Phật giáo Nguyên thủy có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Cộng cả chánh tạng lẫn chú sớ thì đúng là một khu rừng lớn. Nếu chỉ cần ghé mắt đọc qua một lượt cũng mất không dưới mười năm. Giáo sử ghi rằng, vào thế kỷ mười Phật lịch, một trưởng lão người Nam Ấn là ngài Buddhaghosa đã ra đảo Tích Lan dịch kinh rồi viết một bộ luận thư – mà theo giới học Phật thì có thể tạm cho thu tóm được nội dung đại lược của Phật ngôn nguyên thủy.
Càng về sau, lời Phật càng được biết qua nhiều hình thức hơn: Từ các sách biên khảo, chú giải, đến những lời thơ, ca từ, rồi thì các công trình điêu khắc, hội họa…Thậm chí một dòng chữ thư pháp treo ở thư phòng hay viết trên đèn giấy, chạm trên cột nhà hay khắc trên vách núi. Mọi chất liệu, mọihoàn cảnh đều là những mặt nước phản chiếu ánh sáng Phật pháp.
Tôi có biết một người đã dùng đến hình ảnh một vũng nước đêm trăng đểmô tả một người tu Phật. Theo đó, một người học Phật là chỗ phản chiếu của chánh pháp. Người đi đêm biết được ánh trăng còn nhờ nhìn vào chỗ có nước. Người muốn hiểu Phật có thể ít nhiều nhìn vào những người tu Phật. Dĩ nhiên nước càng nhiều, càng sạch thì khả năng phản chiếu sẽ nhiều hơn. Nước càng ít, hoặc càng dơ bẩn thì sứcphản chiếu sẽ yếu đi. Cũng như không phải ai tự nhận là con Phật cũng có thể phản chiếu được hình ảnh của đức Phật.
Đêm khuya. Giường kê sát cửa sổ, gió cứ len vào khe hở, lạnh buốt, không ngủ nổi. Tôi bước ra phòng ngoài, vặn TV cho nhà bớt quạnh. Đôi lúc vắng vẻ quá cũng là một sự nặng nề. Trên TV đang chiếu phim. Một lời thoại lọt vào tai, nghe ngộ nghĩnh, tôi tắt máy và đi tới đi lui. Tôi bỗng nhiên muốn bẻ đôi câu nói đó, vì phải như vậy mới đã!
YOU HAVE TO (hãy nên, cần phải). Một nửa của câu thoại trên là như vậy đó. Tôi bỗng thấy không một không gian nào trong đời còn có thể mênh mông hơn một câu nói dở dang. Nó mênh mông vì sẵn sàng cho mọi điền khuyết. Tôi chợt nghiệm ra một chuyện, dĩ nhiên chỉ là trong cảm nhận của riêng tôi, rằng toàn bộ tám muôn bốn ngàn pháp môntrong những lời Phật còn truyền lại hình như chỉ gói gọn trong một nửa câu nói ngắn ngủi đó. Đúng vậy, tôi muốn nói là YOU HAVE TO.
Độc giả cho rằng tôi điên? Xin thưa, toàn bộ lời Phật dường như chỉ nói đến hai chuyện NÊN LÀM và KHÔNG NÊN LÀM. Trong cả ba tạng đều nói đến hai chuyện đó. Và bài kệ trứ danh Không làm điều ác, Thực hiện điều lành, Gìn tâm trong sạch…, hoàn toàn có thể dịch bằng ba lần YOU HAVE TO!
Trọn đời tu hành và suốt cuộc tử sinh vạn kiếp về sau, ngày nào chưa thành tựu chánh trí giác ngộ, thì toàn bộ công phu tu dưỡng của một người có thể chỉ là những khẩu quyết bắt đầu bằng ba chữ đó. Đó là một lời khuyên, một đề nghị, một mệnh lệnh, một gợi ý. Và còn tử sinh thì ai cũng phải biết tuân thủ một số mệnh lệnh, nói gọn một chút là những nguyên tắc. Anh có nổi loạn, có thèm tự do đến mấy cũng phải chấp nhận một số nguyên tắc. Nói một cách rốt ráo, đó chính là một mô tả sâu thẳm nhất về sự Bất Toàn của đời sống. Tôi vừa thưa ở trên, câu nói dở dang kia là một đạo tràng bát ngát. Ta có thể ghép vào sau đó bằng vô số những động từ cần thiết: You have to relax (hãy thư giãn), forgive (tha thứ), forget (lãng quên), fight for (giành lấy), destroy (phá hủy), eliminate (loại trừ)…
Rồi thì cũng xin nghe nốt một nửa câu nói còn lại chứ? Dĩ nhiên rồi. Sở dĩ tôi phải chừa lại một nửa ấy để nói ở cuối bài vì nói ra là hết chuyện, là không còn gì để nói nữa. Theo Phật giáo Nguyên thủy, người xứng đáng nói ra một nửa ấy phải là một người đã giải thoát phiền não. Bởi trọn vẹn câu nói kia là YOU HAVE TO DO NOTHING (Anh chẳngcần phải làm gì ráo). Chỉ tiếc đây là một bài viết bằng tiếng Việt, cái uyên áo cần có đã bị mất đi phần nào khi phảichuyển ngữ kiểu này.
Đúng vậy. Theo giáo lý Nam truyền, chỉ có vị La-hán là có thể DO NOTHING. Nghĩa là…Xin cùng im lặng để nghe tiếng hạc ngang trời!
Đêm mùa đông của tôi bỗng đẹp, bỗng thơ chẳng kém cái đêm Tô Thức viết ra bài Xích Bích Phú thủa nào…!
TOẠI KHANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét