Bạn biết không, chúng ta đâu cần phải giàu có, hoặc là vua chúa mới có thể hưởng được hạnh phúc với những cái sang đẹp, cao cả của cuộc đời.
Ông Proust viết bức thơ cho người thanh niên ấy. Biết anh đang buồn chán vì thấy cuộc đời mình quá tầm thường, ông muốn mời anh đi thăm bảo tàng viện Lourve ở Paris để xem tranh. Nhưng ông không đưa anh vào xem tranh của những lâu đài tráng lệ, về đời sống sang giàu của các vua chúa, mà anh mơ tưởng. Ông sẽ mời anh ta vào xem phòng tranh của Jean-Baptiste Chardin, một danh họa Pháp thế kỷ 18.
Và sau khi dẫn anh thanh niên nghèo ấy đi xem những bức tranh tuyệt mỹ ấy xong, ông Proust sẽ hỏi "Sao, bây giờ cậu có thấy mình là một người có hạnh phúc chưa?"
Những bức tranh này giúp ta nhìn lại những vật tầm thường chung quanh mình, bằng một cái thấy mới. Chúng nhắc nhở ta về những vẽ đẹp của những sự vật ngay trước mắt mình mỗi ngày, mà ta không thấy được. Sau chuyến viếng thăm ấy, ông Proust muốn chàng thanh niên nghèo hiểu được rằng, những cái hay, cái đẹp, cái cao sang, cái chân thiện mỹ, không phải chỉ dành riêng cho bậc vua chúa, mà chính anh ta cũng có thể có được.
Những điều hay đẹp này cũng đang có ngay trước mắt ta. Chỉ cần ta biết dừng lại mà nhìn cho sâu sắc. Mặt trời hoàng hôn cũng đẹp, mà một ngọn đèn dầu nhỏ cũng đẹp. Bầu trời mùa thu đẹp, mà một chiếc lá, cọng cỏ cũng đẹp. Trăng rằm mười sáu đẹp, mà một con đom đóm lập lòe trên cánh đồng mùa hè cũng đẹp. Không có một cái gì trên đời này là tầm thường hết.
Và nếu như mình chưa thấy có hạnh phúc, có lẽ vì ta vẫn còn mãi mê tìm kiếm hạnh phúc theo một ảo tưởng xa xôi nào đó thôi chăng...
Trích trong “hạnh phúc và con đường tu học – nguyễn duy nhiên”