Có lẽ người Á đông mình coi trọng tình bạn hơn bất kỳ dân tộc nào khác. Nếu không thì đâu thể có câu truyện Bá Nha, Tử Kỳ ca ngợi tình bạn tri kỷ đến nay còn được truyền tụng và người Việt chúng ta không ai không biết.
Truyện kể: Bá Nha người nước Sở nhưng làm quan nước Tần, một lần được sai đi sứ, trên đường về dừng lại ở một bến sông, gặp lúc trăng thanh gió mát bèn lấy đàn ra gảy. Đang chơi thì dây đàn bỗng đứt liền ngờ có người đang nghe. Khi biết người đó là Tử Kỳ vừa đi đốn củi về ngang qua bèn mời vào cùng đàm đạo và mau chóng trở thành hai kẻ tri âm.
Tử Kỳ nghe tiếng đàn mà hiểu được lòng của Bá Nha. Sau đó hai người chia tay và hẹn sẽ gặp lại. Một năm sau, Bá Nha trở lại chốn cũ thì được tin Tử Kỳ đã qua đời, lòng đau khôn xiết, Bá Nha cầm đàn lên gảy một lần cuối và sau đó đập vỡ cây đàn vì nghĩ rằng từ đây về sau sẽ không còn ai trên đời có thể nghe và hiểu được tiếng đàn của mình như Tử Kỳ nữa.
Tử Kỳ nghe tiếng đàn mà hiểu được lòng của Bá Nha. Sau đó hai người chia tay và hẹn sẽ gặp lại. Một năm sau, Bá Nha trở lại chốn cũ thì được tin Tử Kỳ đã qua đời, lòng đau khôn xiết, Bá Nha cầm đàn lên gảy một lần cuối và sau đó đập vỡ cây đàn vì nghĩ rằng từ đây về sau sẽ không còn ai trên đời có thể nghe và hiểu được tiếng đàn của mình như Tử Kỳ nữa.
Tình bạn như Bá Nha, Tử Kỳ từ trước tới nay là có một không hai. Tuy nhiên, đấy chỉ là truyền thuyết và là chuyện của thời xưa. Chúng ta hãy nói chuyện thời nay.
Tình bạn thời nay thì vẫn còn đấy, nhưng nó nhẹ hều, nhẹ như không còn nhẹ hơn được nữa. Nếu tính theo thang bậc của các mối quan hệ, tình bạn bị xếp cuối bảng. Người yêu, cha mẹ, con cái – tất cả đều được xếp trước tình bạn.
Điều này không chỉ đúng trong cuộc sống mà luôn cả trong nghiên cứu khoa học. Bạn cứ thử xem lại đi, tất cả những nghiên cứu có liên quan tới quan hệ tình cảm của con người thì các nhà nghiên cứu thường chỉ chú trọng tới quan hệ đôi lứa và quan hệ gia đình.
Nhưng tình bạn được cho là thứ quan hệ độc đáo không giống những quan hệ liên quan đến gia đình; trong quan hệ bạn bè chúng ta có quyền được chọn để quen hay không quen. Và cũng không giống những mối quan hệ tự nguyện, như hôn nhân và những quan hệ tình cảm trai gái, tình bạn thiếu cái sự trang trọng và gần gũi về hình thức. Với một người yêu hay người bạn đời, ta không thể không gặp mặt hay không nói chuyện dù chỉ vài ngày hay một tuần. Nhưng với một người bạn thì ta có thể không liên lạc nhiều tháng nhưng khi gặp lại vẫn vui vẻ như thường.
Qua nhiều cuộc thăm dò, kết quả cho thấy bạn bè mang lại niềm vui cho cuộc sống. Và mặc dù tình bạn thường thay đổi theo tuổi đời, cái mà người ta muốn từ tình bạn thì thường không thay đổi, cho dù đó là một thiếu niên 13, 14 tuổi hay một cụ già đã xấp xỉ trăm tuổi thì khi nói về một người bạn thân người ta có ba điều mong đợi từ người bạn ấy: để được tâm sự, để được che chở và để được chia sẻ niềm vui. Ba điều mong đợi đó, dù ở tuổi nào, thì cũng vẫn không thay đổi.
Suốt một đời người, từ khi bắt đầu cắp sách tới trường cho tới khi dọn vào viện dưỡng lão, tình bạn luôn mang đến cho người ta những lợi ích về sức khoẻ, cả về tâm lý lẫn thể xác.Trong khi tuổi đời tăng, những ưu tiên và trách nhiệm của người ta thay đổi, và tình bạn cũng bị ảnh hưởng theo, có thể đậm hơn hoặc nhạt đi, nhưng đa phần thường là nhạt đi.Các nhà nghiên cứu nói rằng tuổi thanh niên là “thời hoàng kim” của tình bạn. Ở tuổi thanh niên, tình bạn trở nên phức tạp hơn nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa hơn. Ở tuổi thơ, bạn bè thường là những đứa trẻ khác học cùng lớp hay cùng xóm chơi nghịch chung; nhưng ở tuổi thanh niên, người ta mở rộng vòng tay hơn và bạn bè nương tựa lẫn nhau. Tuy nhiên, tuổi thanh niên vẫn còn là tuổi đang tự khám phá cá tính của riêng mình, và tìm hiểu ý nghĩa đích thực của sự gần gũi, thân thiết. Tình bạn giúp người ta tìm được những ý nghĩa ấy.
Song song đó, lứa tuổi thanh niên còn dành nhiều thì giờ cho bạn bè. Theo bộ Bách khoa về Quan hệ Loài người (Engyclopedia of Human Relationships), lứa tuổi thanh niên thường dành từ 10 đến 25 tiếng mỗi tuần với bạn bè; và kết quả một nghiên cứu khác vào năm 2014 cho biết những người ở tuổi từ 20 đến 24 trung bình mỗi ngày dành nhiều thì giờ cho bạn bè nhất so với tất cả những nhóm tuổi khác.
Môi trường đại học là nơi tạo nhiều điều kiện để tình bạn nảy nở, vì những người trẻ này thường sống chung đụng nhau trong những cư xá sinh viên (dorm), nhưng thậm chí với những người trẻ không học đại học cũng không bị những trách nhiệm cá nhân, chẳng hạn như cuộc sống hôn nhân, hoặc phải chăm sóc con nhỏ hay cha mẹ già yếu, ràng buộc làm họ phải xa lánh bạn bè,.
Lúc trẻ, quan hệ bạn bè thường là ở trong cái vòng nhỏ hẹp, có thể là bạn học cùng trường, hoặc bạn cùng xóm. Lớn hơn chút nữa, có người vì việc học, vì công việc, hay vì gia đình mà phải dọn nhà đi xa. Thành thử, cái mạng lưới bạn bè đó cũng bắt đầu tản mác khắp nơi. Trong một nghiên cứu dài hơi của giáo sư Andrew Ledbetter thuộc Đại học Texas Christian cho biết trong khoảng thời gian 20 năm, những người trẻ dọn nhà trung bình khoảng 5,8 lần.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, tình bạn nhạt nhất là ở lứa tuổi trung niên. Ở tuổi này, người ta không có nhiều thì giờ dành cho bạn bè nữa vì thì giờ dành cho gia đình chiếm hầu hết. Xem một vở kịch hay một trận thể thao của đứa con ở trường hay một chuyến công tác đi xa của sở làm lấn qua hết thì giờ mà trước đây có thể dành cho những cuộc bù khú, chén thù chén tạc với anh em bè bạn, thì nay đành phải kiếu từ xin hẹn dịp khác. Thực tế của cuộc sống bắt người ta phải thay đổi, điều chỉnh lại những thói quen cũ, trong đó bạn bè bị xếp vào những ưu tiên thấp nhất.
Phần lớn thì giờ lúc này là dành cho công việc và cho gia đình. Tất nhiên, không phải ai cũng lập gia đình và có con cái, nhưng thậm chí ngay cả những người tới tuổi trung niên còn độc thân cũng phải chịu ảnh hưởng lây là bởi vì hoàn cảnh của những cặp vợ chồng khác.Những người có gia đình phải lo cho gia đình họ thì những người bạn độc thân không thể đòi hỏi khác đi được. Chỉ còn một cách là đi tìm những người độc thân mà chơi với nhau. Mà ở tuổi này kiếm người độc thân đâu phải dễ.
Trong một cuộc thăm dò năm 1994 với những người Mỹ trung niên về mối quan hệ bạn bè của họ, số đông định nghĩa tình bạn là “có mặt ở nơi đó” khi bạn cần; nhưng thực tế là những người này hiếm khi dành thì giờ ngay cả đối với những người bạn thâm giao nhất của họ, có thể là vì hoàn cảnh cuộc sống mà không liên lạc thường xuyên.
Ở từng mỗi chặng của cuộc đời, người ta kết bạn và giữ bạn bằng những cách khác nhau. Một số người có tính độc lập, họ kết bạn ở bất cứ nơi đâu họ đến, và số bạn bè có thể nhiều nhưng lại không quá thân thiết. Một số khác thì lại có nhận thức khác, nghĩa là họ có một số ít bạn bè thân mà họ quen biết gần gũi qua nhiều năm, nhưng thân quá cũng có nghĩa là khi bị mất đi một trong số những người bạn ấy thường sẽ là một mất mát to lớn. Nhưng lợi nhất là những người biết uyển chuyển, tức những người vẫn giữ liên lạc với bạn bè cũ, nhưng tiếp tục tìm cách kết bạn mới mỗi khi phải di chuyển từ nơi này tới nơi khác.
Theo giáo sư William Rawlins của Đại học Ohio, những người bạn mới người ta kết thân ở tuổi trung niên thì thường có sự liên hệ ràng buộc với những quan hệ khác, có thể đó là những bạn đồng nghiệp, hoặc là cha mẹ của bạn của những đứa con, bởi vì những người này thường có cùng thời khoá biểu sinh hoạt tương tự nhau và vì vậy có lý do để dễ gặp mặt nhau thường xuyên.
Nhưng khi lớn tuổi hơn một chút, hay nói rõ hơn là ở tuổi già, những công việc bận bịu chiếm mất nhiều thời gian bắt đầu bớt đi. Những đứa con nay đã lớn, nếu chưa ra ở riêng thì cũng không còn cần nhiều sự chăm sóc từ cha mẹ nữa. Rồi công việc cũng nhàn hạ hơn, nhiều người tới tuổi nghỉ hưu. Thế nên, ở tuổi già người ta có nhiều thì giờ trở lại để dành cho bạn bè. Người ta tìm cách liên lạc lại với những người bạn cũ lâu nay mất dấu. Mà dường như càng về cuối đời, sự nối lại tình bạn lại càng thôi thúc người ta hơn, người ta coi trọng những thứ sẽ mang lại những giây phút hạnh phúc nhất trong đời và đưa lên thành ưu tiên hàng đầu, trong đó bao gồm thì giờ dành cho bạn bè và những người thân thích.
Cũng có người giữ được tình bạn dài lâu suốt đời, hay ít ra là trong một quãng đời dài. Vậy, yếu tố nào có thể duy trì một tình bạn lâu dài, vượt qua được cả giai đoạn tình bạn nhạt nhẽo nhất ở tuổi trung niên và tiếp tục duy trì cho đến cuối đời?
Theo các nhà nghiên cứu, tình bạn được bền chặt hay đứt đoạn rốt cuộc là ở yếu tố tình cảm họ dành cho nhau và sợi dây liên lạc có gắn bó hay không. Kết quả một nghiên cứu cho thấy người ta càng đầu tư (thì giờ, tình cảm) nhiều cho tình bạn thì tình bạn ấy càng lâu bền.
Thêm một điều thuận lợi là ngày nay nhờ có kỹ thuật mà người ta có nhiều phương tiện để giữ sợi dây liên lạc với nhau dễ dàng hơn trước. Qua các mạng lưới truyền thông, người ta có thể gửi cho nhau một tin nhắn, email, một tấm ảnh mới chụp, một câu nói đùa, một chuyện tiếu lâm… nhờ vậy mà tình bạn được bền chặt hơn.
Trong cuộc sống của chúng ta, bạn bè đóng một vai trò quan trọng. Ai cũng cần có bạn, không có thì đi tìm vì đó là bản năng của con người. Nhưng điều quan trọng vẫn là tình bạn đó có làm cuộc sống chúng ta thăng tiến hay không. Như câu tục ngữ chúng ta học ngay từ lớp vỡ lòng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Hay như cách ngôn của dân tộc Mễ Tây Cơ có nói: “Hãy cho tôi biết những người bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào.”
Nhưng một tình bạn chân thật thì vẫn quý, cho dù là thế nào.
Huy Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét