Những lời nói làm mất hết phước báu

Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày.
Người có vận mệnh tốt là người ăn nói có chừng mực, mỗi lời nói đều thể hiện là người có đạo đức, họ không dùng ngôn từ mạnh để phê phán, chê bai người khác, không dài dòng nói từ chuyện nọ sang chuyện kia, không kể công của bản thân mình sau khi đã giúp ai đó. Lời nói của họ luôn chân thành, với tâm ý động viên, khích lệ người khác:

- Đừng bao giờ nói nhiều về tính xấu của người khác vì những điều đó không ảnh hưởng đến kinh tế nhà chúng ta và vì chúng ta chưa chắc đã tốt hơn họ nhiều.

- Đừng bao giờ bình xét về gia cảnh của ai đó, vì sự giàu nghèo của họ không liên quan gì đến chúng ta.

- Đừng bao giờ có lời nói làm tổn thương người khác vì luật nhân quả luôn tồn tại dù chúng ta có tin hay không.

- Đừng tùy tiện nổi giận với người khác, không phải họ đang nợ chúng ta mà có lẽ chính là chúng ta đang nợ họ, và giờ đến lúc chúng ta phải trả cái nợ đó.

- Đừng bàn luận nhiều về cách hành xử của người khác, vì có thể họ chính là chiếc gương của chúng ta, nhờ tấm gương đó mà chúng ta nhận ra những thiếu sót của bản thân.

- Đừng bình phẩm xấu về ai đó vì có thể người nào đó cũng đang nói về chúng ta với một điều tốt đẹp.

- Đừng giải thích nhiều về một sự việc nào đó vì có thể càng giải thích thì vấn đề lại càng trở nên rắc rối hơn.

Phúc báo theo cái miệng mà chạy hết, bao nhiêu phúc báo cũng đều vì cái miệng không tốt mà bị hao tổn hết. Có người nói: “Tôi không hề làm một việc xấu nào, sao có thể tổn hại đến phúc báo được?” Kỳ thực nên nhớ rằng, tạo “khẩu nghiệp” sẽ tổn hại rất lớn đến phúc báo.

Người xưa nói: “Ngôn do tâm sinh” (lời nói là do tâm mà sinh ra). Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa, … thì phúc báo sẽ tổn thất rất nhanh. Nói lời không đúng hay không phải với người lớn tuổi cũng đều như thế.

Có nhiều phụ nữ hay phàn nàn về chồng, nói chồng không tốt thế này thế kia, rồi đem cả cha mẹ chồng, tổ tông nhà chồng ra mắng nhiếc v.v…, như vậy sẽ tạo “khẩu nghiệp” rất nặng và điều này chỉ khiến gia cảnh càng ngày càng đi xuống, nghèo khó. Vậy nên, mọi người nhất định phải chú ý vấn đề “khẩu nghiệp” này.

Cổ nhân ta có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng, họa cũng từ cái miệng. Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết, phúc đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, nói lời ác ý với người khác thì lại khiến đức đó tiêu tan đi mất. Có người thắc mắc sao mình làm ơn mà lại bị măc oán, họ không biết rằng cũng có thể do chính cái miệng của họ thường hay kể công, mắng mỏ, áp đặt người khác.

'' DỄ là nói chẳng nghĩ suy
KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra.
DỄ làm đau đớn người ta
KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương! ''


Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét