(Hình minh họa: Qua senior-solutions.com)
Trong xã hội hiện đại cạnh tranh với nhịp sống nhanh chóng, tràn đầy ham muốn hưởng thụ vật chất, con người phải làm thế nào để có thể giữ vững được bản tâm, tu thân thủ đức, làm một người có tu dưỡng, có phẩm chất, làm sao để tâm linh được an bình, bình tĩnh suy xét lại bản thân và tự kiềm chế được bản thân? Dưới đây là 9 đặc điểm của một người thực sự có tu dưỡng:
1. Biết cho đi
Người xưa có câu: “Hành thiện tối nhạc” (ý nói làm việc thiện là vui sướng nhất). Lòng người quả thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. Còn nếu như một người làm việc thiện tuyệt đối không vì điều kiện gì thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc.
Một số người cho rằng, phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể cho đi. Nhưng kỳ thực, ngay cả khi chúng ta không có những thứ vật chất ấy, chúng ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích.
Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là chúng ta đã có thể chuyển một người buồn thành một người vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.
2. Thấu hiểu người khác
(Hình minh họa: Qua stshw.cn)
Trong cuộc sống, khi người thân, bạn bè giúp đỡ chúng ta là họ làm việc thiện, là đạo nghĩa. Nhưng khi người thân, bạn bè không thể giúp đỡ chúng ta thì chúng ta cũng không nên trách mắng, không nên mang oán thù trong lòng. Bởi vì suy cho cùng, họ không nợ chúng ta, cũng không có trách nhiệm phải làm những điều chúng ta mong muốn.
3. Kiên cường và tiếp nhận
Sống trong cuộc đời, mọi sự giúp đỡ đều là yếu tố bên ngoài, kiên cường mạnh mẽ mới là yếu tố bên trong của mỗi người. Nó giúp người ta vượt qua sóng gió cuộc đời, ngay cả khi chỉ có một mình, không có người giúp đỡ. Cho nên, bản thân mỗi người cần phải học được tính độc lập, kiên cường, vui vẻ và hạnh phúc.
4. Biết phân biệt tốt xấu
Đời người, học được cách phân biệt phải trái, tốt xấu là điều vô cùng quan trọng. Ngay cả khi kết giao bạn bè, không nên nhìn vào địa vị cao thấp hay bần phú mà kết giao. Nhất định phải phân biệt được điều gì là thực sự tốt, điều gì là thực sự xấu để hành thì mới giữ được bản tính và đạo đức của bản thân.
5. Giữ tự trọng
Ngày nay, rất nhiều người vì danh, lợi, tình của bản thân mà vứt bỏ lòng tự trọng và danh dự của bản thân. Những người như thế sẽ không việc gì là không làm, không thứ gì là không lấy, họ đã đánh mất hết liêm sỉ của bản thân.
Người xưa chia đức thành tám loại là hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, gọi chung là “Bát đức”. “Bát đức” này cũng được gọi là “Bát đán”, có nghĩa là một người mà thiếu tám đức này thì đó không phải là người nữa. Người mà mất đi tiêu chuẩn căn bản để làm người thì không thể được tính là người.
So với thời cổ xưa thì các giá trị đạo đức như liêm, sỉ gần như không còn được đề cao thậm chí đã bị mai một đi rất nhiều. Đạo đức trượt dốc, không coi trọng “bát đức” cũng được xem là nguyên nhân căn bản của hết thảy những vấn đề xấu xảy ra trong xã hội ngày nay.
6. Trân quý hết thảy
Con người sống trên đời này luôn là hâm mộ những thứ mà người khác có được. Hâm mộ thành tích, tài năng, phú quý của người khác. Họ lại không biết rằng chính họ cũng là đối tượng mà người khác hâm mộ. Có người còn mơ ước rằng sau một đêm tỉnh lại được trở thành giống như người mà họ mong muốn.
Cổ nhân đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Trời sinh thân ta, hẳn là có chỗ dùng…” Cho nên, cần phải trân quý hết thảy những gì bản thân có, trân quý hết thảy những mối lương duyên trong cuộc đời.
7. Chịu trách nhiệm
Sinh mệnh của mỗi người là của bản thân người ấy. Cho nên, có thể chịu trách nhiệm với bản thân mình không những khiến bản thân trưởng thành hơn, mà còn là cách báo hiếu cha mẹ, không làm phiền đến những người xung quanh. Người như vậy sẽ được người khác tín nhiệm và mong muốn kết giao.
8. Trưởng thành
(Hình minh họa)
Một người không quá khó để đạt được “thành công”, nhưng lại rất khó để có thể trưởng thành. Người trưởng thành sẽ không quá để tâm vào được mất, hơn thua, lý trí mà không mất đi sự nhiệt huyết, bình tĩnh với tâm thái thong dong. Họ có thể bình tĩnh đối mặt với thất bại trước mắt và thản nhiên khi đối mặt với sinh tử. Một người có thể không đạt được thành công trong cuộc đời nhưng nhất định phải trưởng thành.
9. Có thể buông bỏ
Trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long” có câu nói kinh điển: “Khi bạn khép chặt hai bàn tay lại, trong tay bạn sẽ không có gì. Nhưng khi bạn mở hai bàn tay ra thì cả thế giới đều ở trong tay bạn!…” Người nào có thể hiểu được “buông” thì trong cuộc đời hữu hạn này, người ấy mới có thể sống được thản nhiên, sung túc và tự tạị.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đều được giáo dục phải cố gắng, phải phấn đấu, kiên trì như thế nào, vĩnh viễn không được buông bỏ ra sao… Kỳ thực, có rất nhiều thời điểm trong cuộc đời, điều mà chúng ta cần học nhất lại chính là “buông bỏ”.
“Nước chảy nhỏ thì dòng chảy sẽ dài”, con người ít vướng bận mới có thể thông suốt sáng tỏ mà lĩnh ngộ được đạo lý: “Không xả không được, xả nhiều được nhiều”!
An Hòa (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét