu hướng của thời đại các nhà quàn loại này chắc chắn sẽ thất bại.
Một chuyên gia tống táng là Mark Musgrove, Giám đốc của Musgrove Family Mortuary, nhận xét xác đáng: “Để sống còn chúng ta phải biết thích ứng. Chúng ta phải lắng nghe yêu cầu mà gia đình khách hàng cho là cần thiết”. Nicodemus, một chuyên gia khác, cho biết: “Một số giám đốc nhà quàn đã chỉ khách hàng sang nhà quàn khác vì họ không nhận thiêu hủy, vì họ không thích giải pháp này”.
Trước câu hỏi, nếu thế thì những nhà quàn quá bảo thủ có sống được hay không? Chuyên viên này trả lời: “Không lâu đâu. Tôi bảo đảm tình trạng kéo dài không lâu đâu!”


Chu Nguyễn

(Theo Time tháng Sáu 2013)