Tại sao Khổng Tử… khóc?!



Giáo sư Khâu Thành Đồng - một trong những nhà khoa học chân chính đang lên án mạnh mẽ thói ăn cắp trong giới học thuật Trung Quốc.

Nếu tái sinh vào thời này, hẳn Khổng Tử cũng phải khóc và ngửa mặt lên trời kêu “Ô hô ngán thay!”... Chuyện gì đang xảy ra và làm Khổng Tử uất giận đến thế? Đó là nạn "đạo chích" ý tưởng của giới học thuật, nạn mua bán văn bằng tiến sĩ, nạn xào nấu và bịp bợm trong giới nghiên cứu khoa học lẫn giảng dạy...
Nếu không kể tham nhũng, vấn đề trên thật sự là "quốc nạn" của Trung Quốc ngày nay, một Trung Quốc đang "hừng hực khí thế phát triển" với niềm "tự hào" là nơi có nhiều tiến sĩ nhất thế giới!

Quốc nạn!
"Tham nhũng trong học thuật đang là vấn đề nghiêm trọng đến mức nó có thể chặn đứng thành tựu phát triển khoa học của Trung Quốc. Nếu không thế, tôi đã chẳng rước phiền cho mình khi nói thẳng ra. Mà cũng chẳng có sự phủ nhận nào trong giới học thuật nước nhà cả. Có điều, người ta không sẵn lòng nói một cách công khai" - phát biểu của Khâu Thành Đồng (Yau Shing-tung), Giáo sư toán Đại học Harvard, một trong những nhà khoa học gốc Hoa xuất sắc nhất thế giới hiện nay, người từng giành giải thưởng toán học Fields năm 34 tuổi và mới đây lại được trao giải Wolf lĩnh vực toán năm 2010 (người Trung Quốc đầu tiên giật được cả 2 giải toán học danh giá nhất thế giới nói trên).
Tham nhũng trong học thuật Trung Quốc đúng là vấn đề nghiêm trọng ngày càng gây bức xúc xã hội, như được ghi nhận trên China Daily (bản tiếng Anh của Trung Quốc nhật báo) ra ngày 2/6/2010.
Tình trạng “luộc” đề án nghiên cứu hoặc thuê người viết luận án, từ cử nhân đến tiến sĩ, thậm chí len lỏi vào tận những giảng đường lớn nhất Trung Quốc.
Tháng 3/2009, một giáo sư Đại học Chiết Giang đã bị sa thải sau khi bị phát hiện hành vi ăn cắp ý tưởng và "sao chép dữ liệu". Trước đó, năm 2003, một giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải cũng trở thành trung tâm của scandal tương tự. Năm 2008, 3 vụ bịp trong giới nghiên cứu cũng bị phơi bày tại Đại học Phục Đán, liên quan đến một số giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh tiến sĩ và tiến sĩ.
Sự việc còn cho thấy một mặt trái nữa: Hệ thống giáo dục và đào tạo nâng cao của Trung Quốc rất có... "vấn đề". Giáo sư Khâu kể: "Nhiều sinh viên Hoa lục cho tôi biết điểm thi đại học quốc gia của họ và hỏi rằng, liệu (điểm cao như thế) có thể giúp họ vào khoa Toán Harvard hay không. Tôi buộc phải nói rằng họ có chút ít cơ hội vào Harvard nhưng vào khoa Toán Harvard thì không bao giờ, bởi họ thậm chí còn không biết làm... toán!".
"Tại Trung Quốc, số bài báo được in trên các chuyên san khoa học là yếu tố quan trọng quyết định một vị trí chuyên môn của nhà nghiên cứu cũng như sự thích hợp cho việc thăng chức" - chú thích ảnh của China Daily.
Trong bài báo khác (23/7/2010), China Daily cho biết thêm, nạn "hư đốn" trong giới học thuật Trung Quốc đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến mà "thủ phạm" dường như chẳng còn màng và bận tâm đến sĩ diện và liêm sỉ. Giới giáo sư từ trường đại học danh tiếng thì chôm chỉa đâu đó rồi đưa vào bài "nghiên cứu" mình đăng trên chuyên san. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thì chôm kết quả khoa học từ đâu đó bên Mỹ rồi đưa vào luận án riêng. Sinh viên thì sao chép, có khi cả bài (!), từ "tư liệu" nào đó để thực hiện bài kiểm tra...
Tình hình loạn đến mức một nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do Giáo sư Trầm Dương (Shen Yang) thực hiện trong ba năm (công bố gần đây) cho thấy, gần 1 tỉ tệ đã được chi ra cho các bài viết khoa học trong năm 2009, gấp 5 kể từ năm 2007; rằng sinh viên đại học Trung Quốc đã bỏ ra đến nửa tỉ tệ (khoảng 73 triệu USD) mỗi năm để mướn người viết luận án thay.
Điều tra China Daily cho thấy, những sinh viên giỏi chuyên "hành nghề" trong "công nghiệp viết thuê" được trả công tính theo số trang với trung bình mỗi trang từ 130-160 tệ (luận án bằng tiếng Anh khoảng 200 tệ/trang). Theo lời một sinh viên - chuyên gia viết mướn, cậu có thể hoàn tất một luận án cử nhân chỉ trong 2 ngày. Với bằng thạc sĩ, giá viết thuê cho một luận án 20.000 từ là khoảng 4.500 tệ và được giao sau chừng một tháng "đặt hàng"...
Có không ít người thậm chí nổi tiếng nhờ bán chất xám cho công nghiệp viết thuê luận án. Lô Khắc Khiêm (Lu Keqian) là một ví dụ. Với chiếc laptop và ngồi trong buồng ngủ chật chội, tay cựu giáo viên trung học 58 tuổi này là chuyên gia viết luận án thuê cho giáo sư, sinh viên và viên chức nhà nước. Tóm lại là bất cứ ai sẵn lòng trả cho Lô lệ phí khoảng 300 tệ/bài...
Đầu năm 2009, Phó hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp An Huy bị phát hiện từng "đạo chích" cho 20 bài nghiên cứu (đương sự bị cách chức nhưng vẫn được phép giảng dạy). Tháng 6/2009, hiệu trưởng một trường đại học y ở Quảng Châu cũng bị buộc tội chôm chỉa ít nhất 40% trong luận án tiến sĩ.
Tháng 3/2010, China Youth Daily cho biết, một bài báo y khoa từng bị xào đi nấu lại trong suốt một thập niên qua! Ít nhất 25 người từ 16 tổ chức đã "sao y bản chính" bài báo trên... Tất cả điều đó cho thấy sự thật và mặt trái của "hiện tượng kỳ diệu" Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và rằng tất cả con số hào nhoáng về "cú đại nhảy vọt" Trung Quốc trong thành tựu nghiên cứu khoa học đều rất đáng ngờ!
Như tác giả Stephen Wong thuật trên Asia Times, từ năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất thế giới. Theo Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, chương trình đào tạo tiến sĩ đầu tiên tại nước này năm 1978 chỉ có 18 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Năm 1982, chỉ 6 trong 18 người trên là được cấp bằng tiến sĩ. Số người theo học chương trình tiến sĩ bắt đầu tăng khoảng 23,4%/năm kể từ năm 1982 đến nay (so với 15% sinh viên theo học thạc sĩ). Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người (theo vị Giám đốc Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, mỗi giáo sư tên tuổi phải giám sát trung bình 5,77 nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao hơn rất nhiều chuẩn quốc tế).
Ai tiếp tay cho tham nhũng trong học thuật?
Tuy nhiên, chất lượng của không ít người lấy bằng tiến sĩ vào cái thời loạn tiến sĩ và tiến sĩ "theo phong trào" mới là điều cần bàn. Chẳng phải tự nhiên mà hơn 10 vị giáo sư An Huy đã cùng ký tên trong lá thư vào tháng 6/2010, gửi lên Bộ Giáo dục Trung Quốc, hỏi rằng tại sao hệ thống giáo dục quốc gia "ưu việt" như thế mà không thể "xuất xưởng" những nhà khoa học và học giả đẳng cấp thế giới. Đó cũng là câu hỏi từng được đặt ra lâu nay (nhưng chẳng ai đủ tư cách trả lời) của nhà khoa học Tiền Học Sâm (Qian Xuesen; cha đẻ công nghiệp hàng không Trung Quốc), cho đến khi ông mất vào tháng 10/2009.
Một phần câu trả lời có thể được tìm thấy ở cơ chế giáo dục và chính trị. Về cơ chế chính trị, bởi yêu cầu được đưa "từ trên" xuống là "nâng cao trình độ" viên chức nhà nước, nhiều vị công bộc của dân bắt đầu thi nhau "phổ cập" bằng tiến sĩ (trong khi họ chẳng hề hiểu rằng bằng tiến sĩ chỉ là sự công nhận thành quả cho công trình nghiên cứu chuyên ngành hẹp nào đó chứ tiến sĩ không hề là người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" và càng chẳng dính líu gì đến lĩnh vực quản trị hành chính vốn là kỹ năng chuyên biệt của "giới công bộc").
Nhờ uy quyền và cả tiền, họ được "du di" trong việc học và hậu quả là tấm bằng tiến sĩ của họ chỉ có giá trị như một bằng chứng của sự... tham nhũng trong học thuật! Đó là chưa kể mối quan hệ đặc biệt giữa giới chính trị và giới lãnh đạo đại học mà nhiều người trong số này vốn trước kia lại là viên chức nhà nước.
Một khảo sát từ Trung Kinh cho biết có khoảng 1/2 viên chức cấp cao và đảng viên tại địa phận này, từ cấp quận đến cấp thành, đều từng làm luận án tiến sĩ. Nói cách khác, chính cái cơ chế chỉ được thăng chức một khi có bằng đại học trở lên (bằng càng cao thì cơ hội ngồi ghế to càng lớn) đã nảy sinh cái ung nhọt chạy bằng tiến sĩ bằng mọi giá.
Đó là lý do tại sao có không ít vị lấy được bằng tiến sĩ chỉ gần như sau một đêm! Thái Kế Minh (Cai Jiming), Giáo sư Đại học Thanh Hoa, đã phải thốt lên rằng: "Hầu hết bằng cấp của giới chức Nhà nước Trung Quốc đều rất đáng ngờ". Bằng chứng cho cái sự "đáng ngờ" có thể thấy nhan nhản.
Tháng 2/2008, khi tiến trình điều tra vụ án tham nhũng nhằm vào Vương Ích (Wang Yi) bắt đầu, người ta mới phát hiện thêm rằng nhân vật này, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán Trung Quốc và nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, là một ông tiến sĩ kinh tế dỏm (tháng 4/2010, Vương bị xử tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, tội nhận hối lộ gần 12 triệu tệ).
Dan Ben-Canaan, Giáo sư Israel hiện giảng dạy tại Đại học Hắc Long Giang, đã bổ sung một chi tiết đáng ngờ khác từ câu chuyện của chính mình (dẫn từ AP ngày 12/4/2010). Năm 2008, một đồng nghiệp đưa ông xem bài nghiên cứu của đương sự về vụ bắt cóc và giết chết một nhạc sĩ Do Thái ở Cáp Nhĩ Tân năm 1933 thời Nhật chiếm đóng. Vấn đề ở chỗ, đương sự đã chôm nghiên cứu tương tự của Dan Ben-Canaan mà chẳng hề biết rằng mình đang đứng trước mặt tác giả!
Về cơ chế giáo dục, người ta cũng thấy không ít kẽ hở (được biến thành cơ hội), giúp nạn chôm chỉa trong giới học thuật thêm lộng hành. Theo China Economic Review (3/2010), một khảo sát do Bộ Khoa học - kỹ thuật Trung Quốc thực hiện năm 2006 cho thấy khoảng 60% giáo sư Trung Quốc đều thừa nhận từng chôm chỉa ý tưởng hoặc từng trả tiền để được đăng bài nghiên cứu trên các chuyên san.
Tháng 8/2009, Chu Tổ Đức (Zhou Zude), Chủ tịch Đại học Kỹ thuật Vũ Hán và là ứng viên cho ghế hội viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (cơ quan khoa học uy tín nhất nước này), đã bị phanh phui vụ nộp luận cương khoa học lên một hội nghị quốc gia mà trong đó đương sự sao chép "nguyên con" (kể cả cách chia đoạn) từ một bài nghiên cứu của khoa học gia Chile Roberto Cardenas...
Cơ chế lương và cơ chế bổ nhiệm trong hệ thống giáo dục, căn cứ vào số bài báo khoa học và công trình nghiên cứu, chính là nguyên nhân khiến tình trạng ăn cắp vô sỉ trong học thuật trở nên bát nháo (tỉ lệ bài báo khoa học và công trình nghiên cứu cũng là "định chế" bắt buộc để được xếp hạng "uy tín đại học cấp quốc gia"). Tất cả đều là quái thai của "nền văn hóa chỉ tiêu" từng bám rễ vào đời sống Trung Quốc nhiều thập niên qua.
Lô Khắc Khiêm - chuyên gia viết thuê luận án nghiên cứu.
Trong bài viết đăng ngày 11/1/2010, China Daily đã mỉa mai khi viết rằng, nếu còn và sống ở Trung Quốc, Albert Einstein hẳn sẽ không thể là giáo sư bởi ông không có đủ số "quota" bài báo khoa học mà hệ thống giáo dục nước này quy định! Cần biết, tất cả ấn phẩm khoa học chuyên ngành tại Trung Quốc chỉ có thể đăng 2,84 triệu bài báo/năm trong khi có đến 11,8 triệu người luôn nóng lòng muốn bài nghiên cứu của mình được công bố để đạt chỉ tiêu (mới có thể được cấp bằng tiến sĩ, được phong hàm giáo sư hoặc được thăng chức).
Thế là người ta phải "chạy cửa sau", bằng cách chi tiền "trà nước" để bài báo của mình được lên trang chuyên san. Điều này khiến những nhà khoa học chân chính suốt ngày vùi đầu vào phòng thí nghiệm hoặc mò mẫm trên hàng đống tư liệu, nhưng không đủ giàu, gần như không thể công bố được công trình mình nghiên cứu.
Toàn cảnh, như nhận xét của Hồ Tinh Đẩu (Hu Xindou), Giáo sư tên tuổi thuộc Viện Kỹ thuật Bắc Kinh (Bắc Kinh Lý Công đại học), rằng "tham nhũng và gian lận rất phổ biến tại Trung Quốc, và (thế cho nên) tham nhũng và gian lận trong học thuật cũng chỉ phản ánh hiện thực xã hội Trung Quốc ngày nay".
Như tin được loan ngày 25/7/2010, Đại học Centenary (Mỹ) đã tuyên bố đóng cửa hệ thống trường vệ tinh của họ tại Trung Quốc và Đài Loan bởi tình trạng gian lận phổ biến trong giới sinh viên. Trường này còn mạnh tay hơn khi "tạm giam" bằng thạc sĩ đối với tất cả 400 sinh viên theo học chương trình thạc sĩ kinh thương thuộc hệ thống đào tạo Centenary đặt tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Đài Loan.
Hậu quả nạn gian lận và man trá trong học thuật ở Trung Quốc tất nhiên không chỉ có thế. Cái mất lớn nhất đối với giáo dục Trung Quốc chính là hành vi tự bôi bẩn nền văn hóa vốn có bề dày được kính nể như là cái nôi phát kiến của lịch sử văn minh loài người.
Miếu Khổng Tử hiện được lập khắp nơi trên thế giới, như một cách quảng bá "thương hiệu Nho học" cùng bề dày truyền thống văn hóa Trung Hoa nhằm khoa trương cái gọi là "quyền lực mềm" trong thời đại toàn cầu, nhưng chắc cụ Khổng cũng buồn lòng khi chứng kiến bi kịch nhiễu nhương trong cái sự học bôi bác của hậu duệ ngày nay?

Mạnh Kim (tổng hợp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét