Chẳng có gì đơn độc sinh ra, tồn tại, chuyển động, và biến mất giữa cõi đời. Chẳng có gì gọi là độc hành, độc lập, độc bộ, độc cư, cô thân, cô độc, cô đơn… Tất cả sự sinh xuất, chuyển động đều là sinh xuất, chuyển động của tổng thể, của những tập hợp các nhân duyên, các điều kiện. “Núi không là núi; sông không là sông.” (1) Chẳng có gì có thể tự sinh ra; chẳng có gì có thể được sinh ra từ một nguyên nhân (duy nhất) khác; chẳng có gì có thể vừa được sinh ra bởi chính nó và cùng lúc từ một nguyên nhân khác; cũng chẳng có gì có thể sinh ra mà không cần nguyên nhân nào cả. (2)
Thế nhưng trong đời sống thực tế, người ta vẫn thường cho rằng, hoặc mặc nhiên xác tín rằng, họ đã sinh ra và tồn tại như một cá thể độc lập; có riêng một thể xác, tâm hồn và tên họ, thủ đắc những sở hữu phụ thuộc (như tài sản, tài năng, sắc đẹp, danh vọng…); từ đó dẫn đến những khổ đau, hệ lụy cho mình, cho người, và cho cả cuộc đời. Chỉ đến khi, do một biến cố hay thảm họa nào đó, bị vuột mất tất cả những gì đinh ninh là của mình, thuộc về mình, mới nếm được nỗi thống khổ cùng tận (mà mình đã từng gieo đến cho kẻ khác) để rồi chạy đôn chạy đáo, tìm đến tập thể; đồng hóa mình với một tổ chức, nhằm cứu vãn sự tồn tại của bản ngã thông qua phóng ảnh của tổ chức ấy. Nghĩa là trong mộng tưởng, lại vẽ vời thêm mộng tưởng; nơi chiếc giẻ rách, lại vá thêm miếng giẻ rách. Sự vay mượn, vá víu, chẳng thể nào là giải pháp hay cho sự tìm cầu giá trị tự thân và hạnh phúc chân thật của cuộc tồn hữu.
Như vậy, có chăng sự độc hành của lữ thứ trên mộng dài xa quê, ngang qua cuộc đời chập chùng khổ đau, phiền lụy? Có chăng bước độc hành của thiền giả trên đường về cố quận bồng bềnh mây trắng?
Vẫn có đấy. Mỗi bước chân nở từng đóa sen; hay đường sen nở, đón mỗi bước chân êm. Bước chân ấy, không có người khởi động, không có động tác bước đi, không có thời gian diễn ra bước đi, không có con đường. Kẻ độc hành, vô ngã; một mình cất bước mà cùng ba cõi chạm đến khung trời tự tại thênh thang.
________________
(1) Thiền sư Duy Tín, một thiền sư Trung Hoa, đời Tống, từng nói “Trước khi học đạo, thấy núi là núi, sông là sông. Đang lúc học đạo, thấy núi không là núi, sông không là sông. Sau khi ngộ đạo, thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.” Phát biểu này được xem như một khẩu quyết, một chỉ nam tóm thâu kiến giải và trình tự liễu ngộ về Thiền.
(2) Chư pháp bất tự sinh. Diệc bất tùng tha sinh. Bất cộng bất vô nhân. Thị cố tri vô sinh. Các pháp không thể tự sinh; không sinh từ pháp khác; không sinh bởi cả hai (tự và tha) hợp lại; cũng không thể tự nhiên mà sinh (vô nhân – không có nhân); vì vậy nên biết rằng các pháp vốn không sinh (chẳng có gì thực sự sinh ra). (Bài kệ thứ 3 của Trung Luận)
Thế nhưng trong đời sống thực tế, người ta vẫn thường cho rằng, hoặc mặc nhiên xác tín rằng, họ đã sinh ra và tồn tại như một cá thể độc lập; có riêng một thể xác, tâm hồn và tên họ, thủ đắc những sở hữu phụ thuộc (như tài sản, tài năng, sắc đẹp, danh vọng…); từ đó dẫn đến những khổ đau, hệ lụy cho mình, cho người, và cho cả cuộc đời. Chỉ đến khi, do một biến cố hay thảm họa nào đó, bị vuột mất tất cả những gì đinh ninh là của mình, thuộc về mình, mới nếm được nỗi thống khổ cùng tận (mà mình đã từng gieo đến cho kẻ khác) để rồi chạy đôn chạy đáo, tìm đến tập thể; đồng hóa mình với một tổ chức, nhằm cứu vãn sự tồn tại của bản ngã thông qua phóng ảnh của tổ chức ấy. Nghĩa là trong mộng tưởng, lại vẽ vời thêm mộng tưởng; nơi chiếc giẻ rách, lại vá thêm miếng giẻ rách. Sự vay mượn, vá víu, chẳng thể nào là giải pháp hay cho sự tìm cầu giá trị tự thân và hạnh phúc chân thật của cuộc tồn hữu.
Như vậy, có chăng sự độc hành của lữ thứ trên mộng dài xa quê, ngang qua cuộc đời chập chùng khổ đau, phiền lụy? Có chăng bước độc hành của thiền giả trên đường về cố quận bồng bềnh mây trắng?
Vẫn có đấy. Mỗi bước chân nở từng đóa sen; hay đường sen nở, đón mỗi bước chân êm. Bước chân ấy, không có người khởi động, không có động tác bước đi, không có thời gian diễn ra bước đi, không có con đường. Kẻ độc hành, vô ngã; một mình cất bước mà cùng ba cõi chạm đến khung trời tự tại thênh thang.
________________
(1) Thiền sư Duy Tín, một thiền sư Trung Hoa, đời Tống, từng nói “Trước khi học đạo, thấy núi là núi, sông là sông. Đang lúc học đạo, thấy núi không là núi, sông không là sông. Sau khi ngộ đạo, thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.” Phát biểu này được xem như một khẩu quyết, một chỉ nam tóm thâu kiến giải và trình tự liễu ngộ về Thiền.
(2) Chư pháp bất tự sinh. Diệc bất tùng tha sinh. Bất cộng bất vô nhân. Thị cố tri vô sinh. Các pháp không thể tự sinh; không sinh từ pháp khác; không sinh bởi cả hai (tự và tha) hợp lại; cũng không thể tự nhiên mà sinh (vô nhân – không có nhân); vì vậy nên biết rằng các pháp vốn không sinh (chẳng có gì thực sự sinh ra). (Bài kệ thứ 3 của Trung Luận)
Vĩnh Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét