放在匣中何不鸣?Phóng tại hạp trung hà bất minh?
若言声在指头上,Nhược ngôn thanh tại chỉ đầu thượng
何不于君指上听?Hà bất vu quân chỉ thượng thinh?
Nếu bảo trong đàn có tiêng đàn
Sao nằm trong hộp chẳng ngân vang
Tiếng đàn nếu ở trên đầu ngón
Tay bạn không nghe tiếng vọng lan
Tản mạn trong cõi âm thanh
Nhà thơ Tô Đông Pha có lần nghe một người họ Thẩm chơi đàn cầm, và tặng một bài thơ cắc cớ:
Nhược ngôn cầm thượng hữu cầm thanh,
Phóng tại hạp trung hà bất minh?
Nhược ngôn thanh tại chỉ đầu thượng,
Hà bất ư quân chỉ thượng thính?
Đại khái có nghĩa như vầy:
Nếu bảo rằng trong đàn có tiếng đàn, vậy tại sao khi đặt cây đàn vào hộp đàn thì nó không kêu? Còn nếu cho rằng âm thanh đó ở trên đầu ngón tay, vậy tại sao không nghe ra tiếng đàn nào trên ngón tay ông?
Tôi đã hiểu vì sao, trong Phật giáo, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lại có một ảnh hưởng to lớn như thế
Nếu giải thích theo “tinh thần khoa học” thì ta sẽ bảo rằng: khi ngón tay chạm vào dây đàn sẽ tạo ra một dao động, dao động đó truyền trong không khí theo dạng sóng âm đến tai ta, rồi truyền tiếp cảm giác đó đến não bộ, và ta cảm nhận được cái gọi là âm thanh. Nhưng nếu bây giờ ta đặt tiếp một câu hỏi cắc cớ khác: “Sao gọi là âm thanh?” thì ta lại tập tễnh đặt chân vào cảnh giới vi diệu của âm thanh.
Tôi vốn mê âm thanh. Từ thuở bé, tuy sống trong một thị trấn quê mùa, nhưng tôi luôn nghĩ mình được sống trong thế giới huyền diệu của âm thanh. Tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối, tiếng gió chiều trên đồng lúa chín, tiếng ve râm ran giữa trưa nắng hạ, tiếng sáo dìu dặt đêm trăng, tiếng gà gáy giữa trưa hè, tiếng chim ríu rít khi về làm tổ trên đọt cây sau nhà, tiếng lửa reo trong bếp giữa chiều đông, thậm chí cả tiếng gió thét mưa gầm mùa giông bão v.v... luôn đem lại cho tôi những cảm xúc lạ lùng. Sau này, khi đọc U mộng ảnh của Trương Trào, những câu văn ngắn bàn về âm thanh của một tay tài tử lỗi lạc đời Thanh làm tôi say đắm, và tôi bỏ thời gian dịch tác phẩm nho nhỏ này, để tìm chút cảm hứng cùng tác giả trong cái thế giới kỳ diệu kia.
Mùa xuân nghe tiếng chim hót, mùa hè nghe tiếng ve ngâm, mùa thu nghe tiếng côn trùng rả rích, mùa đông nghe tiếng tuyết rơi, ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu réo rắt, trong núi nghe tiếng gió thổi ngàn thông, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, mới không sống uổng phí một đời.
(Xuân thính điểu thanh; hạ thính thiền thanh; thu thính trùng thanh; đông thính tuyết thanh; bạch trú thính kỳ thanh; nguyệt hạ thính tiêu thanh; sơn trung thính tùng phong thanh; thủy tế thính nội nãi thanh; phương bất khư sinh thử nhĩ.)
Dưới thông nghe tiếng đàn cầm, dưới trăng nghe tiếng tiêu, bên khe nghe tiếng thác đổ, trong núi nghe tiếng tụng kinh, tai nghe ra mỗi tiếng đều có ý vị riêng.
(Tùng hạ thính cầm, nguyệt hạ thính tiêu, giản biên thính bộc bố, sơn trung thính phạn bối, giác nhĩ trung biệt hữu bất đồng.)
Cảm nhận và thưởng ngoạn được những âm thanh rất đỗi trần gian đó, tôi cho là một phần hạnh phúc của đời người. Người xưa không bao giờ mô tả âm thanh theo các thuộc tính của sóng âm như biên độ, bước sóng, dạng sóng v.v... theo kiểu các nhà khoa học hiện đại, mà họ chỉ cảm nhận âm thanh. Và họ làm thơ để diễn đạt cảm xúc đó. Thơ Đường - Tống có rất nhiều bài diễn đạt cảm xúc này đến mức thượng thừa. Tôi xin trích thử hai câu diễn tả tiếng đàn không hầu trong bài Lý Bằng không hầu dẫn (Bài thơ về tiếng đàn không hầu của Lý Bằng) của nhà thơ Lý Hạ.
Côn sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu
Phù dung khấp lộ, hương lan tiếu.
(Nghe như tiếng hót phượng hoàng
Côn sơn ngọc vỡ trên ngàn xa khơi
Phù dung khóc hạt sương rơi
Còn nghe e ấp nụ cười hương lan).
Thử hỏi tiếng ngọc vỡ hay tiếng phượng hoàng hót thì nói được gì về âm nhạc? Giả sử có kẻ tài tử nào đó trong đời, đem tiền muôn bạc vạn mua ngọc Côn Sơn về đập vỡ để nghe được tiếng ngọc tan, vì thói cuồng ngông một thuở, như Trần Tử Ngang đập cây cổ cầm quý giá, thì cái đó cũng chỉ nói lên được tiếng nhạc trong muôn một. Nhưng dù sao tiếng ngọc vỡ trên núi Côn Sơn, tiếng chim phượng hoàng lảnh lót vẫn còn có thể nói lên được tiếng nhạc, vì đó là âm thanh. Thế còn hoa phù dung khóc sương mai, và đóa hương lan vừa hé nụ nói lên được điều gì về tiếng đàn?
Tôi thường ngẫm nghĩ tại sao đối với lục trần của thế gian: sắc, thanh hương, vị, xúc, pháp, mà trong tín ngưỡng của Phật giáo chỉ có mỗi một Bồ-tát Quán Thế Âm để quán tưởng âm thanh của thế gian. Sắc, hương, vị há chẳng đáng để quán tưởng sao? Sao lại không có Bồ-tát Quán Thế Sắc, Bồ-tát Quán Thế Hương? Khi một hài nhi tiếp xúc với thế giới ngoại tại thì vị mới là cái được đứa bé cảm nhận trước tiên. Mắt nó chưa phân biệt được các đối tượng của sắc, tai chưa phân biệt được các đối tượng của thanh, mũi chưa phân biệt được các đối tượng của hương, thân chưa cảm nhận được sự cứng mềm, nhưng lưỡi của nó phân biệt được ngay sự khác biệt giữa một giọt sữa với giọt mật. Vậy thì khi muốn tiếp xúc với thế gian, lẽ ra vị mới là đối tượng cần quán tưởng trước tiên, chứ đâu phải âm?
Kinh Phật thường diễn tả cảnh tượng Đức Phật phóng tướng lưỡi bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới khi thuyết pháp, tôi cho rằng đó chỉ là cách diễn đạt tư tưởng này bằng hình tượng. Giống như Lý Hạ dùng hình ảnh hoa phù dung khóc sương mai cùng đóa hương lan vừa hé nụ để tả tiếng đàn. Thiền tông có giai thoại Văn thanh nhập lý (nghe âm thanh mà ngộ nhập chân lý) và lạ lùng hơn nữa là công án Chích thủ diệu thanh (âm thanh kỳ diệu của một bàn tay). Tên gọi của công án này khiến ta không thể không nhớ đến bài thơ của Tô Đông Pha. Âm thanh ở đâu ra từ lòng một bàn tay?
Tôi cho rằng cảnh giới vi diệu nhất của âm thanh vẫn là âm nhạc. Nhất là nhạc cổ điển. Thế giới âm nhạc đó đôi lúc làm ta nghẹn lời, và đôi khi nghe nhạc, ta có cảm giác mình như đang trôi đi trong một thế giới được dệt toàn bằng tơ nhạc. Có lẽ tiếng chim Ca Lăng Tần Già trong cõi Phật cũng chỉ vi diệu đến thế mà thôi.
Tôi vẫn thường nghe nhạc qua dàn máy vi tính, với chút thiết bị bổ sung để nâng cao chất âm. Và cứ nghĩ đó là âm nhạc! Nhưng có lần tình cờ theo chân một người bạn đi vào thế giới của những người đam mê thiết bị âm nhạc - nơi mà những người nghe nhạc thường diễn tả bằng khái niệm hi-end. Đây là thế giới của những thiết bị nghe nhạc cao cấp. Từ dàn máy nghe nhạc vài chục ngàn đô đến hàng vài trăm ngàn đô, thậm chí cả triệu đô, đều có cả. Một bộ loa - chỉ một loa thôi - có giá ngang một ngôi biệt thự, hoặc một hệ thống dây nối có giá bằng cả một chiếc ô tô đời mới, chắc là điều khó ai hình dung nổi. Có thể đó là một thế giới xa xỉ của những thiết bị, nhưng tất cả đều cố gắng đạt đến một mục đích chung, đó là tái tạo sự vi diệu của âm thanh. Những thiết bị có giá tiền chóng mặt này dường như đang cố gắng khai mở thêm những điều huyền diệu còn ẩn tàng trong âm thanh. Âm nhạc ở mức này như được nâng lên một tầm cao khác.
Nghe những bản concerto dành cho piano của Mozart, qua tiếng đàn của Martha Argerich hay Rubinstein, trên dàn thiết bị audio cao cấp, có những đoạn khiến ta tưởng như những viên ngọc đang được rải trên một cái mâm bằng pha lê. Âm thanh trong vắt, như dòng suối, khiến ta không thể không liên tưởng đến “Côn Sơn ngọc toái, phượng hoàng khiếu”! Từng nốt nhạc trong phần mở đầu bản Sonate ánh trăng của Beethoven nghe như từng giọt trăng đang lặng lẽ rơi trong cảnh đêm thanh tĩnh. Đó chẳng phải là “phù dung khấp lộ, hương lan tiếu” đó sao?
Nhưng trong cái thế giới hi-end đó, thiết bị, dù có đắt đến mức nào, cũng chỉ là “phương tiện thiện xảo” để giúp người nghe cảm nhận và vươn đến đỉnh cao của âm nhạc. Và đỉnh cao đó hình như vẫn luôn là huyền án lửng lơ trong cõi “quán thế âm”. Nhưng điều nhiệm mầu của âm nhạc là đưa người nghe vào cảnh giới không còn người nghe, không còn thiết bị, mà chỉ toàn là âm nhạc. Giống như cảnh giới không còn ngã tướng, nhân tướng, thọ giả tướng.
Tôi chợt cảm nhận ra được nhiều điều khi bước vào cái thế giới âm thanh. Nó vi diệu quá, mà tục trí của ta chỉ cảm nhận được phơn phớt bên ngoài. Và tôi hiểu vì sao, trong Phật giáo, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lại có một ảnh hưởng to lớn như thế, suốt mấy ngàn năm.
Huỳnh Ngọc Chiến
Nguồn: giacngo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét