Cổ nhân thề nguyện là vì cầu tín tâm, đem tấm lòng thuần khiết dâng lên nhờ đất trời chứng giám, đem sinh mệnh giao phó cho Thiên Địa. Đó là một loại khí phách!
Tuy nhiên, nhiều người do ngộ tính kém thường xem lời thề chỉ như câu nói cửa miệng, khinh nhờn Thần Phật để phải nhận những hậu quả thật đáng thương thay. Dưới đây xin đưa câu chuyện về hai vị Hoàng tử trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” vì trái lời thề mà chịu hậu họa thê thảm.
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có kể về hai vị Hoàng từ là Ân Giao và Ân Hồng, khi còn nhỏ bởi Trụ Vương hoang dâm vô đạo, nghe lời gièm pha của Đát Kỷ mà giết vợ hại con, bị Trụ Vương đẩy vào tuyệt lộ, trong lúc nguy nan đã được hai vị tiên nhân Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử, môn hạ của Ngọc Hư cung ứng cứu.
Quảng Thành Tử thu nhận Ân Giao làm đồ đệ, Xích Tinh Tử thu nhận Ân Hồng làm đồ đệ, hai vị tiên nhân không chỉ cứu tính mạng họ, mà còn nuôi nấng hai vị hoàng tử thành người, truyền dạy cho họ một thân đạo thuật, để họ khi ứng thiên thời sẽ phò Chu phạt Trụ, thay mẹ báo thù.
Tuy nhiên, sau khi Ân Giao và Ân Hồng xuống núi lại nghe lời dẫn dụ của Thân Công Báo; chẳng những không tuân theo sứ mệnh mà trái lại còn phò Trụ đánh Chu.
Trước khi xuống núi, Ân Hồng đã thề với Xích Tinh Tử, sư phụ của mình rằng: “Nếu làm trái ý nguyện tứ chi đều hóa thành tro”; Ân Giao cũng thề với Quảng Thành Tử, sư phụ của mình là: “Nếu trái mệnh thầy, nguyện chịu chết dưới lưỡi cày”.
Hai vị hoàng tử vốn chỉ thuận miệng nói ra, khi bị Thân Công Báo dẫn dụ cũng không tin trên đời có báo ứng như vậy. Trái lại còn cảm thấy rằng bản thân là con trai Trụ Vương, phò tá Trụ Vương là lẽ đương nhiên.
Nào ngờ thiên mệnh không thể trái, lời đã nói ra tức trở thành “Thệ ước”. Trên đầu ba thước có Thần linh, lời thề với Trời trước sau sẽ ứng nghiệm.
Kết quả là, Ân Hồng chết trong Thái Cực Đồ của Lão Tử, thịt nát xương tan hóa thành tro tàn; còn Ân Giao cũng bị mấy vị đại tiên kẹp trong khe núi, chết dưới lưỡi cày. Kết cục của cả hai người quả đúng đều ứng nghiệm với lời thề mà họ thốt ra.
Khi nhìn thấy đồ đệ của mình phải chịu ác quả này, hai vị tiên nhân Xích Tinh Tử và Quảng Thành Tử đều không đành lòng và có ý muốn cứu giúp, nhưng biết rõ không thể làm bừa, cũng lực bất tòng tâm, bởi lời thề mà hai vị hoàng tử phát ra vốn đã có Đất Trời chứng giám.
***
Nhiều người cho rằng lời nói ra rồi sẽ tan biến hết giống như “lời nói gió bay”; cho nên khi gặp sự việc gì liền tùy tiện phát lời thề độc nhằm che dấu tội lỗi hay việc làm sai trái của mình. Tuy nhiên cần nhớ rằng “trên đầu ba thước có thần linh”, mỗi hành vi lời nói của con người đều là được thần linh thấu tỏ, ghi chép lại hết, chỉ chờ đến thời điểm là lời thề sẽ linh nghiệm.
Theo Daikynguyenvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét