Nếu ta có can đảm nhìn vào chính mình một cách chân thật ta sẽ thấy cả những khuyết điểm lẫn sự tốt đẹp căn bản của mình mà truyền thống Phật giáo thường gọi là Phật tánh. Carolyn Rose Gimian nói rằng đây là nền tảng cho tình yêu thương thực sự đối với tha nhân.
Sự bất như ý: Mick Jagger và Keith Richards đã viết một ca khúc về đề tài này: “I Can’t Get No Satisfaction, Tôi không thể hài lòng”. Điều chúng ta muốn thì không thể nhìn thấy được, không thể với tới được, nhưng luôn ở trong tâm trí ta. Chúng ta thường tự nhủ: Tôi sẽ ổn nếu… nếu internet không bị hư, nếu tôi có thể tìm được ai đó quét dọn cái sân cho tôi, nếu người hôn phối của tôi không quá bận rộn với công việc, nếu công việc của tôi thú vị hơn, nếu tôi có thể giảm bớt 10 cân, nếu thời tiết tốt hơn, nếu tôi có nhiều tiền hơn. Toàn là nếu thế này, nếu thế nọ…
Bây giờ cứ giả sử rằng bà tiên nhân từ của bạn hiện đến trong một luồng ánh sáng và giải quyết mọi chuyện đâu vào đấy cho bạn: đường truyền internet có tốc độ nhanh một cách lạ lùng; một ông làm vườn xuất hiện và đề nghị quét dọn cái sân cho bạn; người hôn phối bạn tạm thời dẹp công việc qua một bên và đưa bạn đi Paris chơi; bạn được thăng chức một cách hấp dẫn; bạn không những sụt được 10 cân mà sự trao đổi chất trong con người bạn thay đổi và bây giờ bạn có thể ăn bất cứ món gì bạn muốn,… và những chuyện đại loại như vậy Bây giờ bạn thỏa mãn chưa? Nào, bạn thỏa mãn chưa? Tôi không nghĩ bạn đã thỏa mãn.
Tuy vậy việc bạn chưa thỏa mãn là một thông tin tốt. Thực ra đó là thông tin tốt nhất. Nếu bạn vẫn còn chưa thỏa mãn, cho dù khi bạn đã có được những điều bạn nghĩ là bạn muốn, thì có thể bạn sẽ chợt nhận ra rằng bạn sẽ không tìm được sự thỏa mãn chỉ bằng cách thay đổi những sự việc bên ngoài bạn, hoặc ngay cả bằng cách thay đổi một điều gì đó bên trong bạn. Nếu bạn nghĩ rằng có vẻ như việc tìm kiếm sự thỏa mãn hoàn toàn rốt cục là vô ích, có thể bạn sẽ thấy rằng bạn cần phải làm bạn với cuộc đời mình như nó vốn thế và làm bạn với chính mình như mình vốn thế. Thứ tình bạn này dựa trên sự cởi mở, chân thật và chấp nhận. Đây là thứ tình bạn vô điều kiện.
Tình bạn vô điều kiện với chính chúng ta sau rốt sẽ ảnh hưởng đến tình bạn của chúng ta đối với những người khác, giúp cho chúng ta mở lòng mình ra với người khác một cách chân thật. Nhưng nó bắt đầu bằng việc giải tỏa sự nhiệt tình và ân cần trong chính chúng ta, cho chính chúng ta.
Một tình bạn với chính mình mà không có điều kiện gì cả có nghĩa là bạn thực sự hài lòng với chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều lúc, bạn có thể cảm thấy rằng bạn đã hài lòng với chính mình rồi. Tuy nhiên, giả sử bạn ở một mình trong một căn phòng trong một thời gian lâu, không có điện thoại, không có gì để đọc, không có gì để làm, và cũng không biết được khi nào sẽ có thể ra khỏi cái phòng đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể là bạn sẽ bắt đầu thấy rằng bạn không thoải mái ở với riêng một mình mình. Bạn có thể cảm thấy lo âu, sợ hãi, bực tức; bạn có thể ngủ hoặc bạn có thể nổi khùng. Trong truyền thống Phật giáo, người ta thường dùng sự so sánh tương đồng giữa kinh nghiệm tự ngã với một con khỉ bị kẹt trong một căn nhà trống. Con khỉ ích kỷ và tự mãn nhảy bổ vào tường rồi dội ra, cảm thấy bị nhốt và cố gắng để thoát ra. Nó nghĩ nó bị giam trong ngôi nhà và không hề biết rằng chính nó đã tạo ra nhà giam này. Nó cũng không hề ý thức được rằng nó như vậy là thực sự ổn rồi.
Bạn và tôi có thể không khác gì mấy anh chàng khỉ đó. Chúng ta bỏ ra rất nhiều thời gian của cuộc đời mình cố gắng để chắc chắn mình không bị mắc kẹt hoặc cố gắng để không bị sa lầy. Nói một cách ẩn dụ là chúng ta cố gắng để rốt cục chúng ta không phải ở một mình trong căn phòng trống trải đó. Chúng ta lấp đầy không gian với những hoạt động, những cuộc hẹn, những hình ảnh tưởng tượng, những tham vọng, những dự án. Nhất là trong thế giới vội vã, đầy hấp dẫn này của chúng ta, chúng ta cảm thấy không thoải mái khi có nhiều khoảng trống và nhiều im lặng quá.
Nhiều người trong chúng ta, những con khỉ rất mực hiện đại, có điện thoại thông minh, internet tốc độ cao, máy tính bảng. Với rất nhiều đồ dùng và nhiều chuyện để tìm kiếm trên Google thì sống đơn giản có thể không còn được xem là một đức tính tốt nữa. Nhưng làm bạn với chính mình không phải là làm một con khỉ chống đối lại sự thay đổi về công nghệ. Chúng ta sống trong thế giới như nó vốn vậy và thế giới này bao gồm công nghệ và tiện ích. Đã chấp nhận như vậy rồi thì làm bạn với chính mình là tạo ra một khoảng không gian trong đời sống, cho phép mình ở yên trong không gian trống rỗng đó để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đây là sự thừa nhận rằng chúng ta đã quen thuộc với căn phòng trống này rồi – rằng đây là một môi trường tự nhiên chứ không phải là một điều gì áp đặt lên chúng ta, và là một chỗ tốt để bắt đầu. Thoạt tiên, ở yên với một mình mình, không có gì để giải trí thì nghe có vẻ khó chịu và buồn chán lắm. Tuy vậy nó cũng không phải là uổng công vô ích, vì mặc dù con khỉ có nhiều thú vui giải trí, có nhiều sự thăng tiến và nhiều của cải đắt giá, nó vẫn cô đơn.
Dẫu sao đi nữa nó chỉ là một con khỉ nhỏ buồn bã. Nó muốn thực sự tiếp xúc với đời, thậm chí có thể là với một bạn tình. Xét về mặt tài sản, của cải của nó và tất cả những việc nó làm thì có vẻ như là nó đã tiếp xúc trọn vẹn với cuộc đời. Nhưng chẳng hiểu sao con khỉ vẫn cảm thấy trống rỗng và cô độc. Trong tình huống này, bạn có thể tự hỏi. “Tôi không chỉ muốn gởi tin nhắn cho bạn tình của tôi, đúng không? Tôi không muốn thực sự hôn bạn tình của tôi sao? Nhưng làm sao tôi có thể thực sự làm bạn với một ai đó nếu tôi không làm bạn với chính mình trước?”.
Có nhiều cơ hội khác nhau để làm bạn với chính mình. Hầu hết những cơ hội đó đều đòi hỏi phải có một khoảng trống trong cuộc sống hàng ngày của bạn, một cái gì đó có vẻ như khác với bình thường. Nhiều cơ hội đó đòi hỏi phải có sự im lặng và tình trạng cô độc. Do đó, một lần nữa, chúng ta lại ở trong một căn phòng trống. Nhưng thay vì chiến đấu với khoảng không mà càng chiến đấu thì khoảng không lại được củng cố thêm, chúng ta khám phá khoảng không đó. Để làm chuyện này, chúng ta dùng một phương cách như ngồi thiền chẳng hạn. Đây là một phương tiện rất hữu hiệu để tìm hiểu chính mình, để giới thiệu mình với chính mình. Thiền định là một sự rèn luyện trí óc, một kỹ thuật để vượt lên trên kỹ thuật. Bạn ngồi xuống trên một tấm đệm hay trên một cái ghế và chỉ cần trải nghiệm chính mình: thân thể mình, hơi thở của mình và những ý nghĩ của mình. Bạn chỉ ngồi đó, rất đơn giản.
Trong thiền định, có nhiều khía cạnh giúp ta thiết lập tình bạn với chính mình. Một trong những khía cạnh đó là sự tỉnh thức. Tỉnh thức là theo dõi suy nghĩ và tình cảm của mình khi ngồi đó, không phán xét. Không có chuyện tốt hoặc xấu. Cứ để mọi chuyện xảy ra. Tỉnh thức, ngoài những tác dụng khác, còn có tác dụng làm tinh thần người ta ổn định và an bình. Sự hoang mang sợ hãi của cuộc sống hàng ngày và những sự mong cầu đè nặng trên cuộc sống có thể lắng dịu xuống. Nó giúp cho ta khuây khỏa nhẹ nhàng vô cùng. Sự tỉnh thức được gọi là sự khám phá niềm an lạc.
Tìm thấy được sự an bình trong việc thực hành thiền định đòi hỏi chúng ta phải chậm lại. Về mặt thể chất, bạn gọi đó là một sự dừng lại. Bạn neo đậu cơ thể mình một nơi nào đó, và bạn tiếp tục ở yên đó. Tâm của bạn vẫn còn chạy nơi này nơi khác một thời gian, có thể là một thời gian lâu, nhưng bạn ý thức là tâm mình đang chạy. Ý thức đang ở trong một không gian rộng lớn hơn, nhận biết rõ rằng chung quanh tư tưởng và tình cảm của chúng ta luôn luôn có một môi trường. Khi bạn bắt đầu cảm thấy được cái không khí đó thì bạn sẽ có cả sự thông minh sắc sảo lẫn sự thư giãn thoải mái. Bạn bắt đầu nhìn thấy sự vật một cách chính xác hơn và trí thông minh bẩm sinh của bạn bắt đầu được đánh thức.
Nguyên tác: The Path of Love: Loving Ourselves, The Buddha in the Mirror
Nguồn: Shambhala Sun, số tháng Chín 2011
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 140 | CAROLYN ROSE GIMIAN – NGUYỄN VĂN NGHỆ dịch