Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 31/08/2013
Achaan Sujin: Tôi rất hoan hỷ được gặp quý vị ở đây hôm nay, vì điều quý báu nhất là được tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật. Khi chúng ta nói rằng “con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng”, khi ấy chúng ta có niềm tin vào Đức Phật, xin nương nhờ vào bậc Giác ngộ. Nhưng chúng ta có thực sự biết về Giáo lý của bậc Giác ngộ ấy không, hay mới chỉ tỏ lòng tôn kính của mình mà thôi? Nếu muốn biết về Giáo lý của bậc Giác ngộ, chúng ta cần phải biết về ơn đức của Ngài và biết Ngài đã giác ngộ điều gì. Chúng ta cần chân thật khi đánh giá mình biết được bao nhiêu những gì Đức Phật đã dạy, không nên chỉ phỏng đoán.
Đức Phật dạy về sự thật tối hậu. Nếu nhớ rằng Ngài đã trải qua rất nhiều a tăng kỳ kiếp là một vị đại Bồ tát hoàn thiện các ba la mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chúng ta sẽ thấy hẳn là Giáo lý của Ngài phải vô cùng vi tế và thâm sâu và không thể nào dễ dàng hiểu được. Chúng ta không thể tự nghĩ ra một số điều rồi cho rằng đó là Giáo lý của Đức Phật. Chúng ta phải nghiên cứu rất chi tiết. Khi nghiên cứu Giáo lý của một bậc Giác ngộ, ta cần phải nghiên cứu từng từ một, chẳng hạn từ “Phật”. “Đức Phật” là gì? Đức Phật là một bậc Giác ngộ có lòng từ bi lớn lao để có thể giúp đỡ tất cả mọi người. Lòng từ bi của Ngài không chỉ trải đến một số người nhất định hay ai đó trong thân quyến mà trải đến tất cả chúng sinh.
Vì sao Đức Phật thuyết Pháp? Đức Phật thuyết giảng về cái gì? Đức Phật giảng về bây giờ, về hiện tại. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, chỉ có hiện tại là cái duy nhất có thể được hiểu và tiếp cận. Như vậy, việc tìm hiểu Giáo lý là tìm hiểu từng từ Đức Phật đã nói. Chẳng hạn, Đức Phật nói về cái thấy, tất cả chúng ta đều thấy, nhưng hiện giờ các bạn hiểu về cái thấy như thế nào, đó chỉ là tôi thấy, hay tôi thấy cái gì? Nếu không có đối tượng được thấy và không có tâm thấy, liệu có thể thấy không?
Quý vị có câu hỏi gì không? Vừa rồi, chúng ta mới chỉ nói về một từ thôi, đó là từ “Pháp” (dhamma). Chúng ta có thể nói cái gì là pháp hiện giờ không? Nếu không thì ích lợi gì đây khi chỉ nghe từ “pháp” mà không hiểu gì cả.
Hãy học từng từ một. Đức Phật chỉ dạy về pháp trong suốt cuộc đời. Thế còn cái hiểu về từ “pháp” (dhamma)? Nếu chúng ta không dùng từ “pháp” thì sao? Nếu không dùng từ “pháp”, chúng ta có thể nói về bất cứ cái gì là thực hiện giờ. Thay cho việc cố định nghĩa từ “pháp”, vậy hiện giờ cái gì là thực? Tiếng Việt gọi là “pháp”, nhưng tiếng Pāli là “dhamma”, chúng ta thấy đây là một từ mà Đức Phật đã dùng. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng bất cứ cái gì là thực, dù không cần đặt tên, nó đã là pháp rồi. Chẳng hạn, cái thấy, chúng ta có cần gọi đó là cái thấy không? Nghe, chúng ta có cần đặt tên nó là nghe không? Âm thanh là thực và nó đã qua rồi, chúng ta có cần đặt tên nó là âm thanh không? Tuy nhiên chúng ta vẫn cần dùng ngôn từ để giao tiếp và truyền đạt những gì mình nói tới. Chúng ta dùng từ “cái thấy” để biết chúng ta đang không nói về cái nghe. Nhưng không ai có thể thay đổi đặc tính của cái thấy. Nếu cái nghe không sinh khởi, liệu ai có thế biết là có âm thanh? Ở khoảnh khắc của cái nghe, cái gì là thực? Không chỉ có âm thanh là thực mà cái nghe cũng là thực. Cái gì là thực chính là điều Đức Phật đã giác ngộ. Ngài giác ngộ về bản chất thật của tất cả các thực tại. Nếu cái thấy không sinh khởi, ta có thể thấy được không? Nếu cái nghe không sinh khởi, liệu có ai có thể nghe và nghĩ về cái nghe không? Khi cái nghe sinh khởi, nó chỉ là cái nghe thôi, không phải tôi nghe. Nếu không có cái thấy sẽ không thể có ý niệm “tôi thấy”.
Như vậy chúng ta học được rằng, trong thế giới này hay thế giới khác, cái duy nhất tồn tại chỉ là các thực tại mà thôi. Có thể nói rằng bây giờ chúng ta bắt đầu biết hơn về cái là thực không? Bạn muốn nghe về cái này hay bạn muốn nghe về pháp? Có phải đó là hai thứ khác nhau không, hay đó là một? Đây chính là thời điểm để bắt đầu hiểu pháp là gì, hiểu về tất cả những gì là thực, dù ta có đặt tên nó là gì, trong bất kỳ ngôn ngữ nào, nó vẫn là như vậy – nó tồn tại trong toàn bộ vũ trụ này. Cái thấy có phải là Việt Nam hay Thái Lan không? Cái thấy chỉ là cái thấy, không có quốc tịch. Như vậy các bạn có thể hiểu được nghĩa của từ pháp bây giờ – cái là thực đối với tất cả mọi người, đối với những người nào hiểu được điều ấy mà thôi. Như vậy các bạn sẽ có thêm lòng từ bi, vì cái mà chúng ta tưởng lầm là ta, là tự ngã – chỉ là thực tại. Tâm sân có phải là thực không? Chúng ta có phải đặt tên nó là pháp không? Nó chính là pháp đấy! Nó cũng là một thực tại, là pháp, như Đức Phật đã dạy về cái thấy, cái nghe… Bây giờ các bạn có hiểu không? Tương tự như vậy, nếu không có duyên sẽ không có cái hiểu sinh khởi. Bất cứ cái gì xuất hiện hiện giờ đều cần có duyên cho nó sinh khởi. Có ai kiểm soát được điều ấy không? Có ai tạo ra được không? Có ai có thể ngừng việc sinh khởi của những gì đã sinh khởi không? Có ai có thể làm được gì không? Hãy học chỉ để hiểu thực tại như nó là thôi. Đó là cái hiểu đúng về những thực tại xuất hiện, rằng nó hoàn toàn vô thường, nó không thuộc về ai cả. Cái gì được sinh ra? Có ai muốn trả lời không?
Trả lời: Đó là pháp.
Achaan Sujin: Đúng vậy! Cái gì thấy? Vẫn chỉ là pháp thấy. Cái gì thích và không thích? Vẫn chỉ là pháp thích và không thích. Như vậy, tất cả thực tại này đều sinh khởi khi có đủ duyên cho chúng sinh khởi. Chúng sinh và diệt ngay tức thì. Chúng ta không hề hay biết gì về những điều ấy, suốt cả ngày như vậy. Nhưng nếu ta được nghe Giáo lý, có thể có sự bắt đầu phát triển hiểu biết về thực tại. Ai có thể biết được khi nào mình sẽ chết? Trước khi chết, cái gì là điều tốt nhất? Chính là cái hiểu đúng về bất cứ cái gì xuất hiện. Ai có thể biết về những điều ấy mà không nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật? Đó chính là ý nghĩa của cụm từ “Con xin quy y Pháp”.
Pháp đàm tại Sài Gòn, sáng ngày 02/01/2015
Achaan Sujin: Trên thế giới này có những gì? Cái thực sự tồn tại ở trong thế giới này, hay trong bất cứ thế giới nào là gì?
Người hỏi: Có phải tâm, tâm sở và sắc không ạ?
Achaan Sujin: Nếu nói về những thứ không thể kinh nghiệm gì cả thì về thực chất, chúng chỉ là sắc. Chẳng hạn ta có thể nói “kia là mặt trời, mặt trăng,…”, nhưng về bản chất, chúng chỉ là những sắc xuất hiện mà thôi. Chúng ta cần phải hiểu kỹ hơn sự khác biệt giữa thực tại có thể “kinh nghiệm cái gì đó” và thực tại “không kinh nghiệm” gì cả. Khi tìm hiểu về các thực tại, chẳng hạn về các thực tại không kinh nghiệm gì cả, ta sẽ thấy rõ hơn rằng, trên thế giới này chỉ có hai thứ mà thôi, một là những thực tại không kinh nghiệm gì cả, ví dụ đặc tính cứng – tự nó không biết gì cả, nhưng đặc tính cứng sẽ không thể được nhận biết nếu không có một thực tại khác kinh nghiệm nó. Để mỗi một thực tại sinh khởi, cần có duyên tương ứng cho nó sinh khởi. Duyên để cho các thực tại sinh khởi cũng vô cùng phức hợp, vô cùng vi tế. Vì vậy ngay từ đầu, cần phải hiểu rõ chúng sinh khởi do những duyên nào.
Ai có thể nhìn thấy được nhãn căn? Ai có thể nhìn thấy được nhĩ căn? Vậy cái gì là cái được thấy? Cái có thể được thấy chỉ là đối tượng thị giác sinh khởi với các sắc khác, trong đó có tứ đại mà thôi, bất kể nó ở đâu, ở vị trí nào. Cái mà ta vẫn coi là cảnh vật, là thứ này hay thứ kia, thực chất chỉ là sắc. Sắc không kinh nghiệm gì cả. Chúng ta cho rằng cái đang thấy hay đang nghe là một ai đấy. Nhưng cái thấy sinh khởi và rồi diệt đi, không có ai ở trong đó cả. Cái mà sinh và diệt thì không trường tồn, nó là vô thường, và đó chính là Thánh đế thứ nhất. Có ai thay đổi được bản chất sự thật ấy không? Có ai có thể khiến cho cái thấy sinh khởi không? Có ai có thể khiến cho cái thấy không diệt đi không? Đó là những thực tại tối hậu, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Nhờ học và tìm hiểu, ta sẽ càng hiểu rõ hơn Đức Phật là ai. Mỗi một lời chân lý đều tới từ sự giác ngộ của Ngài. Nếu không có những lời dạy của Ngài, làm sao có thể có được cái hiểu về sự sinh và diệt của cái thấy? Còn những gì xảy ra hôm qua thì sao? Ta có thể tìm lại những gì đã xảy ra hôm qua không? Chúng còn tồn tại ở đâu không? Chúng đã hoàn toàn biến mất rồi, tại mỗi một khoảnh khắc đều như vậy. Có ai thay đổi được cách các pháp vận hành không? Cái gì được sinh ra trên đời này?
Sarah: Cái sinh ra ở khoảnh khắc đầu tiên của một cuộc đời là tâm, và tâm tiếp tục sinh khởi, như bây giờ tâm đang sinh khởi. Tâm sẽ còn tiếp tục sinh khởi ở những khoảnh khắc tiếp theo cho đến giây phút cuối cùng của cuộc sống.
Người hỏi: Đó chính là thức tái tục ở khoảnh khắc đầu tiên của một cuộc đời?
Sarah: Chúng ta có thể nghĩ rằng cái ra đời là một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng thực chất, cái chào đời chính là tâm ở khoảnh khắc thụ thai, được gọi là thức tái tục.
….
Achaan Sujin: Về bản chất, hoàn toàn chỉ có các thực tại tối hậu sinh và diệt. Điều này đã xảy ra từ vô lượng kiếp cho đến tận bây giờ. Nếu không có sự giác ngộ của Đức Phật, ta sẽ không bao giờ thức dậy khỏi giấc mơ cuộc đời. Ngày hôm qua đã là giấc mơ đối với hôm nay, đúng không? Toàn bộ những gì diễn ra ở kiếp này cũng sẽ là giấc mơ đối với kiếp sau. Vậy lợi ích của việc được sinh ra ở thế giới này và có cơ hội được nghe Pháp là gì? Đối với những người không có cơ hội nghe Giáo pháp của Đức Phật, làm sao họ có thể biết rằng, không hề có một “tự ngã” nào cả, tất cả các pháp chỉ là pháp, là vô ngã mà thôi. Đừng quên rằng, sau khi giác ngộ, Đức Phật thoạt tiên không muốn thuyết Pháp, bởi điều Ngài giác ngộ thật vô cùng vi tế, thâm sâu. Những điều Ngài giác ngộ đi ngược hoàn toàn với dòng lũ của phiền não. Chúng ta có biết rằng, chúng ta đang nằm trong dòng lũ của phiền não từ sáng đến giờ không? Để lội ngược dòng lũ, duy nhất chỉ “hiểu biết đúng” có thể làm được việc ấy!
Vậy cách tốt nhất để chúng ta tỏ lòng tôn kính với Đức Phật không phải là dâng hoa hay thắp hương, mà là nghiên cứu Giáo lý của Ngài một cách cung kính và kỹ càng. Nếu không vô minh sẽ hiểu sai lời dạy của Ngài. Vô minh sẽ nghĩ rằng không cần phải học gì cả, chỉ cần làm một cái gì đó và nhờ vậy có thể đạt được niết bàn. Nhưng niết bàn là sự chấm dứt của mọi bất thiện. Vô minhluôn cho những gì được kinh nghiệm là một cái gì đó. Ở khoảnh khắc thấy, “đặc tính” của tứ đại bị che giấu bởi cái có thể được thấy (hay đối tượng thị giác). Mặc dù tứ đại sinh khởi cùng với màu, cái là đối tượng thị giác, nhưng do màu xuất hiện trước mắt và nó che lấp tứ đại, khiến cho người ta không thấy được bản chất của chúng chỉ là các pháp, và chúng trở thành cái gì đó, con người nào đó. Bất cứ cái gì xuất hiện khi đó sẽ trở thành đối tượng của vô minh và dính mắc. Nếu có hiểu biết rằng, những gì sinh khởi cùng đối tượng thị giác hay những gì sinh khởi cùng các đối tượng được kinh nghiệm qua ngũ quan chỉ là tứ đại mà thôi, không có cái gì đó hay con người nào trong đó, thì sẽ bớt dính mắc vào những gì được kinh nghiệm, cho chúng là thường hằng. Ngay sau khi có cái thấy đã có sự dính mắc vào đối tượng được thấy mà không có hiểu biết về sự sinh diệt của đối tượng thị giác cũng như thực tại kinh nghiệm đối tượng thị giác ấy.
…
Cái che giấu sự thật hiện giờ chính là vô minh và dính mắc. Đó chính là Tứ Thánh Đế thứ hai – Tập đế. Chừng nào Thánh đế thứ hai, tức là vô minh và dính mắc, chưa được tận diệt thì các thực tại không thể xuất hiện như nó là. Lúc đầu chỉ là hiểu biết ở mức độ lý thuyết bắt đầu hiểu về bản chất của cuộc sống này là gì. Nhưng sự thật luôn là sự thật, và không ai có thể thay đổi nó. Khi đã có niềm tin vững chắc, sẽ có thể biết được sự thật của những lời đã được nghe một cách trực tiếp. Những khoảnh khắc thực tại được “kinh nghiệm trực tiếp” chính là tuệ minh sát, chứ không phải là vấn đề “thực hành thiền minh sát”. Khi thực sự hiểu thì sẽ có sự quy y Đức Phật, quy y những lời dạy của Đức Phật và quy y Tăng, để có thể trở thành một bậc Thánh nhân trong tương lai.
Pháp đàm tại Sài Gòn, sáng ngày 04/01/2015
Achaan Sujin: Trước hết, điều tôi muốn nói là, cách thức tốt nhất để tỏ lòng tôn kính với Đức Phật là nghiên cứu thật kỹ lưỡng Giáo lý của Ngài. Bởi Đức Phật đã phát triển các ba la mật tới mức độ cao để có thể trở thành một vị Phật Chánh đẳng giác, để giúp những người không có khả năng tự giác ngộ có thể nghe Giáo lý của Ngài và từ đó cũng được giác ngộ. Tìm hiểu Giáo lý quý giá của Ngài một cách kỹ lưỡng từng từ một, qua đó có được hiểu biết riêng của mỗi người để dần đi tới giác ngộ, là cách biểu hiện lòng tôn kính tới Đức Phật một cách cao thượng nhất.
Chúng ta không chỉ đơn thuần đọc để biết được nghĩa của từ mà cần phải suy ngẫm để hiểu từng từ một với sự tôn kính nhất. Vì đó không phải là những lời tầm thường từ những người tầm thường mà đó là những từ tới từ bậc Giác ngộ. Cần suy xét rất kỹ lưỡng từng từ một. Ví dụ cuộc đời là gì? Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là gì? Không hề dễ dàng với mọi người để biết được cuộc đời là gì và điều gì là quan trọng nhất. Mỗi người sẽ có những câu trả lời riêng, nhưng nếu không nghiên cứu kỹ Giáo lý của Đức Phật thì đó chỉ là suy nghĩ của riêng mình mà thôi. Trước khi nghe Giáo lý của Đức Phật, đối với bạn, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? Còn sau khi đã được nghe Giáo lý của Ngài thì điều ấy là gì? Chúng ta không chỉ nghe một cách thụ động mà phải tự suy xét xem, sau khi được nghe Giáo lý của Đức Phật, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mình? Vì cuộc đời thật vô cùng ngắn ngủi. Ai có thể biết được cuộc sống này sẽ kết thúc ngay bây giờ hay ngày mai đây? Vậy điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời là gì? Đây là sự khởi đầu của việc tìm hiểu lời dạy của Đức Phật.
Liệu chúng ta có nên sống mãi với vô minh và dính mắc từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, hay chúng ta nên sống để hiểu rõ các thực tại, các pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng? Đức Phật đã dạy rất nhiều trong quá trình 45 năm giáo hóa của Ngài. Chính vì vậy, từng từ một phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có rất nhiều từ cần phải được biết. Trước khi nghiên cứu Giáo lý, chúng ta có thể nói rất nhiều mà không thực sự hiểu những điều mình nói tới, chẳng hạn cuộc sống, cuộc sống là gì? Điều này không khó để trả lời, đúng không?
…
Nếu không có cái thấy hiện giờ thì có cuộc sống không? Nếu không có cái nghe hiện giờ thì có cuộc sống không? Vậy cuộc sống là những khoảnh khắc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Ai biết về cuộc sống ở khoảnh khắc của cái thấy? Liệu chúng ta có nên nghiên cứu kỹ để hiểu lời dạy của Đức Phật rằng, tất cả các pháp hữu vi sinh khởi rồi diệt đi, không có một con người, không có một “tự ngã” nào trong đó. Nếu không hiểu đúng về cái thấy hiện giờ, liệu ai có thể hiểu được Giáo lý của Đức Phật không? Và cái hiểu phải là ở ngay khoảnh khắc này. Trước khi nghe Giáo lý của Đức Phật, không ai biết được bản chất của cái thấy là gì ở khoảnh khắc này: Nó đã sinh khởi do duyên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi rồi diệt đi. Nếu không hiểu đúng về bản chất của cái sinh khởi một cách rất tự nhiên hiện giờ và rồi diệt đi, sẽ không có được cách nào để xóa bỏ vô minh. Đây chính là điều mà Đức Phật đã dành 45 năm cuộc đời mình để giáo hóa cho chúng sinh.
Nếu ở khoảnh khắc này không bắt đầu có cái hiểu đúng về sự thật của cái thấy, sẽ không thể nào hiểu đúng về nó ở khoảnh khắc sau. Vậy cái thấy hiện giờ có nên là đối tượng để chúng ta hiểu đúng hay không? Nếu không sẽ chỉ đơn thuần là những suy nghĩ về cái thấy cũng như về những thứ khác, trong suốt cuộc đời mình. Ta sẽ nghĩ về chúng là tôi thấy, tôi nghe, tôi suy nghĩ,… Sẽ không bao giờ có sự tận diệt của vô minh và tham ái nếu không có sự phát triển hiểu biết đúng về những gì xuất hiện trong khoảnh khắc hiện tại. Những điều này là vô cùng vi tế. Vì vậy, ta có thể thấy được trí tuệ lớn lao của Đức Phật khi Ngài đã xuyên thấu những gì đang xuất hiện hiện giờ. Nếu một lời dạy không hướng tới hiểu biết thực sự về những gì đang xuất hiện hiện giờ thì đó không phải là Giáo lý của Đức Phật.
Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 04/01/2015
Người hỏi: Con có hoài nghi về việc đắc thánh quả ở các tầng cao của con người trong thời đại nay, cho dù đâu đó có tin đồn vị này hay vị kia đạt được giác ngộ, thậm chí là tầng cao nhất là quả vị A la hán. Như ta được đọc trong kinh điển, thời đại Đức Phật có rất nhiều người đắc các tầng thánh khác nhau sau khi nghe Giáo lý. Nhưng thời nay, dường như quá khó để có thể đạt được các tầng thánh, nhất là đối với quả vị A la hán. Con đọc một cuốn sách do Ngài Đại đức K.Sri Dhammānanda viết, trong đó có nhắc đến 5 điều hoại diệt cho đến cuối thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật. Có một điều là nói đến sự hoại diệt của quả vịAla hán sau 1000 năm tính từ khi Đức Phật nhập diệt.
Con tin những gì Bà đang truyền đạt là những gì Đức Phật đã dạy, là Chánh Pháp thực sự. Nhưng điều này dường như quá khó cho con người thời nay có thể lĩnh hội được mà theo con hiểu, đó là do mức độ tích lũy quá nhiều phiền não so với những người ở thời Đức Phật. Con băn khoăn, liệu cách tiếp cận đi thẳng vào chân đế ngay từ đầu, nghĩa là cần phải có sự “hiểu biết đúng” về mặt lý thuyết rằng không có “cái ngã” nào hay vô ngã, có phù hợp với tâm thức đầy phiền não của con người thời hiện đại?
Câu hỏi của con là: Ngoài cách đi thẳng vào chân đế, liệu có cái gọi là phương tiện nào khác (như mọi người vẫn làm, chẳng hạn như hành thiền, bố thí,…) để phát triển chánh niệm, định tâm, mà chưa cần có hiểu biết về vô ngã, rồi đến một lúc nào đó sẽ làm phát sinh trí tuệ? Hay nói cách khác, có duyên nào khác cho trí tuệ sinh khởi ngoài việc cần phải có hiểu biết lý thuyết ngay từ giai đoạn đầu của phát triển tâm trí? Như chúng ta thấy, ngày nay có nhiều phương pháp, phương tiện do các vị thầy đưa ra, cho rằng điều này sẽ giúp hay làm duyên cho việc phát triển hiểu biết ở giai đoạn sau. Con xin được nghe sự chia sẻ từ hiểu biết của Bà.
Achaan Sujin: Giác ngộ là gì?
Người hỏi: Giác ngộ là không còn phiền não nữa.
Achaan Sujin: Thực tại của giác ngộ là gì?
Người hỏi: Là tâm và tâm sở.
Achaan Sujin: Loại tâm, tâm sở nào?
Người hỏi: Đó là tâm sở trí tuệ.
Achaan Sujin: Vậy chỉ duy nhất trí tuệ mới có thể giác ngộ.
Người hỏi: Vâng.
Achaan Sujin: Và trí tuệ có phải là tôi hay một người nào đó không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Trước khi có thể đạt tới giác ngộ thì phải có sự xả ly với tất cả những gì xuất hiện. Nếu không có sự phát triển trí tuệ một cách từ từ, bắt đầu từ việc nghe và suy xét về những gì được nghe, về các pháp đang xuất hiện thì sẽ không thể nào có được sự giác ngộ về sau. Kể cả với Đức Phật, trong khi còn là một vị đại Bồ tát, Ngài đã tích lũy rất nhiều ba la mật để có đủ năng lực để tự mình giác ngộ, trở thành một vị Phật Chánh đẳng giác. Tất cả những gì đang xuất hiện hiện giờ đều rất thực, nhưng ai là người có thể hiểu được những gì xuất hiện là vô ngã? Những người không phải là Đức Phật Chánh đẳng giác đều cần phải nghiên cứu, tìm hiểu Giáo lý. Để có thể giác ngộ, chúng ta phải nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật chứ không phải là giáo lý của những người khác. Chúng ta vẫn thường tụng: “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng”. Điều đó có nghĩa là gì?
Điều đó có nghĩa là lấy Đức Phật làm nơi nương tựa để phát triển hiểu biết, đúng không? Chứ không thể xin một ân huệ, không phải chỉ là tụng kinh mà không có hiểu biết. Khi ta tụng “con xin quy y Phật” có nghĩa là gì?
Người hỏi: Nghĩa là xin quy y vào hiểu biết đúng, vào sự từ bi, vào những phẩm chất tốt đẹp.
Achaan Sujin: Nếu không hiểu biết về Giáo lý của Đức Phật, liệu ta có thể thực sự quy y Phật không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Ở những khoảnh khắc này, nếu có một vài hiểu biết đúng về những gì Đức Phật dạy, là ta đang quy y Ngài. Nếu không làm sao có thể biết các thực tại là vô ngã. Giáo lý không phải chỉ để tụng đọc mà là để nghiên cứu, tìm hiểu và suy xét. Nếu không chỉ là nhắc lại như con vẹt mà thôi. Ở thời Đức Phật, khi nghe Giáo lý của Ngài, người ta suy xét rất nhiều về những gì được nghe. Bây giờ khi ta được nghe rằng, cái thấy chỉ là một thực tại sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng thị giác, rằng không có một ai ở đó cả, liệu có thể có suy nghĩ chỉ riêng về thực tại đó, chỉ riêng về tính chất đó thôi không, hay cứ suy nghĩ về những thứ khác xung quanh? Ở ngay trong căn phòng này hiện giờ, liệu có một chút chánh niệm về thực tại là cái thấy như nó là hay chưa? Cần giải thích tại sao hiện giờ chưa có chánh niệm thực sự về nó. Câu trả lời là: vì không có đủ hiểu biết về nó. Tất cả các pháp hiện giờ đều là vô ngã. Không ai có thể cố khiến một thực tại nào đó sinh khởi theo ý chí của mình.
Chánh niệm trực tiếp và trí tuệ trực tiếp hiện giờ không có duyên để sinh khởi, vì chưa có đủ hiểu biết. Dù ta có cố nhiều đến đâu đi nữa thì vẫn không thể nào hiểu được. Nhưng hiểu biết, nếu được phát triển từ từ, sẽ dần phát triển đến mức có thể làm duyên cho chánh niệm trực tiếp sinh khởi, khi ấy sẽ không có hoài nghi về điều đó nữa. Khi hiểu biết chưa đủ thì ý niệm về ngã rất sâu dầy sẽ làm duyên cho sự mong cầu, cố tìm cách nào đó để kinh nghiệm. Sự mong cầu hay tham ái ấy không phải là duyên để cho chánh niệm sinh khởi. Chính vì vậy Đức Phật đã nói rằng, có hai con đường: con đường Bát Chánh Đạo và con đường phi đạo. Nếu Đức Phật không chỉ ra điều đó thì sẽ không có đủ duyên cho những người tưởng mình đi con đường chánh đạo biết được là mình đang đi sai đường.
Pháp đàm tại Nha Trang, chiều ngày 18/5/2015
Achaan Sujin: … Việc được nghe Giáo lý của Đức Phật là một loại quả thiện ở mức độ cao. Ở khoảnh khắc của cái nghe thì chỉ nghe âm thanh mà thôi. Như chó, mèo cũng nghe được âm thanh, nhưng chúng không hiểu nghĩa của điều được nói ra. Vậy được sinh ra làm người, được nghe Chánh Pháp là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Chúng ta sinh ra, chúng ta có được nhiều thứ tốt đẹp, nhưng chừng đó chưa đủ. Vì thực chất vẫn chỉ là thấy, nghe, suy nghĩ…. và những điều đó đều chẳng để làm gì cả. Thật vô nghĩa nếu chỉ như thế từ khi sinh ra đến khi chết đi. Sẽ là như vậy nếu không được nghe Giáo lý của Đức Phật. Cuộc sống vô cùng ngắn ngủi, liệu chúng ta có thể biết được còn bao lâu nữa mới có cơ hội nghe lại diệu Pháp của Ngài? Vậy đừng dễ duôi và đánh giá thấp trí tuệ của Đức Phật trong từng lời mà Ngài đã dạy. Những ngôn từ ấy thật vô cùng thâm sâu. Chẳng phải đúng sao khi ta nói rằng, từ khi sinh ra đến khi chết đi, thực chất chỉ có các pháp chân đế sinh và diệt mà không hề được nhận biết. Có cái thấy và Đức Phật đã dạy rằng, cái thấy là cái sinh khởi để thấy rồi diệt đi, đó không phải là một tự ngã hay ai cả. Liệu đó có phải là ta? Ai đó có thể sở hữu nó và nghĩ rằng mình có quyền năng có hay không có cái thấy? Vì vậy, mỗi pháp, mỗi thực tại cần phải được hiểu một cách kỹ lưỡng. Hiện giờ, ai biết về sự thật của cái được thấy? Thực chất, cái gì được thấy từ khi sinh ra đến khi chết đi? Hiện giờ đang có cái thấy, vậy cái thấy thấy gì? Chưa nói đến khoảnh khắc của suy nghĩ, chỉ nói đến khoảnh khắc của cái thấy nhận biết đối tượng mà thôi. Hiện giờ đang có cái thấy và đang không có hiểu biết về tính chất của cái thấy và cái được thấy. Nếu chưa có hiểu biết đúng về những thứ hiện giờ đang xuất hiện, liệu có ích không nếu nói về những pháp thâm sâu như Liên quan tương sinh (Thập nhị nhân duyên), đạo quả, Tứ Thánh Đế… Quý vị có muốn biết về Giáo lý của Đức Phật không? Quý vị muốn hiểu chừng nào? Quý vị muốn hiểu từng chút một hay hiểu nhiều ngay lập tức? Đây là lúc mà người muốn tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật phải rất trung thực. Dù đã nghe về cái thấy hàng trăm, hàng ngàn hay nhiều ngàn lần thì cũng không thể kinh nghiệm về cái thấy như Đức Phật đã xuyên thấu. Vì vậy chúng ta cần tới chân lý mà Đức Phật đã dạy, để hiểu rằng cái thấy chỉ là cái thấy, mà không phải một con người đang thấy. Cái thấy không thấy thân, không thấy chúng sinh, không thấy con người hay cảnh vật. Mỗi một pháp – một thực tại có tính chất riêng của mình. Để hiểu được tính chất sinh và diệt của cái thấy hiện giờ, cần bao nhiêu thời gian để phát triển trí tuệ đến mức độ đó? Từ chỗ chưa biết gì về Giáo lý của Đức Phật, rồi được nghe, suy xét và phát triển hiểu biết tự thân…. từ kiếp này đến kiếp khác, trong vô số kiếp sống – giống như Đức Phật đã từng phải trải qua để trở thành một vị Phật toàn giác. Hay như những vị đại đệ tử của Đức Phật, các vị ấy cũng cần vô số kiếp để phát triển trí tuệ. Nếu không cân nhắc về điều này thì tham ái và vô minh sẽ đưa chúng ta ra khỏi con đường phát triển hiểu biết đúng của Đức Phật. Liệu ai có thể giác ngộ nếu chỉ nghe một chút hoặc không nghe Giáo lý, mà chỉ cần cố gắng bằng nhiều cách khác nhau? Nếu không có sự phát triển hiểu biết đúng trong từng khoảnh khắc thì điều đó là không thể. Vì thực tại giác ngộ là gì? Thực tại giác ngộ là mức độ trí tuệ vô cùng cao – hiểu được mọi pháp xuất hiện ở khoảnh khắc hiện tại. Hiểu biết đúng không phải ở khoảnh khắc nào khác mà phải ngay bây giờ, bắt đầu từ việc được nghe về những gì đang hiện hữu, từng thứ một.
Người hỏi: Con cũng muốn tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật nhưng nghe Bà giảng thì con thấy rất khó hiểu. Bà có thể giảng thêm cái gì là thấy, cái gì là nghe…. để con dễ hiểu hơn không ạ?
Achaan Sujin: Liệu Giáo lý của Đức Phật có dễ hiểu không, hay vô cùng thâm sâu và khó lĩnh hội?
Người hỏi: Bà nói vậy con không hiểu được. Bà có thể nói cụ thể hơn được không ạ?
Achaan Sujin: Khi chúng ta nói rằng Giáo lý của Ngài rất thâm sâu là chúng ta đang tán thán trí tuệ của Ngài. Nghiên cứu Giáo lý cần rất nhiều thời gian. Tìm hiểu Giáo lý không đơn thuần là việc tụng kinh hay ghi nhớ những thuật ngữ hay pháp số khác nhau, mà phải biết được từng thực tại một khi chúng xuất hiện. Chừng nào còn có ý nghĩ như “hiện giờ tôi đang thấy”…thì còn cần rất nhiều thời gian để tận diệt được ý nghĩ đó. Không chỉ đơn thuần nghĩ “đây không phải là tôi”, “đây không phải là ngã”,… Như vậy thôi chưa đủ. Khi ta nói rằng, “hiện giờ có cái thấy đang kinh nghiệm cái được thấy”…. thì có hai loại thực tại: Loại thứ nhất, khi chúng sinh khởi thì chúng không kinh nghiệm hay nhận biết cái gì cả; như âm thanh, khi sinh khởi thì nó không biết gì cả, nhưng nó có thể được nghe bởi pháp có thể nhận biết nó. Nếu thế giới này chỉ có một loại thực tại không biết gì thì không có gì phức tạp cả. Nhưng có loại thực tại thứ hai là loại thực tại kinh nghiệm, mỗi khi sinh khởi, nó lại kinh nghiệm đối tượng của nó. Nếu không được nghe Giáo lý của Đức Phật thì từ khi sinh ra đến khi chết đi, ta chỉ để ý đến những gì được thấy mà không hề biết được bản chất của cái thấy. Hiện giờ ở đây đang là vô minh hay hiểu biết?
Người hỏi: Bà có thể giảng rõ hơn được không ạ?
Achaan Sujin: Bất cứ khi nào có cái thấy, khi ấy phải có sự nhận thức cái được thấy. Vậy cái gì đang được thấy? Hay cái thấy thấy cái gì?
Người hỏi: Nhìn thấy mọi người xung quanh mình. Achaan Sujin: Hãy nhắm mắt lại. Mọi người đâu rồi? Khi bạn nhắm mắt, mọi người trong căn phòng này đâu rồi?
Người hỏi: Không có ai cả.
Achaan Sujin: Đây chính là sự khởi đầu để hiểu trí tuệ lớn lao của Đức Phật. Đó là sự thật, là chân lý nhưng không được vô minh nhận biết. Dù chúng ta dùng thứ tiếng gì đi nữa, cái thấy vẫn chỉ có một tính chất là kinh nghiệm cái được thấy qua mắt. Rõ ràng cần rất nhiều thời gian để hiểu về cái được thấy và điều này sẽ dần cho chúng ta hiểu biết về vô ngã.
Sarah: Có thể nói ngắn gọn rằng Đức Phật đã dạy cho chúng ta về sự thật của cuộc đời này. Nếu không được nghe Giáo lý của Đức Phật, chúng ta sẽ cho rằng những gì được nghe là tiếng nói hay tiếng động khác nhau. Thấy tất cả những điều mọi người thông thường đều thấy, như thấy mọi người xung quanh, buổi sáng thức dậy đi uống cà phê và làm công việc hàng ngày…, thì quá đơn giản, và không cần một vị Phật ra đời để giúp chúng ta biết về điều ấy. Đức Phật dạy rằng có hai loại sự thật: sự thật chân đế và sự thật tục đế. Về mặt chế định, ta có thể nói rằng có xã hội, có mọi người, tôi thức dậy và tôi đi uống cà phê… Chúng ta nhìn thấy những ngọn nến, thấy Achaan và các đạo hữu xung quanh… Tất cả những điều này đều là tục đế. Từ “tục đế” trong tiếng Pāli là “sammutti-sacca”. Còn sự thật tối hậu, sự thật chân đế – “parāmaṭṭha-sacca” không giống như sự thật chế định. Chẳng hạn về mặt tục đế, ta thấy mọi người đang pháp đàm, có người nói, người dịch, nhưng về mặt chân đế, cái được nghe qua tai chỉ là âm thanh, nhưng ngay sau cái nghe xảy ra thì có suy nghĩ về những âm thanh đã được kinh nghiệm, sau khi nhiều âm thanh được nghe như vậy và nhiều hình bóng của âm thanh kết nối với nhau sẽ có suy nghĩ về lời nói và hiểu ý nghĩa của lời nói đó.Vậy mặc dù ta có cảm giác mình đang nghe cả một câu dài, nhưng thực tế, cái nghe chỉ nghe âm thanh, rồi tiếp nối là suy nghĩ về những gì âm thanh để lại và về nghĩa của những gì đã được nghe. Nếu có con mèo đang ở trong căn phòng này, chắc chắn nó cũng nghe được âm thanh nhưng nó không hiểu nghĩa của những âm thanh đó. Cái được nghe qua tai chỉ đơn thuần là âm thanh mà thôi, không phải là câu nói hay tiếng máy lạnh. Cái duy nhất được nghe chỉ là âm thanh, nhưng sau đó có suy nghĩ về âm thanh và các khái niệm được hình thành từ cái được nghe. Có thể ta đặt câu hỏi, việc phân biệt giữa cái nghe nghe âm thanh với suy nghĩ về những khái niệm hình thành từ việc nghe những âm thanh đó có gì quan trọng? Nó quan trọng, vì thông thường ta sống trong vô minh, vô minh chỉ quen với các khái niệm mà không biết được rằng, về bản chất, chỉ có âm thanh là cái được nghe. Khi ta chỉ biết về thế giới của chế định mà không biết gì về sự thật của các pháp chân đế thì cũng giống như khi ta sống trong một giấc mơ vào ban đêm. Khi không có hiểu biết về các pháp chân đế thì luôn có kinh nghiệm “của tôi” và thế giới các khái niệm. Mục đích của việc tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật hay mục đích Đức Phật thuyết Pháp là để chúng ta tiếp cận gần hơn với các pháp ngay trong khoảnh khắc này, vì cuộc sống chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc hiện tại mà thôi. Việc nghe về sự thật của pháp chân đế là cách duy nhất để tận diệt ý niệm về tôi, về tự ngã và tận diệt được các phiền não của chúng ta. Liệu hiểu hơn về bản chất của cuộc sống này có ích không?
Người hỏi: Dạ có ạ
Achaan Sujin: Bạn có thấy rằng toàn bộ Giáo lý của Đức Phật luôn làm duyên cho sự xả ly cho đến khi dính mắc hoàn toàn bị tận diệt không? Nhưng những lời không phải là Giáo lý của Đức Phật thì không thể mang đến hiểu biết đúng và đưa đến tận diệt dính mắc. Đây là sự khác biệt giữa bậc Giác ngộ và người khác. Liệu ai có thể biết được các pháp là vô ngã, rằng mọi thứ đang diễn ra hiện giờ chỉ là các pháp sinh khởi do duyên? Cái thấy chỉ là cái thấy mà thôi, bất kể nơi nào và khi nào, dù cho ta không đặt tên nó là “cái thấy” đi nữa, nhưng tính chất của nó vẫn là cái được làm duyên để sinh khởi và nhận biết cái được thấy. Nếu không có chút hiểu biết, dù nhỏ nhoi, làm sao có thể từ bỏ dính mắc với cái được thấy? Cái được thấy, như ta vẫn biết từ trước tới giờ, là con người và cảnh vật. Ai có thể ngay lập tức xả ly với ý niệm về con người hay cảnh vật trong cái được thấy? Một người không chân thật thì không thể hiểu được Giáo lý của Đức Phật. Sự thật là sự thật. Từng lời của Đức Phật đều là chân ngôn. Hiện giờ không có một tự ngã nào hết, không có ai cả. Điều đó có đúng không? Không có một ai mà chỉ có các pháp chân đế xuất hiện do duyên. Nếu không có cái thấy, liệu có thể có cái hiện giờ xuất hiện qua mắt không? Cái nghe không thể thấy, suy nghĩ cũng không thể thấy, duy nhất chỉ có nhãn thức mới có thể kinh nghiệm đối tượng thị giác – cái in dấu trên nhãn căn… Liệu mắt có thể tự thấy được không?
Người hỏi: Tự thân nó thì không thể kinh nghiệm được cái gì cả.
Achaan Sujin: Tai có thể tự nghe được không?
Người hỏi: Không ạ.
…
Achaan Sujin: Vậy bạn có thể thấy sự khác biệt giữa hai loại pháp, một loại có thể kinh nghiệm cái gì đó, loại kia thì không thể kinh nghiệm gì cả. Đã đến lúc hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa hai loại thực tại này.
Người hỏi: Vâng ạ.
Achaan Sujin: Bạn có tin không?
Người hỏi: Có ạ.
Achaan Sujin: Chắc chắn, rõ ràng chứ? Niềm tin ấy còn thay đổi nữa không? Tại sao bạn nghĩ rằng không ai có thể làm gì để thay đổi được những pháp ấy?
Người hỏi: Vì tất cả các pháp là vô ngã.
Achaan Sujin: Đúng vậy. Vì mọi pháp đều sinh và diệt ngay lập tức, ai có thể làm gì để thay đổi những pháp ấy? Nếu không có hiểu biết rất phát triển thì không thể có sự chứng ngộ sự sinh diệt của các pháp. Chính vô minh khiến ta ảo tưởng rằng mọi thứ trường tồn, thường hằng. Nhưng sự thật, mọi thứ đều sinh và diệt. Chừng nào chưa chứng ngộ tính chất sinh diệt của các thực tại, chừng đó còn có ý niệm về mọi thứ trường tồn, kéo dài. Khi không hiểu được các pháp sinh diệt và cho chúng là tồn tại kéo dài, khi đó còn có sự dính mắc và cho rằng có một tự ngã tồn tại kéo dài. Chỉ có trí tuệ được phát ntriển dần mới xả ly được ý niệm cho là mọi thứ tồn tại kéo dài, xả ly từng chút một cho đến khi ý niệm về ngã hoàn toàn bị tận diệt. Chừng nào chưa có sự chứng ngộ về sự sinh diệt của các pháp, chừng ấy còn có ý niệm về tôi. Cần rất nhiều thời gian để trí tuệ phát triển đến mức có thể xuyên thấu sự thật về các pháp như Đức Phật đã giảng. Khoảnh khắc của cái thấy không phải là khoảnh khắc của cái nghe hay suy nghĩ. Nếu vẫn có sự dính mắc vào cái được thấy, hoặc cho rằng chính “mình” đang thấy thì không phải là con đường để tận diệt ý niệm về ngã. Liệu có thể có sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế nếu không hiểu từng chút một về những gì đang xuất hiện? Con đường độc đạo – con đường duy nhất mà Đức Phật đã thuyết giảng là gì? Đó không phải là làm một cái gì mà là hiểu đúng về các thực tại. Hiện giờ cái thấy có sinh và diệt không?
Người hỏi: Cái thấy sinh và diệt ạ.
Achaan Sujin: Bạn có chắc không?
Người hỏi: Chắc ạ.
Achaan Sujin: Điều đó là thực, và chắc chắn nó có thể được chứng ngộ. Nhưng không phải là một “con người” chứng ngộ, mà chính trí tuệ tự nó được phát triển từng chút một cho đến khi xuyên thấu sự thật đó, như Đức Phật và các đệ tử của Ngài vậy. Hiện giờ có ai muốn kinh nghiệm trực tiếp về các thực tại không? Hãy nghe và hiểu dần, từng chút một, với niềm tin chắc chắn vào tính chất vô ngã, rằng không có ai cả, mà chỉ có các duyên, các pháp vận hành thôi. Chỉ khi đó mới có sacca-ñāna hay niềm tin hoàn toàn vững mạnh vào sự thật nơi Giáo pháp về vô ngã, làm nền tảng cho kicca- ñāna, là trí tuệ hiểu trực tiếp phận sự của Tứ Thánh Đế hay kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Khi nói đến Tứ niệm xứ, ta không nói về “xứ” của một người nào đó hay một thực tại nào đó, mà là nói đến “xứ” của chánh niệm. Đừng nghĩ đến việc có trí tuệ lớn lao ngay lập tức, mà hãy nhận ra mức độ vô minh khổng lồ hiện giờ. Khoảnh khắc không có hiểu biết về thực tại, khi đó có vô minh. Cho rằng có thể có kinh nghiệm trực tiếp về các thực tại mà không cần nền tảng hiểu biết đúng là một hiểu biết sai, là tà kiến. Khi nghĩ rằng có một con đường nào khác ngoài sự phát triển chánh kiến như vậy, khi ấy ta đã quay lưng lại con đường mà Đức Phật đã dạy, giống như những người sống cùng thời với Đức Phật, sống gần Đức Phật mà thậm chí còn không tới thăm và nghe Đức Phật giảng Pháp. Cũng như khi chúng ta nghe theo lời dạy của người khác chứ không phải là lời dạy của Đức Phật. Không hiểu về Giáo lý của Đức Phật là không hiểu về Ngài. Bạn có biết Đức Phật không? Vậy ai là người biết được Đức Phật? Người không hiểu Giáo lý của Đức Phật thì không thể biết được Ngài, và với người ấy không có “con quy y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng” được.
Pháp đàm tại Đà Lạt, chiều ngày 11/05/2015
Người hỏi: Tại khoảnh khắc của cái thấy, chưa có suy nghĩ về hình khối, về câu chuyện, vậy tại sao đã có những phản ứng thiện và bất thiện?
Achaan Sujin: Trong câu hỏi của bạn có rất nhiều ngôn từ, bạn có hiểu từng từ ở trong đó không? Vì phải hiểu từng từ ở trong đó mới có thể làm duyên cho chánh niệm sinh khởi. Thậm chí một từ của Đức Phật cũng là vô cùng thâm sâu, ta không thể nào hiểu được nếu không nghiên cứu cẩn thận. Dường như những lời dạy của Đức Phật thật dễ, ta có thể cho rằng chỉ cần đọc về những gì Ngài dạy là có thể hiểu ngay lập tức. Nếu có thể hiểu đúng ngay lập tức như vậy, liệu đó có là Giáo lý của bậc Giác ngộ không? Nếu cho rằng có thể dễ dàng hiểu như vậy thì chúng ta chưa biết được ơn đức lớn lao của Ngài. Chúng ta cần biết rằng, có một sự khác biệt lớn giữa trí tuệ của Đức Phật và trí tuệ của cái gọi là “tôi”. Mỗi lời dạy của Đức Phật đều tới từ chính sự giác ngộ của Ngài. Ở khoảnh khắc giác ngộ, Ngài hiểu rất rõ mức độ thâm sâu những gì được giác ngộ đến mức Ngài đã không nghĩ đến việc giáo hóa những người khác. Vì sự tinh tế đó của Giáo lý, cần khoảng thời gian rất dài để cho mọi người có thể lĩnh hội được. Chúng ta đã nghe từ “cái thấy” bao nhiêu lần rồi? Hiện giờ đang có cái thấy, liệu có ai hiểu đúng nó chưa? Điều đó chỉ ra sự khác biệt giữa phàm phu và đấng Giác ngộ. Bất cứ ai hiểu được ơn đức của Đức Phật thì sẽ tìm hiểu Giáo lý với sự tôn kính. Trước khi nghiên cứu Giáo lý, ai hiểu được ý nghĩa của từ “pháp”? Chúng ta có thể xem xét mức độ hiểu từ đó của mình đang ở đâu. Tôi nghĩ nhiều người có thể trả lời câu hỏi pháp là gì; chúng ta có thể đọc rất nhiều ngôn từ của Giáo lý, nhưng cái hiểu về pháp hiện giờ thì sao? Pháp là gì?
Người hỏi: Pháp là thực tại, không có tôi, không có ai ở đó.
Achaan Sujin: Nhưng mà phải cụ thể.
Sarah: Bạn hãy đưa ra một ví dụ cụ thể.
Achaan Sujin: Chỉ một từ thôi.
Người hỏi: Cứng.
Achaan Sujin: Hiện giờ khi đặc tính cứng đang xuất hiện, có cái hiểu nào về đặc tính cứng không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Bạn thấy không? Nó rất sâu sắc, chúng ta đã nghe về từ “đặc tính cứng” nhiều lần rồi, nhưng khi đặc tính cứng xuất hiện, đã có cái hiểu thực sự về nó chưa? Khi cái cứng không xuất hiện, chúng ta có thể nói rất nhiều về đặc tính cứng. Nhưng tại khoảnh khắc nó xuất hiện, hiểu biết về đặc tính cứng đâu rồi? Vì vậy vẫn chưa phải lúc để nói về chánh niệm cùng với trí tuệ. Bằng việc nghiên cứu Giáo lý, chúng ta có thể thấy được vô minh sâu dày đến mức nào, che giấu bản chất thực sự của các pháp. Ai có thể có được chánh niệm mà không hiểu một cách hoàn toàn, trọn vẹn dù chỉ một từ trong Giáo lý, chẳng hạn từ dhamma – Pháp? Đó là cách duy nhất để tận diệt được vô minh và dính mắc với những gì xuất hiện. Nếu ta cho rằng chỉ cần ngồi mà có thể hiểu những gì xuất hiện thì điều ấy có khả thi hay không? Vì vậy Đức Phật đã dạy về duyên cho tất cả các pháp khác nhau, trong đó có những duyên cho chánh niệm và trí tuệ. Từng từ cần phải được nghiên cứu một cách cẩn thận, để hiểu rằng tất cả những gì đang xuất hiện hiện giờ đều chỉ là pháp (thực tại) mà thôi, cho dù chúng ta không cần dùng từ đó. Đã có cái hiểu đúng về cái thấy hiện giờ để làm duyên cho chánh niệm về nó chưa? Hiểu biết chính là duyên để chánh niệm sinh khởi, chứ không phải là việc “tôi sẽ cố” hay “làm thế nào để nó sinh khởi”. Những ai hiểu được sự tinh tế của Giáo lý có thể phát triển trí tuệ, vì không phải là một cái ngã làm công việc đó, cũng không phải bằng sự lựa chọn đối tượng. Hãy học để hiểu rằng những gì xuất hiện trong cuộc sống không phải là “tôi”.
Pháp đàm tại Nha Trang, sáng ngày 03/04/2016
Người hỏi: Đức Phật là ai và Ngài đã dạy những gì? Vì Ngài nhập niết bàn cách đây hơn 2500 năm nên làm sao ta có thể tin rằng Ngài có thật?
Achaan Sujin: Bạn có biết về cái thấy hiện giờ không, và bạn có tin cái thấy có thực không? Nếu bạn biết và tin cái thấy hiện giờ là thực, bạn sẽ biết ai là người dạy về cái thấy. Để hiểu về thực tại hiện giờ, chúng ta phải rất chân thực với những gì đang xuất hiện. Hiện giờ đang có cái thấy, cái nghe và suy nghĩ, nhưng chúng ta không biết gì về bản chất của chúng, trong khi chúng đã diệt đi hoàn toàn, không bao giờ quay trở lại. Cái thấy xuất hiện hiện giờ là một cái thấy khác, không phải là cái thấy ở khoảnh khắc trước. Ai là người đã dạy chúng ta điều đó? Tất cả những lời dạy chân lý đều đến từ Đức Phật. Không ai có thể biến cái thấy thành cái nghe hay suy nghĩ. Kể cả âm thanh ở khoảnh khắc trước đây thôi cũng hoàn toàn qua rồi. Tất cả những gì xuất hiện đều sinh khởi do duyên riêng của chúng. Chúng sinh khởi và diệt đi hoàn toàn, không bao giờ quay trở lại. Điều đó có đúng không? Vì vậy cần chân thật với những gì đang hiện diện, bởi vì đó là thực. Ai có thể khiến cái thấy hay cái nghe sinh khởi? Kể cả Đức Phật cũng không thể làm được điều đó. Nhưng Đức Phật đã giác ngộ về sự thật của những gì đang xuất hiện và Ngài đã thuyết giảng cho chúng ta về sự thật ấy. Cái thấy hiện giờ có phải là bạn không hay chỉ là một pháp thôi – một pháp sinh khởi do duyên chứ không phải do bạn tạo ra, nó đã có ở đó và diệt đi hoàn toàn ngay khi ta nói về nó. Ngày hôm qua đâu rồi? Tất cả những gì xảy ra ngày hôm qua như thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ đã diệt đi hoàn toàn và không quay trở lại. Hôm nay rồi cũng như hôm qua, sẽ diệt đi hoàn toàn khi ngày mai tới. Đó là những gì mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta.
Jonothan: Diễn đạt theo cách khác, Đức Phật đã giác ngộ và thuyết giảng về những gì là thực và có thể được kinh nghiệm trực tiếp ở khoảnh khắc này. Cái có thể được biết hay kinh nghiệm trực tiếp ở khoảnh khắc này khác với cái mà ta có thể nghĩ về. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ về ngày hôm qua nhưng điều ấy khác với việc kinh nghiệm trực tiếp ngày hôm qua, vì ngày hôm qua đã qua rồi và ngày hôm qua không thể được hiểu.
Nhưng cái thấy hiện giờ có thể được kinh nghiệm trực tiếp và sự thật về nó có thể được liễu ngộ nếu hiểu biết về nó đã được phát triển một cách đầy đủ. Điều Đức Phật đã giảng cho chúng ta là những gì là thực trong khoảnh khắc hiện tại.
Sarah: Nhiều người trong chúng ta ở đây đã tìm hiểu về các tôn giáo khác nhau. Có người từng theo Thiên Chúa giáo, hay như Achaan, khi nhỏ Bà học trong một trường dòng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu các tôn giáo hay các trường phái triết học khác, chúng ta không biết được sự thật về khoảnh khắc hiện giờ. Bản thân tôi cũng nghiên cứu môn tâm lý học trong nhiều năm, nhưng việc nghiên cứu đó không giúp tôi hiểu hơn về sự thật của cuộc sống trong khoảnh khắc hiện tại. Trong các tôn giáo khác, chúng ta được nghe về linh hồn, tự ngã… hay được hướng dẫn cầu nguyện, khấn vái để có được điều gì đó. Nhưng sự thật về khoảnh khắc này không thể được liễu ngộ bằng việc tin một cách mù quáng hay do cầu nguyện một đấng tối cao nào đó. Nếu quan tâm muốn tìm hiểu sự thật cuộc sống ở khoảnh khắc này, chúng ta cần được học về các thực tại hiện giờ đang có mặt. Như Acchan đã nói, sự thật ở khoảnh khắc này không phải là những thứ mà ta có thể khấn vái hay cầu xin từ một đấng Sáng Thế, mà đó là những gì đang rất thực ở khoảnh khắc này, đó là cái thấy, cái nghe đang hiện diện, tất cả những gì đang diễn ra trong hiện tại. Đức Phật là người duy nhất đã giảng cho chúng ta về hai loại thực tại: thực tại kinh nghiệm và nhận biết một cái gì đó, chẳng hạn như là cái thấy, cái nghe; và một thực tại không kinh nghiệm gì cả như âm thanh, đặc tính cứng-mềm… Bằng việc thẩm sát những gì có trong thực tại, chúng ta dần hiểu rằng thật sự không có một tự ngã hay một đấng Sáng Thế nào ở khoảnh khắc này, mà chỉ có các thực tại đang tiếp diễn nhau mà thôi.
Betty: Nhiều người thắc mắc là Đức Phật có tồn tại không, Ngài có phải là một nhân vật có thực không hay chỉ là một nhân vật truyền thuyết thôi. Ngày nay, chúng ta biết rằng có Tam Tạng kinh điển được lưu truyền, và trong đó cất giữ những lời dạy mà Ngài đã để lại. Khi tìm hiểu Tam Tạng kinh điển và thẩm xét xem những gì nói trong đó có đúng với khoảnh khắc hiện tại hay không, chúng ta sẽ thấy những gì nói trong đó là đúng đắn, và chúng ta tự kiểm chứng được với khoảnh khắc hiện tại. Khi ấy chúng ta sẽ tin rằng Đức Phật đã thật sự sống và Đức Phật là bậc Giác ngộ duy nhất thuyết giảng những điều đó.
Người hỏi: Ở Việt Nam có tới ba Đức Phật: Phật Quan Âm, Phật Di Đà và Phật Thích Ca. Vậy Giáo pháp này là Giáo pháp của ai và phải hiểu Giáo pháp như thế nào? Đôi khi ở bên Thái mọi người vẫn thờ Phật Bà Quan Âm?
Achaan Sujin: Tất cả lời dạy của các vị Phật phải là một, bởi vì đó là lời dạy từ sự giác ngộ.
Người hỏi: Theo Bà, có đúng là có đến ba Đức Phật hay điều ấy chỉ có ở Việt Nam thôi?
Achaan Sujin: Chúng ta có cần bận tâm về các đức tin khác nhau của mọi người không? Vì có nhiều tín ngưỡng khác nhau trên thế giới này. Còn đức tin nơi chúng ta thì sao? Chúng ta không thể thay đổi đức tin của người khác, nhưng hiểu biết đúng sẽ hiểu được cái đang xuất hiện là vô ngã. Kể cả những suy nghĩ như vậy cũng được duyên bởi những cách suy nghĩ, ý niệm đã có từ trước đó. Dù đức tin, tín ngưỡng là gì đi nữa thì thực chất, đó cũng chỉ là khoảnh khắc của suy nghĩ. Nếu không có suy nghĩ thì cũng không có Đức Phật. Vì vậy cần có hiểu biết về sáu thế giới khác nhau – thế giới của mắt, của tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nếu không biết về bản chất của sáu thế giới này, chúng ta sẽ vẫn còn có những ý niệm khác nhau và tin vào nhiều vị Phật khác nhau.
Sarah: Chúng ta biết rằng, nếu những gì chúng ta đọc mà không chỉ đến thực tại hiện giờ đang có mặt thì đó không phải là Giáo lý của Đức Phật. Sẽ luôn có những người có những đức tin hay quan niệm khác nhau về mọi thứ, và đó là do tích lũy riêng của mỗi người, cũng như sự bám rễ sâu dày của tà kiến. Với mỗi chúng ta, cần tự tìm hiểu cho mình đâu là con đường đúng. Và khi gặp ai quan tâm, chúng ta có thể giúp đỡ họ, chia sẻ với họ những hiểu biết đúng đắn mà mình có.
…
Người hỏi: Làm thế nào để sống trong giây phút hiện tại?
Achaan Sujin: Làm thế nào để sống với vô minh và làm thế nào để sống với hiểu biết, hai thứ đó khác nhau. Để sống với vô minh thì không cần phải nghe, tìm hiểu, nghiên cứu, suy xét về Giáo lý của Đức Phật, nhưng để có thể sống với hiểu biết đúng thì cần có lời dạy của Đức Phật. Có ai tỏ lòng tôn kính với Đức Phật không? Làm thế nào để bày tỏ lòng tôn kính với Ngài? Chúng ta bày tỏ lòng tôn kính bằng việc cúi lạy, việc tụng kinh, đọc câu quy y “Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng”, hay là bằng cách nào khác? Hai cách thức vừa rồi là cách thức qua thân và khẩu, còn qua tâm thì thế nào? Ở khoảnh khắc nói “con xin quy y Phật” thì nó có nghĩa là gì? Có nghĩa là tôi lấy Đức Phật làm nơi nương tựa. Làm sao ta lấy Đức Phật làm nơi nương tựa khi không biết về trí tuệ của Ngài? Như vậy, dù nói “con xin quy y Phật” mà không có sự chân thật, hiểu biết ở khoảnh khắc đó thì cũng là vô nghĩa. Khi ta nói “con xin quy y Phật” có nghĩa là ta không có người khác để nương tựa, ngoài Đức Phật. “Nương tựa” ở đây có nghĩa là ta dựa vào những lời dạy của Đức Phật để tìm hiểu, không bằng cách tin vào một cách mù quáng, nhưng ta cần phải nương vào lời dạy của Ngài để tìm hiểu về sự thật, từng từ một. Nếu chỉ nghe một cách đơn thuần, không thật sự tìm hiểu, nghiên cứu, suy xét, ta sẽ không thể hiểu thật sự Giáo lý của Đức Phật. Khi nghe thuật ngữ “pañña” bằng tiếng Pāli, ta có thể tìm ngay ra nghĩa của nó là “trí tuệ”, nhưng cần phải thật sự tìm hiểu nó là gì. Với bất cứ chủ đề nào, câu hỏi đặt ra trước tiên phải là: “đó là gì”, trước khi chuyển sang bước tiếp theo. Dường như “trí tuệ” đơn giản và dễ dàng lắm, vì ai cũng có thể dùng từ ấy, nhưng khi có người hỏi “trí tuệ là gì” thì câu trả lời của bạn như thế nào? Hiện giờ có trí tuệ không? Câu trả lời là gì?
Nếu không có hiểu biết về trí tuệ, làm sao có câu trả lời cho câu hỏi “hiện giờ có trí tuệ không”. Trí tuệ là một thực tại, một pháp không thể sinh khởi do ý chí. Không thể nhầm lẫn vô minh với trí tuệ, vì vô minh không hiểu, nhưng trí tuệ thì hiểu. Trí tuệ hiểu cái gì? Trí tuệ có hiểu “đây là bông hoa” không? Biết “đây là bông hoa” thì không phải là trí tuệ. Vậy trí tuệ hiểu cái gì? Trí tuệ hiểu cái xuất hiện với đúng bản chất của nó. Cái thấy là cái thấy, nó không phải là ta hay một ai cả, nó không thuộc về ai và không ai có thể tạo ra nó. Như vậy, không phải là tôi là người đang thấy. Hiểu như vậy là trí tuệ hay không? Có nhiều mức độ trí tuệ khác nhau. Có thể thấy sự khác biệt giữa trí tuệ của phàm phu và trí tuệ của Đức Phật. Cần rất nhiều thời gian để hiểu được lời dạy về sự thật của Đức Phật. Có người nói họ cần đến 40 năm, có người sáu năm hay có người ba năm để chỉ hiểu một từ thôi – từ “pháp”.
Sarah: Câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để sống trong hiện tại” là: thực chất trong hiện tại chỉ có hiện tại, vì thế luôn phải sống trong hiện tại. Chẳng hạn ở khoảnh khắc của cái thấy, cái thấy đang thấy và cuộc sống ở khoảnh khắc đó là cái thấy, như vậy cái thấy ở khoảnh khắc đó là hiện tại. Khi đặt câu hỏi “làm thế nào để sống trong hiện tại”, “làm thế nào để sống với cái thấy hiện giờ”…, chứng tỏ khi ấy không có hiểu biết, vì trong đó có hàm ý tồn tại một cái tôi và làm thế nào để cái tôi đó sống trong khoảnh khắc hiện tại, nhưng thực tế cái tôi đó không tồn tại. Ở khoảnh khắc nào cũng chỉ có thực tại và nó là duy nhất. Điểm khác biệt mấu chốt là khoảnh khắc đó có vô minh hay hiểu biết, như Achaan đã nói, mà thôi.
Achaan Sujin: Vậy pháp là gì? pháp là bất cứ cái gì là thực và nó có một đặc tính riêng biệt, không ai có thể khiến nó thay đổi hay sinh khởi. Như vậy trí tuệ có phải là pháp không? Trí tuệ có đặc tính, chức năng, biểu hiện và cận nhân riêng cho nó sinh khởi. Bất cứ cái gì là thực đều là pháp, như vậy pháp có phải là trí tuệ không?
Người hỏi: Pháp không phải là trí tuệ vì có rất nhiều pháp
Achaan Sujin: Đó là câu trả lời đúng. Thế trí tuệ có phải là pháp không? Cái thấy có phải là pháp không? Sân có phải là pháp không? Vô minh có phải là pháp không?
Người hỏi: Có ạ.
Achaan Sujin: Đó là sự thật, và sự thật thì không bao giờ thay đổi.
Pháp đàm tại Nha Trang, chiều ngày 08/04/2016
Người hỏi: Có ba bậc Giác ngộ, đó là Đức Phật toàn giác, Phật độc giác và Thánh Thanh văn giác. Trong đó Đức Phật độc giác là người không nghe pháp mà vẫn đạt được giác ngộ. Vậy con không hiểu, nếu không nghe pháp thì làm sao giác ngộ được?
Achaan Sujin: Điều ấy không có nghĩa một người không hiểu biết chút nào vẫn có thể giác ngộ. Ta cần hiểu rõ “giác ngộ” là gì. Trước khi được nghe Pháp, bạn không biết về những gì là thực hiện giờ, nhưng sau khi được nghe thì có thêm một chút hiểu biết, rồi được nghe đi nghe lại, hiểu biết được tích lũy như vậy từng chút một, qua nhiều kiếp, cho đến khi đủ duyên cho trí tuệ sinh khởi kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Nhưng ở khoảnh khắc ấy, trí tuệ cũng được hiểu là vô ngã và do duyên sinh.
Sarah: Không chỉ có Đức Phật độc giác mà cả Đức Phật Toàn Giác cũng cần nghe Pháp rất nhiều trong các kiếp quá khứ. Nếu không được nghe Pháp, sẽ không có duyên cho Ngài phát triển tất cả các ba la mật cho đến khi đạt được Chánh Đẳng Giác trong kiếp cuối của Ngài. Ở thời điểm không có duyên cho sự ra đời của Đức Phật Chánh đẳng giác, sẽ có một số vị Phật Độc Giác, nhưng ngay cả các vị này cũng phải nghe Pháp và phát triển ba la mật trong rất nhiều kiếp trước đó, chỉ khác là Đức Phật Độc Giác1 không có khả năng truyền đạt và giáo hóa chúng sinh như Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Chú thích:
1. Phật Độc Giác chỉ xuất hiện vào thời điểm không còn Giáo pháp của một vị Phật Chánh Đẳng Giác trên toàn thế gian
Trích: Tuyển Tập Pháp Đàm với Achaan Sujin 2013-2016
Nguồn: Dammahome.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét