Trong đời sống hằng ngày, cho dù không phải là những nghệ sĩ, chúng ta cũng có những kịch bản để vào vai. Tuy nhiên, thật không may, những kịch bản này thường không được suy nghĩ dàn dựng chu đáo và dễ biến thành một câu chuyện vụng về. Hơn nữa, chúng ta có thể còn không biết rằng mình đang vào vai của những kịch bản đó bởi vì cứ nghe đi nghe lại nhàm đến nỗi không còn nhận ra.Một ví dụ đơn giản đó là kịch bản: “Chào ngày mới”. Khi có một ai đó nói, “Xin chào, khỏe không nè?”, kịch bản của bạn sẽ buộc bạn nói gì nào? Có thể là “Tệ lắm, thời tiết này sao mà nhức mỏi quá chừng..”. Hoặc bạn có thể nói “cũng thường thường”, “tàm tạm”, hoặc là “Rất ư là khỏe”.
Có thể bạn chỉ sử dụng một câu duy nhất trong mọi lúc bởi vì nó là kịch bản của bạn. Kết quả là có thể đoán được bạn sẽ một ngày như thế nào rồi đấy. Nhưng nếu bạn thay đổi kịch bản của mình, nghĩa là nâng cấp hai chữ “tàm tạm” sang “Tuyệt vời!” thì bạn sẽ phát hiện thấy một ngày của bạn tuyệt hơn nhiều.
Nếu bạn cũng giống như đa số người, luôn thừa cơ hội để tạo một kịch bản “sân si”, cũng như “đau khổ” hoặc “xui xẻo”. Điều này nói lên rằng trong nhiều trường hợp bạn đã gặt chính cái mình gieo. Bạn cứ theo đuổi tới lui một cốt chuyện thì sẽ nhận kết quả y như vậy.
Hãy chú ý đến kịch bản của bạn và ý thức rõ câu chuyện bạn đang vào vai thuộc thể loại gì. Đó có phải là kịch bản mà bạn mong muốn không. Những kịch bản này đưa ra những vai diễn thể hiện cuộc sống của chúng ta dưới mọi hình thức hệt như những bộ phim truyền hình nhiều tập, những cuộc phiêu lưu, những bi kịch, hài kịch; lãng mạn hoặc u ám. Kịch bản của bạn thuộc loại nào? Bạn đang thể hiện vai diễn muốn nói điều gì?
Nếu bạn không thích kịch bản nhàm chán của đời mình, thì hãy viết lại nó. Chỉ cần thay đổi lời thoại. Thêm vào những tiểu tiết mới cho những cảnh diễn cũ. Hãy học cách đóng một vai khác, bạn sẽ thấy nó mang đến những điều mới lạ.
(theo Những bài học cho cuộc sống)
Nhị Tường dịch