Franz Eybl (1806–1880), Cô gái đọc sách, 1850, 53 × 41 cm |
Tôi vẫn thường lân la ở những hội sách chỉ để mua những cuốn sách mình đã có rồi, của những tác giả mình đã đọc rồi và đã vô cùng yêu thích rồi. Cái việc săm soi tìm kiếm những quyển sách không hẳn là đã cũ với mức giá rất hời đó, đôi khi lại thú vị không kém việc đào xới trong rừng sách mới để phát hiện ra những quyển gọi là hợp gu.
Không những vì lý do đơn giản là, tôi chắc chắn rằng chúng thực sự có giá trị hay ý nghĩa với bản thân, chúng đã được trải qua quá trình trải-nghiệm-đọc của cá nhân, từng được đóng dấu chất lượng tốt, mà, đôi khi còn với một khoái cảm hết sức ngông ngạo: mua là góp phần làm cho những cuốn sách giá trị đó không còn có mặt trong đống sách xả xo chất chồng được cắm bảng “Đại hạ giá”, “Sách đồng giá 5 ngàn, 10 ngàn đồng/quyển”.
Con người của xã hội thị trường nói với tôi rằng, giá trị một cuốn sách được thể hiện qua giá tiền mà người ta bỏ ra mua nó hay chuyển hóa qua tính chất dịch vụ mà người ta giao dịch nó, như một món hàng vật chất sòng phẳng không hơn không kém. Nhưng, cho dù sòng phẳng như vậy vẫn chưa xong chuyện. Con người phản biện đạo đức nói với tôi rằng, trong nền văn hóa đại chúng đang thống trị này thì thứ gì càng cao cấp, hàn lâm thì càng dễ tuột giá và bị ghẻ lạnh dù đó là thứ lương thực tinh thần, của cải sáng tạo kỳ công đột phá đến đâu. Chuyện đến đây xem ra thì càng chưa xong. Con người trung dung nói với tôi rằng, thôi thì đó là chuyện của thiên hạ, mình không phải là kẻ đọc sách theo tinh thần ngoại tại định hướng, cứ phải nuôi dưỡng sự chủ động, trân trọng, tình yêu âm thầm, đôi khi đơn độc và vô điều kiện với những cuốn sách, rồi tìm cách chia sẻ tình yêu đó đến với những ai có thể, vậy đã là ổn lắm rồi.
Tôi mua. Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco với giá 10 ngàn đồng, Palomar của Italo Calvino: 5 ngàn đồng, Điệu Valse giã từ của Milan Kundera: 15 ngàn đồng, Truyện ngắn Hemingway: 8 ngàn đồng... Người bán sách lạ lẫm trố mắt nhìn, suy đoán rồi ném vào gã khách hàng tham lam một câu an ủi: “Mua đi, giá rẻ, về bán lại chiết khấu 30% giá bìa vẫn còn lời chán!” (Hóa ra bà ấy luôn nghĩ người mua một lúc nhiều bản của một cuốn sách ế ẩm chỉ có thể là một con buôn sách!)
Tôi dành một ngăn tủ sách của mình để cất giữ những quyển “vớt” được trong các tình huống trên. Tôi lau chùi, sắp xếp thẳng thớm, lưu giữ chúng thật kỹ để quên dần cảm giác chúng đã từng lăn lóc đâu đó trên những sạp sách thanh lý, những đống sách bán với mức giá giấy vụn. Những cuốn sách được nhuận sắc, lung linh hơn khi một ngày, tôi nâng niu như những món quà tặng đầy bất ngờ thú vị cho ai đó trong giới viết lách, dạy học tìm đến, ngỏ ý cần chúng cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, trao cho một ai đó mê đọc sách bày tỏ sự quay quắt yêu mến những tác giả, tác phẩm kia.
Và đây, một phép mầu xảy ra: những bản sách được xuất hiện một cách đường hoàng nhất, đến đúng người truy cầu chúng nhất.
Sách hay rốt cuộc cũng đến được với người cần, dù số phận của chúng ba chìm bảy nổi trong đời sống thị trường này đến mức nào.
Nhưng cái cách mà tôi đang làm chỉ là một thói quen có tính vị kỷ, của một người đọc với một số cuốn sách hay tác giả mà mình yêu thích, trong một phạm vi lan truyền cục bộ, hẹp hòi.
Thế nhưng từ câu chuyện trên, có thể đặt ra câu hỏi cay đắng và quen thuộc rằng, vì sao ở thị trường chúng ta, số phận của những đầu sách kinh điển, tác phẩm giá trị lại có một mẫu số chung bi đát đến như vậy? Vì sao “vòng đời” của chúng (nhà in -> nhà sách –> kho chứa hàng tồn –> sạp bán hàng đại hạ giá -> cân giấy vụn) lại diễn ra ngày càng nhanh chóng đến như vậy?
Thực ra, tình trạng đó không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Những nước có thị trường xuất bản phát triển cũng đã có tình trạng tương tự. Chỉ có thể, trong một điều kiện văn minh hơn thì người ta có cung cách cư xử với chúng ít trần trụi, nghiệt ngã hơn; đại chúng, tuy không hưởng ứng, thì cũng không quá quyết liệt phủ nhận. Và nhất là những nhà làm sách cũng biết cách xác lập cho chúng một vị trí nhất định trong thế giới sách bằng cách đầu tư những dạng ấn bản đặc biệt cho nhà sưu tập, ấn bản bỏ túi để gần hơn với giới bình dân, đầu tư các chương trình tọa đàm, hội thảo để chúng được truyền thông, tương tác về mặt học thuật...
Nhìn lại cách mà những nhà kinh doanh sách kinh điển, những quyển sách nặng về học thuật, những tác phẩm văn chương thuộc nhóm hàn lâm ở ta, có một điều rất dễ nhận thấy, hầu hết chúng đều được “gán nhãn” từ khi chưa ra đời, rằng, đây là thứ khó nhằn, kén độc giả. Điều đáng nói, những “dự đoán” đó không phải bao giờ cũng từ những nhà biên tập hay phê bình sách giỏi, có trách nhiệm, mà kết quả của việc nghe ngóng hay thành kiến thị trường của những người làm phụ trách kinh doanh, quy mọi giá trị văn hóa qua các tiêu chí: doanh thu, sức hấp dẫn với số đông.
Thành kiến thị trường dần dần biến thành định kiến về giá trị. Và như thế, ngay từ lúc ra đời, cuốn sách không được chăm chút kỹ lưỡng về truyền thông, không nằm trong nỗ lực tiếp thị của chính người làm sách. Và nó rơi tõm vào im lặng, tiến thẳng về phía những kho sách tồn như chưa từng có mặt, trở thành sách cũ ngay khi chưa từng là sách mới.
Một điều bất lợi cho chúng nữa, đó chính là sinh khí đời sống học thuật, văn chương, báo chí không đủ sức mạnh và sự nhiệt tâm chia sẻ, khích lệ để đẩy chúng thành những sự kiện gây sự chú ý với cộng đồng trong khi đó những quyển sách son phấn thị trường đang làm mưa làm gió trên từng cây số, từ mạng xã hội cho đến những tờ lá cải!
Trong suy nghĩ của tôi, phần lớn những quyển sách đáng đọc vẫn nằm lẫn đâu đó trong những đống tồn kho mà người ta muốn bán tống bán tháo trong các dịp hội sách, bên dưới những tấm bảng “Sách đại hạ giá” hay “Đồng giá: 5 – 10 ngàn đồng”.
Umberto Eco, Italo Calvino, Ernest Hemingway hay Jorge Luis Borges, Milan Kundera, và cả Franz Kafka nữa... chỉ ngang ngửa giá giấy vụn ở xứ sở này. Nhưng xem kìa, điều thú vị của một kẻ mơ mộng đôi khi là được trục vớt những bản sách quý, những tác phẩm văn chương lớn từ giữa một đống sách bị ứng xử như mớ giấy lộn. Và hắn dùng đến phép thắng lợi tinh thần để tự nhủ rằng, dù sao, trong thầm lặng và ít ỏi, những cuốn sách quý vẫn có vị trí nào đó khi được đến đúng tay người cần đọc chúng, nâng niu đón nhận chúng.
Nghĩa là đâu đó trong đời sống của những người đọc sách, vẫn còn tồn tại kiểu nhận thức đầy ủi an rằng, doanh thu, sự xôm tụ đông vui không hẳn là những tiêu chí quyết định giá trị thực của những quyển sách và không phản ánh đầy đủ bản chất đời sống văn hóa đọc. Dù cho nhóm người này luôn ít do với một đại chúng lao xao bề nổi vẫn thấy, nhưng biết đâu, họ lại tạo ra một mạch ngầm nuôi dưỡng nguồn hy vọng cho những người viết, người làm sách tử tế.
Không những vì lý do đơn giản là, tôi chắc chắn rằng chúng thực sự có giá trị hay ý nghĩa với bản thân, chúng đã được trải qua quá trình trải-nghiệm-đọc của cá nhân, từng được đóng dấu chất lượng tốt, mà, đôi khi còn với một khoái cảm hết sức ngông ngạo: mua là góp phần làm cho những cuốn sách giá trị đó không còn có mặt trong đống sách xả xo chất chồng được cắm bảng “Đại hạ giá”, “Sách đồng giá 5 ngàn, 10 ngàn đồng/quyển”.
Con người của xã hội thị trường nói với tôi rằng, giá trị một cuốn sách được thể hiện qua giá tiền mà người ta bỏ ra mua nó hay chuyển hóa qua tính chất dịch vụ mà người ta giao dịch nó, như một món hàng vật chất sòng phẳng không hơn không kém. Nhưng, cho dù sòng phẳng như vậy vẫn chưa xong chuyện. Con người phản biện đạo đức nói với tôi rằng, trong nền văn hóa đại chúng đang thống trị này thì thứ gì càng cao cấp, hàn lâm thì càng dễ tuột giá và bị ghẻ lạnh dù đó là thứ lương thực tinh thần, của cải sáng tạo kỳ công đột phá đến đâu. Chuyện đến đây xem ra thì càng chưa xong. Con người trung dung nói với tôi rằng, thôi thì đó là chuyện của thiên hạ, mình không phải là kẻ đọc sách theo tinh thần ngoại tại định hướng, cứ phải nuôi dưỡng sự chủ động, trân trọng, tình yêu âm thầm, đôi khi đơn độc và vô điều kiện với những cuốn sách, rồi tìm cách chia sẻ tình yêu đó đến với những ai có thể, vậy đã là ổn lắm rồi.
Tôi mua. Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco với giá 10 ngàn đồng, Palomar của Italo Calvino: 5 ngàn đồng, Điệu Valse giã từ của Milan Kundera: 15 ngàn đồng, Truyện ngắn Hemingway: 8 ngàn đồng... Người bán sách lạ lẫm trố mắt nhìn, suy đoán rồi ném vào gã khách hàng tham lam một câu an ủi: “Mua đi, giá rẻ, về bán lại chiết khấu 30% giá bìa vẫn còn lời chán!” (Hóa ra bà ấy luôn nghĩ người mua một lúc nhiều bản của một cuốn sách ế ẩm chỉ có thể là một con buôn sách!)
Tôi dành một ngăn tủ sách của mình để cất giữ những quyển “vớt” được trong các tình huống trên. Tôi lau chùi, sắp xếp thẳng thớm, lưu giữ chúng thật kỹ để quên dần cảm giác chúng đã từng lăn lóc đâu đó trên những sạp sách thanh lý, những đống sách bán với mức giá giấy vụn. Những cuốn sách được nhuận sắc, lung linh hơn khi một ngày, tôi nâng niu như những món quà tặng đầy bất ngờ thú vị cho ai đó trong giới viết lách, dạy học tìm đến, ngỏ ý cần chúng cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, trao cho một ai đó mê đọc sách bày tỏ sự quay quắt yêu mến những tác giả, tác phẩm kia.
Và đây, một phép mầu xảy ra: những bản sách được xuất hiện một cách đường hoàng nhất, đến đúng người truy cầu chúng nhất.
Sách hay rốt cuộc cũng đến được với người cần, dù số phận của chúng ba chìm bảy nổi trong đời sống thị trường này đến mức nào.
Nhưng cái cách mà tôi đang làm chỉ là một thói quen có tính vị kỷ, của một người đọc với một số cuốn sách hay tác giả mà mình yêu thích, trong một phạm vi lan truyền cục bộ, hẹp hòi.
Thế nhưng từ câu chuyện trên, có thể đặt ra câu hỏi cay đắng và quen thuộc rằng, vì sao ở thị trường chúng ta, số phận của những đầu sách kinh điển, tác phẩm giá trị lại có một mẫu số chung bi đát đến như vậy? Vì sao “vòng đời” của chúng (nhà in -> nhà sách –> kho chứa hàng tồn –> sạp bán hàng đại hạ giá -> cân giấy vụn) lại diễn ra ngày càng nhanh chóng đến như vậy?
Thực ra, tình trạng đó không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Những nước có thị trường xuất bản phát triển cũng đã có tình trạng tương tự. Chỉ có thể, trong một điều kiện văn minh hơn thì người ta có cung cách cư xử với chúng ít trần trụi, nghiệt ngã hơn; đại chúng, tuy không hưởng ứng, thì cũng không quá quyết liệt phủ nhận. Và nhất là những nhà làm sách cũng biết cách xác lập cho chúng một vị trí nhất định trong thế giới sách bằng cách đầu tư những dạng ấn bản đặc biệt cho nhà sưu tập, ấn bản bỏ túi để gần hơn với giới bình dân, đầu tư các chương trình tọa đàm, hội thảo để chúng được truyền thông, tương tác về mặt học thuật...
Nhìn lại cách mà những nhà kinh doanh sách kinh điển, những quyển sách nặng về học thuật, những tác phẩm văn chương thuộc nhóm hàn lâm ở ta, có một điều rất dễ nhận thấy, hầu hết chúng đều được “gán nhãn” từ khi chưa ra đời, rằng, đây là thứ khó nhằn, kén độc giả. Điều đáng nói, những “dự đoán” đó không phải bao giờ cũng từ những nhà biên tập hay phê bình sách giỏi, có trách nhiệm, mà kết quả của việc nghe ngóng hay thành kiến thị trường của những người làm phụ trách kinh doanh, quy mọi giá trị văn hóa qua các tiêu chí: doanh thu, sức hấp dẫn với số đông.
Thành kiến thị trường dần dần biến thành định kiến về giá trị. Và như thế, ngay từ lúc ra đời, cuốn sách không được chăm chút kỹ lưỡng về truyền thông, không nằm trong nỗ lực tiếp thị của chính người làm sách. Và nó rơi tõm vào im lặng, tiến thẳng về phía những kho sách tồn như chưa từng có mặt, trở thành sách cũ ngay khi chưa từng là sách mới.
Một điều bất lợi cho chúng nữa, đó chính là sinh khí đời sống học thuật, văn chương, báo chí không đủ sức mạnh và sự nhiệt tâm chia sẻ, khích lệ để đẩy chúng thành những sự kiện gây sự chú ý với cộng đồng trong khi đó những quyển sách son phấn thị trường đang làm mưa làm gió trên từng cây số, từ mạng xã hội cho đến những tờ lá cải!
Trong suy nghĩ của tôi, phần lớn những quyển sách đáng đọc vẫn nằm lẫn đâu đó trong những đống tồn kho mà người ta muốn bán tống bán tháo trong các dịp hội sách, bên dưới những tấm bảng “Sách đại hạ giá” hay “Đồng giá: 5 – 10 ngàn đồng”.
Umberto Eco, Italo Calvino, Ernest Hemingway hay Jorge Luis Borges, Milan Kundera, và cả Franz Kafka nữa... chỉ ngang ngửa giá giấy vụn ở xứ sở này. Nhưng xem kìa, điều thú vị của một kẻ mơ mộng đôi khi là được trục vớt những bản sách quý, những tác phẩm văn chương lớn từ giữa một đống sách bị ứng xử như mớ giấy lộn. Và hắn dùng đến phép thắng lợi tinh thần để tự nhủ rằng, dù sao, trong thầm lặng và ít ỏi, những cuốn sách quý vẫn có vị trí nào đó khi được đến đúng tay người cần đọc chúng, nâng niu đón nhận chúng.
Nghĩa là đâu đó trong đời sống của những người đọc sách, vẫn còn tồn tại kiểu nhận thức đầy ủi an rằng, doanh thu, sự xôm tụ đông vui không hẳn là những tiêu chí quyết định giá trị thực của những quyển sách và không phản ánh đầy đủ bản chất đời sống văn hóa đọc. Dù cho nhóm người này luôn ít do với một đại chúng lao xao bề nổi vẫn thấy, nhưng biết đâu, họ lại tạo ra một mạch ngầm nuôi dưỡng nguồn hy vọng cho những người viết, người làm sách tử tế.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét