Khước từ làm Phật sống




Osel Hita Torre, được chính Dalai Lama công nhận là hóa thân kiếp sau của Lama Yeshe, vừa tuyên bố không muốn làm phật sống nữa mà sẽ trở thành… một nhà làm phim.

Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị đại sư lama được xem là hiện thân của Phật và sau khi chết các vị không quên bổn phận của mình nên tiếp tục đầu thai vào kiếp sau trong một hình hài mới. Người tái sinh của các lama kiếp trước được gọi là tulku, tiếng Trung Quốc dịch là “hoạt Phật” (huofo), nghĩa là “Phật sống”. Hiện ở Tây Tạng có khoảng 2.000 vị “hoạt Phật” như vậy. Họ nhìn chung đều được phát hiện khi còn rất nhỏ và sau khi trải qua các cuộc kiểm nghiệm mới chính thức được công nhận là tulku.

Lama Yeshe - vị đại sư tái sinh vào Torres

Câu chuyện về Lama Yeshe, đại sư Tây Tạng đã lập ra Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa ở Califfornia (Mỹ) năm 1975 và hiện có 
trên 100 chi nhánh ở 20 quốc gia, tái sinh vào một cậu bé Tây Ban Nha đã được kể trong cuốn Tái sinh ở phương Tây: Vị đại sư đầu thai vào kiếp sau của Vicki Mackenzie xuất bản năm 1996.



Theo đó Lama Yeshe mất ngày 3/3/1984 ở tuổi 49 tại Mỹ. Gần một năm sau, ngày 12/2/1985, cậu bé Osel Hita Torres ra đời trong một gia đình Tây Ban Nha có bố mẹ đều là môn đệ của Lama Yeshe. Họ sống và làm việc ở trung tâm thiền Osel Ling do Lama Yeshe thiết lập tại Bubion, gần thành phố Granada (Tây Ban Nha). Bố mẹ đặt tên cho cậu là Osel (Tịnh Quang) cũng là để tưởng nhớ bậc đại sư của mình. Chỉ ít lâu sau khi Torres ra đời, người ta phát hiện ra rằng cậu bé có những dấu hiệu thể hiện mình chính là hóa thân của Lama Yeshe kiếp trước.

Osel Hita Torre,

Sau những cuộc kiểm nghiệm, đích thân Dalai Lama, được coi là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng hiện nay, đã công nhận điều này và quả quyết, khi nào biết nói, Torres sẽ tự biểu lộ những điều cho thấy mình là tulka của Lama Yeshe. Từ đó rất nhiều người trên thế giới tìm đến để gặp hài đồng lama này. Và có lần cậu bé đã nhận ra những người quen biết của Lama Yeshe trước đây.
Ngày 17/3/1987, Torres được tấn phong làm lama trước sự chứng kiến của giới truyền thông ở Dharamsala, Ấn Ðộ với tên Tenzin Osel Rinpoche, gọi tắt là Lama Osel. Từ năm lên 6, cậu bắt đầu theo học tại thiền viện Sera ở miền Nam Ấn Độ, nơi Lama Yeshe trước kia từng học, để chuẩn bị cho vị trí mới của mình là tiếp tục sự nghiệp của Lama Yeshe làm ngọn cờ của Phật giáo Tây Tạng ở phương Tây.

Hồi ấy, giới phật học Tây Tạng bình luận rằng việc Lama Yeshe mất chưa đầy một năm đã tái sinh là điều cho thấy vị cao tăng viên tịch khi còn khá trẻ này muốn nhanh chóng sống lại để tiếp tục phụng sự chúng sinh. Họ hy vọng Torres nhanh chóng “trở lại” làm người đứng đầu Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa (FPMT) của Lama Yeshe trước đây, một tổ chức có nhiệm vụ truyền bá Phật giáo Tây Tạng ở phương Tây.
Thế nhưng hồi tháng 5/2009 báo chí Tây Ban Nha cho biết Torres, nay đã là một chàng trai 24 tuổi, đang có ý định từ bỏ phẩm vị Phật giáo của mình và muốn trở thành một nhà làm phim. Tờ El Mundo dẫn lời Torres: "Mới 14 tháng tuổi tôi đã bị đưa sang Ấn Độ. Ở đó người ta khoác cho tôi một chiếc áo vàng và đặt tôi lên ngai để mọi người thờ phụng. Họ kéo tôi khỏi gia đình mình và đưa tôi đến một hoàn cảnh của thời trung cổ...”. Báo này còn cho biết thay vì sống ở tu viện, vì lama trẻ tuổi này hiện mặc quần áo “bụi đời”, để tóc dài và thích trích dẫn nghệ sĩ guitar Jimi Hendrix (đã mất vì uống rượu và dùng thuốc ngủ quá liều) hơn là Đức Phật.




Osel Hita Torres ngày nay: Mặc quần áo “bụi đời”, để tóc dài và thích trích dẫn Jimi Hendrix hơn là Đức Phật


Thông tin nói trên gây xôn xao giới phật giáo Tây Tạng vì việc một tulku khước từ làm “phật sống” là một chuyện cực kỳ hiếm thấy từ trước tới nay. Một số nhà phật học Tây Tạng cho rằng rõ ràng quy trình phát hiện và công nhận tulku có vấn đề, nhất là khi việc đầu thai lại diễn ra ở phương Tây. Vì tranh cãi xung quanh việc có nên để con mình làm lama hay không mà cha mẹ của Torres đã ly dị nhau.
Thực tế là năm 18 tuổi Torres đã rời Ấn Độ trở về Tây Ban Nha và theo học tại Đại học Madrid. Năm ngoái anh tốt nghiệp xuất sắc khoa Điện ảnh của trường này. Có thể thời gian học đại học đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm sống của Torres.
Mới đây trên trang web của FPMT, Torres khẳng định các báo Tây Ban Nha đã đưa không chính xác lời phát biểu của anh. Torres cho biết anh coi đó là một đặc ân khi cùng lúc được thừa hưởng cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng mối quan hệ giữa anh và Phật giáo cũng như FPMT đã bị cắt đứt. Tuy nhiên Torres tiếp tục khẳng định mình sẽ theo đuổi sự nghiệp điện ảnh.
Điều đó cũng có nghĩa Torres đã tự loại mình khỏi vai trò của một tulku và anh đã trở thành một thí dụ để người ta nghi ngờ về thuyết tái sinh của Phật giáo. Nhưng cũng có người lập luận tăng sĩ phải tu nhiều kiếp mới có thể thành Phật, mới thực sự thoát khỏi luân hồi. Vì thế Torres kiếp trước là một cao tăng, nhưng kiếp này vẫn có thể “hư hỏng” bởi cuộc đời là một chuyện bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét