Tôi vào được Princeton đã là một điều thần kì, tồn tại được 4 năm học ở ngôi trường Ivy League này còn thần kì hơn.
Tôi vào được Princeton đã là một điều thần kì, tồn tại được 4 năm học ở ngôi trường Ivy League này còn thần kì hơn.
Neil mở cửa, đẩy chiếc vali vào phòng. Vừa bước vào, Neil bắt gặp tôi đang ngồi trong phòng, quần lửng và áo thun. Khuôn mặt Neil lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Cậu ấy sững lại nhìn tôi.
Tôi cũng chằm chằm nhìn vào đứa bạn cùng phòng mới gặp lần đầu. Cậu ấy diện một bộ vest rất đẹp và chỉnh tề, như một công tử nhà giàu thứ thiệt. Chắc vì ngạc nhiên với cách ăn mặc quá đối lập nhau, tôi và Neil phải mất ít lâu mới bước đến chào nhau được.
Cuộc gặp gỡ với cậu bạn cùng phòng vào ngày đầu tiên nhập học của tôi đã xảy ra như thế. Nhưng, cuộc gặp mặt đầy ngượng nghịu ấy chỉ là khởi đầu của 4 năm học ở ĐH Princeton. Gặp Neil hôm ấy, tôi mới sực nhớ ra mình đang đi học ở một trường top với rất nhiều con nhà giàu học giỏi.
Gặp Neil, tôi nhận ra ngay mình không thể nào theo kịp các bạn về khoản tiêu xài hay thời trang. Để tồn tại và hòa nhập ở ngôi trường này, tôi phải gây ấn tượng bằng các thế mạnh của mình: học tốt, sống tử tế, và làm việc hết mình.
Lúc mới vào trường, cô hiệu trưởng nhắc nhở cả khóa năm nhất rằng mỗi người chúng tôi đều tốt nghiệp phổ thông với hạng cao nhất. Ai cũng có huy chương quốc gia hay quốc tế, và ai cũng làm chủ tịch hội này, hội kia. Do đó, tôi đã chuẩn bị tâm lý rằng cuộc sống ở một trường Ivy như Princeton sẽ không dễ dàng.
Nhưng tôi đã không ngờ nó sẽ khốc liệt ngay từ những ngày đầu tiên.
Tuần đầu tiên ở Princeton, là một đứa thích hát, tôi thử giọng cho khoảng 10 nhóm a cappella của trường. Cuối tuần ấy, tôi nhận được thư từ chối từ cả 10 nhóm. “Bạn là một thí sinh tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc không thể nhận bạn lần này, vì có rất nhiều bạn khác tốt hơn” – mỗi lá thư từ chối đều bắt đầu như thế. Chắc vì phải từ chối nhiều người quá mà người ta không ai thèm viết thư từ chối một cách sáng tạo hơn. Mười lá thư như một.
A cappella chỉ là khởi đầu. Những năm tiếp theo, tôi nhận được thư từ chối từ các công ty tôi xin thực tập, xin phỏng vấn, xin làm trợ lý nghiên cứu cho giáo sư, xin đi hoạt động ngoại khóa,… Không chỉ riêng tôi, học sinh nào ở Princeton cũng nhận nhiều thư từ chối như thế. Anh chàng “hàng xóm” của tôi trong ký túc xá (KTX) – một người Mỹ gốc Việt vừa giỏi piano, vừa giỏi khoa học – có hẳn một bức tường đầy thư từ chối mà cậu ấy dán lên để nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa.
Đúng thế, cuộc sống ở Princeton khắc nghiệt ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng cũng như anh bạn kia, tôi rất biết ơn Princeton đã dạy tôi cách chấp nhận và vượt qua thất bại. Bị từ chối lần đầu, lần hai, lần ba rất đau lòng; nhưng từ lần thứ 10 trở đi, chúng tôi chỉ cười và tập trung vào những chuyện tiếp theo trong tương lai.
Người ta bảo học ở một trường top như Princeton hay Harvard cũng như một tảng băng trôi: người ngoài nhìn vào chỉ thấy danh tiếng trên bề nổi, chứ không thấy được những áp lực phải thành công ở mặt chìm.
Nhưng tôi lại thấy ngay cả nhận định đó vẫn không đầy đủ. Theo tôi, học ở Princeton cũng giống như lớn lên trong một gia đình: tất nhiên luôn có những ngày khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có những ngày hạnh phúc. Quan trọng hơn hết, ở Princeton chúng tôi được chăm sóc rất kĩ.
Chẳng hạn như, bác bếp trưởng ở Forbes – KTX của tôi (Forbes vốn từng là một khách sạn, sau được Princeton mua làm KTX cho học sinh!) – biết tôi nhớ nhà nên rất hay hỏi những món ăn Việt Nam mà tôi yêu thích để ông có thể nấu cho tôi và cả khu cùng ăn.
Khi tôi muốn thu âm đàn guitar cổ điển của mình, thầy chủ nhiệm đời sống học sinh đã cất công đi tìm các dụng cụ cần thiết về KTX cho tôi. Rồi còn vô số chuyến đi xem nhạc kịch Broadway và opera ở New York trị giá vài trăm đô, mà trường bán vé lại với giá 25 đô lấy lệ để cả học sinh giàu lẫn nghèo đều có thể tham gia,…
Những sự chăm sóc tận tình như thế này, tôi chưa thấy nơi đâu bằng được ở Princeton.
Người ta hay hỏi tôi, “học ở trường giàu thì có lợi ích gì?” Tất nhiên tôi tin rằng nếu bản thân không cố gắng thì ở đâu cũng không thành công. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng cơ hội, học ở một trường mạnh về tài chính rất có lợi.
Một ví dụ điển hình là những mùa hè làm việc, thực tập ở nhiều nước mà trường đã tài trợ cho tôi. Mùa hè năm nhất, tôi đã được tạo cơ hội học kinh tế - chính trị Nhật trong vòng 6 tuần ở ĐH Tokyo, rồi thực tập ở Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan tại Bangkok. Năm 2, trường tài trợ cho chuyến thực tập ở Đại hội đồng Tổ chức Nông lương Thế giới tại Rome (Ý). Năm 3, tôi lại được trường cho phép đi nghiên cứu luận văn ở Ngân hàng Trung ương Nam Phi.
Sống và làm việc ở 3 châu lục vào 3 mùa hè là điều mà nếu không có sự hỗ trợ tài chính của trường, tôi đã không bao giờ dám mơ tới.
Thế nhưng, để có những mùa hè vui vẻ, hữu ích, và rạng rỡ tới đâu, thì công sức chuẩn bị của chúng tôi cũng đã phải cực khổ đến đó.
Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn rất ghét “hiện tượng tháng 3”. Đây là cái tên do tôi tự đặt, dùng để chỉ cái tháng mà hầu hết mọi học sinh trong trường đã chuẩn bị xong kế hoạch mùa hè. Đây là thời gian mà những bạn may mắn được nhận vào thực tập hay nghiên cứu ở một chỗ tốt sẽ đi vòng quanh, hỏi những người còn lại: “Hè này mình sẽ làm cho Goldman Sachs. Còn bạn làm gì?” Nếu bạn cũng có một kế hoạch hè cool tương tự thì không sao. Nhưng nếu đến tháng 3 mà bạn chưa biết kế hoạch mùa hè của mình, thì tháng này là một cơn ác mộng.
Cũng như ở các trường đại học khác, cuộc sống ở Princeton không chỉ bị giới hạn ở lớp học, câu lạc bộ, và các hoạt động chính thống. Thật ra, một phần không nhỏ các kỉ niệm tốt đẹp của tôi ở Princeton diễn ra đường Prospect – con đường của sự ăn chơi và tiệc tùng.
Dọc theo đường này là 10 tòa biệt thự, mỗi căn biệt thự là trụ sở của một tổ chức mà chúng tôi gọi là “Hội ăn” (Eating Club – một cái tên khá quái dị ngay cả ở Mỹ!). Mỗi hội ăn độc lập khỏi trường, tự quản lý tài chính, nhà đất, thuê bảo vệ, tổ chức tiệc tùng… tất cả bởi học sinh. Ngoài chức năng là nơi ăn uống 3 bữa mỗi ngày, mỗi hội ăn còn có thư viện cũng như khu giải trí riêng cho thành viên. Khi về đêm, mỗi hội ăn còn là nơi tiệc tùng với quầy bar, sàn nhảy, và là nơi để sinh viên khuây khỏa.
5 trong số 10 hội ăn là “kín” – nghĩa là phải phỏng vấn và chịu nhiều thử thách mới được chọn làm thành viên. 5 hội còn lại là “mở” – nghĩa là ai đăng ký cũng có thể trở thành thành viên. Tôi không có cảm tình với các hội “kín” cho lắm, vì quá trình chọn thành viên luôn đầy phân biệt đối xử và nhiều thử thách ngớ ngẩn. Tuy nhiên, tôi rất thích dành thời gian cùng bạn bè ở các hội “mở.” Tôi thường xuyên lui tới Colonial – một hội ăn mà rất đông các bạn trong nhóm a cappella của tôi là thành viên.
Tháng 5 năm 2015, tôi vô tình gặp lại Neil và bố mẹ cậu ấy ngay trước lễ tốt nghiệp của hai đứa. Tôi chúc mừng Neil vì tìm được việc ở một công ty tài chính nổi tiếng. Hôm ấy đã gần mùa hè, nên tôi vẫn quần lửng áo thun, trong khi gia đình Neil vẫn chỉnh tề như mọi khi. Điều này khiến tôi nhớ lại lần đầu gặp Neil – chúng tôi cũng đã đối lập nhau như thế.
Tuy nhiên, khác với 4 năm trước, lần này, khi bố mẹ Neil chúc mừng tôi về học bổng tiến sĩ ở Harvard mà tôi nhận được, tôi chợt nhận ra mình đã tự tin hơn. Không chỉ bằng các thành tích học tập, mà còn bằng sự hiểu biết văn hóa, khả năng hòa nhập và làm quen với môi trường, tôi đã không còn cảm thấy lạc lõng ở Princeton như trước đây nữa.
Câu chuyện một đứa nhà quê lạc vào trường top là như thế đó. Tôi may mắn đã được nhìn đủ cả cái hay, cái đẹp, lẫn điều xấu, áp lực, và bất công. Sau 4 năm, tôi đã nhìn thấy được những bề nổi cũng như bề chìm và những khía cạnh bị ẩn giấu của Princeton. Princeton khốc liệt thật, nhưng cũng đầy hạnh phúc và sự quan tâm.
Học ở môi trường có quá nhiều bạn xuất sắc và con nhà giàu là một trải nghiệm không dành cho các bạn yếu tim, không đủ can đảm và nghị lực, vì nhiều lần bạn sẽ tự thấy mình tệ hại và kém cỏi. Nhưng, bí quyết là, cứ tự tin bước tới, rồi sự trưởng thành sẽ chờ ở cuối con đường.
Theo Châu Thanh Vũ
Trí Thức Trẻ/Kenh14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét