Bàn về tư tưởng Phật giáo trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Phật giáo cho đến nay vẫn có một sức sống mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và dân tộc. Ở Trung Quốc, việc lưu truyền sớm và phát triển liên tục đã tạo nên sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đối với nền văn hóa tinh thần của Trung Quốc, trong đó có văn học – nghệ thuật.
Do vậy, thử nhìn sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, một trào lưu văn học đã tạo nên cơn sốt vào những năm 60-70 của thế kỷ trước chắc chắn sẽ cho người đọc nhiều bất ngờ.
Ai cũng biết rằng, Phật giáo không chỉ có một địa vị quan trọng trong các tôn giáo trên thế giới mà nó còn cấu thành nên một bộ phận hữu cơ của văn hóa Trung Quốc. Phật giáo truyền sang Trung Quốc từ Lưỡng Hán, dung hợp với nền văn hóa Trung Nguyên dần dần đã hình thành nên một tôn giáo mang nhiều đặc sắc Trung Quốc.
Do quá trình hình thành lâu dài, tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Quốc. Trong đó, sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến văn học cũng rất lâu dài và to lớn.
Không chỉ rất nhiều những giáo nghị, kinh điển, kinh văn,… (vốn được coi là những hình thức khác nhau của văn văn học) mà đơn giản như một câu chuyện ngụ ngôn của Phật giáo, những tác phẩm văn học mang triết lý Phật giáo (như Tây du ký hay Hồng lâu mộng) đều là những tác phẩm mang màu sắc Phật giáo rất phổ biến trong lịch sử văn học Trung Quốc. Chúng đều có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, tư tưởng cũng như cuộc sống của con người Trung Quốc.
Bên cạnh đó, văn hóa hiệp nghĩa trong các tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc cũng là một lưu phái rất quan trọng. Tới những năm 60-70 của thế kỷ XX đã đạt tới đỉnh cao mới. Trong đó, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong mà cả ngoài nước.
Do đó thử nhìn những ảnh hưởng của Phật giáo trong tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nói riêng chắc chắn sẽ cho chúng ta những khám phá thú vị.
Trung Quốc và truyền thống tiểu thuyết võ hiệp
Là loại nhân vật có giá trị đặc biệt trong xã hội Trung Quốc cổ đại, hiệp khách, ngay từ thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc đã hoạt động rất mạnh. Tới đời Tống, một trong tứ đại kỳ thư - Thủy Hử - là tác phẩm khơi dòng cho tiểu thuyết anh hùng truyền kỳ, đồng thời cũng đã đặt nền móng cho nghệ thuật tư tưởng và quy mô sáng tác của tiểu thuyết võ hiệp thời Minh Thanh.
Thời Minh Thanh, tiểu thuyết võ hiệp thịnh hành chưa từng có, đánh dấu sự trưởng thành của một loại sáng tác cận văn học (hay còn gọi là văn học thông tục). Trong thời gian đó những Nữ nhi anh hùng truyện, Hiệp nghĩa phong nguyệt truyện, Tế Công truyện… đều được lưu truyền rộng rãi. Bản thân thể loại tiểu thuyết võ hiệp cũng xuất hiện nhiều biến hóa khác nhau.
Việc phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc được nhiều người giải thích là do nguyên nhân tâm lý:
“Người Trung Quốc rất có thiện cảm với tinh thần hiệp nghĩa của văn hóa dân gian. Đồng thời, tiếp nhận những thể nghiệm tâm lý của sự tự do tự tại của hiệp khách Trung Quốc giúp họ bù lấp về mặt tình thần nhu cầu tự do của mình.
Do tinh thần võ hiệp chính là một loại “vô thức tập thể” của người Trung Quốc nên không chỉ gợi dậy tâm lý phục cổ đối với tính quả cảm của dân tộc Trung Quốc mà còn giúp cho người tiếp nhận đạt được đến cảm giác siêu thoát của tự do. Đây chính là cơ sở tâm lý khiến cho tinh thần hiệp nghĩa luôn có ảnh hưởng sâu sắc không hề suy giảm trong tầng sâu tâm lý của người Trung Quốc”.
Tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc tuy nói là hình thành từ thời cổ đại nhưng thực chất chỉ hưng thịnh khoảng 200 năm trở lại đây. Cuối đời Thanh, xuất hiện Tam hiệp ngũ nghĩa cho đến Nhi nữ anh hùng truyện… là những đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp thời cận đại. Sau thời Dân quốc, Bình giang bất tiêu sinh, Hoàn Châu lầu chủ, Vương Độ Lư,… là những tên tuổi tạo nên đỉnh cao thứ hai của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc.
Thời đại thứ 3 là những người sáng tác vào những năm 50 của thế kỷ trước bao gồm những tên tuổi như Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long… Các tác giả này gây nên những cơn sốt thực sự trong công chúng. Ảnh hưởng của họ vượt ra khỏi phạm vi Trung Quốc sang cả Đông Nam Á, thậm chí là Âu Mỹ. Trong đó Kim Dung được coi là bậc “võ lâm minh chủ” của những tác giả võ hiệp.
Ông không chỉ là niềm mong đợi của các tác giả võ hiệp thế hệ thứ 3 mà điểm mặt toàn thể sự phát triển của tiểu thuyết võ hiệp, không thể tìm được người thứ 2 thành công như ông.

Phật giáo và tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa

Phật giáo trong văn hóa Trung Quốc không chỉ là một tôn giáo đơn thuần mà là một triết học. Trong văn hóa tinh thần Trung Quốc, nó tạo thành một bộ phận cực kỳ trọng yếu, là một viên ngọc quý trong di sản văn hóa của người Trung Hoa. Phật giáo không chỉ là tinh túy, là nguồn mạch trọng yếu được kế thừa từ đời này qua đời khác trong đời sống tinh thần của các văn nhân học giả mà còn là yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của dân gian.
Phật giáo hình thành từ thế kỷ VI TCN ở Ấn Độ, ra đời như một trào lưu chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp rất hà khắc khi đó. Nhưng sau đó, nhờ tư tưởng bình đẳng của nó, Phật giáo đã nhanh chóng tìm được sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Ấn Độ mà rất nhiều nước ở châu Á khác. Đời Lưỡng Hán, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc.
Sau đó, nhanh chóng kết hợp với tư tưởng bản địa sản sinh ra Thiền Tông, Thiên Đài Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Tĩnh Thổ Tông, Luật Tông, Mật Tông, Tam Luân Tông bao gồm 8 tông phái lớn.
Chính vì Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với người Trung Quốc nên “duyên phận” của tôn giáo này với văn học là chuyện không thể nghi ngờ. Ngoài việc dùng lời trong kinh Phật, hay Phật kệ là những thể loại văn học Phật giáo thì từ xưa tới nay những tác phẩm mang màu sắc Phật giáo, thể hiện tư tưởng Phật giáo là không ít.
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung rất phong phú, bao gồm những vấn đề của văn hóa truyền thống Trung Hoa trong đó có không ít những tư tưởng tôn giáo. Phật giáo cũng không ngoại lệ, thậm chí có thể nói là tôn giáo có ảnh hưởng khá lớn đến tư duy tự sự tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Tuy nhiên, không phải Kim Dung biến tiểu thuyết thành những cuốn lý luận Phật giáo mà chỉ mang được tư tưởng với bộ phận lý luận Phật giáo. Do đó chỉ có thể nói đến màu sắc Phật giáo trong tiểu thuyết của Kim Dung mà thôi.
Ảnh hưởng của Phật giáo đến tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung – những biểu hiện tổng thể
Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tiểu thuyết Kim Dung thể hiện ở nhiều cấp độ: Cấp độ thứ nhất thể hiện ở việc ông trích dẫn hoặc sử dụng rất nhiều khái niệm bắt nguồn từ sách kinh Phật trong tác phẩm của mình. Thứ hai là tiểu thuyết của ông thể hiện tư tưởng mang màu sắc Phật giáo.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung xuất hiện tên rất nhiều bộ kinh Phật, chẳng hạn như Đại Khánh Nghiêm luận kinh trong Anh hùng xạ điêu, Phật thuyết mẫu lộc kinh trong Thần điêu đại hiệp, Kim cương kinh trong Ỷ thiên đồ long ký, Diệu pháp liên hoa kinh trong Tiếu ngạo giang hồ…
Ngoài ra, rất nhiều chiêu thức võ công trong tiểu thuyết của Kim Dung bắt nguồn từ kinh Phật. Chẳng hạn như: Bát trận bát quái chưởng, Đại cửu thiên thủ, Kim cương chưởng, Giáng long thập bát chưởng, Cửu âm bạch cốt trảo, Niêm hoa chỉ, Vô tướng kiếp chỉ, Tịch diệt trảo, Bát nhã kim cương chưởng, Đạt ma kiếm pháp, Đại từ đại bi thiên diệp thủ, Tiểu vô tướng công, Thiếu lâm cầm nã thập bát đả, Kim cương phục ma công,…
Từ đó có thể phân chia làm 4 loại chính: Một loại liên quan đến các khái niệm triết học của tôn giáo như huyền, nguyên, khí, thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, càn khôn, ngũ hành, thất thương, vô tướng, vô vọng, từ bi, tịch diệt, bát nhã,…
Một loại khác liên quan đến kiến trúc, địa danh, tổ chức lưu phái của tôn giáo chẳng hạn như: Thiếu lâm, Võ đang, Hoa sơn, Thiên trúc,… Một loại nữa liên quan đến các nhân vật tôn giáo như Phật, Như Lai, Thích Ca, Đạt Ma. Loại cuối cùng liên quan đến tư tưởng triết học tôn giáo như Tam độc, Nghiệp chướng, Danh tướng, Nhân quả,…
Ngoài ra, tư tưởng Phật giáo tồn tại khắp trong các chi tiết của tiểu thuyết Kim Dung. Chẳng hạn như trong Thiên long bát bộ, nhân vật Hư Trúc khi uống nước vẫn đọc kinh Phật: “Phật nhìn một bát nước, 8 vạn 4 ngàn con vi trùng. Nếu không giữ lời chú này, thì không khác gì ăn thịt chúng sinh”.
Hay như trong Tuyết sơn phi hồ, Liên Hồ Phỉ đối với tình yêu của Viên Tử Y cũng dùng khái niệm của Phật giáo để kết luận: “Toàn bộ chuyện ân ái thường không tồn tại lâu dài. Trên đời có nhiều điều phải sợ sệt, mệnh nguy cũng đã sớm lộ ra rồi. Vì tình mà sinh ưu sầu, vì tình mà sinh sợ hãi. Không bằng bỏ ái tình, không lo cũng không sợ”.
Phật giáo cho rằng, cuộc đời con người sinh ra đã là nghiệp, do vậy phải chịu nhiều nỗi phiền muộn, nhưng cơ bản có thể phân chia làm 3 loại là tham, sân và si.Đó là ba thứ gốc rễ gây nên phiền muộn của con người, khiến con người không được giải thoát, nên gọi là tam độc, cũng gọi là tam cấu (ba thứ dơ bẩn) hay tam hỏa.
Tham bắt nguồn từ cách dịch ý của từ Raga trong tiếng Phạn. Chỉ tham lam, ham muốn. “Tham lam tài vật thì gọi là tham”. Bao gồm loại người tham lam quyền lực, tiền bạc, danh tiếng, địa vị, tình nghĩa, nghệ thuật,… Nói cách khác là loại người muốn hưởng lạc và chiếm hữu.
Sân bắt nguồn từ ý của từ Pratigha trong tiếng Phạn. Chỉ tâm lý thù hận hay muốn làm tổn hại người khác. Trong Đại thừa ngũ uẩn luận nói: “Thế nào gọi là sân? Đó là lấy việc làm tổn hại người khác làm vui”. Sân bao gồm những loại người mang tâm lý thù hằn, đố kỵ, báo thù hay muốn làm hại người khác.
Si cũng bắt nguồn từ chữ Phạn là Moha hoặc Mudha. Tức là sự ngu muội vô tri, không biết việc gì. Cũng gọi là vô minh (bắt nguồn từ Avidya trong tiếng Phạn), cũng có gọi là hoặc (nghi hoặc) hay ngu hoặc.
Theo cách nhìn của Phật giáo thì chính vì sự tham dục này mới sản sinh ra sản phẩm văn minh xã hội (gồm vật chất và tinh thần). Vì thế, Phật giáo cho rằng văn minh xã hội là không thuần khiết, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội ác. Do đó, việc con người theo đuổi những dục vọng chính là một sự ngu dại. Chính vì vậy, tham, sân, si mới được Phật giáo coi là “tam độc” (ba thứ gây hại).
Trong các tiểu thuyết của Kim Dung chủ yếu chú ý đến câu chuyện của loại người đầy tham dục này. Đó là loại người theo đuổi quyền lực, thanh danh của những vương vị, giáo chủ, chưởng môn, võ lâm minh chủ hay thiên hạ đệ nhất hay tham lam mỹ nữ và ái tình…
Cho nên, hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp đều là những câu chuyện ân oán giang hồ theo dạng: “gặp họa diệt môn – gặp cao nhân truyền thụ - thành nghệ xuống núi báo thù – cơ duyên trùng hợp, gặp được bảo đao, bảo kiếm hay võ công bí kíp, gặp được mỹ nhân”…
Như thế, tam độc nhân sinh cũng chính là mô thức tự sự của tiểu thuyết võ hiệp. Trong tiểu thuyết Kim Dung, chủ yếu là biểu hiện tham, sân, si đối với tiền bạc, địa vị, thanh danh, và quyền lực.



Chẳng hạn như nhân vật Càn Long trong Thư kiếm ân cừu lục vốn không phải là kẻ đại gian đại các, bất trung bất nghĩa nhưng lại là người theo đuổi tiền bạc, thanh danh, địa vị, quyền lực. Ông ta cho rằng bản thân mình không phải là dòng dõi Mãn tộc cũng đủ thấy lòng trung của ông ta đối với cha mẹ và dân tộc mình. Nhưng khi ông ta giành được quyền lực và địa vị thì ngay lập tức thay đổi, không chỉ quay ra tàn sát hàng loạt những đồng bào của mình mà còn lập mưu tiêu diệt tận gốc đối với Trần Gia Lạc, hội trưởng Hồng hoa hội, trở thành kẻ bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa.
Hay như Thành Cát Tư Hãn trong Thần điêu đại hiệp hay Gia Luật Hồng Cơ trong Thiên Long bát bộ đối với Quách Tĩnh và Tiêu Phong đều coi là người bạn, đàn anh có tình có nghĩa nhưng đối với người dân họ lại là kẻ làm chính trị, rất vô tình vô nghĩa. Họ chiếm thành, giết dân, coi người dân như cỏ rác. Họ có thể nói đều là những kẻ nô lệ của quyền lực, thanh danh và địa vị.
Đó là với những bậc vua chúa thành công, còn đối với những kẻ bị ức hiếp bên dưới, sự tham lam đối với quyền lực địa vị lại càng là vô hạn. Kẻ thất bại biến thành giặc cỏ như Lý Tự Thành trong Bích huyết kiếm hay kẻ đi đến thành công trở thành đấng quân vương như Chu Nguyên Chương trong Ỷ thiên đồ long ký đều là loại người tham lam quyền lực.
Cho nên những kẻ này bao giờ cũng từ một lãnh tụ nghĩa quân cứu dân khỏi cơn nước lửa biến thành kẻ cướp đoạt chính quyền, tác oai tác phúc với thiên hạ, từ kẻ giúp thiên hạ thoát khỏi thống khổ biến thành kẻ tạo ra thống khổ cho thiên hạ.
Do đó có thể thấy, sự tham lam đối với quyền lực, địa vị, thanh danh chính là tính chất chung của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến. Trong việc theo đuổi quyền lực và địa vị, họ đều dùng thứ logic cường đạo của chính trị: Thiểu số phải phục tùng một cách vô điều kiện đa số, cấp dưới phục tùng vô điều kiện cấp trên từ đó mà “hợp pháp hóa” lòng tham của cá nhân mình thành công việc mang lại lợi ích cho trăm dân, để trở thành “cứu tinh” của nhân dân đang lầm than.
Trong giới giang hồ, nhân vật Đoàn Diên Khánh trong Thiên Long bát bộ cả đời theo đuổi vương vị, hay Đinh Xuân Thu (Thiên Long bát bộ) cho đến Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành (Tiếu ngạo giang hồ) đều theo đuổi ngôi vị võ lâm minh chủ, thiên hạ đệ nhất.
Lòng tham dục này theo lý thuyết Phật giáo có mối liên thông chặt chẽ với tinh thần con người. Lòng người đầy tham dục thì thế giới tinh thần bao giờ cũng đại gian đại ác. Vì thế mà Đoàn Diên Khánh trở thành một trong tứ đại ác nhân, hiệu xưng là “Ác quán mãn doanh” (Tội ác khắp nơi), Đinh Xuân Thu trở thành “Tinh túc lão quái”, mối họa của giang hồ…
Ngoài ra, những người lãnh tụ nghĩa quân phản Thanh, phục Minh như Trần Gia Lạc hội chủ của Hồng hoa hội trong Thư kiếm ân cừu lục hay Trần Cận Nam hội chủ Thiên địa hội, từ giác độ nhân bản và phát triển của Phật giáo mà nói, thì không khác gì nhiều so với cuộc đấu tranh phục quốc của cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục trong Thiên Long bát bộ, đều bắt nguồn từ sự tham lam đối với thanh danh.
Bởi vì, thực tế, quốc gia dân tộc không ngừng có những biến động và phát triển. Vì thế việc theo đuổi một hình thái quốc gia, dân tộc đã là quá khứ là việc làm hoàn toàn vô vọng. Đó thực tế chỉ là cái cớ để họ theo đuổi lòng tham thanh danh và quyền lực của mình mà thôi.
Trở lên là những kẻ tham, sân, si đối với quyền lực, thanh danh. Phật giáo còn khuyên con người không tham, sân, si ngay cả trong tình yêu nam nữ. Vì vậy mới có những trường hợp như: Nam Lan trong Tuyết sơn phi hồ, dưới trăng trước hoa nghe những lời dụ dỗ ngọt ngào đã vứt bỏ đứa trẻ còn quấn tã; Mã Xuân Hoa trong Phi hồ ngoại truyện cũng vì như vậy mà làm mất tính mạng của bản thân và vị huynh đệ thiện lương của mình; Lý Mạc Sầu trong Thần điêu đại hiệp bởi vì thất tình mà thành ma, tàn sát người vô tội; Khang Mẫn trong Thiên Long bát bộ cũng vì không tình yêu của mình đối với Tiêu Phong không được đền đáp cũng gây nên tai họa lớn trong giới võ lâm… Tất cả những trường hợp này đều là không thoát khỏi sự ngu muội, vô minh của tình yêu nam nữ mà nhận lấy kết cục rất bi thảm.
Như vậy có thể thấy, Phật giáo từ khi truyền vào Trung Quốc đã ăn sâu trong tâm thức và trở thành một bộ phận cơ hữu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân của quốc gia này.
Sự ảnh hưởng của Phật giáo đến tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, trên nhiều cấp độ có thể cho thấy một biểu hiện quan trọng của những ảnh hưởng to lớn của Phật giáo đến đời sống văn hóa của người Trung Quốc trong xã hội hiện đại.
Sự ảnh hưởng của những quan niệm Phật giáo đối với tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là điều không còn phải bàn cãi. Điều quan trọng vẫn là, tư tưởng đó đã thâm nhập vào kết cấu, chủ đề thậm chí từng chi tiết của mỗi tác phẩm, tạo nên những bài học nhân sinh sâu sắc.
Đó chính là lý do tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, trong một thời gian dài đã trở thành “cơn sốt” trong sinh hoạt tinh thần của người Trung Hoa.
Hiệp khách hành – dùng võ công thể hiện quan niệm Phật giáo
Năm 1977, trong một bài viết của mình Kim Dung từng nói: “Gần đây, đọc nhiều kinh Phật, vì thế có ý muốn bác bỏ những luận giải sai lầm (của các học giả). Tôi nghiệm ra rằng “vô trước”(không viết), “vô vãng” (không hướng đến), “vô tác”(không làm), “vô nguyện”(không có ý định gì), như thế thì nhìn xấu cũng không thể mà nhìn tốt cũng không. Kinh Kim Cương từng có câu rằng: “Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng” (phàm đã có tướng, đều là hư vô cả) cũng là có ý như vậy”.
Dựa vào sự ý đồ sáng tác ở trên, Kim Dung sáng tạo nên Hiệp khách hành. Tác phẩm này xoay quanh một bộ tuyệt học võ lâm được khắc trên vách các động của đảo Hiệp khách. Sau khi những tuyệt học này được Long, Mộc phát hiện, đã rất say mê dịch chúng. Nhưng càng giải thích, chú giải thì sự rắc rối càng nhiều, càng khó lý giải. Đó chính là “càng nghĩ thì càng hồ đồ, càng giải thích càng mù quáng”.
Hai người đã tìm một người thông minh để giúp họ giải mã nhưng cũng không được. Họ cũng đã nghĩ đến việc nhận đệ tử, mong có một người đủ tài trí để giúp họ hóa giải cũng vô vọng. Cuối cùng họ nghĩ ra cách thỉnh giáo hai cao nhân của võ lâm đã ẩn cư hơn 10 năm là Diệu Đế đại sư của Thiếu Lâm Tự và Ngu Trà đạo trưởng của núi Võ Đang nhưng rốt cục vẫn uổng phí tâm sức. Hai người chỉ còn cách mời các chưởng môn cứ 10 năm đến đảo 1 lần để thảo luận, tìm cách lý giải bài thơ trên vách đá.
Năm này qua năm khác, người đến càng nhiều, nhưng không có ai có thể lĩnh hội được bộ tuyệt học đó. Cuối cùng, duy chỉ có một người vô danh, vô tính, vô tri, vô thức, vô dục, vô cầu, anh ta đến đảo không nhằm mục đích phá giải những võ lâm tuyệt học đó lại phá giải được. “Cẩu tạp chủng” giải mã được Thần công hiệp khách hành chính là nhờ sự “vô tướng” (“vô nhân tướng”, “vô ngã tướng”, “vô chúng sinh tướng”), “vô tham” của anh ta.
Trong Phật học, “tướng” dùng để chỉ hình trạng và bản chất của hiện tượng, cũng dùng để chỉ khái niệm và biểu tượng trong nhận thức, tức “danh tướng”. “Vô tướng” là sự đối lập với “hữu tướng”, chỉ sự siêu thoát khỏi thế tục mới đạt đến độ nhận thức được chân như thực tướng. Ngoài câu Kim Dung đã nói, Kinh Kim Cương còn viết: “Ly nhất thiết chư tướng, tắc danh chư Phật” (dời bỏ được tất cả tướng thì có thể gọi là Phật).
Ma Kha Bát Nhã Mật Kinh – Thán Tịnh Phẩm cũng viết: “Chư pháp tính phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại bất khả thủ tướng, bất khả duyên, bất khả kiến, bất khả giác, bất khả tri, bất khả hồi hướng… bất khả dĩ tâm chi cố” (Bản tính của chư pháp là không có quá khứ, không có tương lai, không có hiện tại, không thể nắm bắt hình trạng, không có nguyên nhân, không thể thấy, không thể cảm giác, không thể nhận biết, không thể quay lại… cũng không thể dùng tâm mà làm ra được). Do đó, “vô tướng” cũng chính là “pháp tính”, là “niết bàn”. Quyển thứ 30 của Niết bàn Kinh cũng nói: “Niết bàn danh vô tướng” (Niết bàn tên gọi là vô tướng).
Trong quan niệm của Thiền Tông Trung Quốc cũng coi vô tướng chính là một nội dung quan trọng. Kinh Đàn cũng từng nói: “Ngoại ly nhất thiết tướng, danh vi vô tướng, năng ly vu tướng khước pháp bản thanh tịnh” (Bên ngoài dời bỏ tất cả tướng, gọi là vô tướng; có thể dời ở tướng, tức là pháp thể đã thành tịnh rồi).
Ngược lại, trong Phật học, phàm những gì có thể nắm bắt, tri nhận được đều gọi là “hữu tướng”. Trong Đại nhật kinh sơ viết: “Khả kiến khả hiện chi pháp, khước vi hữu tướng. Phàm hữu tướng giả, giai thị hư vong” (Pháp mà có thể nhìn, có thể hiện ra thì gọi là hữu tướng. Phàm những thứ hữu tướng, đều là hư vô cả).
Như thế, những hiệp khách trên đảo đều lý giải sai đối với Thần công hiệp khách hành rõ ràng đều là cách làm chỉ nhìn thấy hữu tướng. Họ hoặc cố chấp câu nệ trong cách đọc đối với Hiệp khách hành, hoặc do quá chú ý đến những bẫy ngôn từ của lời chú mà dẫn đến vọng tưởng đối với bộ thần công này. Vì thế, một kẻ như Cẩu tạp chủng, không hề biết chữ, vô tri, vô thức xem không hiểu những chú giải, cũng không hiểu gì bài thơ gốc vì thế mà không gặp phải sự đánh lừa của người sáng tạo ra bộ thần công này, cuối cùng đã nắm bắt được ý nghĩa bản nguyên của bộ thần công này.
Đồng thời việc lĩnh hội thần công của Cẩu tạp chủng còn là vì sự vô tham của anh ta. Anh ta đến Hiệp khách đảo hoàn toàn không có mục đích gì, ngay cả việc đọc Hiệp khách hành cũng cũng là hành vi không tự giác, không mục đích. Do đó, sự “vô tham” cũng là lý do khiến Cẩu tạp chủng lĩnh hội thành công bộ Thần công hiệp khách hành mà suốt mấy trăm năm bao cao thủ vẫn không lý giải được.
Lấy việc lý giải thần công Hiệp khách hành làm sợi dây xuyên suốt cho cốt truyện, trên ý nghĩa tổng thể là một cách thể hiện quan niệm Phật giáo “vô tướng”, “vô tham” của Kim Dung.

Thiên long bát bộ - một bộ ngụ ngôn Phật giáo


Thiên long bát bộ là bộ tiểu thuyết mang được cả ý nghĩa triết học và tôn giáo. Mở đầu tiểu thuyết, phần giải thích tên tác phẩm có viết:
“Thiên long bát bộ là một danh từ bắt nguồn trong kinh Phật. Kinh Phật thường kể rằng rằng khi đức Phật thuyết pháp trước các bồ tát và hòa thượng thường có thiên long bát bộ đến nghe. Như Pháp hoa Kinh viết: “Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân” (Thiên long bát bộ, bao gồm người và không phải người). Phi nhân tức là hình dạng giống người mà thực tế không phải là chúng sinh. “Thiên long bát bộ” đều là phi nhân, bao gồm 8 loại thần đạo quái vật. Vì lấy Thiên và Long làm chủ, nên mới gọi là thiên long bát bộ”
Theo đó, tám loại thần đạo tinh quái trong Thiên long bát bộ được phân thành Thiên chúng và Long chúng. Ngoài ra còn có Dạ xoa (một loại ác quỷ có thể ăn quỷ cũng có thể làm tổn thương người), Càn Đạt Bà, A Tu La (các loại hung thần), Gia Lâu La, Tử Na La (chỉ thần ca hát), Ma La Già (chỉ thần rắn). Các loại này đều có một đặc tính chung là thần thông. Tuy là chúng sinh nằm ngoài nhân gian nhưng cũng phải chịu sự mọi sự đau khổ sung sướng của trần thế.
Trong tiểu thuyết này, Kim Dung hoàn toàn không nói chuyện thần đạo tinh quái, tác giả chỉ mượn danh từ của Phật kinh để tượng trưng cho các nhân vật trong tác phẩm của mình. Giống như trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am có những nhân vật như Mẫu Dạ Xoa Tôn Nhị Nương hay Ma Vân Kim Xí Âu Bằng…
Ở đây cần chú ý là quan niệm về hình tượng Long (rồng) trong kinh Phật cũng liên quan đến quan niệm về rồng tổ trong văn học Trung Quốc. Trong các văn hiến cổ đại Trung Quốc, là một trong 4 loại thú linh thiêng (tứ linh). Đây là một loại sinh vật tưởng tượng, bắt nguồn từ sự sùng bái tô tem một loại bò sát mà hình thành nên. Trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc cũng có không ít những thủy thần, hà bá, tương quân, tương phu,… đều lấy rồng làm hình tượng. Trong chú giải Thiên Vấn của Sở Từ của Vương Miễn cũng có cách lý giải về việc Hà Bá hóa thành bạch long. Nhưng đã hóa thành rồng tức là đã không còn nhân cách nữa. Mà Long trong Thiên long bát bộ của Kinh Phật lại là một loại thần linh có nhân cách. Đó chính là điểm khác biệt cần phải chú ý.
Trong bộ tiểu thuyết này, bát bộ của Thiên long bát bộ chính là để chỉ 8 những nhân vật nào. Điều đáng lo là vấn đề mỗi người một cách lý giải khác nhau, theo kiểu “nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí”. Một học giả chuyên nghiên cứu về tiểu thuyết Kim Dung từng đưa ra kiến giải rằng, ông dựa vào đặc trưng của 8 loại thần đạo tinh quái để chỉ ra 8 nhân vật tương ứng là: Đoàn Diên Khánh, Đoàn Chính Thuần, Tu La Đao Tần Hồng Miên, Vương Phu Nhân, Cốc chủ Vạn Kiếp Cốc Chung Vạn Thù, vợ chồng Cam Bảo Bảo, Vô ác bất tác (Không phải việc ác không làm) Diệp Nhị Nương, Nguyễn Tinh Trúc và Khang Mẫn.
Thiên long bát bộ lấy chuyện tình cảm oan nghiệt, phục thù, và tranh quyền đoạt lợi làm ba sợi dây chính để xây dựng cốt truyện. Điều này rất dễ chứng minh. Như nhân vật Đoàn Chính Thuần chỗ nào cũng có chuyện tình cảm, yêu đương khiến cho tình nhân của ông ta suốt ngày ganh ghét, truy sát lẫn nhau, ngay đến bản thân cũng không có phút nào yên ổn, còn khiến cho con cái của họ yêu nhau, gây nên không ít chuyện tình oan nghiệt. Lý Thu Thủy, A Tử đều bị đắm chìm trong mê cung của những mối tình oan nghiệt mà không cách nào thoát ra được.
Sự xung đột giữa Tiêu Phong với võ lâm Trung Nguyên cũng chính là từ sự phục thù mà tạo ra. Đoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương trở thành ác nhân bị tất cả mọi người căm ghét cũng vì phụ thù. Ngay đến Du Thản Chi cũng bị biến thành một kẻ điên loạn cũng là món quà từ dục vọng của việc phục thù. Đây chính là sợi dây thứ hai xuyên suốt cốt truyện của Thiên long bát bộ.
Chuyện đấu tranh để tranh giành quyền lực lại càng rõ nét. Chính những cuộc âm mưu tranh quyền đoạt lợi mới là nguyên nhân gây nên những cơn bạo loạn, những bi kịch trong giới giang hồ. Chính vì mưu đồ bá vương của cha con Cô Tô Mộ Dung mới gây nên tấn thảm kịch của cha con Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong. Người đứng đầu trong tứ đại ác nhân, được mọi người gọi là “tội ác khắp nơi” Đoàn Diên Khanh ban đầu cũng là Đoàn Diên Thái tử của tiên triều Đại Lý. Ông ta trở thành đại ác nhân cũng là vì không rời bỏ được chuyện tranh quyền đoạt lợi.
Đây chính là ba sợi dây xuyên suốt trong cốt truyện của Thiên long bát bộ. Chúng kết thành một mạng lưới nhân vật của tiểu thuyết cũng là hình ảnh tượng trưng của cuộc sống con người. Thông qua đó, tác giả Kim Dung muốn đưa ra suy ngẫm của mình về hai chữ vận mệnh: Không tại trời, không tại đất mà tại chính bản thân con người. Mỗi người vừa là kẻ phải chịu đựng số mệnh vừa là kẻ tạo nên số mệnh của bản thân mình.
Diệp Nhị Nương trở thành kẻ ác là vì con của bà ta bị đánh cắp. Du Thản Chi cũng là vì cha và bá phụ bị Tiêu Phong giết chết, một lòng muốn trả thù. Mà ngay đến Tiêu Phong cũng không cách nào thoát khỏi số mệnh mà người khác đã đẩy anh ta vào. Các nhân vật trong tiểu thuyết cứ như vậy mà liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Trong Thiên long bát bộ, sự đồng tình và thể nghiệm đối với những cảnh ngộ nhân sinh đã thay thế cho những lời giáo huấn đạo đức cứng nhắc. Câu chuyện hiệp khách trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã dần nhường chỗ cho một câu chuyện của cuộc đời. Đó chính là lý do vì sao nhiều người thích đọc tiểu thuyết Kim Dung.
Trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung tạo ra một cục diện khi mà không ai thoát khỏi “tam độc nhân sinh”, không ai không mang sự oán hận, thù hằn. Vì thế phải làm thế nào để hóa giải những âm thanh của sự chém giết, những ánh gươm đao của sự oán thù? Chỉ có sự đại từ đại bi của Phật môn mới có thể phá giải mà thôi. Nhân sinh không ai là không đau khổ, cố chấp đối với ân oán, quyền lực mà không biết rằng được thua chỉ khiến cho con người mãi mãi cảm thấy ân hận, hối tiếc. Chi bằng: “Chúng sinh vô ngã, khổ lạc tùy duyên” (Chúng sinh đạt đến chỗ vô ngã thì sướng khổ có thể mặc duyên số), “đắc thất tùy duyên, tâm vô tăng giảm” (Được mất đều để mặc duyên số, tâm mình không hề lay động).
Chính vì lẽ đó, ở cuối tác phẩm, mối thâm thù gây bao tai họa giữa Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn chỉ một câu nói của vị sư vô danh mà được hóa giải mà hoàn toàn không chút mảy may nào miễn cưỡng. Vị tăng vô danh này, chính là hiện thân của trí tuệ Phật học: Tri thức phong phú mà không kiêu ngạo, nhìn rõ cuộc sống nhân sinh cũng không tỏ ra mình là kẻ bề trên, chỉ điểm chi người khác thoát khỏi mê lầm cũng không tỏ ra mình cao thâm, thoát khỏi bụi trần nhưng không thoát ly cuộc sống. Có thể coi đây là cảnh giới cao nhất của nhân sinh mà tiểu thuyết Kim Dung theo đuổi.
Nói tới Thiên long bát bộ không không nói đế ba nhân vật chính của tác phẩm: Đoàn Dự, Tiêu Phong và Hư Trúc. Ở ba nhân vật này, chính là nơi Kim Dung gửi gắm những triết lý mang màu sắc Phật giáo của mình.
Ba nhân vật này, một sinh ở Đại Lý, một là bang chủ cái bang, một nữa là hòa Thượng Thiếu Lâm. Xem qua thì thấy chẳng có gì liên quan đến nhau cả nhưng cuối cùng họ lại kết bái huynh đệ, trở thành câu chuyện truyền kỳ trong võ lâm giang hồ. Thêm nữa, Đoàn Dự vốn là nho sinh, nhưng trên thực tế là Phật tử. Hư Trúc vốn tu hành tại ngôi chùa Thiếu Lâm tự của Phật giáo nhưng cuối cùng lại trở thành trưởng môn nhân của phái Tiêu Dao của Đạo gia. Tiêu Phong không phải Phật cũng không phải Đạo, anh ta vốn là bang chủ Cái bang, nhưng cuối cùng đã thực hiện lý tưởng của một đệ tử Nho gia “đạt tắc kiêm tế thiên hạ” (đạt thì thực hiện việc lo lắng cho thiên hạ) và “Lo trước nỗi lo của thiên hạ”. Vì thế, câu chuyện của họ chính là câu chuyện ngụ ngôn về “Nho Phật Đạo - tam giáo hợp nhất”.
Ba người này, một tên là Đoàn Dự - chữ Dự nghĩa là danh, là xưng. Một là Hư Trúc – chữ Hư nghĩa là giả, là không. Môt nữa là Kiều Phong – chữ Kiều, nghĩa là phân, là hư. Từ tên của ba nhân vật này, có thể thấy câu chuyện của họ, hình tượng của họ kỳ thực đều là ngụ ý “danh tướng không phải là chân tướng”. Giống như câu nói của Mộ Dung Bác ngộ ra được khi quyết định xuất gia: “Thứ dân như cát bụi, đế vương cũng như cát bụi. Đại Yến không khôi phục cũng là không mà khôi phục được cũng là không mà thôi”.
Có thể khẳng định Đoàn Dự là một đệ tử Phật môn chân chính, sự trải nghiệm của anh ta cũng là một loại khải thị đối với Phật tử. Nhân vật này khiến chúng ta liên tưởng đến Phật tổ Thích Ca, nghĩ tới thân phận trước khi xuất gia của Phật tổ: hoàng tử Tất Đạt Đa. Do sự chi phối của một tâm hồn cao quý, ông không chấp nhận cuộc sống sung sướng của một vương tử cho bản thân àm quyết định dời bỏ hoàng cung, sống một cuộc sống của người thông thường nhằm tìm cách hóa giải những đau khổ của cuộc sống con người. Để tìm con đường giải thoát cho con người, ông đã phải khổ tu khổ hành, khổ tầm, khổ mịch, khổ tư, khổ tưởng, rốt cục mới sáng tạo ra Phật học bất hủ.
Sự trải nghiệm của Đoàn Dự trong tiểu thuyết cũng phần nào là một thao tác mô phỏng cuộc sống của Phật tổ. Cho dù là “vô ý” nhưng ngay từ đầu nhân vật này đã bỏ cuộc sống xa hoa của một vương tử, đi vào dân gian để tìm chân tướng của nhân sinh thế tục. Anh ta nhận ra rằng, trong thế giới giang hồ, người ta không dùng vương pháp là tiêu chuẩn, càng không phải là dùng Diệu Đế trong Phật lý để sống, không có ai thực sự hiểu vô lượng là gì. Đoàn Dự thuyết pháp rất thông: “Kinh Phật có dạy rằng: Vô lượng có bốn điều: Một là Từ, hai là Bi, ba là Hỷ, bốn là Xả. Đó chính là tứ vô lượng. Các vị đương nhiên hiểu rằng: Tâm vui vẻ chính là từ, tâm đau khổ là bi, giúp chúng sinh thoát khổ vui vẻ chính là hỷ, giúp tất cả chúng sinh từ bỏ oán niệm mà bình đẳng gọi là xả. Vô Lượng Thọ Phật chính là A Di Đà Phật vậy”.
Điều lý thú là, Đoàn Dự tuy đọc thông kinh Phật, thông hiểu giáo lý nhà Phật nhưng anh ta đối với bản thân mình lại không có khả năng tự lý giải. Tình yêu của anh ta đối với Vương Ngữ Yên cứ như sợi xích vô hình trói buộc anh ta, khiến anh ta không chỉ thân không do mình mà đến tâm cũng không do mình. Phật học chân chính, phải chăng không đơn giản là làu thông kinh Phật?
Ý tưởng xây dựng Tiêu Phong trở thành một anh hùng cái thể, đương nhiên bắt nguồn từ tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. Trong cách nhìn của Phật gia, người và vật đều gọi là chúng sinh, đều bình đẳng. Vì thế một người sinh ở nước Liêu, lớn lên ở Trung Nguyên như Tiêu Phong mới trở thành một vị anh hùng cái thế ở mảnh đất hoàn toàn xa lạ với anh ta.
Việc vô tình làm tử thương A Châu có thể nói là việc đau lòng nhất trong cuộc đời của Tiêu Phong cũng là cao trào trong bi kịch cuộc đời của nhân vật này. Nhưng vận mệnh bi kịch này cũng chính là sự tất yếu từ tính cách của anh ta. Đi tìm vị Đại ca dẫn đầu đã gây ra cái chết của cha mẹ mình, rồi “đại ác nhân” đã giết cha mẹ nuôi cho đến sư phụ của anh ta để trả mối thâm thù, Tiêu Phong đã bị cừu hận, ân oán khống chế, tựa hồ đã đánh mất toàn bộ lý trí thông thường. Đó chính là lý do anh ta liên tiếp mắc phải những sai lầm không thể tha thứ trong cả cuộc đời mình.
Nhân vật Hư Trúc lại là một câu chuyện khác: muốn làm hòa thượng cũng không được, phúc lành không cầu mà lại được. Câu chuyện của Hư Trúc rất tiểu biểu cho cách nói: “Không cầu mà được” trong thuyết nhân duyên của Phật giáo. Anh ta không biết chơi cờ, không hề có mục đích tham gia giải thế cờ của chưởng môn Tiêu Dao phái nhưng anh ta lại là người giải được thế cờ, trở thành trưởng môn nhân của phái Tiêu Dao. Anh ta cũng không có ý định tham dự việc tuyển chọn phò mã Tây Hạ nhưng cuối cùng, nhân duyên đưa đẩy, công chúa Tây Hạ lại chính là người tình trong mộng của anh ta.
Ngoài ba nhân vật chính ở trên, còn rất nhiều nhân vật trong Thiên long bát bộ cũng mang tính biểu tượng như vậy. Nhân vật Khưu Ma Trí là một ví dụ. Nhân vật này cả đời theo đuổi võ công, tranh quyền đoạt lợi, đến cuối cùng đã phải thừa nhận: “Lão nạp thân tại Phật môn, nhưng lại luôn tranh cường háo thắng. Thân tự coi là cao tăng nhưng kiêu căng tự mãn, không biết xấu hổ ăn năn”, “Như Lai Phật tổ dạy các đệ tử, đầu tiên là phải bỏ tham, bỏ ái, bỏ sự tranh giành, bỏ mọi vướng víu mới có hy vọng giải thoát...”.
Có thể thấy rõ rằng, đối với Thiên long bát bộ, quan niệm Phật giáo không chỉ thấm đẫm trong chủ đề, trong nhân vật mà còn trong từng chi tiết của tác phẩm. Nếu nói rằng, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mang màu sắc Phật giáo đậm nét thì nét đậm nhất chính là ở bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ này.

Hy Văn dịch

(Nguồn: Vietimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét