NGÀY ĐÓ TÔI VỀ...

Tôi về giữa nhân gian như một kẻ lưu lạc đang hồi quận. Ô hay, quanh tôi có quá nhiều những lăng xưa đền cổ, những bài học ngàn vàng từ muôn đời cổ nhân truyền thừa di dưỡng. Mà sao tôi chỉ thấy ra những dấu vết buồn thay vì là những bài học để chiêm ngưỡng và học hỏi. Tôi chỉ biết ngó mấy viên ngói vỡ để rồi buồn nhớ ngu ngơ. Dấu xưa không đủ để dạy tôi bài học nào về hai chữ kinh nghiệm sao chứ. Tôi cứ nôn nao chờ đợi một bình minh tuyệt đẹp có nắng sớm, có hoa bướm, với những làn hương. Tôi không hề biết rằng mình vừa lỡ dịp.

Tôi đi giữa cuộc đời như một viễn khách nơi miền đất lạ. Có biết bao thứ tinh khôi mới mẻ vừa chớm nở đây đó chung quanh và trước mắt, mà sao tôi cứ hững hờ không tận hưởng nắm bắt. Thời gian đang trôi và đẩy lùi hiện tại vào một cõi xa miên viễn. Thay vì đứng nhìn một đoá hoa vừa chớm trong sương, tôi đã lần lữa chậm bước, mắt nhắm tai ngơ. Tôi bỗng nhiên tiếc nhớ một cái gì xưa cũ và lần bước trở về khu lăng mộ để tìm nhặt những viên ngói vỡ mà mình đã một lần nhìn thấy. Không còn kịp nữa, mù sương đã bắt đầu kín lối. Nghe một mùi hương lạ, tôi nhớ ra đoá hoa buổi sáng và muốn trở gót. Nhưng bây giờ đã là chiều muộn. Đoá hoa kia đã héo úa từ bao giờ.
Tôi ghé ngang cuộc đời như một người khách ngóng đò. Lẽ ra tôi đã có thể sang sông từ trưa. Vậy mà chỉ vì bất chợt thấy thèm một phút ngã lưng, thèm được tắm sông hái trái, lại bay bướm trộm ngắm cái dáng lưng ong của cô hàng nước trên bến, rồi ngần ngừ chẳng chịu qua sông. Một chuyến đò ngang, rồi thêm chuyến nữa, tôi đã quên mất chuyện sang sông. Trời tối dần, cô hàng nước đã bỏ đi, ông lão lái đò cũng về bên kia sông ngủ sớm. Tôi nhớ ra thì không còn kịp nữa. Vậy là đêm nay tôi sẽ phải nằm lại bến sông lộng gió này để chờ chuyến đò sớm mai. Manh áo phong trần mong manh làm sao đủ để chịu nổi cái lạnh mùa đông se sắt dưới gốc còng già khẳng khiu này chứ…
Hắn lang thang rong rủi giữa đời như một đứa học trò khờ trốn thầy xuống núi. Thầy là một cao sĩ bác lãm cổ kim, hắn quên mất, chỉ muốn đi tìm danh sư trong thiên hạ. Sá gì chứ một ông già xó núi mù sương. Hắn đi và không tìm thấy gì. Một ngày định mệnh, có bậc danh sĩ chốn kinh sư nghe hắn đi tìm thầy giỏi trong đời, ông không nói gì mà chỉ trỏ tay về núi. Trời ạ, đó là hướng núi trụ xứ của thầy hắn. Hắn hốt hoảng quy sơn, đường về bỗng xa ngàn trùng, cỏ gai ngập lối. Trong ánh trăng non đầu tháng, ngôi cổ tháp rêu phong vẫn đứng đó như một dáng người đang đứng đợi. Hắn gõ cửa để chỉ nghe tiếng gõ của bàn tay mình. Sư phụ đã không còn nữa. Mẫu nến vụn chỉ đủ rọi sáng một góc nhà cho hắn tìm thấy mảnh di thư nhạt nhoà. Trời ơi, hắn lang thang chừng ấy năm tháng chỉ để tìm thấy mỗi manh giấy nhỏ xíu này sao chứ…
Lão vẫn gọi nàng trong mơ như nhớ người tình xưa. Ngày đó, tay trắng yêu người, lão tự hiểu là bất khả. Rồi thì biệt xứ mươi năm để ngậm ngãi tìm trầm, xuống biển mò ngọc, lên núi đào vàng, lưu lạc xứ người, trôi giạt hoang đảo. Một ngày tìm thấy trân châu, lão trở về quê cũ và kẻ đầu tiên lão gặp là một bà lão móm mém ho hen đang dò bước trên đường. Nghe khách lạ hỏi tên một người con gái, bà nheo mắt nhìn rồi nhận mình là cô ấy. Bao năm rồi ai chẳng già đi. Lão ngỡ ngàng bối rối rồi thì bà lão chống gậy bỏ đi, sau khi ném lại một câu lạnh ngắt: Hồi đó hổng nói thì ai biết, giờ thì hẹn gặp nhau ở dưới đó là vừa!
Ngày xưa nàng Scheherazade đã kể ngàn lẻ một câu chuyện để cứu chừng ấy mạng người. Tôi giờ kể mấy chuyện thôi, nên có lẽ không cứu được ai. Mà ngẫm kỹ thì chỉ để tự cứu mình. Vậy thì ngại gì chẳng kể, ta kể cho ta. Người xưa kể chuyện để qua được ngàn đêm sinh tử, tôi giờ ngồi viết lại mấy chuyện vặt để qua được mấy giờ đồng hồ nhạt nhẽo của một đêm tối mùa đông.
Rời bàn viết, tôi đi tới lui trong gian nhà vắng và ngẫu nhiên nghe trong vô thức một lời hát nửa lạ nửa quen:

Em đi qua chuyến đò
thấy con trăng đang nằm ngũ
con sông là quán trọ
và trăng tên lãng du
………………
Em đi qua chuyến đò
lắng nghe con sông nằm kể
trăng ơi, trăng rất tệ
mày đi, nhớ chóng về
………………
Tôi vui chơi giữa đời
Ối a, biết đâu nguồn cội
tôi thu tôi bé lại
làm mưa tan giữa trời….(TCS)




Toại Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét