Cảm ơn Google
Như một thiện duyên, tôi khởi sự viết tản văn khi đã lớn tuổi. Dầu cho tâm thế là nhẹ nhàng khi viết, nhưng nhiều lúc cứ tự trách mình, sao trí nhớ mình dở để đến nỗi những gì mình đọc, những gì mình nghe bị cuốn đi đâu; thế là khi viết, phải đi tìm tài liệu, rồi đi hỏi. Vì vậy, tôi rất phục những người có trí nhớ tốt, lại càng khâm phục những người nghiên cứu, vốn đã nhớ nhiều, lại có nguồn tư liệu dồi dào, biết cách sắp xếp tài liệu, sách vở khoa học, tiện dụng cho mình, để đến khi ai hỏi vấn đề gì thì nhớ đến gốc, và nếu có, thì xuất ra ngay.
Phần tôi, sách vở thì không đến nỗi nghèo nàn, nhưng tìm tài liệu trong những gì mình có thì rất mất thì giờ, chưa kể đến đông tây kim cổ nào ai biết nơi đâu.
Thế mà may mắn thay, ngoài sách và tài liệu có sẵn, tôi đã có nguồn tư liệu, mênh mông như biển cả, đó là nhờ Google. Đương nhiên tôi phải cảm ơn Google. Ngày nay, internet thì ai cũng biết, Google bây giờ đã trở thành phổ thông; tuy thế, khai thác Google thì tùy nhu cầu, tùy từng người, tùy trình độ sử dụng. Đã sử dụng công cụ Google, cho nên tôi phải trở về ngọn ngành một chút để tìm hiểu công cụ đó.
Đầu tiên, vào năm 1996, Google như là một công trình nghiên cứu về tìm kiếm thông tin trên internet của Larry Page và Sergey Brin, hai nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Về mặt tổ chức, Google được thành lập ngày 7-9-1998 lấy một ga-ra xe hơi làm trụ sở. Sản phẩm chính của công ty này là công cụ tìm kiếm Google, được nhiều người đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên internet. Hiện nay, trụ sở của Google đặt tại Mountain View, California. Tên “Google” là một lối chơi chữ của từ googol, đó là số bằng 10100 (số 10… 0, gồm có số 1 tiếp theo là 100 con số 0, một số khổng lồ). Google chọn tên này để thể hiện sứ mạng của công ty phải sắp xếp số lượng thông tin khổng lồ trên mạng. Tên của trụ sở Google là Googleplex, cũng lấy tên từ số, có nghĩa là 10googol. Google có giao diện với hơn 100 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Ngoài công cụ tìm kiếm, Google còn có nhiều dịch vụ khác, trong đó có các dịch vụ mà người dùng ở Việt Nam cũng khá quen thuộc như:
Gmail: dịch vụ thư điện tử.
YouTube: đăng tải video và ứng dụng xã hội với video.
Google Translate: công cụ dịch văn bản.
Google Maps: dịch vụ bản đồ, chỉ hướng, định vị trí
các nơi trên thế giới, kể cả đường sá, nhà cửa.
Google Earth: cho phép bạn bay khắp mọi nơi trên Trái đất để xem hình ảnh do vệ tinh truyền, bản đồ, địa hình, kiến trúc 3D, đại dương và thậm chí cả các thiên hà trong vũ trụ.
Ngoài ra, Google còn có sản phẩm trình duyệt web, gọi là Google Chrome, cạnh tranh với Internet Explorer và Firefox, và đã thiết lập một mạng xã hội lấy tên Google+ vào tháng 6/2011 được nhiều người tham dự (25 triệu người sau 4 tuần hoạt động).
Google cũng tiến công vào điện thoại di động bằng sản phẩm điện thoại Nexus One, cộng tác với hãng điện thoại HTC, chạy trên nền hệ điều hành Android 2.1, được cho là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với iPhone của Apple.
Mới đây, Google đạt được một thành tựu trong lưu trữ dữ liệu và trong tương lai không xa, sẽ rất phổ biến cho người sử dụng máy tính và điện thoại di động, đó là Google Drive (tạm dịch: ổ đĩa Google). Lâu nay, bạn lưu trữ dữ liệu phổ biến là ổ cứng, sau đó là ổ đĩa CD, DVD, và các thẻ nhớ USB. Những nơi lưu trữ như thế có hình thù vật lý cụ thể. Nay, Google cung cấp một ổ đĩa ảo trên Internet – gọi là Google Drive – cho người sử dụng với 5GB miễn phí, còn nếu muốn dung lượng cao hơn (25GB, 100GB) thì phải trả phí. Với dữ liệu trên ổ đĩa này, người sử dụng có thể truy cập bất cứ ở nơi đâu mà không cần đem laptop hoặc USB, và nếu máy tính có sự cố gì, người sử dụng không sợ mất gia tài của mình. Tôi cũng thử tiện ích này và đã gửi gắm những bài văn và tư liệu của tôi cho GoogleDrive giữ giùm. Kiểu lưu trữ “trên mây” này tương tự như iCloud của Apple trên điện thoại di động. Hơn nữa, Google Drive còn giúp người dùng gửi đi tập tin dung lượng lớn (như phim) mà với cách gửi thông thường theo Gmail thì không làm được.
Phương châm của Google là “Không làm ác” (Don’t be evil) và sứ mạng của Google ngay từ đầu là “tổ chức thông tin trên thế giới và làm cho thông tin trở thành phổ cập và hữu ích rộng rãi cho mọi người”.
Gmail và YouTube là các công cụ quen thuộc nhất. Riêng công cụ Google Maps, ta dễ dàng xem những địa danh được thể hiện trên bản đồ như thế nào, và cách đây 5 năm, trong một dịp đi Mỹ, tôi ngạc nhiên đến sững sờ khi được ngồi trên xe đi qua trùng điệp núi non và bình nguyên, băng băng trên xa lộ để đi đến thăm người thân tại nơi xa mà mọi người trên xe, kể cả lái xe, chưa từng đến bao giờ. Chỉ nhờ có ông… Google chỉ đường, chỉ trên từng cây số, chỉ đến con đường và số nhà của nơi đến!
Còn chuyện thư điện tử, thật tuyệt vời! Điện thoại với nhau là phương tiện nhanh nhất, nhưng e-mail vẫn là nhanh chóng, mà viết hết ý, cẩn thận, kỹ càng, lưu giữ được, không những lời lẽ mà còn hình ảnh; không những gửi cho một người mà còn nhiều người, và trong những người muốn gửi, có người nhận chính, có người nhận để đọc cho biết, có người nhận mà người gửi không muốn những người khác biết. E-mail là nhịp cầu trao đổi tri thức và bài vở giữa những người dầu xa xôi vạn dặm. E-mail làm cho báo chí mở rộng mạng lưới cộng tác viên khắp bốn phương trời. Thật ra, không chỉ cóGoogle, mà rất nhiều công ty phần mềm khác cũng có dịch vụ thư điện tử, tuy nhiên Gmail của Google và Yahoo!Mail là công cụ được người bình thường ở Việt Nam dùng nhiều. Kinh nghiệm cho thấy Gmail chuyển tải tốc độ nhanh, dung lượng lớn, và ra tay dẹp bỏ các thư “rác”. Ngoài ra, Gmail còn cung cấp một dịch vụ tuyệt vời là chuyện trò trên mạng (Chat).
Nhưng chung quy, công cụ tìm kiếm của Googlethường được mọi người sử dụng nhiều nhất. Cũng như hầu hết những người sử dụng máy vi tính và internet, vào máy là thường hỏi “ông”Google về đủ vấn đề, từ lịch sử đến văn hóa, văn học, văn nghệ, từ khoa học đến triết học, tôn giáo, phong tục, nếp sống… từ chuyện nước mình đến chuyện năm châu bốn biển, từ chuyện ngày xưa đến chuyện ngày nay… Hỏi gì“ông”cũng trả lời, và rất nhanh, rất nhiều đáp án, và may mắn nếu có đáp án theo đúng đòi hỏi của mình. Tất nhiên, không phải bao giờ ông cũng đáp đúng vì gia tài của “ông” tuy mênh mông những trang web nhưng làm sao lường hết những câu hỏi của con người. Vậy mà nhiều lúc cũng hay, không đến đúng địa chỉ cần đến thì Google đưa đến những địa chỉ láng giềng, nhiều khi có nội dung hay hay, bất ngờ.
Nhờ Google, tôi trở về ký ức những ngày xưa bằng cách tìm về Cổ học tinh hoa, về Quốc văn giáo khoa thư, rồi truyện của Tự lực văn đoàn; tôi trở về thời trẻ khi được đọc lại trên mạng thơ của Hữu Loan, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… Những thơ văn đậm đà hương vị quá khứ vẫn không thể sánh bằng nhạc, ôi, trên mạng, mênh mông là nhạc, gợi nhớ một chiều lang thang bên dòng sông Hương, chiều một mình qua phố, tôi đưa em sang sông… tha hồ là kỷ niệm, tha hồ mà thêu dệt dĩ vãng!
Nhờ Google, tôi xem được các website Phật giáo, từ những trang gần gũi như Liễu Quán, Giác Ngộ, Phật tử Việt Nam, Đạo Phật ngày nay,… đến những trang xa xôi như Thư viện Hoa Sen, như các website đặt máy chủ bên Âu Mỹ Úc; gần gũi hay xa xôi không tính đến khoảng cách địa lý mà ở các vị chủ biên và quản trị mạng đứng chân trên địa bàn nào. Khó thống kê hết những website này vì nhiều quá. Trăm hoa đua nở. Nhiều website có bài nhiều, cập nhật liên tục. Tự nhiên mà mình có được một gia tài kiến thức Phật học quá đồ sộ. Thử đánh vào ô từ khóa “Phật pháp căn bản”, (vào ngày 2/12/2012) Google cho ra khoảng chừng 16.300.000 kết quả, sau 0,16 giây, bao gồm các trang web có hết 4 từ đó, hoặc có ít nhất một trong 4 từ đó, có dấu tiếng Việt hoặc không dấu; tất nhiên có những trang web đề cập đến chủ đề, nhưng cũng có rất nhiều kết quả chẳng có dính dáng gì đến Phật pháp căn bản. Bạn chỉ chọn lọc những gì cần tìm, và riêng chừng đó cũng rất phong phú. Cùng với sách báo Phật giáo, các trang web là nguồn kiến thức Phật học tuyệt vời giúp mình củng cố, nâng cao hiểu biết, đồng thời các trang web này giúp người xem thấm đượm văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo qua những bài văn, phóng sự, truyện ngắn, bài ca…; ngoài ra, còn biết được những thông tin, thời sự về Phật giáo trong nước và nước ngoài, những pháp môn, hình thái tu tập đa dạng; và vô cùng trân quý những viên ngọc trong xã hội, những người quên mình phụng sự đạo và đời. Tôi cũng không quên cảm ơn Google đã dẫn tôi đến những từ điển online để tra từ một cách nhanh chóng, hơn là phải lật những cuốn từ điển dày cộm tốn nhiều thời gian.
Kho tàng trên mạng như biển cả, mà tôi chỉ là dân đánh bắt ven bờ. Tôi đánh bắt theo định hướng sẵn, nhưng khi vào mạng thì tôi cũng như nhiều người khác, có nhiều lúc lang thang, có khi gặp may, nhưng phần lớn là mất thì giờ. Tôi cũng dễ nhận ra, không phải những thứ mình tìm được trên mạng đã là đúng hoàn toàn. Điều này là dễ hiểu vì tài nguyên trên mạng vẫn là sản phẩm của con người cụ thể, mà sự sai sót là khó tránh khỏi. Ngay cả những trang tự điển Wikipedia cũng đã dành chỗ cho hiệu đính. Những bài thơ, bài văn, lời nhạc… có nhiều chỗ sai, mà người đọc cần phải cẩn thận, nhất là khi sử dụng làm tư liệu cho sáng tác của mình.
Mạng Internet phản ánh sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội, giải trí, tôn giáo… đa dạng của những con người đông đảo trên hành tinh, những người có học, có kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin, trong đó có một số tinh hoa làm chủ những diễn đàn, những khuôn mặt có nhiều ảnh hưởng quần chúng; nhưng đồng thời mạng là sân khấu tự do, chấp nhận những cá nhân riêng lẻ ngoài xã hội tạo ra diễn đàn, blog, thư từ, lập nhóm… Cũng phải kể đến chợ buôn bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, dĩ nhiên, kể cả tình dục. Ôi, đủ âm mưu, đủ tình cảm hỷ nộ ái ố. Mà ở đâu,“ông”Google cũng biết. Vậy thì cần tỉnh táo khi nhờ “ông”, chứ không thì “ma đưa lối, quỷ đưa đường”, rồi bị dính virus phá sập chương trình, “xôi hỏng, bỏng không”, máy tính bị treo. Nhưng nói chuyện tỉnh táo, nhiều khi cũng bằng thừa; ngay cả con dao bình thường, mình cũng tỉnh táo, huống hồ phương tiện hiện đại.
Trong cuộc sống, nhiều khi ta dửng dưng trước những tiện nghi hàng ngày bình thường như bật tắt điện, như đi xe, như dùng điện thoại… mà quên rằng để đạt được những tiện nghi như vậy, con người đã vượt qua biết bao tiến bộ khoa học kỳ diệu. Cho đến khi thiếu thốn một cái gì đó… Những ngày lụt bão ở Huế, xe máy vô dụng, điện không có, điện thoại cũng không, tôi mới thấy thấm thía nỗi cô đơn bất đắc dĩ với ánh đèn dầu leo lét trong đêm mưa gió dập dồn. May là cô đơn chỉ ít ngày, mọi chuyện trở lại bình thường, tôi hăm hở bật đèn, mở tivi, nạp pin điện thoại di động, mở máy tính. Thế mới thấy quý những lúc lên mạng và trở lại dùngGoogle.
Ôi, Google, người bạn đường ảo thân thiết của tôi, người giúp việc đắc lực của tôi, hầu như ngày nào tôi cũng kết với ông bạn này, nhưng si mê vì ông, thì xin không. Thế giới của tôi là những người thân xung quanh, là xã hội phức tạp ngoài kia, là nắng mưa, gió sương, là cây cỏ, sông nước muôn trùng… với nhiều niềm vui và lắm nỗi đau. Tuy thế, tôi cảm ơn trí tuệ của con người, kết tụ từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ bộ óc vĩ đại này đến tài năng xuất chúng khác, đã cho con người một công cụ tuyệt vời để san sẻ hiểu biết và kết nối mọi người một cách nhanh chóng và dễ dàng. ■
Cao Huy Hóa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét