Thời gian, cho đến nay, vẫn là vấn đề làm điên đầu không biết bao nhiêu nhà khoa học và triết gia khắp cả Đông Tây kim cổ. Con đường nghiên cứu bản chất thời gian dường như luôn dẫn đến cõi bờ huyền học, vì cho đến nay và có lẽ mãi mãi, cả khoa học lẫn triết học đều lắc đầu trước câu hỏi ‘“Thời gian là gì?’“. Và vĩnh cửu – hình tượng của thời gian lắng đọng trong vô tận – vẫn mãi mãi mang màu xanh huyền ảo, mà con người muôn thuở vẫn luôn hướng đến.
Thánh Thomas Aquinas -nhà thần học lừng danh[1] – từng than thở : ‘“Khi không nói đến thời gian thì tôi còn biết nó là cái gì, nhưng khi nói đến nó thì tôi lại không biết gì về nó cả’!”.
Khổng Tử – bậc thánh sư phương Đông – bảo : ‘“Tùy thời chi nghĩa, đại hỷ tai !’ ” (Ý nghĩa của chữ tuỳ thời lớn vậy thay !)
Ông Martin Heidegger (1889-1976) người Đức, – một trong những triết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại – đã viết cả một bộ sách dày cộm nhan đề “Sein und Zeiteit” (Hằng thể và Thời gian) làm đảo lộn cả thế giới triết học phương Tây, để trình bày quan điểm vô cùng độc đáo về thời gian và mối tương quan của nó với cuộc hiện sinh.
Nhà văn Herman Hesse đã nói một câu nổi tiếng :” ‘Không bao giờ có một người hay một sự việc lại thuần là khổ hay thuần lạc, không bao giờ một người lại thuần là thánh thiện hay thuần tội lỗi; chỉ dường như thế bởi vì chúng ta bị mắc phải một ảo tưởng rằng thời gian là một cái gì có thật’”![2]
Thế giới phương Tây đã từng bị chao đảo dữ dội vào đầu thế kỷ 20, khi lý thuyết tương đối của nhà bác học vĩ đại Einstein ra đời. Nguyên nhân cũng chỉ vì ông đưa ra một cái nhìn mới mẻ về thời gian trong khối không-thời (space-time continuum). Thời gian – khái niệm được xem là bất biến trong thế giới vật lý Newton – bây giờ lại được xem như là chiều thư tư của vũ trụ. Các nhà khoa học hoang mang, đến nỗi có người nói đùa :
“Thoạt đầu vũ trụ còn hỗn độn tối tăm, Chúa phán : ‘“Hãy có Newton’”. Vũ trụ bèn trở nên sáng sủa. Một thời gian sau, Quỷ sứ phán : ‘“Hãy có Einstein’”. Vũ trụ bèn trở lại tối tăm như cũ !”
Bức tranh về thế giới của vật lý cổ điển đã hoàn toàn biến tướng khi được đặt vào dòng chảy của thời gian. Dường như các triết gia đều cho rằng khi con người hiểu được thời gian là gì thì họ sẽ ““ngộ” và được giải thoát ngay trong cõi đời này. Câu trả lời cho Thời gian và Vĩnh cửu vẫn luôn để ngỏ như một huyền án bí ẩn và thơ mộng.
Các triết gia, đặc biệt là phương Tây, đã tranh luận rất nhiều về bản chất của thời gian. Một vài triết gia, nổi bật nhất là Immanuel Kant của Đức, cho rằng một đứa bé vừa chào đời đã ý thức được dòng thời gian trôi chảy. Một số triết gia khác cho rằng lý trí con người phải học cách kiến tạo nên thời gian thì lúc đó mới hiểu được thời gian. Triết gia Pháp Henry Bergson cho rằng thời gian được rút ra từ kinh nghiệm. Theo ông thì một đứa bé sơ sinh không có ý thức về thời gian mà dần dần phải học cách kinh nghiệm được thời gian.
Chính lý thuyết tương đối của Einstein về khối thời-không đã khiến các nhà triết học và khoa học phương Tây tìm về phương Đông để tìm câu giải đáp trong các kháng thư thời cổ đại, nhất là trong kinh Dịch.
Với nền văn hoá Tây Âu thì thời gian được biểu thị bằng thần Kronos tay cầm bình cát- hình tượng của thời gian trôi chảy – và tay cầm lưỡi liềm –hình tượng của thời gian bị cắt đứt hẳn ra bằng các khái niệm quá khứ, hiện tại, tương lai. Đó là quan điểm thời gian theo kiểu tuyến tính (linéaire) chỉ chảy xuôi một chiều được biểu diễn bằng một đường thẳng bắt nguồn từ vô thủy và chạy thẳng đến vô chung. Thời gian tuyến tính của Tây Âu hiện đang chi phối toàn bộ các hoạt động của nhân loại.
Thời gian trong nền văn hóa Viễn Đông được xem như chuyển động theo hình tròn bởi chu kỳ hoa giáp, trong cách tính thời gian bằng thiên can và địa chi. Mỗi hoa giáp bắt đầu bằng năm Giáp Tý và kết thúc bằng năm Quý Hợi, kéo dài suốt thời gian 60 năm. Cứ hết năm Quý Hợi lại bắt đầu một chu kỳ khác với năm Giáp Tý. Thời gian cứ vận hành mãi như thế trong tâm thức người Viễn Đông, trước khi họ tiếp xúc với thời gian tuyến tính của phương Tây.
Ông Tô Đông Pha bảo : ‘“Sự như xuân mộng liễu vô ngân’n”. Chuyện đời trải qua như một giấc mộng xuân, mất đi không lưu lại dấu vết. Ngày hôm qua là đâu? Ngày mai là đâu? Quá khứ tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc đã đành, mà cả đến hiện tại tâm cũng bất khả đắc nốt. Mọi sự đều hiện tiền, vẫn tự như từ muôn thuở, khi con người hé nhìn được vào cái thế giới phi thời gian, cái thế giới bản lai vô nhiễm chưa bị làm hư hoại bởi cái tâm phân biệt của con người. Tất cả đều trôi qua như giấc mộng. Thị phi thành bại chuyển đầu không. Mọi chuyện đúng sai thành bại, khi ngoảnh đầu nhìn lại đều như hư không trống rỗng. Tất cả đều tồn tại nhưng không thực hữu, dường như đứng bên ngoài dòng chảy của thời gian. Chừng nào ta còn để tâm trôi theo cái thế giới biến động của hiện tượng thì lúc đó thời gian vẫn còn tồn tại. Người giác ngộ thấu hiểu được bản chất như mộng huyễn của thời gian nên nắm được vô biên trong lòng bàn tay và cầm vĩnh cữu trong một phút giây. Hold Infinity in the palm of your hand, And Eternity in an hour. Đó chính là diệu dụng của tâm vô phân biệt.
Thử tưởng tưởng trong vũ trụ không có loài người, ta làm sao có thể hình dung được lúc đó thời gian sẽ trôi chảy như thế nào giữa một khoảng không bao la vô tận chỉ toàn là các thiên thể vô hồn? Phải chăng khi ta không còn nghĩ đến thời gian nữa, khi cái tôi tan biến thành những rung cảm tuyệt vời của tình yêu và nghệ thuật thì thời gian mới trở thành vĩnh cửu, cũng như trong một phút linh cầu, người nghệ sĩ bỗng rơi vào thế giới vĩnh cửu của sáng tạo? Có khi ta đang đi trên đường phố, một bóng hồng chợt thoáng qua khiến thời gian dường như lắng đọng, và vĩnh cữu đã tượng hình trong một ánh mắt đưa duyên. Có phải chăng bậc giác ngộ là người luôn sống trong trạng thái vô ngã và phi thời gian trong từng mỗi sát na? ‘“Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi; ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ’” (Xuân Diệu).
Từ xa xưa, thời gian vẫn được tính toán căn cứ vào chuyển động của các thiên thể. Cứ trải qua 365 chu kỳ xuất hiện và lặn tắt của mặt trời, thì ta gọi đó là một năm. Thử tưởng tượng một ngày nào đấy, mặt trời nguội dần đi, trái đất chuyển động chậm lại, thì thời gian sẽ ra sao? Hiện nay tuổi thọ 100 năm của con người được xem như ứng với 100 chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời. Nếu như trái đất chuyển động chậm lại bằng một nửa tốc độ hiện nay, thì lúc đó chúng ta vẫn sống được với 100 chu kỳ mới hay chỉ 50 chu kỳ? Lúc đó, nếu như con người sống 100 tuổi (theo thời gian mới) thì có thể xem là thọ hơn bây giờ không, hay tất cả chỉ là tương đối, nghĩa là biến thiên theo một tỷ lệ như nhau? Nếu như trái đất ngừng quay quanh mặt trời, và các thiên thể đều ngưng chuyển động thì phải chăng ý niệm về thời gian không còn tồn tại nữa? Và nếu không có ý niệm về thời gian thì làm gì có ý niệm về Vĩnh cửu?
Nhưng trái đất vẫn quay. Mặt trời vẫn mọc lên và lặn tắt từng ngày. Nghĩa là thời gian vẫn trôi trong cái thế giới hiện tượng đầy sai biệt này, nơi mà con người vẫn luôn khao khát đến một cõi phi thời gian đầy huyền mật. Có lẽ câu hỏi cuối cùng đặt ra cho nhân loại vẫn là : ‘:”Phải mất bao nhiêu thời gian, ta mới tìm ra vĩnh cửu?’”. Và có thể dùng câu nói của Angelus Silesius (1624 – 1677) – nhà thơ thần bí xứ Silesia – thay cho đáp án : “Time is as Eternity is, and Eternity as Time, only if you yourself make no difference between them” (Thời gian hiện hữu như Vĩnh cửu, và Vĩnh cửu cũng hiện hữu tựa Thời gian, nếu như bạn đừng sinh tâm phân biệt)?
Huỳnh Ngọc Chiến
- [1] Thomas Aquina (1225-1274), còn được gọi một cách trân trọng là Hoàng tử của triết học kinh viện Tây phương. Ông là triết gia và nhà thần học người Ý, được xem là một trong những nhân vật chói sáng hàng đầu trong nền riết học kinh viện và thần học Ki Tô giáo La Mã
[2] Herman Hesse, Câu chuyện dòng sông, Trí Hải dịch, Sài gòn, nxb An Tiêm,1966, tr.185. Herman Hesse (1877-1962) là nhà văn Đức, đạt giải Nobel văn chương năm 1946.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét