Có vô lượng hệ vũ trụ trong đó được chia thành từng mỗi nhóm 1000 tỉ thế giới. Vì những chúng sinh có đặc điểm giống nhau về mặt nào đó sẽ cộng trú trong một nơi chốn, địa phương, khu vực, xứ sở, châu lục, hành tinh, thái dương hệ và hệ vũ trụ. Đó là lý do trong vô lượng vũ trụ lại tự chia ra thành từng nhóm. Ví dụ, có duyên với nhau, có những điểm đồng nào đó thì sanh ra cùng cha cùng mẹ, duyên mỏng một chút, có những điểm đồng thì là bà con chú bác cô cậu; và có những điểm đồng với nhau nên sinh ra cùng miền Tây với nhau, hoặc là người VN với nhau...v.v. Giống càng nhiều thì ở càng gần, điểm giống ít hơn thì sẽ xa nhau một tí.
Hệ vũ trụ ngàn tỉ thế giới này cứ đến tuổi thì bị tiêu hoại.
Sau bảy lần tiêu hoại bằng lửa thì sẽ có một lần tiêu hoại bằng nước. Sẽ có 7 mặt trời xuất hiện lần lượt, khi đến 7 mặt trời xuất hiện thì ngàn tỉ thế giới đều bốc cháy. Sau bảy lần tiêu hoại bằng nước sẽ có một lần tiêu hoại bằng gió. Khi hoại bằng lửa thì ngọn lửa Hoại kiếp – (tên ngọn lửa này) sẽ cháy đến cõi Sơ thiền thì tắt.
Hoại bằng nước thì nước dâng đến cõi Nhị thiền thì dừng lại. Hoại bằng gió thì gió cuốn tung mọi thứ đến cõi Tam thiền thì dừng lại.
Giai đoạn một ngàn tỷ thế giới tiêu hoại ấy được gọi là giai đoạn Hoại. Sau đó, cả khoảng không gian bao la kia không còn gì hết thì giai đoạn này gọi là Không. Sau đó do duyên nghiệp của chúng sinh chiêu cảm sẽ tự có một đám mây hình thành trong vũ trụ và sau đó tự rơi xuống thành trận mưa lớn. Tất cả nước mưa sẽ ngưng tụ lại để hình thành hệ vũ trụ 1000 tỉ thế giới. Giai đoạn đó gọi là giai đoạn Thành. Sau giai đoạn Thành là giai đoạn Trụ, tức khi trời đất, trăng sao, cây cỏ, đại dương, núi đồi… có đủ thì loài người trước hết có mặt bằng cách Hóa sinh tức tự nhiên hiện ra. Sau đó do phiền não ngày một nhiều mới có việc Nam, Nữ, lấy nhau rồi bầu bì, rồi cưới hỏi và hình thành các nền văn hóa văn minh. Giai đoạn này gọi là Thành. Tổng cộng mỗi đại kiếp trái đất có bốn giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Không và thời gian của mỗi giai đoạn dài bằng nhau.
Ở buổi đầu của mỗi cảnh giới dĩ nhiên phải có những cư dân đầu tiên và ở các cõi Phạm thiên cũng vậy. Vị nào có mặt trước tiên thì cứ nghĩ mình là Thượng đế của những người đến sau.
(Trích Kinh Trường Bộ giảng giải, TK Giác Nguyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét