Trong những giai thoại về Thiền sư Bạch Ẩn, có câu chuyện kể như sau:
“Một hôm có một võ sĩ tên là Nobushige đến hỏi đại sư rằng: “Thiên đường và địa ngục có thật không?”
Bạch Ẩn hỏi: “Người là ai?”
“Tôi là một võ sĩ.”
Bạch Ẩn nhìn võ sĩ từ đầu đến chân rồi kêu lên: “Ngươi mà là vũ sĩ à? Không biết loại tướng quân nào mà cho ngươi làm cận vệ nhỉ? Trông ngươi chẳng khác gì thằng ăn mày.”
Tức giận, Nobushige nắm lấy thanh kiếm muốn rút ra, Bạch Ẩn lại tiếp: “Ngươi mà cũng có kiếm à? Vũ khí của ngươi chắc tồi lắm, không cắt đầu ta được đâu!”
Nobushige sôi máu lên, bèn tuốt kiếm ra, Bạch Ẩn buông một câu: “Đây là cửa đi đến địa ngục!”
Nghe lời nói, võ sĩ chợt hội được ý của Bạch Ẩn, bèn tra kiếm vào bao, cung kính cúi đầu thi lễ.
Bạch Ẩn nói: :”Đây là cửa đi đến thiên đường!”
Không cần dùng lời lẽ lý luận biện giải, bằng cách “trực chỉ nhân tâm”, Thiền sư Bạch Ẩn đã có câu trả lời thật tuyệt vời cho thắc mắc về thiên đường và địa ngục của vị võ sĩ, cho thấy rằng, thiên đường và địa ngục chính là ở nơi tâm mình, không phải ở nơi chốn nào xa xôi. Tâm an lạc, thoải mái thì đó là thiên đường, tâm giận dữ, đau khổ thì đó là địa ngục.
Các tôn giáo thường nói về thiên đường và địa ngục như một nơi chốn vĩnh cửu mà con người sẽ đến khi đã rời bỏ thân xác này. Đạo Phật nói đến sáu đường luân hồi, trong đó có trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Sau khi đã mạng chung nghiệp lực sẽ đưa con người vào một trong những cõi giới đó. Cõi trời gần giống như thiên đường, với những cảnh giới đẹp đẽ thỏa mãn dục lạc của con người, nhưng không vĩnh cửu, mà vẫn ở trong vòng sinh diệt luân hồi. Cõi địa ngục cũng vậy, tồn tại lâu dài hay không là do nghiệp lực, nếu tâm người ấy được chuyển hóa thì sẽ ra khỏi cảnh giới đó và sinh về cõi giới tốt đẹp hơn.
“Nhất thiết do tâm tạo”, đó là cốt lõi của mọi sự việc trên đời này – tuy nhiên, con người không chỉ sống một mình mà còn có liên hệ và chịu ảnh hưởng sâu đậm của môi trường chung quanh. Ở trong một môi trường an ổn, tâm chúng ta thường sẽ được an ổn. Còn ở trong một môi trường đầy bất trắc hiểm nguy, chắc chắn tâm chúng ta sẽ dễ bị bất an và đau khổ.
Trên quả địa cầu bé nhỏ giữa vũ trụ bao la này, có nhiều quốc gia khác nhau với những cảnh giới khác nhau. Có nơi cảnh giới như thiên đường, có nơi cảnh giới lại gần giống như địa ngục. Có những nơi khi vừa đến đã thấy đó là một nơi chốn thật bình yên, thật thoải mái, cho một cảm giác lâng lâng dễ chịu. Có những nơi vừa đến đã thấy khó chịu, bất an và không muốn dừng lại lâu ở đó. Sự chênh lệch giầu nghèo giữa các quốc gia dù qua bao thế kỷ vẫn còn sâu đậm, chưa thể hóa giải được. Những nước văn minh tiên tiến được gọi là “thế giới thứ nhất”, đang trên đà phát triển là “thế giới thứ hai” và vẫn còn chậm tiến lạc hậu là “thế giới thứ ba”. Người ta thường tin rằng hạnh phúc con người đi liền với sự sung túc và tiện nghi vật chất. Theo như thế, dân chúng trong những nước văn minh tiên tiến thường được vui hưởng cuộc sống và lạc quan hơn ở những nước đói nghèo. Tuy nhiên, trong phúc trình khảo cứu gần đây, Bhutan, một nước Phật giáo nhỏ bé kém phát triển ở vùng núi non gần biên giới Ấn Độ và Nepal lại có tỷ lệ hạnh phúc cao nhất thế giới – trong khi Hoa Kỳ một đất nước hùng mạnh nhất thế giới lại có rất nhiều người bị trầm cảm và những bệnh tâm lý. Điều đó chứng tỏ tiền tài vật chất không hẳn là yếu tố chính quyết định cho hạnh phúc của con người. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, nhu cầu vật chất là nhu cầu căn bản của con người, không có những phương tiện căn bản để tồn tại, sẽ khó có sự an vui thoải mái trong đời sống.
Thế kỷ 21 là một thế kỷ của những tiến bộ vượt bực, nhất là trong ngành kỹ nghệ thông tin, đã đưa con người trên thế giới gần lại, có thể liên lạc được với nhau chỉ trong tíc tắc. Tất cả những sự việc xẩy ra đều có thể được ghi lại bằng chiếc điện thoại di động bé nhỏ và truyền đi khắp nơi, không gì có thể che dấu được. Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, dễ trở thành phương tiện cho kẻ xấu lợi dụng, gieo rắc những tin giả hay tuyên truyền những chủ nghĩa cực đoan, gây bất an rối loạn trong xã hội. Sự phổ biến của thông tin cũng làm cho thấy rõ hơn sự cách biệt một trời một vực trong các cảnh giới sống, nơi an bình vui vẻ như thiên đường, nơi chìm sâu trong áp bức, chiến tranh và đau khổ như địa ngục.
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, bỗng rộ lên phong trào di dân, tỵ nạn từ các nước nghèo đói chiến tranh, từ Nam Mỹ, Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á, như làn sóng vũ bão tràn ngập trên các nước giầu có ở Âu Châu và Bắc Mỹ Châu. Dù bao gian khổ và nguy hiểm, họ vẫn liều mạng ra đi, mong tìm kiếm một nơi chốn ước mơ để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nhưng khi đến được những nơi chốn đó, họ còn phải đối diện với rất nhiều trở ngại và khó khăn, không kể là có thể rơi vào tình trạng bế tắc tuyệt vọng. Đôi khi, trong sự tìm kiếm một nơi chốn thiên đường, người ta chỉ thấy những cảnh giới địa ngục. Có vượt qua được hay không là do nơi phước phần, cũng do nơi ý chí và bản lãnh của mỗi người. Đó cũng là kinh nghiệm mà người Việt chúng ta đã trải qua từ hơn 30 năm về trước.
Có lần, trong khung cảnh xanh tươi đẹp đẽ và thanh bình của một nơi chốn bên trời Âu, tôi bỗng cảm nhận như đó cũng là một cảnh giới thiên đường, và tự hỏi cái gì là yếu tố căn bản làm nên một thế giới thiên đường cho con người. Tại sao trong một số quốc gia người ta có thể sống yên vui hạnh phúc, một số quốc gia khác dù bao nhiêu thế kỷ trôi qua cũng vẫn là nơi chốn đầy bất an và đau khổ? Câu trả lời có lẽ là, một đất nước đem lại sự an vui vì thể chế của đất nước đó biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, những người lãnh đạo biết quan tâm đến phúc lợi của người dân hơn là quyền lực và lợi ích riêng tư vị kỷ. Nền tảng của những chính sách quốc gia phải xuất phát từ một tình yêu tổ quốc và đồng bào chân thật và mãnh liệt, mưu cầu cho người dân có những điều kiện để sống an ổn và hạnh phúc. Tuy nhiên, những điều kiện vật chất bên ngoài chỉ là tương đối, một xã hội yên vui bắt nguồn từ ý thức đạo đức, tinh thần trách nhiệm của người dân, từ sự giáo dục trong gia đình cũng như học đường để cho con người có thể sống với nhau trong sự nhân ái và hòa hợp. Còn nếu đất nước giầu mạnh nhưng căn bản đạo đức không có, tình thương bị băng hoại, con người sống trong sự đấu tranh và nghi kỵ lẫn nhau, xã hội bất an với những bất công và chênh lệch quá mức, đất nước đó không đem lại sự an vui cho người dân và sẽ khởi lên những vấn đề trầm trọng, đưa đến sự suy vong.
Tình yêu thương chân thật giữa cá nhân, tình nhân ái vô phân biệt giữa người và người đem lại sự ấm áp, an ổn trong tâm, và đó chính là yếu tố làm nền tảng cho một thế giới thiên đường. Một thế giới thiên đường là một thế giới an bình tuyệt đối. Sự an bình của một tâm mãn nguyện, không mong cầu, không so đo phân biệt. Người ta có thể tự hỏi, nếu không mong cầu thì đâu còn thấy thú vui trong cuộc đời? Nhưng nếu còn tiếp tục mong cầu, người ta sẽ không biết dừng lại, và một lúc nào đó sẽ bị vấp ngã và đau khổ. Sự an bình của chốn thiên đường là sự an bình của một tâm rỗng lặng, xa rời những khát vọng, những hệ lụy phiền não của chốn nhân gian. Dĩ nhiên, ta không thể đi tìm một thiên đường hạ giới lý tưởng, vì khi còn phải lăn lộn trong cuộc sống, còn ở trong cõi trùng trùng duyên khởi, ta sẽ còn gặp nhiều điều bất toại và trăn trở, không thể có được sự an bình tuyệt đối. Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau một biên giới rất mong manh của sự an bình và bất an trong tâm. Tuy nhiên, nếu biết huân tập thành thói quen, ta vẫn có thể có những giây phút tìm về thiên đường của chính mình, trong một lúc nào đó buông xả hết những ý niệm vây bủa, xa lìa cái ta huyễn hóa của chính mình để trở về nền tảng không rỗng, tĩnh lặng muôn thuở nơi tâm. Đó chính là cõi Niết Bàn mà ta phải tìm về, dù đang trầm mình trong chốn trần ai hay đã cận kề biên giới của sinh và tử.
Ngọc Bảo
(Đầu tháng 12, 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét