Không ai trên cõi đời này mà không có một ngày phải chết, vì vậy khi sống hãy làm lợi ích cho người khác và hãy tạo sự thanh bình cho thế giới xung quanh. Chết là tiếng gọi chung từ tử thần, là một định nghiệp chung và là mẫu số chung cho tất cả chúng ta. Nó nhắc chúng ta về bản chất phù du của mạng sống ngắn ngủi, nó bắt chúng ta phải suy nghĩ lại về con người chúng ta và nó cũng khuyên chúng ta rằng hãy sống có ý nghĩa hơn, đừng lãng phí thời gian theo những theo đuổi tầm thường, theo những hành động vô tích sự, những lời nói sáo rỗng, những bảo thủ ngu dốt, những sở hữu vật chất tầm thường... vì những cái này kết cuộc chỉ gây đau khổ cho chúng ta.Như chúng ta mất đi một người thân, thì đây chính là thảm kịch cho chính mình. Tuy nhiên sự mất mát đó cũng là một Đạo Sư vì đã dạy chúng ta rằng hãy sống thương yêu nhau hơn, tận tụy với nhau hơn và đừng mong cầu gì cho tự ngã cả. Sự mất đi một người thân nhắc cho chúng ta hãy tốt bụng, hãy rộng lượng, từ bi và hãy yêu thương, không những đối với người thân mình vì điều này rất dễ, mà hãy còn đối với những người đau khổ, sân hận, bủn xỉn... xung quanh, vì họ là những người đang rất cần những tâm hạnh cao thượng của chúng ta.
Mất đi một người bạn đang tu tập cũng là một sự đau khổ lớn. Đặc biệt khi sự mất mát này đến một cách bất ngờ và đầy thương tâm... Nhưng đó cũng là một lời dạy đầy giá trị đối với chúng ta.Vì cái chết đã cho chúng ta biết rằng khi linh hồn chúng ta đi ra khỏi thế giới này thì những sở hữu, những thành tựu, những danh tốt tiếng thơm đều trở thành vô dụng; chỉ có bản chất đạo đức con người mới còn tồn tại, chỉ có tính chính trực, lòng tốt, kiên nhẫn, trí tuệ và hy sinh hết lòng phục vụ người khác là còn mãi. Hãy tu tập những phẩm tánh cao thượng này, thì cái chết đến sẽ là một sự ra đi nhẹ nhàng, là một sự hoàn thành lớn, và không có gì để sợ hãi.
Ở Tây Tạng, khi nhiệt độ xuống thấp, băng tuyết trắng xóa bao phủ, lạnh như cắt da, người dân Tây Tạng hiểu rằng mạng sống của họ thật mỏng manh và liên tục bị hăm dọa dưới cái giận dữ của thiên nhiên... và rồi từ nhiều thế kỷ họ đã bắt đầu tu tập thiền định về cái chết. Tính tất nhiên của cái chết là đề tài trung tâm cho những buổi thiền quán đều đặn ở mỗi buổi sáng và chiều trong đời sống hàng ngày của họ. Tây Tạng có một câu châm ngôn:
"Nếu bạn không quán cái chết trong buổi sáng thì bạn sẽ bỏ phí ngày đó. Nếu bạn không quán cái chết trong buổi chiều thì bạn sẽ bỏ phí đêm đó."
"If you do not meditate on death in the morning, you will waste the day. If you do not meditate on death in the evening, you will waste the night."
Thông thường theo văn hóa phương Tây, người ta như thế nào đó ít dám nhìn vào thực tế của cái chết. Khi những con thú trở nên già, họ không giết chúng mà họ nói "hãy để cho chúng nó ngủ." Khi tôi làm việc ở viện dưỡng lão ở Kuakini, nếu có người chết, thì họ nói người đó đã "mãn hạn," giống như mãn hạn bằng lái xe của một tài xế già, về hưu. Và khi "mãn hạn" như thế, chúng tôi cũng không kịp gởi lời chào vĩnh biệt người chết, tức khắc tử thi được mang đến nhà xác để tránh xa cái nhìn và sự giao tiếp thế giới bên ngoài. Trong cách này, chúng tôi cũng khỏi phải tiếp cận với cái thấy về sự chết. Thái độ của chúng tôi trở nên sợ và phủ nhận: "Tôi là ai? Không có lý do gì để tôi phải suy nghĩ về cái chết. Tôi vẫn còn sống. Chết là một đề tài bi quan."
Chúng ta có thể thấy cái chết như là một sự hăm dọa mạng sống và cố để tránh nó dù rằng từ tâm khảm mình biết chắc chắn rằng chính mình sẽ đối diện với tử thần đó vào một ngày không xa.
Đức Phật đã từ bi phơi bày sự thật của cái chết cho các đệ tử mình. Trong khổ đế thứ nhất của bốn khổ đế, ngài đã dạy con người tất nhiên phải trải qua những đau khổ của sanh, già, bịnh, chết.... Con người phải nên đối mặt với những vấn đề này một cách thật tình và hãy nỗ lực tìm ra giải pháp thoát khổ cho chính bản thân mình. Quán sát về cái chết không phải để làm phiền muộn chúng ta, mà để giúp chúng ta nhớ rằng chết là một cái không thể tránh được và khuyến khích chúng ta sống có ý nghĩa hơn và trọn vẹn hơn. Nếu chúng ta không quán cái chết và tính tất nhiên của nó, chúng ta sẽ không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ trở nên mất chánh niệm khi cái chết đến, nhất là đến với người thân trong gia đình, bạn bè hay chính bản thân chúng ta. Vì vậy hãy chuẩn bị hành trang tâm lý cho một cái chết thanh bình. Nếu chúng ta để đời sống của chúng ta chạy theo vật chất thì chúng ta sẽ chết trong lo âu và tiếc nuối. Ngược lại nếu chúng ta sống hết lòng phục vụ mọi người với tấm lòng từ bi thì chúng ta có thể chết với tâm an ổn, hạnh phúc.
Tóm lại, phương pháp tốt nhất chuẩn bị cho sự chết là hãy sống một đời sống tận tụy phục vụ con người với trọn vẹn lòng thương yêu của mình, dù rằng liệu chúng ta có tin là có đời sau hay không?
Death: A Gift, a Teacher- Karma Lekshe Tsomo
Lệ Tâm dịch
Theo tuhieuminh.blogspot