Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, những “danh môn quý tộc” nhất là những người thuộc hàng Đế vương, Tể tướng thì mỗi lời nói, hành vi của họ đều có ảnh hưởng nhất định đối với quốc gia và xã hội. Bởi vậy mà đạo giáo dục con cái của họ đều trở thành khuôn mẫu quan trọng cho các gia đình đời sau tham khảo. Dưới đây là phương pháp dạy con của chính trị gia, sử học gia đời Bắc Tống – Tư Mã Quang:
Tư Mã Quang (1019-1086) là nhà sử học kiệt xuất thời Bắc Tống. Ông được sinh ra trong một gia đình giàu có. Ông được sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ của cả cha và anh. Ông theo học Bàng Tịch – bạn của cha ông. Khi mới 20 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ. Nhưng khi mới ra làm quan thì cha mẹ ông lần lượt qua đời nên ông phải về chịu tang trong 5 năm. Sau đó, Tư Mã Quang được Bàng Tịch ra sức tiến cử và truyền đạt tư tưởng tiến thủ trên quan trường. Ông có cơ hội đọc sách làm sử. Ít lâu sau Bàng Tịch mất, ông thờ vợ Bàng Tịch như mẹ mình và coi các con Bàng Tịch như anh em trong nhà.
Thời Tống Nhân Tông, Tư Mã Quang lần lượt trải qua các các chức quan: Điện trung thừa, Kiểm khảo sử quán, Khởi cư xá nhân, Đồng tri gián viện, Ngự sử trung thừa, Tri chế cáo, Hàn lâm học kiêm thị giảng… Ở tất cả các chức vị, ông đều làm tốt công việc và được vua trọng dụng. Các sáng tác của ông rất phong phú, trong đó “Tư trị thông giám” được xưng là sáng tác có giá trị to lớn trong lịch sử Trung Hoa.
Tư Mã Quang sống một cuộc đời vô cùng giản dị, tiết kiệm. Thái độ làm việc của ông vững vàng và kiên định. Hơn nữa, ông đặt “tiết kiệm và giản dị” làm nội dung quan trọng nhất trong việc dạy con thành tài.
Theo sử sách ghi chép lại, Tư Mã Quang cả trong công tác và cuộc sống hàng ngày đều hết sức chú ý giáo dục con phải cố gắng tiết kiệm chi tiêu, tránh xa xỉ lãng phí.
Để hoàn thành cuốn sách lịch sử “Tư trị thông giám” này, Tư Mã Quang không chỉ tìm đến sự giúp đỡ của các nhà sử học giàu kinh nghiệm như Phạm Tổ Vũ, Lưu Thứ và Lưu Ban mà còn yêu cầu con trai mình là Tư Mã Khang tham gia.
Một lần, ông nhìn thấy cách con trai mình giở sách thì trong lòng vô cùng tức giận. Ông nghiêm khắc dạy con phương pháp và kinh nghiệm bảo vệ sách. Ông nói: “Trước khi đọc sách, phải lau bàn khô và sạch sẽ, trải một tấm khăn lót lên bàn. Lúc đọc sách phải ngồi có tư thế, đoan chính ngay ngắn. Khi lật trang sách, đầu tiên phải dùng cạnh ngón cái của tay phải nâng mép của trang sách lên, sau đó dùng ngón trỏ nhẹ nhàng lật trang sách”.
Khi khuyên nhủ con trai, ông nói: “Làm người buôn bán phải tiết kiệm, người đọc sách phải bảo vệ tốt cho sách”. Để hoàn thành cuốn sách bao gồm những bài học xương máu từ sự thịnh suy của các triều đại trước nhằm giữ vừng cơ nghiệp nhà Tống, Tư Mã Quang miệt mài không ngừng nghỉ làm trong suốt 15 năm, kể cả những lúc đau ốm.
Giáo dục con thời xưa. (Tranh sưu tầm từ Internet)
Ở phương diện cuộc sống thường ngày, Tư Mã Quang giản dị chất phác. Ông quan niệm rằng, y phục chỉ cần che được lạnh rét, ăn chỉ cần no bụng là được. Ông thường dạy con: “Thực phong nhi sinh xa, khoát thịnh nhi sinh xỉ”, ý nói ăn uống mà sung túc thì dễ sinh ra xa xỉ, xa xỉ thì sinh ra hoang phí.
Để con trai nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm, ông đã viết một bài về tầm quan trọng của tiết kiệm. Trong đó, ông kịch liệt phản đối cách sống xa xỉ, vô độ, cố gắng hết sức đề xướng cách sống tiết kiệm và giản dị.
Trong bản gia huấn dạy con là Tư Mã Khang, Tư Mã Quang đã viết: “Người có đức hạnh đều bắt đầu từ việc tiết kiệm. Vì nếu tiết kiệm thì sẽ giảm tham lam, người có địa vị nếu không tham lam thì sẽ không bị cám dỗ bởi vật ngoài thân, có thể đi con đường chính trực. Người không có địa vị nếu không tham làm thì sẽ biết ước chế bản thân, tiết giảm chi phí, tránh phạm tội, giúp cho gia thất êm ấm, sung túc, vậy nên mới nói: ‘Tiết kiệm là đặc điểm cần có ở tất cả các phẩm chất tốt đẹp’.
Nếu xa xỉ thì sẽ tham lam, người có địa vị nếu tham lam sẽ tham luyến phú quý, không đi con đường chính trực và dẫn đến tai họa, người không có địa vị tham lam thì sẽ nghĩ đủ mọi cách, hành động tùy tiện, bại hoại gia phong, tổn hại đến sinh mệnh, bởi vậy người làm quan nếu xa xỉ tất sẽ tham ô hủ bại, dân thường bách tính nếu xa xỉ tất sẽ sinh trộm cắp tiền tài của người khác. Thế nên: ‘Xa xỉ là tội ác lớn nhất’”.
Ông cũng không ngừng dạy con rằng: “Đọc sách cần phải nghiêm túc, làm việc cần phải kiên định, sống phải giản dị tiết kiệm. Từ bề ngoài thì thấy nó không có liên quan gì đến Quốc gia đại sự, nhưng thực chất nó là cái gốc của ‘hưng gia phồn quốc’”.
Câu: “Do kiệm nhập xa dịch, do xa nhập kiệm nan”, ý nói: Từ cuộc sống tiết kiệm, giản dị chuyển sang cuộc sống xa hoa giàu có thì tương đối dễ dàng đơn giản, nhưng đã sống cuộc sống xa hoa giàu có rồi mà chuyển về cuộc sống tiết kiệm thì khá khó khăn. Lời của Tư Mã Quang đã trở thành câu danh ngôn được người đời truyền tụng.
Dưới sự giáo dục của Tư Mã Quang, con trai Tư Mã Khang của ông ngay từ nhỏ đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của giản dị tiết kiệm. Bởi vậy mà từ nhỏ đến lớn, Tư Mã Khang luôn dùng “giản dị tiết kiệm” để tự khắc chế bản thân mình. Tư Mã Khang từng đảm nhiệm qua các chức quan: Giáo thư lang, Trước tác lang, Thị giảng… Ông cũng dùng học vấn uyên bác, đức tính liêm khiết, cách sống giản dị tiết kiệm của mình để sao chép lại, lưu truyền cho đời sau.
Theo Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét