-Bác sĩ ‘vi sinh học’ Louis Pasteur
-và bác sĩ ‘vi khuẩn học’ Alexandre Yersin.
Ta nghe biết nhiều về cụ Pasteur, sinh năm 1822, qua các ’viện Pateur’ với chuyện tiêm chủng chống bệnh đậu mùa.
Còn cụ Yersin thì sinh vào năm 1863 (cha mẹ gốc Pháp, di cư qua Thụy Sĩ và sinh ông tại đây). Nhưng vị bác sĩ sau này đã về học và nhập tịch Pháp) rồi quyết định qua sống tại Việt Nam, và trở thành vị ân nhân sáng giá và gần gũi với dân tộc ta rất nhiều. Từ quê nhà, ông đã vang danh khi cùng một bác sĩ bạn khám ra độc tố ‘bạch hầu’, rồi sau khi qua Đông Dương, khám phá ra vi khuẩn bệnh dịch hạch.
Vì muốn phục vụ dân nghèo cũng như tìm chỗ thuận tiện cho việc nghiên cứu khoa học, ông quyết định chọn địa danh Nha Trang làm quê hương thứ hai, để rồi tìm cách xây dựng tại đây một ‘viện Pasteur’ đầu tiên. Trước hết, ông dựng một nhà gỗ đơn sơ tại ‘Xóm Cồn’ để chữa bệnh cho dân nghèo. Đồng thời ông cũng say mê khám phá thám du các vùng rừng núi gần xa. Chuyến đi đầu tiên khá nguy hiểm nhưng thành công mỹ mãn, trải rộng tới phía tây nước Việt, đụng tới sông Mekong bên xứ Miên và Thái. Thế là chính quyền Pháp bắt đầu biết và rất hãnh diện về ông.
Tháng 6 năm 1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Đồng Nai lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D'Lat nằm rải rác trong vùng, và "Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu, giống như mặt biển, tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này." [Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt].
Chẳng may, trên đường trờ về Nha Trang, ông bị một nhóm cướp tấn công, khiến ông bị thương nơi ngực và chân. Nhưng lại rất may, biết các kỹ thuật y khoa, ông sống sót, để rồi vẫn ráng tổ chức thêm cuộc thám hiểm kế tiếp.
Cuối năm đó, với một lực lượng hùng hậu - ngoài 54 người tùy tùng còn có một toán lính tập mang súng theo hộ tống - Yersin khởi hành cũng từ Đồng Nai, lên Đà Lạt, rồi đi tiếp đến cao nguyên Đắk Lắk, vào Attopeu ở nam Lào, rồi lại theo hướng đông ra biển, để đến Đà Nẵng vào ngày 17 tháng 5 năm 1894. Cuộc khảo sát lần này thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía nam đến vĩ tuyến 16 ở phía bắc.
Trang nhật ký Yersin ghi, "Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế làm cho chúng tôi rất mệt mỏi. Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét, mặc dầu đã uống thuốc ngừa...”
NGHIÊN CỨU BỆNH DỊCH HẠCH
Trong khi Yersin đang chuẩn bị cho cuộc thám hiểm nữa thì bệnh dịch hạch đã bộc phát ở miền Nam Trung Hoa và lan truyền xuống Đông Dương, gây tử vong cao, và trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa (Việt Nam lây dịch bắt đầu với cảng Hải Phòng). Nhà cầm quyền thuộc địa Pháp bèn cử Yersin đến Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch hạch.
Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn dịch hạch hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, trong bài báo nhan đề La Peste Bubonique de Hong-Kong (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).
Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với :
-Émile Roux
-Albert Calmette
-và Armand Borrel
đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên.
Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh. Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh ( Vaccin)
Năm 1896, Yersin đến Quảng Châu, được phép công khai tiêm huyết thanh (điều chế tại Nha Trang) cho một bệnh nhân tại đây, và nghiễm nhiên trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Yersin tiếp tục cuộc hành trình chống bệnh dịch hạch (bằng huyết thanh) với những điểm đến kế tiếp tại nhiều thành phố khác.
Ân nhân về nhiều ngành chuyên môn:
Sau ít thời gian làm việc ở Bombay (Ấn Độ), Yersin quyết định trở về Nha Trang trong năm 1898. Với sự hỗ trợ từ Toàn quyền Doumer, ông xây dựng Viện Pasteur Nha Trang.
Rồi ông mua một khu đất rộng 500 héc-ta ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nơi nghiên cứu nông nghiệp và chăn nuôi.
-Ông cho trồng cây cà-phê Liberia
-các loại cây thuốc
-cây cocca để sản xuất cô-ca-in sử dụng trong ngành dược
-tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nó thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học (với một trạm xá y tế phục vụ cư dân nghèo trong vùng).
Trong thời gian này, sản xuất huyết thanh chống dịch cho bò tự nhiên trở thành nguồn thu nhập chính của Yersin, giúp ông có sức mở rộng việc nghiên cứu. Trung tâm thí nghiệm này về sau trở thành viện thú y đầu tiên ở Đông Dương.
Là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, Yersin trở thành chủ một đồn điền cao su lúc đầu rộng khoảng 100 hec-ta, kiếm tiền đủ để nuôi sống Viện của ông.
Ông còn ra công nghiên thêm về các loại chim, nghề làm vườn, và sưu tầm các loại hoa. Ông cũng mở một chiến dịch trồng rừng, đồng thời khuyên dân làng bỏ tập tục chặt đốt cây rừng. Ông còn trồng thử nghiệm cây ‘canh-ki-na’ để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét. Ông cũng tìm ra đất thích hợp cho loại cây này ở vùng đất Dran và Di Linh.
Yersin thích biết mọi thứ, ông là
-chuyên gia về nông học nhiệt đới
-nhà vi trùng học
-nhà dân tộc học
-nhiếp ảnh gia
-rồi nghiên cứu khí tượng: Ông mua máy điện lượng kế, làm một con diều thật lớn thả lên độ cao một ngàn mét để đo điện khí quyển và dự đoán giông bão.
Ông muốn giúp những người dân chài thường khi bị mất tích trên biển mỗi lúc có lốc xoáy vụt đến. Yersin thuyết phục Fichot, một kỹ sư thủy văn phục vụ trong hải quân và rất say mê thiên văn học, đến sống với ông trong ngôi nhà lớn ở Xóm Cồn với kính thiên văn và máy quan tinh được lắp đặt trên sân thượng, để cùng nhau nghiên cứu khí tượng.
-Trong những ngày cuối đời, Yersin gắn bó với niềm đam mê mới: văn chương.
-Ở tuổi tám mươi, ông lại học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và biên dịch những tác phẩm của Phèdre, Virgile, Horace, Salluste, Cicéron, Platon, và Démosthène.
TRƯỜNG Y Đông Dương
Năm 1902 Toàn quyền Paul Doumer, trước khi rời Đông Dương, mời Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở
-một trường Y
-một bệnh viện
-và một trung tâm vệ sinh.
Chỉ với Trường Y "ước tính việc xây dựng sẽ tốn một triệu rưỡi franc!" Một số tiền lớn, song theo nhận xét của Yersin:
-vẫn rẻ hơn nhiều
-lại hữu ích hơn nhiều
so với CÁI NHÀ HÁT Ở SÀI GÒN.
Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên củaTrường Y Đông Dương này (là tiền thân của Đại học Y Hà Nội).
Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp – sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết – đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật.
Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ghi nhận của Yersin về những sinh viên Y khoa đầu tiên được đào tạo ở Đông Dương, "Họ rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng."
Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược:
-cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay)
-và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.
Sau hai năm, khi mọi thứ đã vào guồng, Yersin xin từ nhiệm, và trở về Nha Trang.
NGÔI NHÀ RỘN TIẾNG TRẺ THƠ
Suốt những năm tháng sống ở Nha Trang, BS Yersin đã sống một cuộc đời thật bình dị, gắn bó với quần chúng cần lao. Những câu chuyện về ông được người dân Nha Trang lưu truyền đến hôm nay như một huyền thoại.
Sinh thời, trong ngôi nhà của ông ở Xóm Cồn (nay là khu vực Nhà nghỉ 378 Bộ Công an), ông dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu khoa học. Ông không có thói quen tiếp khách ở nhà, những “vị khách” thường đến nhà ông và nhận được nhiều tình cảm yêu mến của ông là những em nhỏ trong xóm. Ông luôn dành cho các em những tình cảm thân thương nhất. Trẻ em đến chơi ở “lầu ông Năm” được thoải mái chạy nhảy, nô đùa, thậm chí còn được lật những cuốn sách lớn để xem tranh ảnh. Trong ngôi nhà của “ông Năm” có hẳn một tủ sách thiếu nhi với rất nhiều loại khác nhau như: truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tranh, tập thơ... Ông cũng thích đọc những quyển sách này và kể lại cho những người bạn nhỏ của mình nghe... Đến chơi với “ông Năm”, các bạn nhỏ thường được ông cho lên sân thượng - nơi đặt chiếc kính thiên văn để ngắm những ngôi sao và nghe ông giảng giải về những vì tinh tú.
Ngay trong bức thư gửi cho người thầy và cũng là người bạn của mình - Emile Roux vào tháng 8-1888, ông viết: “Tôi làm những chiếc cối xay và những chiếc diều cho trẻ em trong xóm...”. Các em nhỏ đến chơi nhà ông ở Xóm Cồn vẫn thường được nhận những món quà nho nhỏ của chủ nhà. BS Kiều Xuân Cư (Nha Trang) có lần tâm sự: “Mỗi lần đến chơi ở nhà “ông Năm”, chúng tôi vẫn thường được ông cho những viên kẹo nhỏ”. Còn nhà nghiên cứu văn học Quách Giao (con trai nhà văn Quách Tấn) vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ ở nhà BS Yersin: “Những chiều Thứ bảy, bọn trẻ chúng tôi được xem phim ở nhà “ông Năm”. Vì còn nhỏ nên tôi được ngồi phía sau màn ảnh để xem, thành ra những hình ảnh được chiếu trên màn ảnh đều đi ngược lại cả”.
Chuyện kể rằng, BS Yersin rất yêu hoa lá, cỏ cây. Quanh nhà, ông trồng rất nhiều loại hoa và thường dành thời gian để chăm sóc, vun trồng. Một hôm, có một số trẻ em vào nhà ông đùa nghịch làm gãy mấy cây hoa. Một người giúp việc trong gia đình thấy vậy liền la lối om sòm. Vừa lúc đó, “ông Năm” đi làm về, ông chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở người giúp việc của mình: “Đừng đuổi người ta, đừng đánh người ta, người ta sợ”
MỘT TẤM LÒNG NHÂN ÁI CAO CẢ
Có thể nói, trọn cuộc đời BS Yersin đã cống hiến cho sự nghiệp khoa học và cho những người dân nghèo khổ, yếu thế ở Xóm Cồn và Suối Dầu. Chính vì thế, hình ảnh của ông đã sống mãi trong lòng những người dân Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Đến Nha Trang, ông đã chọn một xóm chài nhỏ - nơi mà người dân luôn phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, thiên tai đe dọa. Ông gần gũi, giúp đỡ, chăm sóc họ những lúc ốm đau cũng như quan tâm cả đến đời sống tinh thần. Những lúc rảnh việc, ông thường trò chuyện với người dân trong xóm, chụp ảnh, quay phim về đời sống sinh hoạt của họ rồi mời đến xem để giải trí. Người dân Xóm Cồn vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện xảy ra vào tháng 11-1939, khi xem thiên văn “ông Năm” phát hiện sắp xảy ra một biến cố thời tiết ở gần biển. Ông vội vã báo cho người dân trong xóm biết và mời họ vào nhà mình trú tạm. Ngay đêm đó, một cơn bão lớn ập đến đã cuốn trôi hầu hết nhà tranh vách đất của người dân trong xóm. Nhờ ông, tính mạng người dân được an toàn.
Khác xa với những người Pháp đương thời, tất cả những việc làm của ông đều nhằm đem lại lợi ích cho người dân nghèo. Trước khi qua đời, ông còn viết di chúc dành nhiều tài sản của mình cho những người Việt đã làm việc cho ông, cho những người nghèo khổ trong xóm. Không chỉ chăm lo vật chất, BS Yersin còn rất ý thức trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc của người Việt. Cụ Đặng Anh Trai - nhân viên của BS Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang nhớ lại: “Hồi đó, tôi còn trẻ, có biết một chút tiếng Pháp nên trong lần đầu gặp BS Yersin, tôi hỏi ông bằng tiếng Pháp. Thế nhưng, ông không trả lời. Sau này, tôi được một số người thân cận với BS Yersin cho biết, ông không thích người Việt Nam giao tiếp bằng tiếng Pháp mà thích họ nói tiếng Việt. Quả thật, sau đó, khi tôi nói tiếng Việt, ông đã trả lời rất thoải mái”. Do đã gắn bó gần trọn đời mình với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, với những người dân hiền lành, chân chất nên ông không muốn rời khỏi mảnh đất và con người nơi đây. Trong di chúc của mình, ông viết: “Khi tôi chết, tôi ước muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Phương hãy giữ tôi lại ở Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi... Tôi muốn được chôn cất một cách giản dị, không linh đình, không diễn văn”... Ngày ông ra đi về cõi vĩnh hằng, đám tang ông có rất đông người đưa tiễn. Người dân ở Xóm Cồn, những công nhân ở Suối Dầu đội tang trắng, đứng dài hai bên đường thương tiếc vĩnh biệt ông - một người bạn, một người thầy, một người thân. Chuyện kể rằng, có những lão ngư vừa từ ngoài khơi trở về, hay tin “ông Năm” mất đã vội vàng chít khăn tang, đến trước linh cữu ông than khóc. Nhiều người dân Nha Trang lập bàn thờ ông bên cạnh bàn thờ gia tiên. Bài vị của ông ở chùa Linh Sơn, chùa Long Tuyền (Cam Lâm) được đặt ngang hàng với bài vị của các vị Bồ tát. Hàng năm, đến ngày giỗ ông, người dân lại cúng giỗ và dâng hương hoa lên phần mộ ông một cách thành kính…
Huyền thoại của “ông Năm” với người dân Nha Trang - Khánh Hòa là huyền thoại về tình thương yêu đồng loại không biên giới. Đó là kết tinh của những giá trị nhân văn cao cả, chân chính của một tâm hồn bao dung.
VĨ NHÂN TỪ TRẦN
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 1 tháng 3 năm 1943, Yersin từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang, thọ 80 tuổi, ông để lại di chúc, "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn." Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc và để tang cho ông. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số. Dân chúng coi ông là ‘công dân’ Nha Trang, vì ông đã sống ở đây tròn 50 năm.
Di sản của ông quá lớn. Toàn dân Việt Nam, hơn mọi dân tộc khác, phải ghi ơn ông mãi mãi. Vua Bảo Đại đã truy tặng ông bội tinh kim khánh. Dân nghèo nhớ ông vì lòng nhân hậu. Bệnh nhân không quên công trình y khoa của ông. Nhiều thành phố có tên đường là ông. Nha Trang và Đà Lạt ghi dấu ấn của ông qua nhiều hình thức, nhất là có công viên vinh danh ông. Mộ ông tại Suối Dầu và thư viện ông tại viện Pasteur Nha Trang nay là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2014 Việt Nam truy tặng ông là ‘công dân danh dự’ và cho ra mắt bộ sưu tập tem bưu chính mang hình ảnh ông.
Đại học Yersin Đà Lạt
May mắn biết bao dân nước ta có một ân nhân vĩ đại, một ‘huyền thoại’ đáng kính phục như ngài Yersin !
Yersin đã sống trọn đời độc thân, xa lánh chốn phồn hoa Paris để theo con đường phục vụ tha nhân.
Lời cuối của ông: “Tôi muốn theo chân CHÚA KITÔ để phục vụ mọi người trọn đời tôi”.
Đáng ngưỡng mộ thay! Một chứng nhân của CHÚA, đã sống như lời CHÚA dạy: “ Hãy yêu thương người như mình vậy.”
MH chuyển tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét