Đối với nhiều người, việc hăm hở làm hài lòng người khác bắt nguồn từ những vấn đề về lòng tự trọng. Họ mong rằng khi mình đồng ý với mọi người thì bản thân sẽ được chấp nhận và yêu quý.
Nhiều người làm hài lòng kẻ khác có quá khứ bị ngược đãi. Và họ hy vọng rằng việc đối xử tốt hơn với kẻ đã tệ bạc với mình sẽ làm đẹp lòng mấy kẻ đó. Qua thời gian, việc làm vừa lòng người khác trở thành lối sống của họ luôn.
Rất nhiều người nhầm lẫn việc làm hài lòng người ta với lòng tốt. Khi cân nhắc việc từ chối giúp đỡ ai đó, họ sẽ nghĩ kiểu như: “Mình không muốn trở thành kẻ ích kỉ”, hay “Mình chỉ muốn làm người tốt thôi mà”. Kết cục là họ cho phép kẻ khác được lợi dụng mình.
Làm hài lòng người khác có thể trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng. Và đó cũng là một thói quen khó bỏ.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng để làm đẹp lòng mọi người:
1) Bạn giả vờ đồng ý với tất cả
Lắng nghe quan điểm của người khác một cách lịch sự - ngay cả khi bạn không đồng tình – là một kĩ năng cần thiết. Nhưng giả vờ đồng ý chỉ vì bạn muốn mình được yêu quý có thể khiến bạn dính dáng vào những hành vi đi ngược lại với những tôn chỉ của bản thân.
2) Bạn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cảm xúc của người khác
Thật tốt khi bạn ý thức được hành động của mình ảnh hưởng đến những người khác như thế nào. Nhưng nghĩ rằng bản thân có sức mạnh khiến ai đó hạnh phúc lại là một vấn đề. Cảm xúc của mỗi người như thế nào phụ thuộc vào bản thân họ.
3) Bạn thường xuyên xin lỗi
Bạn trách mắng bản thân thậm tệ, hay bạn sợ rằng mình sẽ bị chỉ trích, xin lỗi thường xuyên là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Bạn chẳng cần phải nuối tiếc vì được là chính mình.
4) Bạn cảm thấy nặng nề về những chuyện mà mình phải giải quyết
Bạn phải chịu trách nhiệm về cách quản lý thời gian của mình. Nhưng nếu bạn là kẻ làm vừa lòng người khác, nhiều khả năng là thời gian biểu của bạn sẽ đầy những hoạt động mà bạn nghĩ rằng người ta muốn bạn phải làm.
5) Bạn không thể nói: “Không”
Có thể bạn sẽ đồng ý, rồi sau đấy làm qua loa, hoặc giả vờ ốm để thoái thác, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu nào khi mà bản thân bạn lại chẳng thể nào lên tiếng được cho chính mình.
6) Bạn thấy khó chịu khi ai đó giận dữ với mình
Chỉ vì ai đó tức điên thì điều đó cũng không nhất thiết là bạn đã làm gì sai trái. Nhưng nếu bạn không thể chịu được suy nghĩ rằng có người không vừa lòng với mình, bạn sẽ có xu hướng thoải hiệp nhiều hơn.
7) Bạn hành động giống như những người xung quanh
Con người thể hiện những mặt khác biệt trong tính cách của bản thân cũng là điều bình thường. Nhưng những người chuyên làm hài lòng kẻ khác thường tự phá bỏ mục tiêu của mình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng “people-pleaser” thường liên quan đến những hành vi tiêu cực nếu họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp những người khác thoải mái hơn trong những tình huống xã hội. Ví dụ, những người hay làm hài lòng người khác sẽ ăn nhiều hơn nếu họ nghĩ rằng như vậy sẽ giúp những người còn lại vui vẻ.
8) Bạn cần được khen ngợi để tâm trạng tốt hơn
Trong khi lời khen ngợi và những từ ngữ tử tế có thể khiến cho bất cứ ai cảm thấy khá hơn, những người làm vừa ý người khác lại phụ thuộc vào sự công nhận. Nếu như lòng tự trọng của bạn đặt hoàn toàn vào những gì mà người khác nghĩ về mình, bạn sẽ chỉ cảm thấy tốt khi người ta không ngớt ca tụng bạn mà thôi.
9) Bạn cố gắng tránh xung đột
Đấy là một trong những cách để không bắt đầu xung đột. Nhưng trốn tránh mâu thuẫn bằng mọi giá có nghĩa là bạn sau này sẽ phải đấu tranh rất nhiều cho những thứ - và cả con người – mà bạn tin tưởng.
10) Bạn không thừa nhận rằng mình cảm thấy bị tổn thương
Bạn không thể hình thành mối quan hệ thực sự với mọi người nếu như bạn không sẵn lòng lên tiếng và nói rằng thỉnh thoảng mình cũng bị tổn thương. Phủ nhận việc rằng bạn đang tức giận, buồn bã, xấu hổ hay thất vọng - điều này sẽ làm cho mọi mối quan hệ trở nên “siêu thực”.
Làm thế nào để không phải trở thành con người làm vừa lòng kẻ khác?
Trong khi việc gây ấn tượng với sếp và cho họ thấy rằng bạn là một người tính tình dễ chịu rất quan trọng thì việc là một kẻ khúm núm sẽ phản tác dụng. Bạn sẽ chẳng bao giờ tận dụng tối đa tiềm năng của mình nếu như bạn chỉ cố gắng làm vừa ý tất cả.
Bắt đầu từ bỏ mọi thói quen làm hài lòng tất cả mọi người bằng cách nói “không” với những điều nhỏ nhặt. Biểu đạt quan điểm của bạn theo cách thật đơn giản. Hoặc xây dựng nền tảng cho những điều mà bạn tin tưởng. Mỗi bước sẽ giúp bạn có thêm niềm tin vào khả năng của bản thân.
Nếu bạn đang thực sự chật vật trong việc từ bỏ thói quen làm vừa ý người khác, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia. Một nhà trị liệu chuyên nghiệp có thể giúp bạn xây dựng sức mạnh tinh thần cần có để kiến tạo nên một cuộc đời mà bạn muốn sống.
Tác giả: Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý.
Nguồn: sutamphap
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét