Ðối với người Việt Nam, đến tuổi 70 cũng chưa phải là già, kể cả những người lên 80, cũng không ai dám gọi là cụ ông, cụ bà, vẫn còn khả năng lái xe, nhưng đối với cảnh sát Mỹ thì chúng ta nên coi chừng, tuổi senior (từ 62 trở lên) là lớp tuổi dễ bị thu bằng lái nhất.
Các bạn già của tôi, hãy tưởng tượng đến lúc chúng ta không còn được phép lái xe, thì cuộc sống này trở nên bất tiện, buồn bã biết bao nhiêu. Ở Mỹ này không lái xe được xem như người què nằm một chỗ, nhất là ở những thành phố ít phương tiện giao thông công cộng. Chúng ta cũng không có được đời sống như ở Việt Nam, một bước lên xe xích lô, xe ôm hay gọi taxi đến tận nhà. Ở Mỹ đời sống tất bật, ngày thường bận đi làm, cuối tuần còn bao nhiêu việc nhà, con cái đâu có thời giờ để chúng ta đi nhờ xe, đến nơi này hay đi nơi nọ.
Tôi có một cô em họ, độc thân, 76 tuổi. Tuần rồi cô gây một tai nạn xe hơi. Thật ra không phải lỗi của cô. Cô đang lái xe trong lane sát lề bên tay mặt, thì một chiếc xe từ lane bên trái, xấn vào đầu xe của cô khá mạnh. Mất bình tĩnh, cô lái xe sang phải và đụng vào một chiếc xe khác đang đậu bên lề đường. Cô và người ngồi trên xe chỉ bị hoảng hốt, trầy trụa nhẹ, nhưng cả hai chiếc xe đều bị hư hại nặng (total loss.) Cảnh sát đến lập biên bản, lấy bằng lái của cô để ghi chi tiết, nhưng cô không ngờ, đây là ngày cuối cùng cô được lái xe. Cô không có con cái, có nghĩa là từ đây, việc di chuyển của cô sẽ gặp nhiều khó khăn, và đời sống của cô bước sang một khúc ngoặt mới.
Cụ George Weller, 86 tuổi, và hiện trường tai nạn. nguồn CBS los angeles
Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh của câu chuyện ở trên, để thấy giờ này mà chúng ta còn lái xe được, rong ruổi trên xa lộ, đi đây đó, hạnh phúc biết chừng nào!
Chiều ngày 16 tháng 7 năm 2003, cụ George Weller, 86 tuổi, đã lái chiếc xe Buick LeSabre năm 1992 của mình xuống đại lộ Arizona ở Santa Monica, California để đi tới khu mua sắm Third Street Promenade nổi tiếng ở đây. Cuối con đường, hôm đó người ta đã ngăn lại để dành cho một phiên chợ nông sản cuối tuần. Chiếc xe của cụ Weller đã chạy thẳng đâm xuyên những bảng chận đường, lao vào khu chợ đang đông người với tốc độ 60 miles/giờ, đã tông chết tại chỗ 10 người và đã làm 63 người khác bị thương. Weller nói ông đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp thắng.
Ngày 8/11, năm 2011, tại một thị trấn Palm Coast, miền Bắc Florida, ông cụ Louis Nirenstein, một người “handicap” thường dùng xe lăn, lái xe hơi và lạc tay lái, chạy vào, cũng một chợ nông sản, làm bị thương 3 người. Cụ cho cảnh sát biết chân ga của cụ bị kẹt.
Cuối năm 2014, bà cụ Beryl Hughes, 84 tuổi đã bị giam giữ 24 tuần, đồng thời bị cấm lái xe 5 năm vì tội gây ra tai nạn chết người. Cụ lái chiếc Audi A3 đâm trực diện vào chiếc Honda Civic do ông Brian Bockmaster, 80 tuổi lái, khiến ông Brian phải nhập viện và qua đời một ngày sau đó. Trước khi gây ra vụ tai nạn, bà Hughes từng bị phạt vì lái quá tốc độ hạn định. Bản thân bà Hughes cũng thừa nhận nhiều năm trở lại đây, khả năng lái xe đã suy giảm.
Các vụ tai nạn đã thúc đẩy những cuộc tranh luận toàn quốc ở Hoa Kỳ về những tai nạn giao thông do những người lái xe cao tuổi gây ra.
Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration) những người lái xe lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên đã gây ra 12.5% tai nạn giao thông trên đường phố.
Vấn đề được đặt ra là những người lái xe lớn tuổi có còn giữ được “an toàn trên xa lộ” không? Từ lâu, Anh quốc có quy định bắt buộc bằng lái xe của những người từ 70 tuổi trở lên đều bị thu hồi. Ðể có thể tiếp tục lái xe, họ cần phải kiểm tra sức khỏe và thi lại bằng lái trước ngày sinh nhật lần thứ 70 và liên tục phải đổi bằng lái mỗi ba năm. Ở Mỹ, người lái xe trên 70 tuổi vẫn được cấp bằng lái có hiệu lực 5 năm, đến kỳ hạn 5 năm, họ chỉ việc thi lại bằng viết và kiểm tra lại thị lực, nhưng trong thời gian này, nếu gây ra tai nạn, chắc chắn bằng lái sẽ bị thu hồi.
Tuy nhiên, việc có nên cấm hẳn người già lái xe hay không luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Năm 2010, tỉ lệ người trên 70 tuổi lái xe trên toàn quốc tăng gấp 4 lần so với năm 1975. Ở California có hơn 5.5 triệu người trên 55 tuổi đang lái xe, và hơn 2.5 triệu người trên 70 tuổi.
Tại Anh Quốc, phụ nữ cao tuổi nhất đang lái xe đã 107 tuổi. Nước này có 191 người có bằng lái xe trên tuổi 100. Bộ Giao thông Anh (DfT) cho biết, tuy chưa có bằng chứng cho thấy người cao tuổi lái xe có nguy cơ gây tai nạn cao hơn nhóm tuổi trẻ, nhưng thực tế, báo chí tốn không ít giấy mực với các vụ người lớn tuổi lái xe vi phạm luật lệ hoặc gây tai nạn.
Người ta đưa ra những yếu tố giải thích người già gây ra nhiều tai nạn vì:
1. Không còn minh mẫn, nhanh lẹ, nên phản ứng chậm chạp trước các tình huống.
2. Bị ảnh hưởng các loại thuốc mà người già thường dùng.
3. Phản ứng sai lệch do việc đau các khớp chân tay, hay cổ.
4. Tai không nghe rõ, mắt đã mờ.
Ở các nước khác, để giảm tội ác và các tai nạn do súng đạn, chính phủ kêu gọi người dân đem súng đổi lấy tiền thưởng, trong khi ở Nhật người ta kêu gọi quý cụ đem bằng lái xe nộp cho cảnh sát để được giảm giá khi ăn mì ramen tại 176 địa điểm thuộc chuỗi nhà hàng Sugakiya, nghe thật tội nghiệp! Bằng lái của người già cũng nguy hiểm như súng đạn hay sao?
Một chiến dịch của cảnh sát Tokyo cũng khuyến khích người già từ bỏ việc lái xe bằng cách giảm giá xe buýt và taxi cho họ. Nhiều trường hợp người già gây tai nạn đã xảy ra, khi một người phụ nữ 83 tuổi mất kiểm soát khi đang lái xe, gây ra cái chết cho hai bộ hành. Một cụ ông khác, 87 tuổi lái xe tải đâm vào một nhóm học sinh, khiến một em 6 tuổi tử vong.
Người già lái xe xin đọc những lời của Thẩm phán Stephen Holt (Hoa Kỳ) sau đây “Bản thân người cao tuổi và gia đình, bạn bè cần có trách nhiệm theo dõi khả năng lái xe của mình và người thân, đối mặt với sự thật rằng – qua thời gian, khả năng lái xe của họ không còn an toàn. Việc người cao tuổi cần và muốn lái xe, ít để ý tới vấn đề an toàn, đặc biệt ở những khu vực xa đô thị, không có các phương tiện giao thông công cộng là điều dễ hiểu”.
Một nghiên cứu do Khoa Y học Cộng đồng Maliman thuộc Ðại học Columbia thực hiện và công bố đầu năm 2016 cho thấy, sức khỏe của người cao tuổi sẽ bị suy giảm khi họ không còn được lái xe. Không chỉ vậy, việc này sẽ đem lại cho người già triệu chứng trầm cảm, buồn phiền.
Các bạn già của chúng tôi, những người đang còn lái xe như hôm nay cảm thấy thế nào nếu một ngày nọ, không còn ngồi được vào chiếc xe, sau tay lái để tự ý đi đây, đi đó mà phải nhờ đến con cái, họ hàng. Ðiều đó có nghĩa là đời sống đã mất đi nhiều ý nghĩa.
Nhưng một ngày nọ, nếu các bạn nghe tin có người lái một cái xe đâm vào một đám đông gây chết người, thì đừng vội kết luận đó là một chuyện khủng bố của ISIS, mà nên xem lại có phải người lái xe là một trong mấy ông bạn già lạng quạng của chúng ta không?
Huy Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét