Câu chuyện thứ nhất: Miếng bánh mì cháy khét
Khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì, và tôi không bao giờ quên được những gì cha đã nói với mẹ: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Đó là những lời chê bai, trách móc cay nghiệt đấy”.
Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được ngày kỷ niệm đám cưới như một số người đàn ông khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng chung sống cùng mẹ con, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Cuộc đời quá ngắn ngủ để chúng ta thức dậy với những hối tiếc và sống trong khó chịu. Hãy trân trọng những người yêu thương với con, và hãy cảm thông với những khiếm khuyết của họ.”
Thực ra tình yêu không cần phải quá khoa trương, không cần quá đam mê hay lãng mạn, bởi theo thời gian, nhiệt huyết và tuổi trẻ cũng trôi dần theo năm tháng, còn lại duy nhất với ta chỉ là sự bao dung dành cho đối phương. Chỉ khi biết bao dung ta mới cảm thấy an yên, nhẹ nhàng, mới có đủ nhẫn nại và yêu thương để cùng ai đó đi trọn vẹn cuộc hành trình của đời người. Nam nữ yêu nhau cũng vậy, vợ chồng chung sống với nhau cũng vậy, vốn không cần những lời hoa mỹ, chỉ cần bình dị mà thương chân thành là đủ rồi.
Câu chuyện thứ hai: Đĩa tương ớt và cốc nước
Một cô gái ở phương Nam và một chàng trai miền Bắc lấy nhau, khẩu vị của cô gái thanh đạm, còn anh chồng thì ngược lại, không có ớt thì anh không nuốt được cơm.
Cô gái thường đi đến nhà bố mẹ đẻ ăn cơm. Một hôm, bố cô gái nấu thức ăn hơi mặn, nhưng mẹ cô không nói gì, chỉ mang đến một cốc nước, khi gắp thức ăn bà nhúng vào cốc nước trước mặt sau đó mới cho lên miệng ăn. Nhìn thấy hành động của mẹ, bỗng nhiên cô gái đã hiểu ra được điều gì đó.
Ngày hôm sau, cô gái ở nhà nấu cơm, làm những món ăn mà chồng cô thích ăn. Đương nhiên mỗi loại thức ăn cô đều cho ớt. Chỉ khác là trên bàn ăn có để sẵn một cốc nước. Trước khi ăn một món gì đó cô đều nhúng vào cốc nước cho bớt cay rồi mới đưa lên miệng. Nhìn vợ ăn đồ đã nhúng qua cốc nước nhưng vẫn vui vẻ, anh chồng bỗng rưng rưng nước mắt cảm động. Sau đó, anh cũng giành công việc nấu cơm, nhưng trong thức ăn không còn nhìn thấy ớt nữa, bởi trên bàn đã có thêm một đĩa tương ớt.
Vì tình yêu dành cho nhau, cũng chính là vì bản thân mình, hai vợ chồng một người giữ đĩa ớt, một người giữ cốc nước, nhưng quan trọng hơn tất cả, họ hiểu làm thế nào để giữ được tình yêu.
Trong tình yêu, có lẽ sai lầm lớn nhất chính là muốn thay đổi người kia theo ý mình, bởi một điều đơn giản, khi không chấp nhận ai đó như chính bản thân họ vốn có, liệu ta có thực sự yêu họ hay không?
Thế giới có hơn 7 tỷ người đấy, nhưng chẳng thể nào tìm được một người hoàn toàn giống ta, hoàn toàn đồng điệu và thấu hiểu ta đâu, bởi vì chính những điều khác biệt và dường như là “không hợp” nhau ấy sẽ khiến chuyến đi cùng nhau của chúng ta trở nên thú vị và ý nghĩa hơn, dạy chúng ta trưởng thành, biết nghĩ cho người khác và bao dung hơn.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét