Kinh Pháp Cú, kệ số 336, nêu một thông điệp thoát sầu khổ thật nhẹ nhàng và thi vị:
Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy,
Như giọt nước lá sen.
Rất lạc quan và thi vị, ảnh dụ “giọt nước lá sen”. Sầu muộn hay tâm khổ tâm ưu – cái điều tưởng như nặng nề khó buông bỏ lắm, cũng chỉ mong manh như giọt nước, nhanh chóng rơi khỏi tâm tư con người, như giọt nước long lanh tuột khỏi lá sen! Nhờ đâu? Nhờ tu tâm, Nhờ tập cho cái tâm ngay thẳng, trong sáng, bớt ham muốn, bớt suy tính thiệt hơn, bớt vui buồn,bớt phản ứng yêu ghét.
Nói cách khác, nhờ tập nhận ra sự thật ‘trớ trêu’ của hiện hữu mà cái tâm dần sáng ra, bớt quay cuồng, bớt vùng vẫy, trở nên thanh thản, không còn vọng động, không còn toan tính, không còn vui buồn hay phản ứng yêu ghét. Đạo Phật gọi như vậy là tu tâm, chiến thắng tự ngã, sự hàng phục hay chiến thắng ái dục. Cái tâm mà mỗi ngày không tu không tập thì ái dục có cơ hội xâm nhập, giống như nước mưa xâm nhập vào ngôi nhà vụng lớp vậy. Nhưng nếu cái tâm ấy được tu tập thường xuyên thì ái dục không có cơ hội xâm nhập, giống như mưa không thể thấm vào ngôi nhà khéo lợp (1).
Ái dục hay còn gọi tham ái, là trạng huống khao khát thỏa mãn đối với mọi ham muốn dục vọng. Nó là gốc rễ của sầu muộn khổ đau. Và con đẻ trực tiếp của vô minh. Trạng huống ấy nảy sinh do sự giao tiếp giữa các giác quan và các đối tượng bên ngoài, biểu hiện qua hai tâm thái thỏa mãn và bất thỏa mà thuật ngữ đạo Phật gọi là tham (abhijana) và ưu (domanassa). Tham và ưu là hai trạng thái tâm lý phát sinh trong đời sống hằng ngày của con người, cơ bản do xúc (phassa) sanh tạo. Chúng ta sống ở đời chạm mặt với rất nhiều đối tượng khác nhau, cả vật lý lẫn tâm lý. Mắt chúng ta tiếp xúc với sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý suy nghĩ. Sắc thì có sắc khả ái và sắc không khả ái; thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng có hai mặt của chúng. Như vậy cả thế giới khách quan, tốt hay xấu, đều có mặt trong chúng ta. Chúng ta thưởng thức vẻ mỹ miều của thế giới nhưng đôi lúc chúng ta cũng chịu cảnh ảm đạm của cuộc đời. Tham(abhijàna) là trạng thái ham muốn, đắm đuối nảy sinh do duyên các đối tượng không khả ái, không thích ý, không hấp dẫn. Hai trạng thái này hiện diện và chi phối hầu như toàn bộ cuộc đời chúng ta mà theo Phật giáo, chúng là pháp ô nhiễm, ác, bất thiện (Pàpakà akusalà dhammà) bởi chúng quấy rầy tâm tư và khiến nảy sinh khổ đau. Chúng là hệ quả của cái tâm ái luyến đeo bám vào các pháp( đối tượng của các giác quan), căn bản do vô minh hay do không hiểu rõ các pháp là duyên sinh, vô thường, vô ngã mà phát sinh.
Thông thường chúng ta sống ở đời biểu lộ bằng hai thái độ, yêu và ghét. Chúng ta yêu mến cái gì khả ái, thích ý,hấp dẫn và chán ghét cái gì không khả ái, không thích ý, không hấp dẫn. Cái gì chúng ta yêu mến, thích ý thì chúng ta khao khát, mong muốn có được nó, chiếm hữu nó, cố giữ cho nó tồn tại mãi. Đó là tham. Cái gì chúng ta chán ghét, không thích ý nhưng phải đối diện thì chúng ta sinh bực tức hay phiền muộn. Đó gọi là ưu. Như vậy, tham và ái, yêu và ghét chỉ là các phản ứng của chúng ta đối với sự thật khách quan hay hiện tượng duyên sinh của cuộc đời. Chúng ta xem các phản ứng như vậy là “sống” và cố gắng chứng tỏ sự khôn ngoan của mình ở trong đó. Nhưng sự đời duyên sinh, biến đổi vô thường, mai nắng chiều mưa. Hoa có đẹp thì cũng sớm nở tối tàn. Đâu có gì bền chắc mà chúng ta phản ứng? Đạo Phật cho rằng sở dĩ chúng ta có thái độ phản ứng , yêu và ghét, vui hay buồn, trước mọi hiện tượng duyên sinh vô thường của cuộc đời ấy là bởi chúng ta không nhận ra bản chất của chúng. Chúng ta yêu mến hay ghét bỏ cuộc đời bởi chúng ta không thấy được sự thật duyên sinh, vô thường, vô ngã của hiện hữu.
Sự đời được hay mất, tốt hay xấu đều bị cuốn trôi bởi quy luật vô thường. Chúng không tồn tại mãi. Nhưng do không hiểu hay không chịu chấp nhận sự thật vô thường của cuộc đời nên chúng ta tỏ thái độ phản ứng, yêu hay ghét, và chính điều này khiến chúng ta khổ đau. Cũng cần hiểu thêm rằng tham hay ưu, yêu hay ghét chỉ là phản ứng hai mặt của một thực tại tâm thức bị chi phối và trói buộc bởi tham ái. Chúng ta yêu mến hay chán ghét cuộc đời bởi chúng ta quá luyến ái cuộc đời. Yêu quá mà không được như ý muốn thì sinh phiền muộn. “Ái luyến sinh sầu ưu”(2) là thế. KinhTrung Bộ kể rằng có chàng thanh niên kia ái luyến một cô gái; do quá ái luyến cô gái nên khi trông thấy người mình yêu đứng ngồi cưới nói vui vẻ với một người đàn ông khác, chàng kia liền sinh tâm bực tức, phiền muộn, đau khổ (3). Đoạn kinh nêu một tình huống rất thường tình ở đời nhưng để nói lên rằng khổ đau hay phiền muộn chỉ phát sinh do tâm ái luyến. Từ đây, luận đề giải thoát sầu muộn nêu tiếp trong bản kinh là, nếu chàng thanh niên kia không ái luyến cô gái thì sự kiện bực tức, phiền muộn, khổ đau không nảy sinh (4). Thật đơn giản nhưng khó làm!
Khó làm thì mới tập. Đạo Phật là con đường thực tập. Rõ ràng phải thực tập xem xét và thức tỉnh nhiều lần và lâu bền về tính chất bất toại của hiện hữu thì cái tâm tham ái mới được khắc phục. Các bậc Thánh đã chiến thắng tự ngã nhìn cuộc đời bằng con mắt giải thoát. Họ đã thu thúc lục căn và chứng nghiệm cuộc đời – vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly các pháp ở đời – bởi họ đã thực tập phương pháp quán niệm nhiều lần và lâu bền đến độ thuần thục. Tâm của họ không còn dính mắc hay bị trói buộc, bởi sự kiện hơn thua, được mất,tốt xấu của cuộc đời. Họ đã chiến thắng lòng tham hay sự luyến ái. Thánh giả Sàriputta, người đã chứng ngộ sự thật cuộc đời nhờ thiền quán, phát biểu: “Con mắt không bị trói buộc bởi các sắc, các sắc cũng không trói buộc các sắc, nhưng chính lòng tham hay sự ái luyến do duyên mắt và các sắc là sự trói buộc. Cũng vậy,tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và cảm xúc, ý và các pháp” (5).
Như vậy,dưới cái nhìn của các bậc giác ngộ thì con người không bị trói buộc bởi cuộc đời, cuộc đời cũng không trói buộc con người, nhưng chính cái tâm ái luyến hay sự phản ứng yêu ghét của con người trước mọi hiện tượng sinh diệt của cuộc đời mới trói chặt người ấy vào vòng luẩn quẩn khổ đau. Nói cách khác, người ta có thể thoát khỏi mọi phiền muộn khổ đau ngay trong cuộc đời này, nếu biết điều phục lòng tham hay chiến thắng ái dục.■
Chú thích:
Pháp Cú, kệ số 13-14
Kinh Pháp Cú, kệ 213
Kinh Devadaha, Trung Bộ
Kinh Devadaha, Trung Bộ
Kinh Kotthika, Trung Bộ
Nguyên Lạc
Nguồn: tapchivanhoaphatgiao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét