Hỏi: Kính thưa Thầy. Xin phép Thầy cho con được tham vấn vài điều thấy biết sơ sơ của con. Con thấy trên đời này sao con người chúng ta có nhiều cái nghiện quá Thầy nhỉ? Người thì nghiện xì ke ma tuý, nghiện rượu chè, cờ bạc, nghiện ăn, nghiện ngủ, nghiện chơi game online, nghiện chat, nghiện đi làm để mong kiếm cho được nhiều tiền, nghiện danh lợi thí dụ như làm này làm kia để được người ta khen và xem trọng. Nghiện tu, nghiện tìm hiểu, nghiện đạt được cái này đắc cái kia... Đại khái tất cả các nghiện ngập này đều do môi trường xung quanh tác động, cái thói quen huân tập, hành động lập đi lập lại không qua sáng suốt minh bạch biết mình (si) phải không thưa Thầy? Nên muốn thoát ra mấy cái nghiện ngập này thì mình phải bắt đầu trở lại nơi mình để khám phá ra sự dính mắc của các thói quen đó, và quán xét, sáng suốt minh bạch các hành động trên mới mong có sự hiểu biết về chúng cũng như thấy chúng tại sao sinh ra, tại sao thích thú? Chừng nào thấy được sự tai họa, khổ sở của chúng như thế nào may ra nhàm chán mà thoát khỏi chúng, phải không thưa Thầy? Xin Thầy cho chúng con vài lời dạy bảo về lãnh vực này. Chúng con xin cảm tạ Thầy rất nhiều ạ.
Trả lời: Nghiện xuất phát từ sự ham muốn dần dần trở thành thói quen và đã khắc thành "nề" trong tế bào thần kinh não cũng như đã bị tiêm nhiễm trong máu, cho nên người ta nói "có máu nghiện" là vậy. Theo một vài nghiên cứu mới đây thì nghiện có thể di truyền nhưng không phải từ cha mẹ mà từ kiếp trước, bởi vì một người mới sinh ra đã có sẵn máu nghiện mà cha mẹ thì không nghiện và người này về sau thế nào cũng sẽ bị nghiện, không nghiện chơi game hay ma tuý thì cũng nghiện tu sở đắc mà trở thành mê tín.
Một khi đã trở thành thói quen tập nhiễm thì gần như bị cơn ghiền sai khiến không còn tự chủ được nữa, lúc đó chỉ làm theo bản năng quán tính, hoặc cảm tính được lý trí hợp thức hoá bằng những lý do "chính đáng" để tự biện minh.
Nếu tự mình không thể vượt qua thói nghiện ngập thì chỉ còn cách dùng biện pháp cai nghiện mà thôi, nhưng cai lại đòi hỏi quyết tâm của người nghiện thì biện pháp mới hiệu quả. Đối với những người chỉ nghiện "cấp tính" tức là chỉ do một khủng hoảng tâm lý nào đó mà sinh nghiện ngập thì chưa thành "nề" hay chưa có máu nghiện thì chỉ cần trị liệu bằng tâm lý là được. Khi tâm lý của họ được giải tỏa thì họ quyết định bỏ nghiện dễ dàng hơn. Do đó chúng ta thấy có người bỏ nghiện dễ dàng mà có người lại hầu như không thể bỏ được. Con nói đúng, chỉ khi nào con nghiện đụng phải bức tường tai họa mới chịu dừng bước. Một người sau khi biết bị ung thư gan mới chịu bỏ rượu, chẳng hạn. Với người tu thì chỉ có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đúng mức mới may ra thoát khỏi sự chi phối của cơn ghiền mà thôi.