Tôi có một người bạn, có lần chị đi sang thành phố New York, thấy có một tấm biển quảng cáo thật lớn, với hình một người thiếu niên mặc một chiếc quần jean cũ rách, đứng với vẻ thách thức, cạnh bên là một dòng chữ lớn "Be Who You Are!" Mình sao thì cứ là như vậy, hãy sống với con người thật của mình!
Bạn biết không, tuổi trẻ lớn lên bên xứ này bị ảnh hưởng văn hóa Tây phương nên thường thích có một thái độ ấy. Mà thật ra người lớn chúng ta nhiều khi cũng đâu khác gì mấy bạn hả. Mỗi khi bị người thân phê bình, ta thường đáp xẳng lại, "Tôi là như vậy đó. Tôi không thể đổi tánh mình được. That's the way I am!"
Nhưng chúng ta cũng thử nên nhìn lại xem mình thật sự là ai? Ta có phải là sự nóng tánh đó không? Ta có phải chỉ là những ham muốn đó thôi chăng! Mà nếu như ta không còn có những tánh đó nữa, ta có vẫn còn là ta không? Hay ta lại là một người nào khác?
Thật ra thì Phật dạy trong ta có đầy đủ hết tất cả: từ bi, sân hận, tha thứ, ganh tỵ, rộng lượng, si mê, tuệ giác... Ta là tất cả những cái đó chứ không riêng biệt một cái nào hết. Chúng là những hạt giống có mặt trong khu vườn tâm thức của mình. Và ta là người làm vườn chăm sóc cho khu vườn ấy.
Vấn đề là ta cần biết săn sóc và tưới tẩm những hạt giống nào trong ta. Có những hạt giống mang lại cho ta hạnh phúc và cũng có những hạt giống mang lại khổ đau, mà chúng biểu hiện ra bằng những tập quán và thói quen của mình. Mỗi hạt giống chỉ là một phần rất nhỏ chứ chúng vẫn không phải thật sự là ta. Sự tu học giúp ta thôi tưới tẩm những hạt giống xấu, bất thiện và nuôi dưỡng thêm những hạt giống của an lạc và hạnh phúc.
Mình không phải là một mà là nhiều. Ta không phải là không mà là tất cả. Sự sống của ta rất thênh thang. Và cũng vì ta không phải là một cái gì duy nhất và cố định cho nên ta lúc nào cũng có thể thay đổi được, chuyển hóa được. Chúng ta to tát hơn những vấn đề của mình, và chúng ta cũng rộng lớn hơn những khổ đau nào đang có mặt. Và đó mới là con người thật của mình.
Trích từ Hạnh phúc và con đường tu học – nguyễn duy nhiên