TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA

Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ở đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai. Hãy làm điều lành. Hãy sống phạm hạnh. Không có gì sinh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.
Loài người thọ mạng ngắn/Người lành phải lo âu/Như cháy đầu, hãy sống/Tử vong rồi phải đến/Ngày đêm có trôi qua/Thọ mạng có chấm dứt/Mạng người phải khô cạn/ Như suối nhỏ đầu non.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 1, phần Tuổi thọ [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.241)

LỜI BÀN:


Trăm năm trong cõi người ta tuy có tới ba vạn sáu ngàn ngày nhưng thật là ngắn ngủi. Càng ngắn ngủi hơn vì mấy ai sống tới trăm năm. Vô thường sẽ lần lượt đến với mọi người mà không bao giờ hẹn trước. Do vậy, phải ý thức sâu sắc về thọ mạng, về sự tồn tại ngắn ngủi của kiếp người để xây dựng đời sống thật tốt đẹp và có ý nghĩa nhất.
Hãy đứng lên làm lại đời mình, làm đẹp cho cuộc đời. Hãy tha thứ và yêu thương, rũ bỏ tất cả niềm đau và thù hận. Thời gian rất quý giá, lại trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Đừng để một mai lực bất tòng tâm, đừng để bao ý niệm tốt đẹp phải theo mình về nơi đất lạnh. Mỗi ngày đi qua đời mình như con lừa đang trên đường dẫn đến lò sát sinh thì có vui gì khi cố níu kéo những ngọn cỏ bên vệ đường. Vì mạng người mong manh, nên phải làm điều lành, phải sống phạm hạnh.
Sở dĩ người ta tranh chấp, giành giật, đấu đá nhau chí tử một mất một còn vì không ý thức được sự thật của thân phận kiếp người. Cứ tưởng rằng thế lực, sức mạnh của mình là trường cửu nên chẳng bao giờ biết nhường nhịn, chia sẻ trong tinh thần đôi bên cùng lợi ích mà cứ lo tranh đoạt, thâu tóm cho riêng mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tàn hại và giết chóc lẫn nhau, gây biết bao đau khổ cho nhân loại.
Một đời người mấy ai sống tới trăm năm, tuy thời gian ấy không phải là dài nhưng cũng đủ cho ta chiêm nghiệm về những giá trị sống. Rốt cuộc thì trọng tâm của đời sống này là gì, phải chăng chỉ là hưởng thụ, tranh giành và chiếm đoạt? Chỉ cần một ngày giác ngộ được Chánh pháp, biết sống và làm đẹp cuộc đời, biết yêu thương, tha thứ và bao dung, biết nhận lãnh trách nhiệm về những nghiệp nhân đã gây tạo… thì dẫu vô thường, kiếp người tạm bợ nhưng cuộc đời này vẫn đẹp và đáng sống.
Vì thế, ý thức về vô thường, quán chiếu về thọ mạng ngắn ngủi, sự sống mong manh không phải là thái độ bi quan, tiêu cực mà ngược lại chính điều đó giúp chúng ta sống có ích hơn, không lãng phí cuộc đời, biết quý trọng sức khỏe, biết tận dụng thời gian quý báu để tu tập, làm tất cả những việc lành có thể để giúp mình và giúp người.

Quảng Tánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét