Trăng sao là Tâm Thức - ta là trăng sao

Trăng sao là Tâm Thức

Chức năng của Tàng là nắm giữ, nắm giữ tất cả những công năng (chủng tử, hạt giống) đã, đang và sẽ biểu hiện thành thế giới, vũ trụ, các chủng loại của sự sống (thân căn) và môi trường của những chủng loại ấy (khí thế gian). Biểu hiện để được nhận thức. Tàng là tâm thức, vì vậy đối tượng của Tàng là vũ trụ. Thế giới, mạng sống và môi trường sống cũng đều là tâm thức. Trăng sao là tâm thức. Ta cũng là trăng sao. Những gì mà ta nhận thức được qua giác quan và ý thức đều là Tàng. Nhận thức ấy có chính xác hay không, đó là vấn đề.

Đạo Bụt Đại thừa có nói tới ba loại duyên khởi: chân như duyên khởi, pháp giới duyên khởi và A lại gia duyên khởi.
Chân như duyên khởi là tất cả vạn hữu đều biểu hiện từ tự thân thực tại (chân như, tiếng Phạn là tathatā, suchness), cũng như tất cả các đám mây trên trời đều từ đại dương mà biểu hiện. Nhìn kỹ vào các đám mây ta thấy đại dương. Không có đại dương thì không có mây. Đây là liên hệ hiện tượng với bản thể.
Pháp giới duyên khởi là tất cả các hiện tượng nương vào nhau mà biểu hiện. Như mây, tuyết, mưa, băng, hơi nước, v.v.. đều nương vào nhau mà tiếp tục có mặt. Đây là liên hệ hiện tượng với hiện tượng. Có thể nói chân như duyên khởi là liên hệ chiều dọc, còn pháp giới duyên khởi là liên hệ chiều ngang. Pháp giới có nghĩa là lĩnh vực của các hiện hữu, nghĩa là các pháp.
A lại gia duyên khởi là tất cả mọi hiện tượng đều phát xuất từ Tàng thức. A lại gia duyên khởi cũng giống như chân như duyên khởi: đây cũng là liên hệ chiều dọc giữa hiện tượng và bản thể. Nhưng A lại gia duyên khởi có khác với chân như duyên khởi ở chỗ A lại gia được nghĩ tới như tâm thức và đối tượng của tâm thức. Trong ánh sáng của Duy Biểu học thì chân như (thực tại tối hậu) cũng là tâm thức mà không phải là một cái gì có mặt ngoài tâm thức. A lại gia cũng có thể được ví dụ cho đại dương, tổng thể của tất cả các công năng, hạt giống, làm biểu hiện ra tất cả các đám mây trên trời, đại diện cho tất cả năm uẩn, mười hai xứ và mười tám giới. Các pháp nương vào nhau mà biểu hiện, đó là pháp giới duyên khởi: các pháp đều được biểu hiện từ kho chủng tử của A lại gia, đó là A lại gia duyên khởi.
Chủng tử biểu hiện nên hiện hành. Hiện hành nghĩa là các hiện tượng đang lưu hành. Hiện hành chính là các hành (formations, samskāra), những hiện tượng do nhân duyên tập hợp mà biểu hiện, như núi sông, bông hoa, cây bưởi, v.v.. Vì do duyên khởi mà biểu hiện, các hành không có tự tánh (svabhava) riêng biệt, không thực sự là có mà cũng không phải là không, cho nên bản chất các hành là không có cũng không không. Những hiện tượng như ngã và pháp vì không có thực thể cho nên được gọi là những giả thiết (upācara), những biểu tượng, những ước lệ (conventional designations). Bản chất của chúng là trống rỗng, là không (sunyāta). Ý này đã được thầy Thế Thân nói ra ngay trong bài tụng đầu của Ba Mươi Bài Tụng Duy Biểu. Tuy không có thực thể, tuy là không, nhưng các hành ấy rất mầu nhiệm, kể từ mây bạc trăng vàng cho đến năm uẩn, tất cả đều là những biểu hiện của pháp thân, không diệt không sinh, không nhiễm không tịnh. Chỉ có Mạt na và Ý thức vì còn là hữu phú cho nên mới thấy chúng là những cái ngã và những cái pháp có tự tính riêng biệt mà thôi.

***

Có bùn mới có sen

Học Duy Biểu ta hãy tập tránh sử dụng những danh từ như nội tâm, ngoại cảnh, tâm duyên tâm, tâm duyên sắc, phải làm quen với ý niệm không trong cũng không ngoài, và làm quen với ý niệm chủ thể và đối tượng không thể có mặt ngoài nhau. Cho nên những câu như “chân đới chất, tâm duyên tâm” và “tợ đới chất, tâm duyên sắc” trong Duy Thức Tam Tự Kinh của Đường Đại Viên có thể đưa tới hiểu lầm là có cái trong và cái ngoài độc lập, có cái chủ thể và đối tượng độc lập với nhau. Cảnh của Tình Thức tức là sở duyên của nó, tuy gọi là năm thủ uẩn nhưng cũng là tướng phần của Tàng, nghĩa là của Tâm. Tình Thức chủ yếu là vô thức, âm thầm nắm giữ đối tượng mà mình vướng mắc. Trong phân tâm học của Freud, có ý niệm về “cái đó” (tiếng Đức Es, tiếng Pháp le Ca, tiếng Anh the Id) mà chức năng rất gần với Tình Thức: tìm lạc thú, tránh khổ đau, bất chấp những quy tắc chừng mực, những công ước đạo đức luân lý. Nối tiếp với Cái Đó là cái Ngã (tiếng Đức Ich, tiếng Pháp le Moi, tiếng Anh the Ego) có tác dụng ức chế, ngăn ngừa không cho Cái Đó hành xử trái với những quy tắc và những quy ước kia. Nhưng nếu có cơ hội thì cái Ngã cũng cho phép Cái Đó thỏa mãn sự tìm cầu của nó. Cái Ngã này tương đương với ý thức. Khi ý thức bị một hình ảnh hay một ý nghĩ kích thích, thì ý thức với Cái Đó là một. Nhưng khi ý thức tỉnh ra, biết là không thể làm cái không được làm, thì ý thức lại biết ức chế Cái Đó, không cho làm. Và nếu chỉ biết ức chế mà không biết soi sáng và thăng hoa thì sẽ đưa tới những đè nén vô thức, những gì bị đè nén lâu ngày có thể vùng dậy không kiểm soát được, trong đó có sự thèm khát hoặc niềm uất hận. Cái Ngã, nghĩa là ý thức, biết được những gì đang xảy ra trong hoàn cảnh cho nên có thể kích thích, cho phép hoặc ức chế. Do đó cái Ngã của Phân tâm học có lúc được đồng nhất với Cái Đó, nhất là dưới bình diện vô thức, có lúc trở thành cái chống đối với Cái Đó. Và trên cái Ngã còn có cái Siêu Ngã (tiếng Đức Über Ich, tiếng Pháp le Sur-moi, tiếng Anh the Super-Ego) có khuynh hướng vươn lên sự thăng hoa, tìm lạc thú nơi văn học, nghệ thuật, đạo đức, lý tưởng v.v.. Như vậy Cái Đó ở phần vô thức được tiếp nối bằng cái Ngã và cái Siêu Ngã ở phần ý thức. Trong truyền thống đạo Bụt, ý thức không những ngăn ngừa được Tình Thức mà còn tìm cách soi sáng cho Tình Thức, chứ không phải chỉ làm công việc ức chế. Nếu ý thức biết quán chiếu duyên khởi và tương tức, thấy được tình thế gian với khí thế gian có liên hệ duyên khởi mật thiết thì ý thức đạt được cái thấy vô ngã và chuyển hóa được những năng lượng tình dục và vướng mắc của Tình Thức thành những năng lượng lành như bồ đề tâm, hạnh nguyện, từ bi, tuệ giác tương tức và vô ngã, những đặc tính của Bình Đẳng Tánh Trí và Diệu Quan Sát Trí. Mạt na, Ý thức, Bình Đẳng Tánh Trí và Diệu Quan Sát Trí không phải là những tâm thức rời nhau mà có, trái lại tất cả đều nương vào nhau và tiếp tục cho nhau, cũng như rễ sen tiếp tục cho bùn, cọng sen tiếp tục cho rễ sen, và hoa sen tiếp tục cho cọng sen, không có cái này thì không có cái kia. Có bùn mới có sen, và có sen tức là đang có bùn. Đó là tuệ giác tương tức, hay tương đãi. Tương đãi (anyam-anya) nghĩa là nương vào nhau mà biểu hiện, như trên và dưới, như trong và ngoài, ngắn và dài, nhiễm và tịnh, hễ cái này có thì cái kia có. Đó là chân lý “thử hữu tắc bỉ hữu” được nhắc lại nhiều lần trong các kinh A-hàm.



Thiền sư Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét