Tôi đã làm quen và sống gần gũi một người đàn ông, rồi theo thời gian, từ khi tôi là cậu thanh niên trạc hai mươi tuổi, đang chập chững lần mò trên “lưỡi dao cạo”, cho đến nay đã “thất thập cổ lai hy”. Mối tri ngộ ấy, lương duyên ấy kéo dài tới những… 48 năm. Gần nửa thế kỷ. Ông ta trở thành bạn thân, người tri kỷ, rồi dần dần trở thành một người Anh và cuối cùng là Người Thầy trọn đời của tôi.
Trong suốt một cuộc đời của một con người, dĩ nhiên tôi đã theo học nhiều bậc thầy, lắng nghe nhiều bậc tôn sư, (tôi sẽ kể hầu các bạn nghe trong bài viết này), nhưng Anh là người thầy đặc biệt nhất. Vì là người Huế đậm đặc, và qua tính cách, chí nguyện, hiểu biết, lối sống, niềm tin của anh - tôi gọi anh bằng một cái tên: Ông Thầy Huế Ròn, Huế Rặt. Mặc dù ông ta có tên có tuổi đàng hoàng, nhưng không bao giờ ưa phô danh, chỉ thích sống trầm lặng bên cuộc đời và bằng lòng với những an lạc khiêm tốn của đạo lý đông phương.
Với tôi, tôi gọi ông là: Ông Thầy Huế Ròn Huế Rặt, nghĩa là:
Một người minh triết, sống đạo lý, xuất thân từ Huế, và biểu lộ bản chất nhân loại và bản chất Huế một cách sâu sắc.
Nhưng,
Trước hết, Ròn hay Rặt, nghĩa là gì?
Từ ngữ “ròn” có vẻ lạ lẫm ngay cả đối với người Huế chính tông, cho nên chúng tôi cả gan xin giải thích sơ lược.
Ròn, có nghĩa là không có tạp chất, không lai tạp, không có chất xơ, chất vớ vẩn. Rặt nghĩa là cô đọng. Huế rặt – Ví dụ: Cá nục kho già lửa bỗng rặt lại thành những khúc củi khô rang, ăn cũng ngon, ngon tuyệt là đằng khác!
Ví dụ: Khi ta nhìn một cái mõ làm bằng gỗ mít màu vàng cháy, tiếng kêu trầm ấm, ngọt ngào nhưng vang như tiếng trống, ta có thể nói: Chiếc mõ này được làm bằng gỗ mít ròn, tiếng kêu giòn giã như rứa chắc làm đẹp ý bất cứ vị thầy tu nào. Nghĩa là toàn là chất gỗ mít đặc sệt không có một chút lai tạp nào.
Có lần, tôi gặp chị ruột tôi giữa phố, hỏi: Chị đi mô mà đứng đây? “Tau vừa vô chợ Đông Ba mua một ít tôm chua, mè xửng. Bỗng gặp người bạn Đồng Khánh xưa. Chà, chị ni xa cách trường lớp đã lâu, ở thì tận tiểu bang gì gì cách Washington mấy giờ bay, rể dâu toàn Mỹ cả, mà giọng điệu, cốt cách cứ như là Đồng Khánh Ròn, Huế Rặt, hoặc Việt Nam chay, chẳng thể trộn lẫn vô mô được!”
Ví dụ: Một người phụ nữ Huế vào Nam sinh sống đã lâu, e chừng 30 năm có lẻ. Vậy mà mỗi lần con cái đãi canh chua cá lóc hoặc thịt kho nước cốt dừa, xem như mời mẹ nếm qua cho biết đặc sản miền nam, và hỏi: Mạ thấy thế nào? bà ta đều nhăn mặt: “Ngon thì ngon. Nhưng thiệt ra, món này thua xa ngoài mình!” Thật ra, ăn bất cứ ai mời thưởng thức món ăn miền nam nào, bà cũng chê ròng rã: “Thua ngoài mình.”
Bà này cũng như các bà người Huế ròn khác, nghĩa là luôn luôn bảo thủ đến mức độ tuyệt đối, chỉ nhìn nhận rằng: Món ăn của quê hương mình là ngon nhất thế giới, trên đời không gì bằng. Chất ròn này thì người Việt Nam ở xứ nào cũng giống nhau. Có những người sinh ra và chỉ gắn bó với nơi xứ sở khá lâu – cho nên khi họ bị tách ra khỏi quê nhà, thì họ không thể hòa đồng vào nơi ở mới được. Làm cái gì cũng đem ra so sánh với hương vị làng quê chốn cũ.
Ấy là nói đến những người bình dân cực đoan, chỉ khăng khăng ôm ấp tư tưởng ao nhà, không bao giờ ra khỏi lũy tre làng và tầm mắt không bao giờ biết đến một chân trời khác. Cái ròn cực đoan ấy không phải là cái ròn của một nhà trí thức có khát vọng, đang đánh đổi toàn bộ con người mình để đón đợi ánh sáng giác ngộ tâm linh.
Riêng ông ta vốn là một nhà trí thức đáng kể, ngoài Chất Huế sẵn có trong tâm hồn, ông ta còn học đủ thứ, đọc nhiều và thấm đẫm trong nhiều tư tưởng, học thuật, tri thức của toàn thể nhân loại xưa và nay.
Ngay từ thuở nhỏ, ông đã thông thạo tiếng Pháp, Anh - và chữ Nho giỏi như tiếng Việt. Về sau, đọc Bhagavad Gita và Upanisad bằng chữ Phạn, đọc kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang bằng 6 bản chữ Hán đối chiếu chữ Phạn… Hành trì thì chuyên đọc tụng kinh điển Đại Thừa và xưng niệm Nam mô A di đà Phật. Ăn uống thì chỉ gạo lứt muối mè, thỉnh thoảng thêm một ít rau cỏ, đậu khuôn. Rất ít khi la cà quán xá, trừ trường hợp bị “bắt cóc hợp pháp”.
Chỉ một thứ mà ông thầy sính dùng, đó là trà, vì trà là thú vui bình thường mà tao nhã và dễ kiếm của con người ưa thích lãng quên bụi bặm phiền não.
Chất Huế và chất ròn ở nơi ông, khiến tôi đặt cho ông một biệt danh, Ông Thầy Huế Ròn Huế Rặt. Và đương nhiên có thể ông không bằng lòng, nhưng tôi không biết tìm một từ ngữ khác hay hơn, đúng đắn hơn…
THẾ GIỚI LANG BANG CỦA ĐÀ LẠT
Năm 1968, Giấy Hoãn Dịch hết hạn đã hai tháng, tôi đành liều mình trốn nhủi trốn chui quanh quẩn khu Bàn Cờ, Vườn Chuối như rứa hoài, cũng nản. Cuối cùng, tôi rời Saigon và lên Đà Lạt với mục đích làm lại giấy tùy thân để… trốn lính.
Trần Nhơn đón tại đầu dốc phố. Tưởng lưu trú một thời gian ngắn. Thế nào cũng có hòa bình, và mình về lại chốn xưa – chốn xưa là Saigon hay Huế hay đâu đâu? Hay quốc độ nào? Ai dè bị cầm chân tại thành phố tuyệt vời này đến gần mười năm.
Đà Lạt dạo ấy cũng đang “giới nghiêm”, nhưng không khó thở bằng Saigon, bởi vì với cảnh sắc tuyệt vời, thơ mộng và xứ sở đầy rẫy tình người, thì chúng ta dễ quên đi những thứ khốc liệt của chiến tranh đang đè nặng trái tim và cuộc sống mình.
Muốn đơn giản, ít tốn kém và thuận lợi cho cuộc sống lang bang, tôi chọn ăn uống theo phương pháp Ohsawa. Mua một cái bếp lò đun bằng dầu hỏa, khoảng mười ky-lô gạo lứt loại rẻ tiền, một bao muối biển đã rang chín – thế là đủ để yên tâm đọc sách, cà phê, đi chơi long rong và học. Học cái gì? Tôi hoàn toàn không biết nhưng cứ nghĩ mình phải lao đầu vào việc học, có thể để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn hay chăng?
Là thanh niên mới chập chững bước vào đời, chưa hiểu mình thiếu cái gì và đang khao khát cái chi? Nhưng tôi nghĩ rằng, phải học trước đã.
Trong một buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của tiên sinh Ohsawa, tôi được xếp ngồi cạnh một người đàn ông, thật ra là một người thanh niên khá lớn tuổi, chủ nhà còn rất trẻ đã gọi ông ấy là Anh, có vẻ thân mật. Tôi cứ y như vậy mà cũng gọi bằng Anh, đơn giản như gạo lứt muối mè!
Ngoài ra, tôi hoàn toàn không biết gì về anh ấy cả: Ạnh ấy ăn mặc đứng đắn, không cao sang mà cũng không xuề xòa. Dáng dấp tựa như công chức hạng vừa, hoặc giáo sư Đệ Nhị Cấp, hoặc thầu khoán (tôi đoán chừng vậy thôi chứ thực sự tôi chưa hề gặp một người làm nghề thầu khoán bao giờ!).
Vì là buổi sơ giao, tôi không thể tìm hiểu trực tiếp, nhưng anh ta vẫn một bề kín đáo mà tôi lại nhút nhát, nhất là đối với người mới quen. Cả hai chúng tôi đều ít nói như nhau nên buổi gặp chưa gây chút liên hệ gì đáng kể.
Bữa tiệc gồm khoảng hơn mười người, trong đó có 2 ông thầy tu trẻ, hình như tu ở chùa Linh Sơn. Mọi người đều cùng nhau thảo luận về Thiền, rồi đến phương pháp dưỡng sinh. Tôi lúc ấytrình độ rất kém nên chẳng đóng góp vài câu ra hồn. Thức ăn toàn chay nhưng được chủ nhà chế biến theo nguyên lý Âm Dương, đúng bài bản mà tiên sinh Ohsawa đã chỉ dạy.
Tiệc gần tan, trời bỗng tối sầm lại, sắp đến giờ giới nghiêm. Anh nhìn tôi và hỏi:
- Cậu đã chọn con đường nào chưa?
Tôi lúng túng:
- Em đang mò mẫm và chưa biết phải đi con đường nào. Hiện đang tập Yoga và ăn uống theo phương pháp Ohsawa mà thôi…
Bỗng anh nghiêm sắc mặt, và nói với tôi một câu nói chỉ gồm có mấy từ ngữ thôi. Nhưng đã để lại trong tôi và trong suốt cuộc đời mình một dấu ấn không thể nào phai nhòa… Câu nói gì, nội dung câu nói ấy ra làm sao? Tôi không thể kể huỵch tẹch ngay tại đây hoặc bất cứ chỗ nào khác. Tôi phải giữ bí mật cho riêng mình chứ! Xin các bạn tha thứ cho tôi.
GIỮA DÒNG XUÔI NGƯỢC
KHOẢNG MỘT TUẦN LỄ sau bữa tiệc khó quên ấy, tôi trở lại với những công việc bình thườngcủa một thằng sống lang bang, ăn đậu ở nhờ: Ban ngày: Đi dạy kèm cho 2 trẻ em con nhà giàu ở Cây Số 6. Mỗi tuần 3 buổi, lương tháng khá hậu hĩnh 1.500 đồng, bằng chiếc xe đạp khá tốt do anh Đông cho mượn. Tôi bằng lòng với số tiền kiếm được, không lẽ nào cứ ngửa tay xin xỏ các bằng hữu mới quen, cũng đang đói rách như mình? Đêm về nhà bạn ngủ tạm. Nhà hắn có một cái kho chứa đồ đạc, muốn ở thì hãy mất công dọn đồ đạc đi và mình được phép cư trú dài hạn.
Hôm ấy, buổi sáng mặt trời vừa lên. Nắng ấm. Trong khi chờ bạn, tôi không vội uống cà phê Domino, mà một mình lang thang khắp các hiệu sách. Niềm vui nhẹ nhàng và dễ kiếm của dân lang bang là ghé các tiệm sách. Nếu có thể thì lựa một cuốn vừa ý, mà lại vừa túi tiền thì mua. Kìa, một cuốn sách vừa mới ra lò, tên sách rất hay và rất hấp dẫn: CỐT TỦY ĐẠO PHẬT, giá 20 đồng. Tác giả: đại sư D. T. Suzuki. Dịch giả: Trúc Thiên. Do nhà An Tiêm xuất bản.
Tôi mừng quá. Dốc túi mua ngay.
Vừa ra khỏi nhà sách thì gặp ngay Anh. Anh hỏi:
- Em đi đâu thế?
- Thưa anh, em đi lòng vòng và thăm các hiệu sách xem thử có sách nào mới xuất bản, tình cờmua được cuốn sách này. Chà! Cốt Tủy Đạo Phật, chắc là hay phải biết!
Anh dựng xe gắn máy bên vệ đường, xong leo lên lề đường để hai chúng tôi nói chuyện thoải mái hơn. Anh cầm lấy cuốn sách, lật lui lật tới, xem bìa trước rồi xem cả bìa sau. Xong, anh trả cuốn sách lại.
- Cậu đang nghiên cứu Phật giáo à?
- Em đang lần mò từng bước vậy thôi!
Anh ngần ngừ một chốc, rồi nói:
- Nếu em muốn học Phật thì phải học từ bước đầu tiên. Trước nhất là học các sách căn bản cho tầng lớp sơ cơ. Rồi dần dần bước lên bậc cao hơn. Khi ấy, muốn nghiên cứu cái gì cũng được. Cuốn CỐT TỦY ĐẠO PHẬT là cuốn tương đối cao, tôi đã đọc bằng bản tiếng Pháp cách đây mấy năm vì thế hệ của bọn tôi, mọi kiến thức đều thông qua ngôn ngữ Tây phương. Sách này gồm chỉ 2 bài giảng dành cho Thiên Hoàng, vua nước Nhật Bổn. Rất tuyệt. Ngài Suzuki dùng kinh Hoa Nghiêm để giảng về pháp giới Sự Sự Vô Ngại… cho nên rất khó để hấp thụ, cảm nhận. Đó không phải là cuốn sách dành quần chúng – vì đã là Cốt Tủy thì phải dành riêng cho bậc thượng căn, thượng trí, và lại càng không dành cho em bây giờ.
Tôi giật mình, toát mồ hôi:
- Vâng. Anh nói rất phải. Nếu em muốn học đạo Phật bắt đầu từ a, b, c thì phải làm thế nào?
- Tui sẽ dẫn em lên phòng kinh sách chùa Linh Sơn và chúng ta sẽ tìm những sách phù hợp với trình độ của em hiện tại. Sau này anh sẽ giới thiệu cho em những cuốn sách khác cao hơn, tuyệt vời hơn.
Tại sao tôi lại nghe lời anh ta? Có thể người ta từ chối và ai đi đường nấy. Bản thân tôi không hiểu gì. Hay là…
Anh đúng là Ông Thầy Thực Sự của tôi, và tôi đúng là người học trò chịu nghe lời.
Chúng ta muốn làm học trò ai đó, nhưng thật không dễ dàng gì. Vì tự ái, không dẹp bỏ cái Tôi to tổ bố đang đè nặng trên đầu chúng ta, nên chúng ta sẽ không được học gì cả. Vả lại, khi gặp kẻ cứng đầu, đa nghi thì các bậc thầy bèn “bó tay” và sẽ ngậm miệng không chịu nói và chúng takhông bao giờ tiến bộ nổi.
Vì một cơ duyên nào đó, có lẽ từ trăm ngàn kiếp trước, mà Ông Thầy đã chịu nói, và tôi đã chấp nhận lắng nghe bằng cách dẹp bỏ phức cảm tự tôn vốn đeo đẳng chính mình từ nhiều kiếp.
Kể từ đó, tôi đã có Thầy, sẵn sàng nghe và vâng lời Thầy, để chi vậy? Để học, và được học, cho đến khi thành tựu mà thực hiện những công việc có ích cho bản thân mình và cả chúng sanh. (tạm thời nghĩ vậy). Đó là khát vọng chính đáng của một người con Phật. Chấm hết.
…
Và cả hai chúng tôi lên chùa Linh Sơn. Dưới sự chỉ dẫn của Ông Thầy đầu đời, tôi đã mua 5 cuốn Phật học Phổ thông từ cuốn I đến cuốn V, và vài cuốn dành sách mỏng dành cho những người mới làm quen với đạo Phật.
Ông Thầy bảo:
- Học xong năm cuốn này, cậu sẽ học các môn khác và bắt đầu đi vào kinh điển nhà Phật.
Tôi sẽ góp ý cho em sau… Thôi, đi chơi như ri là đã vừa đủ, mình phải trở về trại lính để ăn cơm, nghỉ ngơi, chuẩn bị chiều nay lên lớp và tối nay còn phải đi gác đêm nữa.
À, em biết không? Mình đã học thuộc Kinh Kim Cang nhờ các buổi đi gác đêm. Thay vì ngồi ôm khẩu súng AR 15 và suy nghĩ vẩn vơ, hoặc sợ hãi kẻ địch tấn công vân vân, thì mình sử dụngthời gian ấy để học kinh. Hồi mới nhập ngũ, mình đã học thuộc lòng Thần chú Lăng Nghiêm qua các buổi gác đêm ấy!
…
Chúng tôi đến quầy sách để thanh toán tiền sách, đây là phòng kinh doanh lẫn phổ biến các tài liệu Phật học. Người ngồi quầy là một tu sỹ trẻ, hình như là Chú Điệu thì phải, vừa coi sóc quầy sách vừa viết chép chữ Nho. Tôi đọc được 2 chữ trên bìa sách: Ồ, hình như 2 chữ này là chữ SA và chữ LUẬT thì phải? Ông thầy tu ra vẻ ngạc nhiên:
- A! Anh có học Hán tự hay sao biết được?
- Cũng mới bắt đầu. Tự học. Sách này là sách gì mà Chú viết chép có vẻ chăm chú vậy?
Ông Thầy của tôi vội đỡ lời:
- Chú ấy đang chép cuốn SA DI LUẬT GIẢI. Một cuốn sách quan trọng của các tu sỹ vừa thọ giớiSa-di.
Vị tu sỹ ngắm nghía tôi một hồi lâu, rồi hỏi:
- Anh có phải là G. không?
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
- Xin lỗi. Sao Chú biết tôi?
- À, tôi có nghe Trần Nhơn nói về anh. Gọi tôi là Chú Lạc, Trương Tâm Lạc. Hồi Tết vừa qua, Đà Lạt bị tổng công kích, mọi người dân đều lên chùa ẩn náu và tránh bom đạn, tôi quen Trần Nhơn vào dịp đó. Y chuyên môn xin thuốc Ruby của tui hoài.
Chú Lạc bắt tay:
- Té ra tụi mình đã có nhân duyên với nhau.
Ông Thầy nói với riêng tôi:
- Nếu em chịu học chữ Hán thì tốt quá. Hành trình nghiên cứu Phật học bắt buộc phải rành chữ Hán. Học bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, không cần nhiều thông mình, chỉ cần chăm học, là có thể tiến bộ nhanh chóng.
Anh từ giã. Vừa rú tay ga, vừa niệm Phật, Nam mô A di đà Phật. Anh có thói quen hành trì mọi nơi mọi lúc. Bất cứ lúc nào cũng là buổi công phu, bất cứ chỗ nào cũng thành tâm hướng Phật. Anh dạy tôi không những bằng sách vở, kiến thức mà còn dùng tất cả hành động, cử chỉ để giúp tôi có được niềm tin. Cái đó, trong nhà Phật gọi là “thân giáo”.
Như vậy, tôi vừa có Thầy lại quen thêm Chú Lạc nữa, con đường học vấn của mình đang rộng mở.
Thật là tuyệt, những cuốn sách mà Ông Thầy mua tặng tôi tuy không khó đọc nhưng nếu muốn học cho kỹ thì phải mất thời gian. Ồ, gì chứ thời gian thì tôi không thiếu. Tôi đọc chầm chậm và lấy cuốn vở tập ghi chú lại tất cả những tiêu đề quan trọng. Học thuộc từng bài giảng như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, con đường có 8 nhánh chứ không phải 8 con đường, rồi 37 phẩm trợ đạo, vv…
Nhờ quen với Chú Lạc ở chùa Linh Sơn, tôi lại có thêm một địa chỉ để lui tới thường xuyên với mục đích trau giồi chữ Nho và cùng học với một tu sỹ. Chú Lạc cũng là một thanh niên, lớn hơn tôi chừng một năm tuổi, xuất thân Phổ Quang, Tường Vân, Huế. Rồi lưu lạc lên đây, cũng là người ở đậu chứ không phải dân chính thống của Linh Sơn.
Bọn tôi tỏ ra tâm đầu ý hợp vì cùng ngang trang lứa với nhau nên dễ thông cảm nhau hơn. Chú vừa là người cùng học chữ Nho với tôi, thường dẫn dắt tôi viết đúng nét từng chữ. Nhưng chú là người xuất gia nên chỉ nghiên cứu kinh điển, những sách về đạo Phật mà thôi, riêng tôi thì cao vọng rất nhiều, tôi còn muốn đọc tất cả gia tài văn hóa đông phương thông qua ngôn ngữ Hán. Tuyệt vời nhất, Chú Lạc còn cung cấp thuốc lá cho tôi.
Bây giờ, chú Lạc ngày xưa, trở thành một vị hòa thượng tại Thiền viện Vạn Hạnh, có thể nói: Qua bao nhiêu thử thách, người tu sỹ năm xưa đã thành công đáng kể trên đường tu tập không kém gay go. Bây giờ chúng ta phải gọi là Hòa thượng Chơn Nguyên.
HỌC TẬP VÀ ĐỌC SÁCH
Hôm nọ, sau khi quanh quẩn vài nơi trên phố, chẳng gặp ai. Ghé nhà sách, cũng chẳng có sách gì mới, Ông Thầy bèn ghé phòng tôi.
Khi ấy, tôi đang lấy soong chuẩn bị nấu cơm. Việc đầu tiên là nhặt những hạt sạn và bắt các con mọt ẩn núp trong mớ gạo lứt. Theo thói quen vô minh của mình, tôi chụp các con mọt và giết tức thì, không thương tiếc. Ông Thầy ngạc nhiên bảo:
- Em à, những con mọt là những chúng sanh, nó có quyền sống như chúng ta vậy. Chúng takhông muốn nó lẫn lộn trong cơm gạo lứt, thì có thể bắt nó ra, bỏ vào cái đĩa, rồi đem vứt ngoài kia. Chứ tại sao em lại giết nó chi vậy?
- Mớ gạo lứt này em mua ở quán quen mà sao có lắm con mọt. Phải trừ khử chúng nó cho khỏe.
Ông Thầy từ tốn:
- Không được giết. Đức Phật dạy: Phải tỏ ra từ tâm đối với các chúng sanh không phân biệt. Trong tất cả các hành động, chúng ta phải tập thương yêu chúng như thương yêu con người, ngay tự bây giờ. Chứ không thể đợi chờ ngày mai.
Chúng ta ăn chay và thực tập phát triển tâm từ bi chừng nào hay chừng nấy. Đừng coi thườngnhững cử chỉ nhỏ nhặt…
Tôi bây giờ mới rõ: Đã theo Phật, không phải chỉ đọc kinh sách cho nhiều mà là phải cố gắngthực tập tâm từ bi – vì đạo Phật chính là đạo từ bi. Nếu không, sự học trở thành học suông, đọc sách chỉ là đọc cho vui, rứa thôi.
Nghe lời Ông Thầy, tôi nhặt từng con mọt đem bỏ vào trong đĩa, chốc nữa đem ra ngoài hiên, để chúng nó tự sinh tự diệt chứ mình không bao giờ giết hại sinh linh dù là sinh vật nhỏ nhất. Lần đầu tiên trong đời, tôi học được bài “tự nguyện phóng sanh” rất giá trị và không bao giờ quên.
Khi soong đã yên vị trên bếp lò, chúng tôi thảo luận vấn đề sách vở, học hành, tu tập.
Ông Thầy thì bảo tôi trước nhất là lập hai thời công phu, để con người mình được an trú trong chánh pháp. Suốt đời như vậy. Dù bị thử thách, tủi cực cũng không bỏ.
Đạo Phật không bao giờ xem trọng chiếc áo, cái chứng điệp thọ giới, hoặc bất cứ hình thức nào, kể cả chùa to, Phật lớn… Mà đạo Phật đặt nặng vấn đề: Bạn có gắn kết với chánh pháp hay không? Giữ hai thời công phu trong đời sống hàng ngày, chính là thể hiện sự gắn kết ấy.
Việc học thì dễ ợt hà. Cố gắng kiếm cho được bản Kinh Thi và bộ Tứ Thư để học chữ Nho tận nguồn cội, nắm vững tư tưởng Khổng Mạnh.
Kinh Thi là ngọn suối dạt dào chất thơ ca của dân tộc Trung hoa, và có thể mọi dân tộc đông phương - đến nỗi Khổng Tử đã từng nói: “Không học kinh Thi thì không thể ăn nói ra làm sao cho ra hồn”. (Bất học Thi, bất khả dĩ ngôn). Ngài khẳng định như thế, thì chắc chắn tôi phải chịu khótheo đuổi đến cùng.
Tôi nhiều lần về Saigon tìm mua được các tác phẩm ấy, luôn cả cuốn tự điển Vương Vân Ngũ và các bộ sách liên quan. Tôi ghé đến Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm để thỉnh các bộ kinh bằng chữ Hán cổ mà mình thích nhất, ví như cuốn Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Di Đà sớ sao, vv… Tôi còn gõ cửa phòng kinh sách của các ngôi chùa nổi tiếng ở Saigon hỏi mua hoặc xin các kinh sách, học dần dần, ví như: Thành thật luận, Câu xá luận, Thắng pháp tập yếu luận, Duy thức luận…
Tóm lại, kể từ đó, tôi ngập chìm trong thế giới kinh điển. Ngoài ra, Ông Thầy giúp tôi tìm kiếm các tác giả Tây phương như S. Maugham, Khalil Gibran, E. Hemingway, A. Gide, S. Exupery, Hermann Hesse, vân vân… để rộng đường tăng tiến tri thức và nhất là phát triển rung cảm tâm linh.
Còn nữa, những lọat sách của Nguyễn Hữu Kiệt dịch thuật tuy mang nặng tư tưởng Thông Thiên Học, nhưng vẫn thú vị cho những người đang hâm mộ đạo giải thoát. Như Đông phương huyền bí, Ấn độ huyền bí, Xứ Phật huyền bí… Chúng tôi phải đọc thôi, vì đối với những người say mê sách vở, tìm đâu ra sách chánh thống để nghiền ngẫm bây giờ?
Từ 1971, 1972, chiến tranh ác liệt hơn, thì thế giới sách vở của Nam VN lại tỏ ra “trăm hoa đua nở”. Vô số nhà xuất bản mọc lên, nhiều nhà văn nhà thơ quốc tế được giới thiệu cho sinh viên, học sinh và cả quần chúng “ham đọc, ưa hiểu biết, ham suy nghĩ”. Nhiều tác phẩm vĩ đại, lừng danh, giá trị được xuất bản, kể cả các sách tâm linh.
Thời đại ấy đã biếu tặng những người như bọn tôi những món quà quý giá nhất, có thể gọi là “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”. Tôi xin tri ân cuộc sống, tri ân các nhà xuất bản ấy đã cung cấpcho mọi người những thực phẩm cao cấp, nuôi sống tâm hồn chúng tôi và làm đời sống được thăng hoa dài lâu - làm sao kể hết được?
Tôi cứ thế mà hành động. Buổi sáng dậy sớm, bèn công phu bằng cách tụng kinh A Di Đà và niệm Phật. Xong, mới ra quán Domino. Có thể đi dạo quanh các nhà sách, hoặc tản bộ quanh bờ hồ Xuân Hương. Rồi về nhà xem có công việc nào cần thanh toán và bắt tay vào việc học. Tối, xong công việc cá nhân rồi, hành trì công phu rồi đi ngủ. Từng ngày qua đi như thế.
VÀO TRẠI LÍNH
ĐỂ THĂM CHỖ Ở ÔNG THẦY
Ông Thầy còn trẻ, chưa tới 30 tuổi, hiện là lính độc thân và là sĩ quan giảng dạy cho những sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Nguyên Ông Thầy là nghề giáo chính hiệu, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1963. Làm giáo sư trường Kiểu Mẫu và phụ giảng tại ĐHSP Huế. Đến năm 1967, ông bị động viên, rồi học 9 tháng tại Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Tốt nghiệp Thủ Đức, đáng lẽ ông phải ra mặt trận đúng như nhu cầu chiến tranh, nhưng người ta xét thấy ông có bằng Cử nhân Vật lý, lại tốt nghiệp ĐHSP nữa, bèn tuyển vào làm giáo sư tại trường Võ Bị Đà Lạt.
Như vậy, ông ta mặc đồ lính, đóng vai giáo sư phụ trách dạy văn hóa và kiến thức cho các sinh viên sĩ quan. Ngoài mười mấy tiết các vị giáo sư có nhiệm vụ giảng dạy chính quy cho sinh viên Võ Bị, họ có thể đi dạy thêm ở đại học hay các trường cấp III như Việt Anh, hay Văn Học, hoặc trường Bồ Đề để kiếm thêm thu nhập.
Một chiều nọ, khoảng 4 giờ, Ông Thầy chở tôi vào trong trại lính, được phép ở lại chơi một buổi.
Chỗ ở của Ông Thầy là một căn phòng khá rộng. Đầy đủ bàn, ghế, tủ sách, tủ đồ ăn và 2 chiếc giường lớn dành cho những người sĩ quan có gia đình. Khu bếp núc khá rộng rãi, nhưng Ông Thầy của tôi chỉ sử dụng để nấu cơm gạo lứt và… rang mè mà thôi.
Vừa đến căn phòng, ông Thầy cởi bộ quân phục và thay vào bộ quần áo năm thân bằng lụa cũ của cụ thân sinh ban cho, thay đôi giày lính bằng đôi guốc mộc. Tôi thầm nghĩ: “Ăn vận nhà quê như vậy có vẻ tự nhiên và thoải mái”. Nhưng Ông Thầy giảng giải: Mặc đồ lụa như ri, mùa hè thì rất mát, mùa đông thì rất ấm. Lụa có tác dụng giữ cho cơ thể quân bình trước các đổi thay của thời tiết. Cho nên người xưa, ai cũng sính dùng hàng lụa.
Chúng tôi chuẩn bị bữa cơm chiều.
Xong phần lượm thóc, Ông Thầy rửa sạch gạo, cho vào nồi đồng mang từ Huế vào, bắc lên bếp than. Khoảng hơn một giờ sau, cơm chín. Và đến việc rang mè, Ông Thầy dành rang một mình.
Thực ra, rang mè rất là khó. Phải đốt lửa lên cho thật đượm để sao cho chảo nóng đều, và trong giây lát phải đổ mè xuống chảo cho thật nhanh. Trong khi mè nở chín và dậy mùi thơm thì mình đổ cấp tốc trên cái mủng hay nia. Làm chậm, mè có thể cháy khét lẹt. Làm quá nhanh thì mè không chín.
Rang mè xong là phần: dùng bữa tối. Đơn giản?
Không! Ăn không phải là tộng thức ăn vào mồm, mà là “Một nghi lễ thiêng liêng để thăng tiến tâm linh”. “Kẻ hiểu biết thì tu ngay trong bữa ăn”. Tôi còn học nhiều nữa từ ông thầy này. “Các ngươi phải ăn thức uống, và uống thức ăn”.
Chúng tôi không nói chuyện khi ăn. Đó là thói quen của những người thực hành phương phápOhsawa. Tôi vừa nhai chậm vừa tư duy về các vấn đề mình đang học. Còn Ông Thầy vừa nhai cơm vừa niệm Phật, nam mô A di đà Phật.
Xong bữa cơm, chúng tôi sửa soạn cho buổi uống trà.
Đây là lần đầu tiên tôi học được thế nào là trà đạo. Té ra, ông thầy coi bộ ít nói, khiêm cung, nhưng vô cùng minh triết. Việc nhỏ cũng có đầy đủ nội dung như việc lớn. Đều có thể dạy cho chúng ta nhiều về ý nghĩa nhân sinh và cả vũ trụ nữa.
Uống trà cũng có đủ phép tắc rất nghệ thuật. Tôi là dân chuyên môn la cà quanh các quán cà phê. Hễ người ta bưng cà phê ra là… nốc ào ào, vừa hút thuốc vừa nói chuyện vô thiên lủng. Bây giờ tôi phải thực tập cách uống trà. Bước đầu hơi khó chịu vì bị bắt buộc chờ đợi.
Nấu nước cho thật sôi, rửa từng cái chén. Xong, lại rửa chiếc bình thật sạch. Chế trà chậm rãi. Đợi trà vừa chín, rót ra chén tống. Từ chén tống, lại rót ra chén con. Và mời nhau nhắp từng chút, từng chút. Rất ít nói chuyện.
Thật ra, đây là một cách tu dưỡng, một cách thuần hóa Cái Tâm của mình. Rồi sau đó mới thưởng thức hương vị tuyệt vời của trà, của không khí thanh thản do tất cả mang lại.
Ai cảm thấy không cần thiết, thì xin chớ tham dự một buổi uống trà theo kiểu Đông phương.
Nhiều người hỏi: Cái việc uống trà mà cũng bày đặt nghi lễ, phép tắc khiêu khê, thật là nhiều chuyện.
Có thể những kẻ không thích rườm ra thì cứ việc bưng cốc trà lên và nốc ào ào vô miệng. Xong. Không hề gì! Đời vẫn đẹp như bài thơ Ánh viết!
Nhưng, nếu ta xem uống trà như là Đạo, thưởng thức trà như là Thiền, nhấm nháp từng hương trà và vị trà như đang thu lượm tinh hoa của nhân loại, của đất trời… thì ta sẽ nghĩ khác – và rồi, tư tưởng ta cũng khác. Cuối cùng ta sẽ hành động khác. Sống cách khác!
Hai người một Thầy một trò, cùng ngồi kiết-già trên giường sắt trong trại lính, bên cốc trà bốc khói. Không có “thảo luận, trao đổi” vì trò biết gì mà nói? Chỉ có Thầy giảng dạy, và trò lắng nghe.
Ngày xưa, cậu bé Alcyone học đạo bằng cách ngồi dưới chân Thầy để lắng nghe chỉ dạy. Đó là chuyện bên Ấn-độ cách đây gần trăm năm. Một đứa bé ngồi dưới chân ông thầy râu tóc bạc phơ trong một ngôi đền bao la và tịch mịch. Khung cảnh êm đềm trải dài cả một chân trời ngoài kia. Lớn lên, cậu Acyone trở thành đạo sư Krishnamurti được thế giới lắng nghe (để mần chi rứa hỉ?), để tôn sùng, kính mến.
Thời đại và đất nước chúng tôi thì không được như thế. Chiến tranh. Có kẻ trốn lính và có người miễn cưỡng mặc áo lính. Nhưng chúng tôi cũng tìm được một góc xó yên lành, để uống trà… Tôi thì ngồi bên cốc trà nghi ngút hương thơm để lắng nghe Ông Thầy còn trẻ măng, gật gù kể chuyện đời xưa rất tra rụi, chen lẫn những lời dạy rất hiện đại, vừa mới xảy ra đây thôi.
Đà Lạt rất nhiều muỗi. Phần đông dân chúng trồng rau nên hay dự trữ phân cá. Nhà nào cũng chất đầy những bao phân cá bên hiên, sau nhà, do vậy mà thu hút loài muỗi đến sinh sôi.
Đêm đã khuya, chúng tôi sắp sửa đi ngủ. Sau khi giăng mùng, tôi đập muỗi thả giàn. Đang thiu thiu mà nghe bọn muỗi vo ve bên tai, thường thì tôi bực mình, giơ tay ra đập lung tung. Bắt được chú muỗi nào thì… giết chết không tha!
Ông Thầy kiên nhẫn bắt từng con muỗi và thả chúng ra khỏi mùng. Tôi nói:
- Anh chịu khó quá hén? Chi vậy?
Ông Thầy cười vui:
- Muốn phát triển tâm từ bi, phải kiên nhẫn. Đó là cách tu trong đời. Cậu hãy tập giữ từ tâm. Không nên tàn sát loài muỗi. Hãy tha cho chúng. Luật nhân quả. Hãy tha thứ để rồi bạn sẽ được thứ tha.
Tôi vâng lời mà lòng vui vì vừa học được bài học sống động về tâm từ bi, mặc dù đã nghe hay đọc đâu đó – nhưng bữa nay mới thực hành. Các bạn bè của tôi, vẫn nghĩ rằng, thời gian tôi học tập tại Đà Lạt là chỉ học trên sách vở. Một thằng trốn lính thì chỉ đọc sách cho qua thì giờ trống rỗng.
Nhưng, không phải vậy đâu!
ÔNG THẦY TRỞ LẠI HUẾ
Ba năm luyện kiếm và ôn tập thi văn qua mau. Ông Thầy và một số học trò quây quần quanh Đà Lạt, khi thì dốc chùa Linh Sơn, khi thì gặp nhau giữa thiên nhiên hoang dã của Đồi Cù, khi thì lêu bêu trên phố khuya, khi thì cùng nhau thăm viếng chùa Hoa Nghiêm, nằm chờ ngoài đồi thông để ăn bữa cơm chay do chùa thết đãi. Đôi lúc ghé Ngọc Thiền, tịnh thất sư Giác Hiển…
Năm 1969, Ông Thầy về Huế để cưới vợ, và hai năm sau (1971) được “biệt phái”, trở về đời sống dân sự và lui lại nhiệm sở cũ, Đại học Sư phạm.
Ngày Ông Thầy cưới vợ, tôi thắc mắc rằng:
Sống chung với một người phụ nữ, có ảnh hưởng gì đến đời sống tâm linh không?
- Cậu biết con diều không? Một điều không ai nghĩ tới là: Con diều sở dĩ bay lên được là nhờ có sợi dây níu xuống.
Người phụ nữ nào cũng có thiên tánh là muốn níu kéo ta xuống với đời sống thế gian, nhưng bay lên được hay không đều do nơi người đàn ông có quyết chí bay lên hay không. Họ càng kéo xuống thì ta càng bay cao. Rứa thôi! Chính ta quyết định tất cả, chứ không phải họ, những người phụ nữ!
- Em thấy rằng, có nhiều người đàn ông, trước khi cưới vợ thì tỏ ra anh hùng khí phách lắm. Nhưng khi lấy vợ vài năm, anh ta trở nên sợ sệt, bần tiện, tiêu tàn chí khí nam nhi, đến nỗi anh em bạn bè xa lánh, chịu không nổi!
- Ồ, những kẻ bẩm tánh hèn hạ như vậy thì dù họ không lấy vợ cũng sẵn sàng trở thành những tên tầm thường như giẻ rách. Bản chất làm họ trở thành như thế, đâu phải do người phụ nữ?
…
Ông Thầy nói thêm:
- Lấy vợ là học lại bài học cũ. Bài học nào mà ta chưa học thuộc, thì cần phải học lại. Chưa học thuộc bài thì phải ở lại lớp, thế thôi!
Bài học nào? Đây là bài học thế gian, của duyên nợ, nghiệp quả. Bài học của oán kết từ muôn nghìn kiếp mà ta trót tạo tác. Kể cả những ân nghĩa của tình người, tình đạo. Nay, phải trả. Không có chuyện trốn nợ được đâu!
Và… và chuyện giải thoát bản thân ra khỏi ngục tù thế gian thì… không liên quan gì đến vợ concả. Trong cảnh trói buộc của vợ con, tiền bạc, oán kết, nợ nần… ta vẫn có thể tìm thấy một lối thoát cho riêng mình! Gương xưa của Ngài Duy-ma-cật, Tuệ Trung thượng sĩ, cư sĩ Bàng Uẩn, Bạch Cư Dị, Lê Đình Thám… cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Rứa thôi!
Bọn tôi kêu toáng lên:
- Khó quá! Thầy ơi!
Ông Thầy cười:
- Phải khó mới gọi là bài toán chứ! Nhất là bài toán thế gian! Nhưng, cố gắng sẽ thành tựu khát vọng của mình… Quyết chí. Quyết chí…
Tôi và các bạn ở Đà Lạt quả có nhiều chấn động trong tâm hồn vì từ nay thiếu vắng một người Thầy, một người bạn.
Hết rồi, những gì thân thiết và cao quý của mình đã đi xa. Chiến tranh càng gây nên lắm cảnh vô thường. Huế và Đà Lạt, đôi khi ta tưởng gần lắm nhưng đôi khi xa cách nghìn trùng.
Sân bay Liên Khương buổi ấy, anh bắt tay tôi thật chặt. Lặng lẽ. Không nói gì. Những điều đáng nói thì chúng tôi đã nói cả rồi. “Nam mô A di đà Phật, anh chị và các cháu đi bình an”.
Đương nhiên tôi vẫn không khỏi hụt hẫng ít nhiều.
Nhưng, bàn tay cứu độ của A Di Đà quả huyền nhiệm và ẩn mật. Ta không thể đoán biết được cái gì đang xảy ra, mà Ngài thì không bao giờ chịu nói.
…
THEO HỌC ĐẠI SƯ THIỀN TÂM
Thời gian sau, Trần Nhơn viết một tờ giấy bảo tôi mang đến tiệm tạp hóa của Bà Ba Chỉ nằm ở phía dưới chợ Đà Lạt, để gặp một người sẽ giúp đỡ các vấn đề cần thiết. Vậy là, tôi chính thứcquen anh Thuận và mấy hôm sau, anh dẫn tôi về ấp Phú An gặp hòa thượng Thiền Tâm.
Qua lời giới thiệu của anh Thuận, tôi được bà Ba Chỉ cho ở trong tịnh thất của bà, và tặng ngày 3 bữa ăn miễn phí, đương nhiên là ăn chay, vì bản thân bà Ba Chỉ là người trường trai từ thưở con gái. Quan trọng nhất là anh đưa tôi đến bái kiến hòa thượng Thiền Tâm, đã mở cho tôi một giai đoạn mới trong việc tu học.
Anh Thuận giới thiệu với Hòa thượng: “Đây là cháu của bà Ba Chỉ”, nhờ thế mà tôi được biệt đãi, hòa thượng không hề xem như người ngoài.
Từ hôm ấy, cứ vào buổi sáng, từ tịnh thất của bà Ba Chỉ tôi đi bộ khoảng một cây số vào chùa Hương Nghiêm tham dự khóa học Di Đà Sớ Sao, Tịnh độ thập nghi luận, Tịnh độ hoặc vấn… dành cho tu sỹ. Chiều thì vào thẳng tịnh thất của Ngài để thưa hỏi các vấn đề cao siêu của Phật pháp mà không ghi sẵn trong bất cứ cuốn sách nào.
Và tôi được dịp học những nghĩa lý sâu xa, bí ẩn của pháp môn Tịnh độ và ít ai từng học qua, nghe hòa thượng Thiền Tâm tổng hợp tất cả tinh túy của Phật pháp nói chung cũng như phápmôn tịnh độ nói riêng.
Đến năm 1974 tôi về Đà Lạt để cưới vợ, người vợ đầu tiên. Đầu năm 1975, vợ sinh được con gái và tôi tìm kiếm một cái tên thật hay đặt cho con bé.
Khi hai vợ chồng bồng bế nó xuống Hương Nghiêm tịnh viện để xin quy y. Hòa thượng hỏi: Cháu bé tên chi?
Tôi thưa:
- Dạ, tên cháu là A Lan Nhã…
Hòa thượng suýt xoa, cười vui:
- Chà, tên hay như dậy, cần chi đặt pháp danh nữa?
Tuy nói như vậy, rồi thầy lấy tay xoa đầu đứa bé và nói lớn lên:
- Bé A Lan Nhã, pháp danh là Diệu Nghiêm, một đời theo Phật, niệm Phật,Nam mô A di đàPhật… Còn gì nữa?
Tôi và vợ, sung sướng quá, cảm ơn Thầy và lớn tiếng xưng niệm Nam mô A di đà Phật không ngớt…
TỪ 1975 CHO ĐẾN VỀ SAU…
Sau khi sinh con gái, thì hòa bình lập lại, cả nước bước vào vận hội mới, có nhiều hạnh phúc và cũng có nhiều thách thức. Cuộc đời là vậy, như trong bài thơ LE PONT MIRABEAU, thi sĩ Guillaume Apollinaire đã viết:
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s‘en vont je demeure
Niềm vui luôn luôn theo sau nỗi đau đớn
Hãy để đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua, và anh vẫn còn đây…
(bản dịch của Phạm Công Thiện)
Không. Ngày trôi qua và nhiều ngày trôi qua, tôi vẫn cảm thấy lo lắng vì không biết làm việc chi để có tiền nuôi vợ con và chính mình sắp sửa đói đến nơi.
Thật ra, tôi chưa thấy ai chết đói cả. Nhưng, nỗi sợ thì không dành cho riêng ai. Cả nước đều chia nhau bình đẳng nỗi sợ ấy. Ai ai cũng cầu mong tìm kiếm cái gì đó để làm yên cái dạ dày chực làm reo từ trong vô thức.
Vì vậy, người ta vẫn sợ đói. Chỉ có sự sợ hãi cái đói mà khiến người ta phải làm đủ chuyện tốt đẹp lẫn xấu ác.
Vì sợ đói, mà tôi tự nguyện tham gia kinh tế mới Thiện Chí, cách Đà Lạt gần 60 km. Cuốc, cuốc và cuốc. Không biết cuốc để mần chi, nhưng cứ cuốc, cuốc mãi.
Cuốc chán chê rồi, đành bỏ dở nửa chừng và tôi lao vào đi buôn. Vay tiền mượn tiền, để đi buôn. Cả đời đọc sách, cà phê thuốc lá, biết cái cóc khô gì mà đòi đi buôn? Rứa mà vẫn lao đầu vào đi buôn. Bạc tiền. Lời lỗ. Quả tình là: nỗi sợ hãi khiến mình lao vào mọi sự bất chấp hậu quả. Càng lao vào, nỗi sợ càng tăng. Sợ chủ nợ, sợ thuế vụ, sợ quản lý thị trường… đêm nằm chỉ gặp ác mộng.
…
Mùa hè 1978, tôi về lại Huế.
Công việc đầu tiên là tôi đến Chợ Cống để thăm Ông Thầy. Trải qua một cuộc bể dâu như ri xem ông thầy đã ra sao? Và mình đã ra sao?
Buổi sáng, bận rộn cà phê với bạn cũ, khoảng 9 giờ tôi băng ngang cầu Trường Tiền, lòng lao xao một thời quá vãng. Tới đúng địa chỉ, chỗ này tôi đã tới nhiều lần, sao thấy lạ lẫm. Khu vườn mênh mông có bình phong đầy rêu phong phủ kín và cây hồng trĩu quả, cây bưởi đứng trơ trơđang đợi mùa sau mới đơm bông dù lỡ hẹn – kìa, những cành phong lan đài các, giơ những cánh tay ngàn khoe sắc. Đây có phải là nhà Ông Thầy của tui?
Vườn rợp bóng lá, những vồn khoai tía hàng nối hàng đang cố gắng giương cao chồi non chiến thắng. Tiếng chó sủa lấy lệ, giọng rè rè, mệt mỏi vì thiếu ăn – người ta còn không đủ sắn khô để độn, huống hồ vật nuôi. Chó sủa một chốc rồi tự động đầu hàng, chấm dứt sự nghiệp sủa cho đỡ buồn, lê lết chui vào hàng hiên.
Đằng cuối tê tề, bên cạnh bụi chuối có buồng đang lổ, người đàn ông ở trần giơ cái lưng dài ngoằng đang cuốc, cuốc và cuốc. Chiếc nón rách che ngang nửa lưng. Nghe chó sủa yếu ớt, ngó vô:
- Xin lỗi, ai đó?
Tôi khóc.
Tôi rống lên như gọi đò Ca Cút:
- Sư Phụ ơi! Học trò từ Đà Lợt ra đây!
Thầy và trò gặp nhau, ôm choàng vai, tay bắt tay. Nhìn vào khuôn mặt rám nắng và hai bàn tay chai sạn, tôi rưng rưng:
- Thầy cực nhọc quá hén?
- Xưa, Y Doãn, Chu Công cũng phải lao động trên mảnh đất của mình mới có miếng ăn. Nghề nông là duy nhất được xã hội thời xưa chấp nhận, vì lương thiện nhất... Ờ, Mình vào sau giếng tắm rửa rồi chúng ta nói chuyện.
Tôi bắt chước con chó, ngồi chài bài lây lất bên hiên, đốt thuốc, suy nghĩ vẩn vơ.
Ông Thầy vẫn được giảng dạy tại ĐHSP, lúc rãnh thì cuốc, cuốc và cuốc, để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Nhưng quan trọng nhất là để trông giống với những người khác. Sống mà khác với những người khác: thì quả là cái tội to lớn nhất đối với nhân quần, xã hội. Ông Thầy vốn bị mang cái lỗi là sống khác người, cho nên ông phải phòng thủ bằng lối sống cuốc cuốc và cuốc như vậy thôi.
Ông không sợ chết đói, chỉ ngại những người còn sống nhăn răng mà suy nghĩ lệch lạc về mình.
Tội nghiệp cho chúng ta!
…
Sau khi quăng cây cuốc vào xó bếp, Ông Thầy trở lại con người bình thường của mình: Vẫn mặc bộ đồ năm thân màu khói hương xưa rích xưa rang, với đôi guốc mộc cà tọt cà tàng ấy. Vẫn nụ cười nhẹ nhàng ấy, với dáng đi trầm tĩnh, đĩnh đạc trước những biến cố của lòng mình, của xã hội.
Ông pha trà trong chiếc bình “Thế Đức gan gà” rồi rót vào những chiếc cốc bằng hạt mít. Và mời khách.
Khách là đứa học trò ngày xưa nay đã phong trần ít nhiều. Qua mấy năm lăn lộn trên tàu xe nên chắc chắn nhuốm vẻ chợ đò lam lũ. Nhưng bản chất cuộc sống là vô thường, nó làm mình khổ đau nhưng chính nó vẫn làm mình thú vị và đáng sống hơn bao giờ hết. Ông Thầy đã dạy như vậy mà.
Tôi không biết nói gì, ngoài câu vớ vẩn như thế này:
- Thầy khỏe chứ?
- Làm chi mà không khỏe? Như em biết rồi đó, người ta than thở, kêu rêu này nọ. Họ quên rằng, xã hội thanh bình cũng có cái giá của nó. Sống như ri thì yên lành, chấm dứt chiến tranh, mọi người đỡ phải chết vì bom đạn, chỉ lo kiếm ăn và nộp thuế. Nói về thân phận con người thì sống kiểu nào cũng không khỏi bốn nỗi khổ Sanh, Lão, Bệnh, Tử…
An vui với số phận, tức là Chữ Nhẫn mà đạo Phật đã dạy cho chúng ta.
Sao? Lâu ni việc hành trì không được như trước, phải không?
Tôi lúm úm trong miệng. Nghèn nghẹn trong cổ họng, không nói được.
…
Qua mấy tuần trà, tôi (có lẽ cà lăm) tường trình nếp sống thụt lùi của mình trong mấy năm lao vào buôn bán. Tâm hồn suy sụp đến mức báo động. Niềm tin vốn mỏng mảnh như khói thuốc lá, đã vỗ cánh bay về chỗ nào không biết không hay. Mở mắt ra chỉ thấy bạc tiền và hàng hóa. Đêm ngủ thấy nợ nần và lo lắng nhiều hơn. Sách vở, kinh điển bây giờ có vẻ làm mặt lạ với chính mình. Nhiều lúc, tưởng đã quên luôn Đức Phật cùng những lời dạy của Ngài.
Ông Thầy buột miệng hỏi:
- Em năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi cúi mặt, không dám nhìn vào mắt Thầy:
- Dạ, chừng ba mươi, băm mốt tuổi…
- Ồ! Mới hơn ba mươi thôi à? Thừa sức làm lại cuộc đời! Không có gì đáng lo. Chúng ta bắt đầu lại. Bước nào cũng phải bắt đầu bằng việc hành trì.
- Em định chọn pháp nào để hành trì?
- Vì quá hâm mộ Kinh Pháp Hoa và sùng bái danh hiệu Nam mô A di đà Phật – cho nên em sẽ hành trì bằng cách mỗi ngày hai lần, tụng kinh và niệm Phật, được chứ?
Ông Thầy gật gù, nhắp trà:
- Chúng ta bắt đầu từ bây giờ. Ngày hai buổi. Thánh Gandhi nói: Hành trì buổi sáng sẽ mở ra cho chúng ta một ngày trí tuệ và an lành. Hành trì buổi tối sẽ khép lại một ngày tốt đẹp và yêu thương. Cứ thế, rồi Đức Phật sẽ hành động theo cách của Ngài…
- Vâng. Em sẽ vâng theo lời Thầy dặn.
Một lát sau, tôi tọc mạch hỏi:
- Ờ, đời sống của Thầy dạo ni ra răng?
- Cũng vậy. Vẫn gạo lứt muối mè. Nhưng dạo ni, gạo lứt không được tốt lắm và mua rất khó. Đôi khi bà vợ kiếm gạo khắp các chợ không ra, đành phải ăn gạo có màu đo đỏ chứ không phải gạo lứt như trước. Đành chịu vậy!
Bản thân Thầy vẫn giữ hai thời công phu như trước. Xã hội càng biến động, mình càng giữ vững niềm tin thật chắc. Thầy đi dạy về, đương nhiên ra sức cuốc thật nhiều. Chuyên trồng khoai tía vì có thể để dài hạn mà không bị sùng. Thừa chút thì giờ nào, thì Thầy học tiếng Nhật và tiếng Phạn. Học cho vui. Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ, hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ…
Bỗng dưng, Ông Thầy cười phá lên và học trò cũng tuôn ra một tràng dài…
- Ha ha… Ha ha…
VỀ SỐNG HẲN Ở HUẾ,
Sau cùng, thì tôi đã trở về Huế và nhất là được sống bên cạnh Thầy, Ông Thầy Huế của mình.
Câu nói này ra vẻ đơn giản, nhưng tôi đã đánh đổi vô cùng tang thương, đau đớn, vô biên phiền não mới được như vậy!
Nhưng không sao!
Ông Thầy thì vẫn an nhiên tự tại như cây cổ thụ đứng sững giữa mênh mông trời đất. Có sóng gió hay chăng?
Có chứ!
Cuộc đời con người tất cả đều không tránh khỏi sóng gió. Không biết kiếp trước và muôn ngàn kiếp đã qua, ông thầy đã tu tập cách nào, kiểu nào, mà ông đã đủ phước báo để vượt qua khỏi sóng gió và âm thầm đứng an nhiên giữa cuộc đời trông có vẻ thanh thản như vậy?
Tôi không biết và cũng chẳng có ai biết.
Suốt gần 40 năm qua, Ông Thầy Huế Rặt của tôi đã sống như thế nào?
Ông bình thường vẫn đi dạy tại Đại Học Sư Phạm, người vợ dạy cấp II, cả hai đều có đồng lương khiêm tốn tạm đủ nuôi bốn đứa con tương đối thành đạt. Thiệt không? Chắc không?
Bạn cứ lấy đồng lương dạo ấy, phụ thêm thu nhập của các chỗ dạy thêm (nếu có), rồi cọng trừ những phí tổn xã hội. Đem nhân với 6 người trong gia đình Thầy, rồi chia với vật giá ngoài chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Bến Ngự... Bạn sẽ biết tỏng tòng tong, cần gì tôi phải giở trò nói láo nói điêu. Thế mà nhiều người vẫn đủ ăn, vẫn sống được. Tại sao?
Năm 1990, Trung tâm Nhật ngữ được phép khai giảng, người ta tuyển ông làm giáo viên. Năm 1997, trường Phật học Cao cấp mời ông giảng dạy tiếng Phạn, và tiếng Hán cho các tăng sinh. Thêm một ít thu nhập, có lẽ Ông Thầy rất vui, rất khỏe khoắn nhất là khi cầm đồng tiền khiêm tốn về trao cho Bà Vợ. Nhìn khuôn mặt hoan hỷ của Bà Vợ chắc ông cũng bằng lòng. Nhưng vui nhất là ông đang thấy thành quả của sự chăm chỉ học tập của mình hôm nay được cống hiến cho Tam Bảo, cho xã hội, cho những người có nhân duyên với đạo pháp!
Ông Thầy có một nghề duy nhất là: Bán Cháo Phổi mà thôi. Nghề này, có nhiều người theo và cũng có nhiều người chạy làng, như tôi chẳng hạn.
Ông Thầy luôn luôn vui sống với nghề này, dạy tận tâm và mang hết tri thức cùng nhiệt huyết để cống hiến cho lớp trẻ và những người hậu học. Nếu bỗng dưng xuất hiện những người học trò đòi hỏi các thực phẩm cao cấp hơn, như tâm linh, đạo học… thì Ông Thầy cũng sẵn sàng trút hầu bao để cho, để tặng, để biếu không, mà chẳng đòi hỏi điều kiện gì cả.
NÓI VỀ THẦN TƯỢNG
Diễn viên điện ảnh Hoa ngữ Lưu Đức Hoa cho biết: Thần tượng của tôi là Châu Nhuận Phát. Tên đại ma đầu Trương Văn Cam lừng lẫy một thời, từng nói với các đàn em thân tín rằng: Thần tượng của tao là Trần Đại, tức Đại Ca Thay.
Mạ tui, thuộc tầng lớp thất học ở làng quê, vậy mà mạ tui vẫn có tư tưởng riêng, xu hướng riêng, tôn sùng một thần tượng duy nhất: đó là bà Tham Khương. Một phụ nữ đài các thời xưa, bản chất Huế Rặt.
Em gái tôi có nhiều thần tượng, thay đổi tùy theo sở thích nhất thời. Nhưng nói chung, con ngườiluôn luôn yêu mến thần tượng. Có kẻ dễ ghét nhất để mình căm thù, phỉ nhổ - và có kẻ đáng yêu nhất để mình tôn trọng và say mê.
Té ra, tầng lớp nào, con người nào, cũng có thần tượng của riêng mình. Vấn đề tôi nêu lên là: Thần tượng của Ông Thầy là ai?
Nhân cách nào quá vĩ đại đã tác động đến cuộc đời và khiến Ông Thầy phải sống như vậy?
Con người nào đã dắt dẫn Ông Thầy trên lộ trình diễm tuyệt và làm cho Ông hạnh phúc khôn cùng đến nỗi không thể quay lui với bờ mê hẻm tối?
Hình ảnh nào đã đốt lên trong lòng Ông Thầy những ngọn lửa trời, khiến ông có đủ sức mạnh để sẵn sàng Nhẫn Nhục mà vui, dù gặp bất cứ gian truân nào?
Nền minh triết nào đã un đúc rồi tựu thành những đóa hoa chỉ nở trong Cõi Vô Tri, giúp Ông Thầy chấp nhận sống thanh thản giữa những con người thờ ơ với các giá trị “không thể nhìn thấy”?
Các bạn đọc bài viết này chắc đã đoán ra câu trả lời không mấy khó khăn.
…
Tôi chỉ là “kẻ hậu học”, nhờ một nhân duyên bất-khả-tư-nghị nào đó, mà được tiếp cận, và học lóm những gì trong kho tàng minh triết ở nơi Ông. Ông Thầy chưa hề xác nhận công khai rằng “Người này là đệ tử của tôi!” nhưng tôi vẫn hạnh phúc khôn cùng vì đã sống gần gũi một người minh triết, sẵn sàng “cho tất cả mà không hề tính toán, so đo hơn thiệt.”
Có nhiều lần, nghe tôi bị đau nhẹ vì cơn tai biến thỉnh thoảng hành hạ cơ thể, Ông Thầy ghé nhà thăm, tôi mừng quá, gọi lớn tiếng gọi:
- “Sư Phụ! Sư Phụ!”,
Ông Thầy chỉ cười nhẹ, không nói gì.
Tôi hiểu ý, cũng không nói chi.
Im lặng.
Giữa chúng tôi, đến lúc chẳng cần đến lời nói làm gì.
Nam mô A di đà Phật…
Nhất Tâm – Nguyễn Xuân Chiến
Bài nầy vừa mới được thắng GIẢI NHẤT A LAN ĐÀ, giải văn học đầu tiên về Phật giáo được tổ chức tại Hải ngoại.
Trả lờiXóaThật là một bài viết QUÁ XỨNG ĐÁNG đuọc tặng giải khôi nguyên viết về Đạo Phật.
Tôi cũng đã từng viết về Huế và viết về đạo Phật nhưng đọc bài nầy, tôi xin "khuynh cái hạ mã" bái phục tác giả Nguyễn Xuân Chiến.
Trả lờiXóaTrần Kiêm Đoàn