Thế giới ngoại tại vốn cực kỳ phồn tạp, muôn vẻ nghìn màu và không ngừng biến động. Vạn hữu luôn trôi chảy như dòng thác đổ, luôn biến dịch trong từng mỗi sát na. Thế giới sâm la vạn tượng ở sát na này đã khác với cái thế giới trong một sát na trước đó. Vạn hữu luôn mới tinh khôi, như lần đầu tiên được sáng tạo. Do đó, chỉ có cái−giờ−đây mới là cái thực. Theo truyền thống phương Đông, tìm hiểu thế giới mà cứ mãi chạy theo hình tướng bên ngoài, đem tâm đuổi theo vật, đó là nỗi nguy hiểm khôn lường. Trang Tử bảo “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai. Dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi hỷ! ” (Đời ta vốn có hạn, mà cái biết thì vô hạn. Đem cái hữu hạn để theo đuổi cái vô hạn thì nguy vậy! − Nam Hoa kinh, Dưỡng sinh chủ).
Các bậc chân nhân phương Đông khi muốn khám phá cái mênh mông diệu vợi của thế giới ngoại tại thì lại quay vào chỗ tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, để đối diện với cái chân tính của mình. Giữ lòng như tấm gương sáng để nhìn thấy cả thế giới hiển lộ toàn chân, đó chính là tâm pháp mầu nhiệm của phương Đông. Võ học, đạo học, y học, thư pháp, hội họa, thi ca … khi hiển thị được tâm pháp đó đều trở thành những phương tiện thiện xảo giúp con người hồn nhiên quay về nẻo đạo. Thấu hiểu Dịch học chính là nâng cao y thuật, tập viết thư pháp chính là rèn luyện võ công. Tiếng đàn, nét bút đều có thể hàm chứa tinh hoa của võ học.
Tương truyền Bồ Đề Đạt Ma − vị sơ tổ của Thiền tông Đông độ − người dựng lên ngọn Thiền phong cao chót vót giữa lịch sử tư tưởng Trung Quốc cũng chính là người đã khai sáng môn võ Thiếu Lâm được xem như là cái nôi của võ học Trung Quốc. Dẫu Bồ Đề Đạt Ma không phải là nhân vật lịch sử đi nữa thì điều đó cũng cho thấy tinh thần phương Đông vẫn luôn nỗ lực kết hợp võ công và triết giáo. Nói theo thuật ngữ triết học Phật giáo thì tinh thần Thiền tông là “Thể”, còn võ học có thể xem như là “Dụng”. Dụng là phương tiện để biểu hiện Thể, còn Thể là mạch ngầm hàm dưỡng cho Dụng. Chỉ có tác giả thấm nhuần được “tâm pháp phương Đông” như Kim Dung mới có thể đưa nó hóa thân vào tiểu thuyết kiếm hiệp một cách nhẹ nhàng “niêm hoa vi tiếu”. Nhiều tác giả sách võ hiệp luôn muốn để các nhân vật chính của mình phô trương bản lĩnh và tài hoa một cách cường điệu, với những tình tiết lâm ly. Nhân vật chính luôn phải có cái gì đó thật khác người : đẹp trai, hào hoa phong nhã, võ công trùm đời, và luôn lạnh lùng lập dị, với những lớp sương mù huyền thoại. Chung quanh họ phải là rượu và những giai nhân say mê đắm đuối. Những thứ trang sức rẽ tiền đó có thể hấp dẫn được một số độc giả nhưng nó sẽ nhanh chóng trở thành phù phiếm, như con rồng đã vẽ xong trên tờ giấy. Trông thật đẹp nhưng lại cứng đờ thiếu sinh khí. Điều quan trọng phải có một ngọn bút thần để điểm mắt nó. Đó gọi là “Họa long điểm nhãn” theo truyền thống phương Đông. Được “điểm nhãn” thì con rồng giấy sẽ biến thành rồng thật, nó sẽ cuộn mình ra khởi tờ giấy chết để bay vút lên trời cao lồng lộng. Chỉ lúc đó nó mới thực làm mưa làm gió để hý lộng giữa sương mù. Ngọn bút điểm nhãn ấy chính là “huyền môn tâm pháp phương Đông”.
Bao thế kỷ qua, trước sự tấn công dữ dội của nền văn minh cơ khí phương Tây, tâm pháp phương Đông đã nhanh chóng bị đánh bại bởi những thế hệ học giả sính lô gíc học. Và nó lại âm thầm quay về ẩn tàng trong các thiền viện, trong nghệ thuật bắn cung, trong kiếm đạo Nhật Bản … để tiếp tục hàm dưỡng cho thế giới tâm linh huyền ẩn của phương Đông. Và Kim Dung là một trong những tác giả hiếm hoi biết cách nắm bắt được tính thần ấy để đưa tiểu thuyết võ hiệp một cách tài tình. Trong tinh thần ấy, võ học không còn là môi trường phô diễn kỹ thuật, mà phương tiện để biểu hiện tâm pháp. Cái ầm ĩ huyên náo của những anh chàng Sơn Đông mãi võ sẽ không còn nữa, vì võ học khi đến đỉnh cao, tức trên đường quay về tâm pháp, cũng tiến dần đến chỗ tinh nhất. Tự thân võ học sẽ mất đi tất cả những mọi chi tiết rườm rà, để kết tinh thành cái đơn nhất. Rồi chính cái đơn nhất đó tự nó cũng tiêu dung lặng lẽ, hòa nhập với Tâm. Mà tâm lại không có hình tướng, nhưng quán thông khắp mười phương. “Phóng chi tắc di lục hợp; thoái chi tắc tàng ư mật” (khi buông ra thì bao trùm khắp sáu cõi, khi thu về thì ẩn nơi sâu kín) (Trung Dung). Cừ tùy nghi mà vận dụng. Giữ lòng như gương sáng. Hư kỳ tâm. Tĩnh và Định. Cứ tùy vật đến mà cảm ứng. Bao nhiêu kỹ thuật về côn, quyền, đao, kiếm, chưởng, chỉ… cứ tự nhiên lưu chuyển và phản chiếu toàn bộ trong tấm gương lòng. Đó mới là cực đỉnh của võ học.
Lâm Tế làm một thiền sư vĩ đại đời Đường. Sư chuyên giáo hóa đồ đệ bằng những tiếng hét và cây gậy thay cho những bài thuyết pháp. Những lúc cần phải thuyết pháp thì những lời thuyết pháp của sư cũng rực cháy như có lửa, để biến thành một tiếng hét vang rền khắp tùng lâm.
“Đạo lưu, tâm pháp vô hình, quán thông thập phương. Tại nhãn viết kiến. Tại nhĩ viết thính. Tại tỵ khứu hương. Tại khẩu đàm luận. Tại thủ chấp tróc. Bản thị nhất tinh minh, phân vi lục hòa hợp. Nhất tâm ký vô, tùy xứ giải thoát”. 道 流 , 心 法 無 形 , 貫 通 十 方 , 在 眼 曰 見 , 在 耳 曰 聽 , 在 鼻 臭 香 , 在 口 談 論 , 在 手 執 捉 , 本 是 一 精 明 , 分 為 六 和 合 . 一 心 既 無 , 隨 處 解 脫。
(Này các đạo lưu, tâm pháp vô hình, nhưng thông suốt cả mười phương. Tại mắt là thấy. Tại tai là nghe. Tại mũi ngửi mùi. Tại miệng đàm luận. Tại tay nắm bắt. Vốn là một tinh minh, phân ra thành sáu hòa hợp. Một tâm đã không thì cứ tùy chỗ mà giải thoát).
Đó cũng chính là tâm pháp trong võ học đỉnh cao. Khi đã triệt ngộ được diệu lý của võ thì võ công hoàn toàn hợp nhất với thân tâm. Chiêu thức tung ra đều “đắc tâm ứng thủ”. Giống như một người đã giác ngộ thì nói năng động tĩnh đều phát huy diệu dụng, đi đứng nằm ngồi đều biểu lộ huyền cơ.
Người đã ngộ được tâm pháp của võ học sẽ tự nhiên quán thông được mọi võ học trên đời. Như Trương Vô Kỵ hiểu được Càn khôn đại nã di tâm pháp, như Thạch Phá Thiên phá giải được đồ hình của Thái Huyền kinh trên vách đá, như Lệnh Hồ Xung tâm hội được Độc Cô Cửu Kiếm. Gặp phái Hoa sơn thì sử dụng Hoa sơn kiếm pháp, gặp phái Kim Ô thì triển khai đao pháp Kim Ô. “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ” (gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ), hồn nhiên du hý thần thông. Khi đã ngộ được lẽ “tâm như hư không, vô sở chướng ngại” [1], thì đấy mới chính là trạng thái cực cao trong võ học. Không có gì lại không có thể trở thành võ học. Không có cảnh giới nào mà đi vào đó lại không ung dung tự tại. Lá hoa, cọng cỏ đều có thể trở thành vũ khí. Tâm ứng tại thân thành nội lực, ứng tại lòng tay thành chưởng pháp, ứng tại chân thành cước pháp, ứng tại tay thành quyền pháp, ứng tại gươm thành kiếm pháp, ứng tại đao thành đao pháp, ứng tại ngón tay thành chỉ pháp, ứng tại miệng thành “Sư tử hống”. Chưởng có thể biến thành quyền, quyền hồn nhiên thành chưởng, chỉ pháp tự nhiên thành kiếm pháp đao pháp, cứ mặc nhiên tùy tâm mà vận dụng. Như cây đàn trong tay người nghệ sĩ kiệt xuất, tâm ứng vào đàn là tự thành giai điệu, như nước chảy mây bay. Tất cả đều viên dung vô ngại. Đó chính là cái mà thiền sư Lâm Tế bảo là “nhất tâm ký vô, tùy xứ giải thoát”. Lúc đó mọi chiêu thức đều hiển thị trong cõi tĩnh lặng mênh mông của tâm thức, không còn sự phân biệt giữa võ công và người sử dụng võ công, không còn một chút dấu vết kỹ thuật khổ luyện.
Không phải ngẫu nhiên mà Kim Dung để những người đạt đến cảnh giới “lô hỏa thuần thanh” trong võ học lại là những bậc chân tu như các đại sư Không Kiến, Phương Chứng, nhà sư vô danh trong Tàng kinh các, đạo sĩ Trương Tam Phong hoặc những người có tâm hồn nhiên hư tĩnh như Châu Bá Thông. Cái đầu óc thông minh và tài hoa tột đỉnh như Hoàng Dược Sư vẫn còn mang nhiều dấu vết của lý tính nên võ công không thể nào đi vào “hóa cảnh”. Đến chỗ rốt ráo của “bách xích can đầu” [2], thì cái diệu lý của võ học không còn liên quan đến kỹ thuật rèn luyện, cũng như Thiền tông chối bỏ mọi văn tự, ngữ ngôn.
Đọc Kim Dung hay Ngọa Long Sinh, điều hấp dẫn người đọc một cách sâu xa chính là điểm ấy. Nói như thi sĩ Bùi Giáng thì :
“Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện.
Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. Điều đó không có chi lạ : ban sơ vũ học,văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn : uyên nguyên của tinh thần xuất phóng“.[3]
Và “tinh thần xuất phóng” ấy chính là đường quay về của võ học, trong phương trời lồng lộng của huyền môn tâm pháp phương Đông.
[1] 心 如 虛 空, 無 所 障 礙。 Tâm bao la như hư không, không bị ngăn ngại.
[2] Thơ thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm : Bách xích can đầu tu tiến bộ, Thập phương thế giới thị toàn chân 百 尺 干 頭 須 進 步, 十 方 世 界 是 全 真。 (tại chỗ chót vót của đầu trượng dài trăm xích vẫn cần bước thêm nữa, lúc đó chân tướng mười phương thế giới sẽ toàn nhiên hiển lộ)
[3] Kim Kiếm điêu linh, (Bùi Giáng dịch), NXBVõ Tánh, 1967, (lời cuối sách)
Nguồn: huynhngocchien.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét