Tình yêu và quan hệ

Trong chương trình Shambhala Sun / Omega Institute năm nay, “Tình yêu và quan hệ: những điều Phật giáo dạy”, các vị thầy Phật giáo và tâm lý gia nổi tiếng đã trình bày về những vấn đề từ sâu xa đến thực tiễn trong quan hệ tình yêu.
Dưới đây là bốn tiểu luận được viết lại phỏng theo sự trình bày của các vị này.


TẤM GƯƠNG SOI LỚN

Dzogchen Ponlop Rinpoche

Dzogchen Ponlop Rinpoche là một vị thầy hiện đại thuộc dòng Kagyu và Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Ngài là chủ tịch Hội Nalandabodhi và tác giả cuốn Mind Beyond Death.
Cái mà chúng ta gọi là đời sống, theo quan điểm Phật giáo, đơn giản chỉ là kinh nghiệm, và kinh nghiệm là quan hệ. Chúng ta không có sự hiện hữu độc lập. Chúng ta sẽ không hiện hữu nếu không có sự tùy thuộc vào những thứ khác. Khi tôi bước vào một tiệm tạp hóa và mua một trái táo, tôi có thể có cảm giác rằng mình rất độc lập. Tôi bước vào, lấy một trái táo, trả bằng tiền của chính tôi, và về nhà tự mình ăn. Nhưng thực tế, tôi có thể hưởng được trái táo đó vì nó được kết nối với nhiều người và nhiều điều kiện: người chủ tiệm, người chất hàng, người tài xế xe tải, những người nông dân, cho đến hột và đất. Có quá nhiều mối quan hệ trong mọi lúc.
Trong tất cả những mối quan hệ mà chúng ta có trong kinh nghiệm về sự tùy thuộc, cái trực tiếp nhất, tạo nhiều cảm xúc nhất, mạnh mẽ nhất, đem đến nhiều niềm vui và đau khổ nhất, là sự quan hệ gần gũi thân thiết với một con người khác. Chúng ta dành cho sự quan hệ ấy một sự quan tâm lớn lao, trong khi nó cũng giúp chúng ta nhớ rằng nó cũng giống như trái táo. Đó là sự kết nối nhau, tùy thuộc nhau.
Dưới cái nhìn Phật giáo, sự quan hệ là một tấm gương soi lớn. Đó là tấm gương trong đó chúng ta soi chúng ta, chúng ta khám phá ra chúng ta. tấm gương có thể lệch lạc. Tấm gương cũng có thể rất sáng, chúng ta có thể thấy hình ảnh của chúng ta và điều chúng ta đang làm một cách trực tiếp. Điều này làm cho mối quan hệ trở thành một kinh nghiệm đẹp đẽ.
Khi ngồi một mình, chúng ta có thể mặc sức tưởng tượng, thả cái ngã đi rong, vân vân. Nhưng hãy thử làm việc đó khi cùng với người bạn đồng hành của mình! Lúc đó tấm gương sẽ hiện ra, nó sẽ phản chiếu và cho chúng ta nhìn thấy những hành trình của cái ngã. Tấm gương đó rất khách quan – nó chỉ phản chiếu. Nó là tấm gương cho cả hai con người.
Trong tấm gương này, chúng ta khám phá ra chúng ta – khuynh hướng của chúng ta, những điểm yếu và những điểm mạnh của chúng ta. Chúng ta khám phá ra những tính tốt cũng như tính xấu của chúng ta. Tấm gương này trở nên một vị thầy, một con đường tu tập rất quý cho chúng ta. Tấm gương của sự quan hệ trở thành một bài học quý giá để chúng ta khám phá ra chúng ta thật sự là ai, chúng ta đang ở điểm nào trong cuộc hành trình và trong thế giới.
Nhưng khuynh hướng của chúng ta là thấy cái gì mình muốn thấy. Và hai người trong mối quan hệ có thể có hai cái thấy khác nhau. Kết quả là cả hai sẽ bị đẩy ra khỏi sự thăng bằng, ra khỏi sự lợi ích, quí giá trong mối quan hệ là tấm gương. Có thể chúng ta lý tưởng hóa sự quan hệ của chúng ta; chúng ta trốn tránh. Chúng ta sống ở tương lai thay vì sống trong khoảnh khắc hiện tại. Nhưng nếu chúng ta có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại, sự quan hệ sẽ trở thành con đường tu tập và tấm gương sẽ là một vị thầy.
Trong mối quan hệ giữa chúng ta và người khác, chúng ta thường hiểu lầm cách chúng ta kết nối. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta là hai tạo thành một, hoặc chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn độc lập. Cha tôi có dạy tôi rằng một cuộc hôn nhân hay một cuộc chung sống, sự quan hệ thân thiết với người khác, giống như hai chiếc nhẫn đến với nhau. Có một khoảng trống chung ở giữa. Có trách nhiệm, niềm vui và chia sẽ, nhưng đồng thời cũng phải biết rằng sự việc luôn có hai mặt. Khoảng không gian cá nhân cũng rất cần thiết, và nếu chúng ta cố gắng làm mất khoảng không gian đó, chúng ta sẽ đánh mất sự thăng bằng.
Có sự gắn bó chung, nhưng đồng thời cũng có hai nguồn tâm thức riêng. Chúng ta phải tôn trọng và chấp nhận sự độc lập của người kia. Khoảng không gian chung tôn trọng khoảng không gian riêng. Chúng ta không thể áp đảo người kia hoặc làm cho họ giống mình. Người kia không có những nhu cầu mà còn có những tập khí mà chúng ta không thể thay đổi. Họ cần tự mình thay đổi, chúng ta không thể bắt buộc họ thay đổi. Phật giáo dạy cho chúng ta rằng chúng ta không thể chuyển đổi nghiệp của một người, ngay cả Đức Phật cũng không thể. Ngài nói: “Ta chỉ có thể chỉ cho các ông con đường; thực hiện việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào các ông”.
Đó là nguyên lý cơ bản trong sự quan hệ-chia sẻ. Chúng ta chia sẻ trí tuệ, sự hiểu biết, chúng ta cho phép chúng ta trở thành tấm gương soi, nhưng tùy vào quyết định lửa chọn của cá nhân. Chúng ta phải tôn trọng điều đó. Chúng ta phải biết rằng người kia hành động theo tập khí, giống như chúng ta. Chúng ta không thể bị ngoại giới ép buộc thay đổi bằng sự khống chế, họ cũng vậy.
Vấn để xảy ra khi chúng ta đánh mất sự thăng bằng có từ việc hiểu tác động hỗ tương giữa sự kết nối và sự ngăn cách. Chúng ta đánh mất cảm thức tràn đầy khi chúng ta đánh mất sự thăng bằng nền tảng của vô ngã, và trở nên ích kỷ, quy hướng về mình, mê cuồng trong bản ngã.
Đó là chỗ mà khổ (dukkha) bắt đầu và niềm vui chấm dứt, chỗ mà niềm vui trong sự quan hệ chấm dứt và khổ trong sự quan hệ bắt đầu. Khi sự quan hệ bị trục trặc, nó kích thích con đường tu tập của chúng ta. Chùng ta không thể kỳ vọng rằng nó luôn luôn hoàn hảo. Trong tấm gương soi của sự quan hệ, chúng ta khám phá ra tất cả những sự việc này. Chúng ta khám phá ra bản chất thật của sự quan hệ và chúng ta khám phá ra chúng ta đánh mất sự thăng bằng như thế nào, chúng ta đánh mất tánh vô ngã như thế nào, chúng ta đánh mất tình yêu và sự quan tâm như thế nào.
Thực hành chánh niệm và thức tỉnh có thể giúp chúng ta nhìn vào tấm gương rõ ràng hơn. Chánh niệm có thể làm cho sự rồ dại của tâm thức, nguyên nhân đánh mất sự thăng bằng của chúng ta, trở nên thuần thục. Chánh niệm sẽ đưa tâm thức rồ dại của chúng ta vào chuồng. Khi con ngựa hoang được cho vào nền nếp một chút, chúng ta có thể huấn luyện nó bằng cách cột nó vào cột trụ tỉnh thức. Sau đó chúng ta có thể huấn luyện mọi thứ cho con ngựa; cả việc sử dụng nó trên con đường quan hệ và hưởng niềm vui và hạnh phúc trong tình yêu.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐANG TRÊN CUỘC HÀNH TRÌNH

Sylvia Boorstein

Tiến sĩ Sylvia Boorstein là giáo sư đồng sáng lập Trung tâm Spirit Rock Mediatation Center và là nhà tâm lý trị liệu. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách thuộc loại bán chạy nhất.
Chúng ta rất dễ bị làm phiền, nhất là đối với những người thân yêu. Tôi đã lập gia đình với một người được năm mươi ba năm và có quan hệ gần gũi với người đó năm mươi sáu năm. Thỉnh thoảng người đó có những lời phê bình vụng về làm tôi cảm thấy bị xúc phạm, người đó không biết điều đó và vẫn thản nhiên.
Vâng, tôi có cảm tưởng bị coi thường. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi tỏ ra là tôi cảm thấy khó chịu. Nhưng người kia vẫn không để ý rằng tôi cảm thấy khó chịu, không để ý có điều gì xảy ra, cứ tiếp tục nói điều đang nói, làm điều đang làm. Và tôi tự nghĩ rằng tôi sẽ không nói lại một lời nào và bỏ ra ngoài. Nhưng người kia vẫn không nhận ra khiến cho tôi bực mình hơn, và tôi quyết định không nấu món mà người đó thích ăn.
Có thể ở một điểm nào đó, tôi thấy tâm thức ngấm ngầm sự trả thù. Có thể tôi mất một khoảng thời gian để nhận ra điều đó, nhưng nếu tôi chú tâm, tôi có thể thấy sự thật ngay lúc đó. Sự thật là tôi đang mưu tính trả thù. Đó là hành động không sáng suốt, không khôn khéo, bởi vì nó hòa lẫn nỗi đau buồn của tôi. Tôi không cảm thấy thoải mái để khởi sự và bấy giờ tôi lại có thêm nỗi khó khăn về tâm trả thù, càng làm cho tôi cảm thấy bị tổn thương hơn. Nếu tôi mở lòng, tôi có thể thấy rằng người đó thật sự yêu tôi và nói điều vụng về chỉ vì người đó không để ý. Tất cả những lời đó chỉ là những âm thanh vô nghĩa mà tôi cố giữ để cho rằng người đó không yêu tôi. Tôi đã tạo ra một chuyện hoang đường và bị chuyện hoang đường đó hù dọa.
Mối quan hệ trong Phật giáo được đặt nền tảng trên tâm từ (metta). Từ thật sự là chánh niệm, soi rọi cho chúng ta sự thật về điều đang xảy ra. Khi chúng ta có một giây phút tràn đầy trong sự quan hẹ như là một người bạn, chúng ta kết hợp chánh niệm với tâm từ. Chúng ta không còn vẽ vời câu chuyện hoang đường, câu chuyện ai làm gì cho ai.
Phật giáo rất lạc quan về khả năng yêu thương của con người, về tiềm năng chúng ta có thể thực hiện trong tình yêu. Chúng ta có thể phát triển một tình yêu vững chắc và toàn bộ. Chúng ta phát triển nó không phải vì chúng ta tự buộc mình phải yêu thương trọn vẹn. Nhưng vì chúng ta nhận ra rằng yêu thương không điều kiện là một nguồn hạnh phúc lớn lao nhất. Chúng ta thường thất bại trong việc hưởng nguồn hạnh phúc đó chỉ vì chúng ta do dự và gián đoạn trong tình yêu. “Tôi sẽ yêu nếu anh chia sẻ việc nấu nướng, nếu anh làm điều này, nếu anh làm điều kia”. Khi chúng ta do dự kiểu đó, chúng ta thất bại.
Phật giáo nói với chúng ta rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể có một tình thương vững chắc đối với tất cả chúng sinh. Hầu hết những người học PHật chấp nhận loại tình thương này. Họ thấy nó hợp lý khi nhận ra rằng thế giới này chỉ trở nên có vấn đề khi con người do dự với tình thương.
Có một câu mà tôi rất thích của ngài Nyananponika Thera, một vị thầy người Đức thọ giới xuất gia tại Miến Điện. Thera nói về một“tình yêu bao trùm hết thảy mọi người, biết rõ rằng tất cả chúng ta đều là những người đang trên cuộc hành trình đi qua vòng hiện sinh này và tất cả chúng ta đều có chung kinh nghiệm về khổ”.
Đây là một câu nói cảm động, vì nếu tôi có thể thấy được rằng người làm tôi giận, cúng giống như tôi, có những ước muốn đơn giản, thì tôi có thể nắm lấy cái khoảnh khắc đó một cách tràn đầy và coi người kia như một người bạn. Người làm tôi cáu giận chỉ muốn đi qua cuộc đời này không bị quá nhiều đau khổ. Người này, như moi người, đau khổ giống như tôi đau khổ: Sự việc không xảy ra theo ý mình muốn. Những thứ thân thiết sẽ không kéo dài được lâu. Sự việc không ngừng đổi thay. Họ là “những người đang trên cuộc hành trình đi qua vòng hiện sinh này”, và họ đau khổ giống như tôi đau khổ.
Có một câu của Đức Phật có vẻ như không khuyến khích sự quan hệ. Đức Phật nói rằng tất cả mọi thứ thân thiết với chúng ta đều gây ra đau khổ. Khi tôi đọc lần đầu và mới bắt đầu thực hành Phật pháp, tôi không thích câu đó. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng đó là một phát biểu về sự thật. Nó không có nghĩa rằng chúng ta không nên có quan hệ. Nó không có nghĩa rằng đừng có thú gì thân thiết. Nó chỉ có nghĩa là trong cuộc sống luôn luôn đổi thay, chúng ta sẽ mất đi tất cả những gì thân thiết, nếu không phải những thứ thân thiết đánh mất chúng ta. Mọi thứ đều sẽ thay đổi. Nó sẽ không còn là cái nó đã là, hoặc nó sẽ không còn là cái chúng ta muốn, hoặc chúng ta sẽ không còn yêu thích nó nữa và chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu về nó, hoặc chúng ta sẽ yêu thích nó rất nhiều rồi điều gì đó xảy ra, chúng ta không còn nó nữa, vân vân và vân vân. Cuộc đời này đầy dẫy sự mất mát. Một câu trả lời thích đáng duy nhất là yêu thương một các tràn đầy và nhận ra rằng chúng ta có một cuộc sống ngắn ngủi quý giá.
Lời dạy rằng mọi thứ thân thiết với ta gây ra đau khổ giúp tôi thấy rõ ràng hơn về sự tha thiết sử dụng mối quan hệ như là một đường lối tu tập. Nó nhắc nhở tôi đừng phí phàm một ngày nào cho lòng ác cảm, tâm bất bình hoặc thái độ lạnh nhạt. Những điều đó sẽ chỉ tạo ra sự xa cách với tình thương bền vững toàn diện, điều tạo ra niềm vui.

KHÔNG HAY BIẾT

John Tarrant

Tiến sĩ John Tarrant là một vị thầy dạy Thiền, nhiều năm thực hành trong ngành phân tích tâm lý theo trường phái C.G. Jung. Ông là tác giả Bring Me the Rhinoceros và The Light Inside The Dark. Ông dạy cho các bác sĩ và nhân viên quản trị ở Duke Intergrative Medicine và điều khiển Học viện Pacific Zen Institute.
Tham thiền là con đường bước vào cuộc đời một cách trọn vẹn, không hạn chế. Khi tham thiền, ngồi và định tâm, không có sự ước định nào, chúng ta hiển lộ ra trong cuộc sống của chúng ta. Trong giây phút thiền quán, không có gì đòi hỏi ở chúng ta. Ở đây, trên hành tinh này, thể nghiệm phút giây hiện tại, tôn vinh món quà được sống với tâm thức tràn đầy, thế là đủ. Và đó là một món quà, một món quà tự đến với chúng ta, chúng ta không phải đòi hỏi.
Nếu chúng ta không hiển lộ ra trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có khuynh hướng đòi hỏi người khác trám vào những chỗ chúng ta không hiển lộ. Điều đó gây khó khăn cho họ. Do đó tình yêu khởi sự với sự hoàn toàn hiển lộ. Và sự tu tập giúp đỡ trong việc này. Đó là con đường không tránh né khó khăn, không tránh né đau khổ. Cũng không tránh né sự đẹp đẽ và kỳ diệu của cuộc sống, sự kỳ diệu và khả năng của chúng ta trong việc kết nối với người khác. Tình yêu khởi sự từ đó.
Đôi khi chúng ta có ý nghĩ cho rằng sự quan hệ giống như một chiếc máy, chúng ta có thể sửa chữa. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng sự quan hệ là sự tính toán tổng số những điều tốt và xấu, điều chúng ta nhận được và không nhận được.
Nếu chúng ta biết nhìn người khác như một món quà, chúng ta sẽ thoát khỏi những chiếc bẫy kia. Mối quan hệ không phải là sự trao đổi: cho cái này, được cái kia. Tất cả những mối quan hệ của chúng ta, với người yêu, thầy giáo, bạn bè,v.v..hoàn toàn không phải là sự đổi chác. Chữ Bồ đề tâm chuyên chở ý muốn mở tâm của chúng ta ra vì nó tốt đẹp cho thế giới, không chỉ cho riêng chúng ta. Bồ đề tâm không phải là cái gì bí ẩn; nó là kinh nghiệm nền tảng của con người. Nó là một phần trong bản chất của Tâm.
Sự quan hệ không phải là một sự kiện biệt lập ngoài việc tu tập của chúng ta. Chúng ta đặt mình vào mối quan hệ vì chúng ta đang trên con đường tu tập. Chúng ta đang tu tập và một cách nào đó mối quan hệ trở thành một phần trong việc tu tập của chúng ta. Nó không phải là cái gì khác biệt với sự tu tập của chúng ta.
Nếu chúng ta có sự tu tập trong cuộc sống, chúng ta sẽ thực sự hiển lộ trước cuộc sống chúng ta. Nếu tâm chúng ta khong dừng nghĩ và không thoải mái, chúng ta đang hiển lộ trước tâm chúng ta sự không dừng nghĩ và không thoải mái. Nếu chúng ta thôi chống cự, thôi suy nghĩ rằng sự việc nên khác hơn, nếu chúng ta cho phép mình mở tâm ra một chút – ngay chỉ việc có lòng từ bi đối với sự bất lực của chúng ta trong việc mở lòng từ bi – con lừa sẽ bắt đầu hướng về nhà.
Khi mẹ tôi hấp hối, tôi vào bệnh viện ngồi với bà và cầm bàn tay bà. Trong lúc đó, các chị tôi thì thương lượng với y tá về mức oxy, cha tôi thì thuyết phục mẹ tôi cố gắng ăn một chút để có thể sống, và mẹ thì không muốn cho cha đến gần. Phần tôi, tôi không biết làm gì, không có vai trò gì đặc biệt, và tôi nghĩ có thể như vậy là tốt. Tôi để ý mỗi khi tôi muốn người nào làm khác đi, sự việc trở nên tệ hơn thay vì khá lên. “Cha, thôi đi. Con muốn nói là mẹ đang hấp hối. Mẹ không muốn ăn đâu”. Hoặc “Mẹ, vì cha yêu mẹ nên cha muốn là việc gì có ích và có thể có ích nếu mẹ ăn”. Hoặc “Này các chị, các chị hãy bớt căng thẳng; oxy sẽ chẳng giúp ích gì cho mẹ bây giờ đâu”. Tôi có đầy ấp những ý nghĩ thuộc loại “làm cho thế giới khá hơn” đó, nhưng tôi để ý rằng khi tôi không thực hiện những ý nghĩ đó, mọi sự hoàn toàn yên bình. Con người làm những việc họ làm vì họ cần làm. Thật là đẹp đẽ khi tôn vinh việc họ chăm sóc cho nhau.
Chúng ta đã tốn nhiều công sức để đánh đập, điều khiển con lừa. Nếu chúng ta ngưng làm chuyện đó, có thể chúng ta sẽ thấy chúng ta thay đổi theo những cách không ngờ trước, và những người khác cũng vậy. PHần lớn những dự đình làm thay đổi người khác hay thay đổi chính mình thật sự đều là những dự định có tính cách trang trí ớ bên trong căn nhà tu. Mà thật sự, tu tập là một cuộc vượt thoát ra khỏi căn nhà từ.
Tình yêu có nghĩa là cưu mang những khác biệt của người kia, không cố gắng thay đổi chúng – không chỉ cưu mang, nhưng còn biết đánh giá, tôn trọng và yêu mến những cái khác biệt của người kia. Tự nó, nó là một con đường. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự khác biệt giữa anh và tôi là một chiếc cổng để bước vào thay vì là một chướng ngại?

SỰ RÈN LUYỆN CỦA TÌNH YÊU

Polly Young-Eisendrath

Tiến sĩ Polly Young Eisendrath là một nhà phân tích tâm lý theo trường phái C.G.Jung và là phó giáo sư về bệnh học tâm thần tại Đại học Vermont. Bà đã thực tập Zen và thiền Minh sát trong một thời gian dài, là tác giả của mười bốn cuốn sách, trong đó cuốn mới nhất là The Self-Esteem Trap: Raising Confident and Compassionate Kids in an Age of Self-Importance.
Giới luật cư sĩ Phật giáo có thể diễn dịch là “tôi nguyện nhận sự rèn luyện về việc không giết, không tổn hại. v.v…” Giới luật đòi hỏi chúng ta cam kết sự rèn luyện tâm. Khi bước vào con đường quan hệ, chúng ta nguyện nhận sự rèn luyện của tình yêu. Đó là một cuộc rèn luyện nhận lãnh nỗi đau. Khi chúng ta muốn nhận lãnh nỗi dau của con tim, chúng ta nhận sự rèn luyện của tình yêu. Đó là một sự rèn luyện cao cả nhất, đòi hỏi sự phát triển cao, vì tình yêu không phải là thứ có ngay lúc mới sinh ra. Tiềm năng của tình yêu vốn có sẵn, nhưng tình yêu thật sự cần phải có những đòi hỏi cho nó.
Tình yêu đòi hỏi sự hiểu biết. Một người cần phải hiểu biết, thật sự hiểu biết người mình yêu. Chúng ta cần hiểu người mình thương yêu để thương yêu thật sự. Một đòi hỏi nữa cho tình yêu là sự bình tĩnh. Kết hợp sự hiểu biết về người mình yêu và sự bình tĩnh chấp nhận bằng thái độ thân thiện và trân trọng là chất liệu cho tình yêu.
Vì sao người Phật tử có những điều rất đặc biệt khi đề cập đến tình yêu và sự quan hệ? – Lý do là giáo pháp của Đức Phật cơ bản được nói ra từ thực tại. Bao lâu chúng ta còn yêu mến thực tại thì thực tại vẫn còn nhiều điều để dạy cho chúng ta. Chúng ta sẽ học rằng tình yêu là sự rèn luyện cách đối diện với những nỗi đau lòng-sự rèn luyện cho một trái tim tan vỡ.
Khi chúng ta cảm giác có sự kết nối gắn bó với một người nào đó, khi chúng ta thật sự tìm hiểu một người nào đó, khi chúng ta thật sự tìm hiểu một người nào đó, đòi hỏi đầu tiên của tình yêu, chúng ta biết rằng người đó rồi sẽ bệnh, sẽ già, và sẽ chết. Chúng ta biết rằng mọi thứ đều sẽ thay đổi. Dĩ nhiên chúng ta không muốn những điều đó, nhưng tình yêu đòi hỏi chúng ta vẫn yêu thương người đó ngay cả khi những việc đó xảy ra. Đó là đòi hỏi về sự bình tĩnh trong tình yêu.
Những sự việc đau lòng xảy ra vì vô thường, một trong ba tính chất của hiện hữu. Khi chúng ta lý tưởng hóa như chúng ta thường làm trong tình yêu, chúng ta không nhìn thấy sự lên xuống của cuộc sống, chúng ta bỏ mất cơ hội được rèn luyện trong tình yêu.
Vị thầy hiện tại của tôi, ngài Shinzen Young, xuất thân từ phái Lâm Tế nhưng về sau ngài quyết định dạy thiền Minh sát (Vipassana) vì cho rằng nó thích hợp với người Mỹ. Minh sát dạy chúng ta tỉnh thức trước sự mở rộng và thu hẹp luôn luôn xảy ra, và không ưa thích cái nào hơn cái nào. Có những cảm thọ tốt và những cảm thọ xấu, những ngày tốt, những ngày xấu, sự mở rộng và thu hẹp. Đó là cách nó xảy ra cho tất cả chúng ta, không người nào ngoại lệ.
Nhưng chúng ta lại thường tạo ra một trạng thái vững chãi cho lý tưởng của chúng ta, nhất là trong quan hệ tình yêu. Khi lựa chọn một người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi tình trạng mở rộng và thu hẹp. Những lý tưởng của chúng ta về sự quan hệ có thể rất cao chúng ta không bao giờ đạt đến. Và vì ôm giữ quá chặt lý tưởng, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự đặt chân được vào tình yêu.
Hoặc có thể chúng ta đi tìm những lý tưởng cao đó giữa những lên xuống của cuộc sống. Chúng ta kỳ vọng lớn lao ở chúng. Thỉnh thoảng chúng ta thật sự có một ngày vui hoặc một kinh nghiệm tuyệt vời, sự cởi mở tuyệt vời. Và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta và người kia hoàn toàn hòa hợp, hoàn toàn chấp nhận nhau. Rồi chúng ta nghĩ: “Vâng, bây giờ mình đã đạt được điều đó. Trong tương lai mình sẽ làm hoàn toàn giống như vậy, và mình sẽ lại có được kết quả đó”. Nhưng điều đó sẽ không thành tựu vì những con sông không ngừng lên cao và xuống thấp.
Đây là điều bí ẩn, hãy xem một tấm ván lướt sóng. Khi sóng lên và xuống, tấm ván lướt sóng giúp chúng ta giữ được thăng bằng. Bằng việc lượn trên sóng và giữ thăng bằng, chúng ta có cảm tưởng không bị đưa lên đưa xuống nhiều.
Tu tập thiền quán, giữ chánh niệm, chữa trị bằng tâm lý, quán sát theo dõi những cảm nghiệm bên trong – tất cả những thứ đó sẽ cho chúng ta khả năng lượn trên sóng. Dĩ nhiên, người nào rồi cũng sẽ ngã khỏi tấm ván lướt sóng ở một lúc nào đó, do đó chúng ta cần một chiếc vòng để giữ chân chúng ta và tấm ván lướt dính với nhau. Dù bằng tâm lý trị liệu hay tham thiền, chúng ta cũng đều cần một thời gian cần thiết để chiếc vòng gắn kết với chúng ta. Nếu không, một ngày nào đó chúng ta sẽ bị té nặng, và chúng ta sẽ rút lui. Đó là kết quả tệ hại. Những việc có thể giúp chúng ta đã bị vứt đi.
Khi rác rưởi dính vào chiếc quạt cuộc đời-và nó sẽ-chúng ta cần tấm ván lướt sóng và những chiếc vòng để gắn chúng ta với nó. Chúng ta sẽ cần sự rèn luyện và cần một tầm nhìn lớn hơn về tình yêu, chứa đựng và chấp nhận những sự đau lòng sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ cần thứ gì đó nhắc nhở chúng ta về lời nguyện “nhận sự rèn luyện”của tình yêu.

Chuyển ngữ: Thị Giới

Nguồn: Shambhala Sun/ Tạp chí Văn hoá Phật giáo số 76/ tapchivanhoaphatgiao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét