“Tì Bà Bí Khúc Khấp U Linh ” trong bộ phim Kaidan

Cách đây hơn bảy trăm năm, vùng Dan no Ura ngang eo biển Shimonoseki là nơi xảy ra trận quyết chiến giữa hai giòng họ Minamoto và Taira (1). Ở Dan no Ura, một nhà Taira từ đàn bà con nít đến cả vị ấu chúa mà ngày nay người ta còn nhớ đến qua cái tên Thiên Hoàng Antoku (An Ðức), đều bị tuyệt diệt. Từ đó đến nay bao nhiêu nước đã chảy qua cầu mà một vùng biển Dan no Ura vẫn còn xì xào những chuyện kinh dị về hồn ma vất vưởng của giòng họ Taira. Ðừng nói chi đến những con cua Heike (một tên khác của Taira) trên lưng mang hình mặt người như muốn giữ lại dấu tích oán hờn của các chiến sĩ Taira, (lũ cua mà người kể truyện đã có lần nhắc đến trong một tác phẩm khác), trên một vùng biển đó, người ta đã nghe, đã thấy bao nhiêu là sự kiện kỳ quái. Ví dụ cái cảnh hàng nghìn ánh lửa ma trơi không biết đâu ra, lướt trên ngọn sóng trong những đêm tối đen. Dân chài thường gọi nó là «quỉ hoả», loại ánh sáng xanh lè lạnh lẽo. Nào đã thôi đâu, những ngày gió lớn, lúc đó từ ngoài khơi lại vọng về những tiếng thét gào cuồng nộ như âm thanh sát phạt trên bãi chiến trường.
Xưa đã thế, nhưng ngày nay những con ma Taira còn lộng hành hơn trước nữa. Ma hiện ra bên thuyền bè đi lại ngoài khơi, tìm cách nhận đắm hoặc chờ những ai đang bơi lội giữa giòng, bất thần chụp lấy rồi kéo họ xuống đáy biển. Cái chùa A Di Ðà lập lên ở vùng Akamagaseki (nay là Shimonoseki) vốn nhằm mục đích cúng tế, an ủi vong linh những con ma Taira ấy. Phần đất cuối chùa nơi sát biển, nhà chùa có dành ra một khu chôn cất, dựng bia mộ khắc tên vị thiên hoàng chết đuối cũng như tên quần thần của người, mỗi năm đến ngày giỗ chạp, đều lập đàn tràng giải oan. Từ khi A Di Ðà Tự lập ra, rồi đến khi bia đá dựng lên thì qủi quái họ Taira cũng bớt quấy người. Dù vậy, những chuyện quái dị không vì thế mà hoàn toàn chấm dứt, điều đó chứng tỏ vong linh kia vẫn chưa được phiêu diêu về cõi thọ.
Vài trăm năm trước ở vùng Akamagaseki có một chàng mù tên gọi Houichi (Phương Nhất). Houichi nổi danh về tài đánh tì bà và hát theo điệu đàn. Cái tài đánh đàn kể truyện, anh chàng vốn có từ ngày bé. Khi hãy còn là một gã thiếu niên, tài chàng đã vượt cả thầy học. Chả thế mà mấy chốc Houichi đã trở thành nhạc sư tì bà, sở trường về khúc «Truyện hai nhà Minamoto-Taira tranh hùng». Người ta bảo khi Houichi chơi đến đoạn nói về cảnh thủy chiến ở Dan no Ura thì não nùng ai oán đến «quỉ thần cũng phải cảm thương nhỏ lệ».
Lúc Houichi chưa có danh chi, chàng ta rất nghèo. May nhờ có một người tri kỷ nâng đỡ. Người ấy là hoà thượng trụ trì chùa A Di Ðà, một nhà tu hành tinh thông cả thi ca âm luật, lâu lâu vẫn gọi Houichi đến chùa đánh tì bà cho cụ nghe. Hoà thượng thấy chàng tuổi trẻ tài cao, thương mến muốn giúp đỡ đến độ mời chàng đến trọ hẳn. Houichi cảm lòng tốt của cụ, bèn nhận lời. Từ đó, Houichi vào ở hẳn một gian hậu liêu. Cảm cái ơn cho nơi ăn chốn ở, hễ đêm nào không có khách mời chơi đàn, Houichi vác tì bà đến đánh để hoà thượng giải sầu, và như thế thành lệ.
Chuyện xảy ra vào một buổi chiều mùa hạ. Hôm đó, một đàn việt có tang ma, sư cụ phải đi đọc kinh suốt đêm, mấy chú tiểu chú điệu đều tháp tùng. Houichi ở lại canh chùa một mình. Trời nóng hầm, Houichi lò mò ra ngoài hàng hiên trước phòng ngủ để kiếm chút hơi mát. Hàng hiên này nhìn ra khu vườn nhỏ phía sau chùa. Houichi ra ngồi đấy với ý định chờ sư cụ về, nhưng ngồi một mình mãi không làm gì cũng buồn, chàng mới bắt đầu dạo một khúc tì bà. Qua nửa đêm mà sư cụ vẫn chưa về. Houichi dợm vào phòng nằm duỗi tay chân một lát thì thấy không khí trong phòng hãy còn nóng, chàng ta mới ra ngoài lại. Vừa trở ra, Houichi bỗng nghe có tiếng chân người từ cánh cổng sau tiến lại gần. Ai đó đi xuyên qua cánh vườn con, tiến về phía hàng hiên. Ðang phỏng đoán như thế thì chàng ta nghe bước chân kia đã tới sát trước mặt mình, đứng sựng lại. Nhưng người đó không phải là hoà thượng. Một giọng to, khoẻ cất lên gọi tên chàng mù. Giọng trịch thượng, kẻ cả như giọng samurai gay gắt gọi người dưới:
– Houichi!
Houichi quá kinh hoàng đến độ trong một chốc không cất thành tiếng. Giọng nói kia lại như ra lệnh:
– Houichi!
– Thưa vâng!
Chàng mù lí nhí trả lời, chả bù với giọng nói nhanh như gió cuốn của người lạ.
– Thưa tôi mù loà, không thấy đường. Vị nào đang gọi tôi đấy ạ…
– Ngươi chớ sợ.
Giọng nói bỗng có phần dịu lại, người lạ tiếp lời:
– Ta nhân đóng quân ở gần vùng này, có việc mới ghé qua đây. Chủ quân của ta là bậc cao quí, xưa vẫn ra vào chỗ cung cấm. Nay bề trên, và đoàn tùy tùng của ngài ghé trọ qua đêm ở vùng Akamagaseki này, biết đến trận quyết chiến ở Dan no Ura nên ghé vãng cảnh. Bề trên nghe đồn tài kể truyện của ngươi rất cao diệu, ngài muốn nghe một khúc. Vậy ngươi hãy mau mau lấy đàn theo ta đến chỗ dừng chân của các bậc tôn quí. Các vị ấy đang chờ ngươi đó!
Thời ấy, samurai đã ra lịnh thì mọi người phải răm rắp tuân theo. Houichi vội vội vàng vàng xỏ dép, vác đàn, đi theo người lạ. Người vũ sĩ nắm tay Houichi một cách gọn gàng, kéo chàng ta đi nhanh như tên bắn. Bàn tay người lạ rắn như thép nguội, mỗi bước đi, bên sườn có tiếng lách cách như thể đang mang giáp trụ. Có lẽ người lạ là vũ sĩ cận vệ của một nhà quyền thế nào đó. Cái sợ hãi buổi đầu đã bớt dần, Houichi điềm tĩnh trở lại, và trong lòng bắt đầu rộn lên một niềm hãnh diện. Bởi vì anh chàng nhớ ra lúc nãy người lạ có nhắc đến mấy chữ «một bậc cao quí ngày xưa vốn ra vào chỗ cung cấm», như vậy tài đàn của mình đã lọt đến tai một bực đệ nhất công hầu nào rồi. Vừa nghĩ đến đó thì người vũ sĩ bỗng dừng bước. HôichiHouichi lắng tai nghe và có cảm tưởng hai người đang đứng trước một cánh cổng lớn. Ở chốn xa thành thị phố xá như thế này, ngoài chùa A Di Ðà chắc không làm sao có một cái cổng lớn cỡ này. Houichi đang nghi hoặc thì tùy giả đã cất tiếng dõng dạc:
– Khai môn!
Không phải đợi lâu, có tiếng song hồng mở nặng nề, hai người đã bước vào bên trong cửa. Ði qua khỏi một khu đình viên khá rộng, cả hai đến một cánh cửa khác. Dừng chân ở đó, tùy giả lại hô lớn: «Có ai trong đó không, xin được bẩm đã đem Houichi về đến đây rồi». Nói xong, có tiếng chân người từ bên trong đi ra, lại có tiếng vách giấy mở ra, tiếng rèm cửa cuốn lên, giọng đàn bà con gái xì xào. Nghe họ trò chuyện với nhau, Houichi thầm nghĩ những người này phải là bọn thị tì trong một phủ đệ. Chàng mù đâm ra lo lắng không biết người ta sẽ dắt mình đi đâu. Chưa kịp nghĩ ngợi gì, có người đã đưa tay dắt chàng ta đi lên năm sáu bậc thang. Ðến bậc cao nhất, có lệnh phải cởi dép. Bàn tay đàn bà lại tiếp tục dắt Houichi đi qua những khu hành lang lát gỗ nhẵn thín và dài tưởng chừng bất tận. Chàng mù rẽ quặt không biết bao nhiêu lần ngõ ngách, cột trụ, xuyên qua mấy gian phòng trải chiếu rộng toang trước khi được đưa vào trong một gian đại điện. Houichi nghĩ ôi chao, đại điện này hẳn là nơi tụ tập các vị tôn quí vì chàng ta nghe tiếng vạt áo lụa chạm nhau sột soạt như tiếng lá trong rừng xao động, tiếng người đông đảo đang trò chuyện với nhau. Họ đang thì thầm những gì, Houichi không hiểu rõ nhưng ngôn ngữ họ đúng là của nơi gác tía lầu son.
Houichi được lệnh cứ tự nhiên. Người ta bày trước mặt chàng một tấm nệm tròn, mềm mại và bảo ngồi lên. Houichi đang nắn lại giây đàn thì một giọng đàn bà đã cất lên, dường như tiếng của lão chủ quản trong cung:
– Mi hãy so dây, bắt đầu dạo khúc «Truyện Heike» cho bề trên thưởng thức đi!
Nhưng nếu bà ta chỉ nói chừng đó thì Houichi không biết phải bắt đầu từ đâu. Truyện nhà Taira dài lắm, kể biết mấy đêm mới xong. Houichi mới đánh bạo:
– Dám thưa «Truyện Heike» khá dài, một buổi không sao kể hết. Chẳng hay bề trên muốn nghe đoạn nào?
Hỏi đến đây thì giọng lão bà lại trả lời:
– Hãy kể cho ngài nghe đoạn quyết chiến ở Dan no Ura. Trong cả «Truyện Heike», đoạn này nghe buồn thấm thía nhất đấy!
Houichi bèn từ từ cất giọng, kể lớp nói về trận thủy chiến khủng khiếp. Tiếng đàn khéo làm sống lại nào là tiếng mái chèo quạt nước, tiếng đoàn thuyền lao lên xung trận, tiếng tên bay xé gió, tiếng chân rầm rập xen với tiếng quân reo hò, tiếng đao kiếm giáp trụ chạm vào nhau soang soảng, tiếng người bị giẫm ngã ùm xuống nước… Trong lúc Houichi đang ra sức trình tấu, chung quanh người nghe đã bắt đầu xuýt xoa tán thưởng. «Làm sao lại có tay đàn tuyệt vời như thế nhỉ», «Ngay ở kinh đô cũng chưa nghe ai đánh hay đến vậy», «Dưới gầm trời này hỏi ai hơn được Houichi»…, bao nhiêu lời khen tặng lọt vào tai chàng mù. Trong lòng Houichi rộn một niềm tự hào, chàng lại ra sức đàn hát. Tán thưởng tưởng còn như khôn dứt thì chung quanh bỗng nhiên trở lại im lặng như tờ. Lúc ấy khúc đàn đã tiến dần đến đoạn tả thảm cảnh nhà Taira, một đoàn người đẹp, trẻ thơ bỗng nhiên gặp cảnh tuyệt mệnh thương tâm, nhất là cảnh hai bà phi bồng ấu chúa trầm mình dưới giòng nước bạc. Người nghe ai nấy ngậm ngùi thở dài, chợt nổi lên đâu đây tiếng nấc tức tưởi nghẹn ngào rồi tiếng khóc oà vang. Tiếng khóc vỡ ra như không cầm lại được, chính Houichi cũng phải ngạc nhiên không ngờ mình đã động mối thương tâm của người nghe đến thế. Tiếng khóc kéo dài một hồi lâu rồi như vơi đi, bốn bề bỗng yên trở lại. Trong cái im lặng đó, giọng bà lão lại cất lên:
– Ngón đàn như thế thật trên đời có một không hai. Ðã đành từng nghe tiếng người đồn đãi nhưng đêm nay xem mi trổ tài mới biết lời đồn kia còn thua sự thật. Ðức vương thượng rất hài lòng. Ngài còn giáng chỉ cho chúng ta bảo phải ban cho mi nhiều tặng vật để thưởng công. Vậy kể từ đêm nay, trong suốt sáu đêm, mỗi đêm mi phải tới đây đánh đàn, đàn tiếp cho chúng ta nghe. Nếu đức ngài không phải lên đường thượng kinh gấp, thì ngày mai, cũng vào giờ khắc này, sẽ có người gọi mi tới dinh này. Kẻ dẫn đường cho mi hôm nay ngày mai sẽ đến đón. Ta chỉ có một điều căn dặn mi là chuyện bề trên ngự đến Akamagaseki này, mi không được hé môi cho ai. Ðức ngài vi hành tới vùng này nên không muốn trong hay ngoài biết. Hôm nay như thế là xong, mi có thể lui về chùa được rồi.
Houichi rạp mình chào xong, bàn tay thị nữ lại dắt chàng ta ra tận cửa, ở đó, người tùy giả lúc nãy đã đợi để đưa chàng ta về chùa. Vũ sĩ đưa Houichi trở lại mái hiên chùa, rồi từ giã quay về. Lúc Houichi trở lại chùa trời đã sáng bạch, nhưng việc anh ta qua đêm ở ngoài chẳng có ai để ý. Hoà thượng coi bộ đêm đó về khuya lắm, tưởng là chàng mù đã đi ngủ từ lâu nên chẳng bận tâm. Sáng hôm sau, Houichi có nằm nướng một chút lấy sức, nhưng cái chuyện kỳ lạ đêm qua chàng ta không để lọt ra ngoài một tiếng. Nửa đêm hôm đó, người vũ sĩ lại đến tìm Houichi đi trình tấu ở chỗ các bậc tôn quí hội họp, và cũng như đêm trước, chàng thu lượm được muôn ngàn lời tán tụng. Tuy nhiên trong lúc Houichi đi đánh đàn, ở chùa người ta bỗng phát giác sự vắng mặt của chàng mù. Khi về chùa lúc hừng sáng, chàng ta được gọi đến trước mặt sư cụ. Sư cụ không bằng lòng chút nào, luôn miệng trách mắng:
– Houichi, ta nói điều này chỉ vì ta lo cho ngươi thôi. Ðã mù loà, một thân một mình mà bỏ chùa đi đâu suốt đêm đến sáng. Thật không có gì nguy hiểm hơn. Nếu có đi đâu sao không bảo tụi nhỏ đứa nào nó dắt đi mà tự ý đi một mình như vậy. Thế chớ đến nay, ngươi đã đi những đâu?
– Bạch sư cụ thứ lỗi cho con. Chỉ vì con có chút việc riêng mà ban ngày ban mặt không thu xếp xong phải kéo đến tối đấy ạ.
Hoà thượng coi mòi Houichi không chịu nói thực, cụ không bực mình mà chỉ ngạc nhiên. Ðây là chuyện không bình thường chút nào, hẳn có lý do chi đây. Hoặc giả chàng mù này đang gặp chuyện gì chẳng lành, bị ai lừa lọc gì chăng. Lo thì lo nhưng nói thêm không tiện, hoà thượng chỉ còn biết ra lệnh cho mấy chú điệu phải trông chừng nhất cử nhất động của chàng mù. Hễ mà đến đêm Houichi còn bỏ chùa đi đâu nữa thì phải tức tốc theo dõi.
Ðêm ấy khi Houichi vừa ra khỏi chùa thì đã có người biết. Mấy chú tiểu chú điệu liền xách lồng đèn theo dấu anh chàng. Thế nhưng trời đang mưa, đường tối mịt. Bọn nhà chùa vừa ra tới ngõ lớn thì đã hút mất bóng Houichi. Làm như thể Houichi có chuyện phải nhanh chân đi gấp. Không thấy đường mà đi được nhanh như thế thật có trời mới hiểu, nhất là đường sá gập ghềnh. Bọn nhà chùa bèn thử xuống dưới xóm, đến những nhà Houichi quen biết xem chàng ta có ghé đó không. Họ điểm từng nhà hỏi thăm, không sót đâu cả thế mà chẳng ai rõ tung tích chàng mù. Lúc không còn biết đi đâu mới theo ven bãi lui gót trở lại chùa thì họ chợt hoảng kinh. Trong khu nghĩa địa chùa A Di Ðà, bỗng văng vẳng tiếng tì bà dồn dập. Phía khu mộ địa tối om vẫn chập chờn đôi ba ánh lửa ma trơi như mọi hôm. Theo ánh lửa đèn lồng, bọn trai trẻ nhà chùa rốt cục tìm ra Houichi trong nghĩa địa. Giữa cơn mưa tầm tã, Houichi đang ngồi thẳng lưng trước lăng Thiên Hoàng Antoku, tay đàn miệng hát, dáng điệu đau đớn thiết tha, kể sự tích cuộc tranh chiến ở Dan no Ura. Chung quanh Houichi toàn là bia, là mộ, ngổn ngang gò đống, và trên đó hàng hàng lớp lớp những ngọn lửa quỉ lạnh lẽo chập chờn. Từ trước đến giờ, chắc chắn chưa có ai thấy một nơi nào mà ma trơi tụ tập nhiều như ở đây.
– Chú Houichi ơi, chú ơi!
Bọn trai trẻ gào lên «Chú Houichi ơi, ma nó ám chú rồi!»
Chàng mù như không đếm xỉa gì đến lời nói đó. Không những thế, chàng ta càng mạnh tay đàn, cao giọng hát, dồn hết tâm lực để kể truyện trận quyết chiến Dan no Ura. Bọn nhà chùa nắm vai Houichi, lay lấy lay để và nói như thét vào tai: «Chú Houichi, chú Houichi ơi, theo bọn tôi về chùa thôi!». Bỗng lúc đó Houichi quay lại chúng, nói như mắng:
– Trước mặt bậc cao quí như thế này mà chúng mày dám ồn ào. Coi chừng mất đầu đấy nhé!
Lời nói chẳng ăn nhập gì đâu vào đâu làm bọn trai trẻ nhà chùa không khỏi phì cười. Ðã đến mức này thì họ đủ biết Houichi gặp đúng của gì rồi. Họ bèn hè nhau dùng sức kéo Houichi dậy và bốc chàng ta về chùa. Theo lời dạy của sư cụ, họ thay quần áo khô và cho chàng ăn uống. Thế rồi hoà thượng giục Houichi phải tường trình về hành vi lạ lùng của mình.
Ban đầu Houichi còn trù trừ không muốn nói nhưng cuối cùng, nghĩ đến sư cụ xưa nay vẫn chu đáo với mình mà mình lại làm phiền, mới đem tình thực giải bày. Từ chuyện người samurai nửa đêm đến tìm mình cho đến những chuyện gì đã xảy ra từ đó đến nay, đều thuật lại cho nhà sư.
Hoà thượng lúc đó mới nói:
– Houichi, thật tội nghiệp cho ngươi. Ngươi đang gặp nạn lớn đấy. Khổ nỗi là ngươi không kể cho ta chuyện này sớm hơn. Trăm điều nguy khốn xảy đến cho ngươi cũng vì do cái tài đánh đàn tì bà. Tuy nhiên lúc này ngươi phải tỉnh táo để tìm cách chấm dứt cơ sự này. Mấy đêm nay ngươi chẳng đi đánh đàn ở nhà ai cả, chỉ ra ngồi ở khu mả họ Taira trong nghĩa trang nhà chùa đó thôi. Thật ra hồi hôm, bọn nhỏ nó tìm ra ngươi giữa đêm mưa trước lăng Thiên Hoàng Antoku đấy. Có thể là ma dẫn lối quỉ đưa đường cho ngươi, nhưng những gì ngươi đã gặp đều là huyễn ảnh thôi. Một khi đã nghe lời ma quỉ thì chúng sẽ trói buộc ngươi mãi mãi. Nay đã đến tình cảnh này chỉ còn có cách không bao giờ chịu nghe theo chúng nữa, nếu không có ngày chúng phanh thây. Thật đấy, chẳng chóng thì chầy chúng sẽ giết ngươi thôi… Mà này Houichi, hôm nay lại có đàn việt mời đi cầu siêu suốt đêm, bắt buộc ta phải rời chùa, không thể ở bên ngươi được. Dầu sao, trước khi đi ta cũng sẽ viết kinh lên trên ngươi để làm bùa hộ mạng cho ngươi.
Trước khi tắt nắng, hoà thượng bảo Houichi phải phơi trần ra rồi cùng tăng sĩ trông việc sổ sách kho đụn, cả hai lấy bút lông xúm lại viết kinh lên người chàng mù. Từ ngực đến lưng, cả trên đầu, trên mặt, tay chân, cùi chỏ… ngay cả gan bàn chân cũng được chép đầy Bát Nhã Tâm Kinh, coi như toàn thân không thiếu chỗ nào. Chép kinh xong, hoà thượng mới ôn tồn:
– Ðêm nay khi ta đi rồi, ngươi nhớ ra ngồi chỗ hàng hiên hậu liêu mà chờ. Tất nhiên ma kia sẽ đến đón. Thế nhưng dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa, nhất thiết ngươi không được trả lời, không được động đậy. Cứ câm như hến, ngồi đấy thiền định theo phép Tam Muội, chuyên tâm vô niệm cho ta. Hễ ngươi rục rịch hay mở mồm là ngươi tới số đó nhé. Nói vậy chớ ngươi đừng sợ hãi gì, có gì xảy ra cũng chớ mở miệng kêu cứu, kêu cứu chỉ tổ chết sớm. Cứ làm đúng từng ly từng tí lời ta căn dặn thì ngươi sẽ thoát hiểm từ đây.
Tối đến, hoà thượng cùng tăng sĩ thủ kho ra đi.  Houichi đúng lời sư cụ dặn, ra ngồi trước hàng hiên. Chàng mù đặt cây đàn tì bà trên sàn ván, ngồi nghiêm trang nhập định. Tâm thần yên ắng, không một tiếng ho khẽ, không một hơi thở mạnh. Cứ như thế, Houichingồi chờ từ giờ này sang giờ khác. Dần dà, đã nghe tiếng chân bước từ chỗ phía khách vãng lai tiến về phía mình. Tiếng chân đi ngang cửa gỗ, thông qua khu vườn đến bên hàng hiên, dừng lại trước mặt Houichi.
– Houichi! Vẫn cái giọng khoẻ, oang oang, cất tiếng gọi. Thế nhưng lần này chàng mù nén thở, im tiếng, châu thân bất động.
– Houichi! Tiếng quát lần thứ hai lanh lảnh rợn người. Lần thứ ba nó trở nên hằn học:
– Houichi!
Houichi vẫn ngồi im như tượng đá. Giọng nói kia không giữ được sự bực bội:
– Không trả lời! Quái! Thằng khốn nạn kia nó biến đi đâu nhỉ?
Tức khắc đã nghe tiếng chân bước thô bạo lên hiên. Tiếng chân xáp gần Houichi rồi bỗng nhiên khựng lại. Houichi cảm thấy trống ngực đập thình thịch, người run lẩy bẩy. Bên cạnh, vẫn không có một tiếng động nào.
Thoạt nhiên, cái tiếng nói thô bạo kia bỗng ghé sát bên tai chàng mù:
– Tì bà thì có mà nhạc sư tì bà không thấy. Chỉ có hai cái lỗ tai treo ở đây!… Có tai mà không nghe để trả lời. Chắc muốn trả lời mà không có miệng. Cả người chỉ còn lại cặp tai!… Ðược rồi, đến thế này thì ta chỉ còn có cách đem cặp tai này về cho bề trên để có chứng cứ là ta đã làm đúng mệnh lệnh của ngài.
Chỉ trong một sát na, Houichi đã cảm thấy hai ngón tay cứng như thép nguội giật lấy tai chàng ta, rồi xoẹt, hai tai đã đứt lìa. Khỏi phải nói chàng mù đau nhói đến tâm can, nhưng cắn răng không thốt nửa lời. Tiếng chân kia từ từ bước xuống khỏi hàng hiên, đi qua khu vườn, xa dần về phía cổng hậu rồi mất hút. Houichi cảm thấy hai bên đầu có cái nước gì nong nóng đang ròng ròng chảy xuống, nhưng vẫn không dám đưa tay lên sờ.
Tờ mờ đất, hoà thượng mới khăn gói về chùa. Ðến nơi cụ đã tức tốc chạy xuống phía hiên hậu liêu. Bỗng sư cụ dẫm lên cái gì nhơm nhớp, trượt chân suýt ngã. Rồi cụ bỗng hoảng hốt vì dưới ánh sáng ngọn đèn lồng, đó là một vũng máu. Nhìn ra thì trên hàng hiên, Houichi vẫn ngồi chính tọa trong tư thế nhập định, từ vết thương, máu nhỏ xuống nhuộm đỏ cả người.
– Houichi đó hả!
Sư cụ ngạc nhiên kêu «Trời Phật ôi làm sao đến nỗi bị thương thế này?»
Nghe tiếng hoà thượng, Houichi biết rằng nguy hiểm đã qua, bật lên khóc rồi bù lu bù loa kể sự thể đêm qua.
– Tội nghiệp ơi là tội nghiệp!
Hoà thượng không cầm được tiếng than. «Trăm sự cũng tại ta bất cẩn. Viết kinh lên khắp người của ngươi mà lại không viết lên tai. Thấy chỗ tai hẹp khó viết ta mới cậy thủ kho viết giùm, mà chính ta cũng chẳng chịu kiểm xem hắn có viết cho chưa. Ðể đến nỗi này là do ta sơ ý… Nhưng có hối thì cũng đã muộn, điều gấp rút bây giờ là trị liệu cho ngươi chóng bình phục. Houichi, chớ có buồn nữa, phải vui lên, vì kể từ nay tai qua nạn khỏi rồi. Chắc chắn ma quỉ chẳng còn đến đây hạch sách quấy nhiễu ngươi nữa đâu».
Nhờ lương y tận tâm, chẳng bao lâu vết thương của Houichi đã lành lận. Câu chuyện kinh dị xảy đến cho chàng mù được đồn đãi nhanh chóng, danh tiếng chàng nổi lên như cồn. Bao nhiêu nhà giàu có cao quí đua nhau tới vùng Akamagaseki để thưởng thức ngón đàn của chàng, thi nhau cho vàng tậng lụa. Chẳng mấy lúc Houichi trở thành giàu có. Thế nhưng vì câu chuyện quái dị kể trên mà Houichi mang cái hỗn danh là «Houichi cụt tai».
_________________

(1) Cuộc thư hùng giữa hai giòng họ quyền thần Taira, (Bình, còn gọi là Heike, Bình gia) và Minamoto (Nguyên, còn gọi là Nguyên thị (Genji)) thời Trung cổ Nhật Bản cũng giống như những cuộc tranh phong Trịnh-Nguyễn, Lê-Mạc của ta. Tháng 3 năm 1185, danh tướngYoshitsune nhà Minamoto đánh tan đoàn chiến thuyền Taira ở Dan no Ura và mở màn cho chính trị mạc-phủ Kamakura. Cả một nhà Taira bị diệt vong, thiên hoàng Antoku (cháu ngoại họ Taira, tuổi hãy còn thơ) cũng chết theo trong trận thủy chiến. Sinh hoạt của hai giòng họ đã để lại những cổ điển bất hủ như «Genji monogatari »(Nguyên thị vật ngữ), một tác phẩm phong lưu được coi như truyện Kiều của Nhật, hay anh hùng ca «Heike monogatari »(Bình gia vật ngữ).
* Một cảnh trong hồi đoạn “Truyện chàng Houichi cụt tai” trong bộ phim Kaidan (Quái đàm, 1964).
Nguyên tác: 耳無し方一の話 - Koizumi Yakumo
Người dịch: Nguyễn Nam Trân (từ tiếng Nhật)
Lời người dịch
:
Ðến nay, ngàn liễu bến Matsue (Tùng Giang), thành phố nhỏ nhìn ra biển Nhật Bản bốn mùa phong vũ, vẫn thắm xanh như cái thuở con người phiêu bạt Lafcadio Hearn (1850-1904) đến định cư để tìm hiểu một nền văn hoá xa lạ đối với ông. Hearn (người Nhật đọc là Haan hay Herun) sinh năm 1850 ở quần đảo Ionia, Hy Lạp. Cha Ái Nhĩ Lan, mẹ Hy Lạp. Từ khi cha mẹ ly hôn, ông rày đây mai đó cho đến năm 1890, ngày đặt chân lên đất Phù Tang. Lấy tên Koizumi Yakumo (Tiểu Tuyền Bát Vân), ông viết nhiều tùy bút, biên khảo về đất nước và con người Nhật Bản.

Hearn lớn lên ở Pháp, chu du Mỹ, Canada, Martiniques… trước khi sự tình cờ đưa ông cập bến Yokohama năm đã 40 tuổi. Yêu mến phong cảnh hữu tình đất Matsue, ông sống một chuỗi ngày thật hạnh phúc ở đây, sau vì bệnh hoạn phải xuống Kumamoto rồi lên Tokyo dạy Anh ngữ ở những ngôi trường nổi tiếng như Waseda, Tokyo, trước khi qua đời năm 1904 vì nghẽn mạch tim.
Viết văn, ông chịu ảnh hưởng Robert Stevenson, Gustave Flaubert, Guy De Maupassant, những nhà kể truyện nổi tiếng. Ông muốn từ bỏ thế giới Tây phương để mạo hiểm đến những miền đất lạ như nhiều nghệ sĩ cùng thời, trong đó có Paul Gauguin và Pierre Loti.
Hearn đặc biệt yêu thích những truyện kinh dị, không cứ gì của Nhật mà của quần đảo Antilles, của cả Trung Quốc. Lúc mới đến Nhật, chưa rành mặt chữ, phu nhân Setsuko đọc truyện ma quái Nhật cho ông nghe. Ông soạn lại bằng tiếng Anh, sau mới được dịch ra Nhật ngữ. Người ta biết Hearn nhiều qua tập «Kaidan »(Quái Dàm) mà «Truyện Chàng Hôichi Cụt Tai»(Miminashi Hôichi no Hanashi) này là một… Nguyên tác (chỉ dài độ một phần ba bản văn) vốn mang tên «Tì Bà Bí Khúc Khấp U Linh »lấy từ tác phẩm cổ điển «Ngoạ Du Kỳ Ðàm »do một ẩn sĩ tên Nhất Tịch Tản Nhân soạn, bản cổ nhất còn lưu lại in năm 1782.

Nguyễn Nam Trân
Tokyo, 05/2001.
 

➡️ http://vkool.net/watch/cau-chuyen-ma-quy-nguoi-phu-nu-bang-tuyet-853881.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét