Đường dài nên Phật và chúng Tỷ-kheo nghỉ đêm tại Ambalatthika. Thầy trò Brahmadatta cũng nghỉ đêm ở Ambalatthika. Phật và chúng Tỷ-kheo qua đêm dành phần lớn thời gian để hành thiền. Nhưng thầy trò Brahmadatta thì tiếp tục câu chuyện khen chê Tam bảo. Chuyện khen chê nói mãi không dứt nên đến tai Phật, cũng là một nhân duyên hay để Phật cho lời khuyên bổ ích về phép ứng xử như thật như chơn, lợi mình lợi người. Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngườichớ có vì vậy sanh lòng công phẫn,tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn,tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?
– Bạch Thế Tôn, không thể được!
– Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác, việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.
Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các người hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các người. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi” (1).
Lời Phật khuyên nhẹ nhàng và minh triết làm sao! Nếu có người nói xấu Phật-Pháp-Tang thì không nên tức giận bực phiền, vì như thế tức là có hại. Nếu có người nói tốt Phật-Pháp-Tăng thì cũng không nên vui mừng hoan hỷ, vì như thế cũng có hại. Vì sao lại có hại? vì tức giận nghĩa là tâm sân hận phát sanh, an trú và tăng trưởng. Vì vui mừng tức là tâm tham ái phát sanh, an trú và tăng trưởng. Tham ái và sân hận là pháp bất thiện, dẫn đến phiền não khổ đau. Vì bất cứ lý do gì mà tham ái và sân hận phát sanh là điều không hay đối với người học Phật, vì như thế tức là chướng ngại cho vị ấy trên đường tiến tu đạo nghiệp. Phật thương và lo cho học trò mình quá! Phật không lo cho Tam bảo, mà lo cho cá nhân các học trò của mình. Ở đây Phật mạnh mẽ và minh triết hơn nhiều người khác. Tam bảo là chân, là thật, không sợ ai chỉ trích cũng không cần ai bảo vệ. Phật không muốn các học trò mình rời vào chủ nghĩa tín điều cực đoan. Phật lo cho các học trò của mình chưa vững chánh kiến mà rơi vào vòng thị phi, phản ứng yêu ghét, thì “yêu nhau lại chẳng bằng mười phụ nhau”.
Hơn thế, khi tham ái hay sân hận phát sinh thì tâm không còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để xem xét và cân nhắc mọi việc đúng sai. Xem ra, giữ tâm bình tỉnh sáng suốt, không rơi vào vui mừng hay tức giận khi gặp chuyện khen chê, chính là điều kiện tốt để giúp cho người khác nhận ra sự thật. Ngoài bổn phận tựlợi, người con Phật còn có trách nhiệm lợi tha. Phật khuyên các học trò mình không nên vui mừng hay giận dữ trước việc khen chê, mà nên từ tốn giải thích cho người khác những gì chân thật là chân thật, những gì không chân thật là không chân thật. Đây là cách thái ứng xử như thật như chơn, lợi mình lợi người, mà Đức Phật mong muốn các học trò mình thể hiện trên cuộc đời vốn có nhiều thị phi tranh chấp.
Huệ Hiếu
Chú thích:
Kinh Phạm Võng, Trường Bộ
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo / tapchivanhoaphatgiao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét