Chiếc Dù của Mẹ


Mẹ thương yêu,

Chưa bao giờ con có thói quen viết thư cho Mẹ, vì mỗi lần nhớ mẹ là con chạy ù đến thăm, hoặc gọi điện thoại là con được nghe giọng nói mẹ ngay. Khi mẹ vui, khi thì buồn, đôi khi giọng mẹ thật mệt mỏi vì vừa đi chơi đâu về với một đứa con nào đó trong mười anh chị em của chúng con. Nhưng hôm nay, Ngày lễ Vu Lan, con lại muốn viết thư cho mẹ, muốn để lại một chút gì ghi nhớ trong tâm...

Từ khi ba mất đã chín năm nay, mẹ nhất định vẫn cứ ở một mình mà không chịu đến ở chung với bất kỳ đứa con nào. Phần vì không muốn làm phiền con cái, phần vì muốn được tự do. Nhưng mẹ đã già quá rồi, ở một mình rất nguy hiểm, lỡ đêm khuya có chuyện gì thì chẳng có ai biết được. Nói thế nào mẹ cũng không nghe, mẹ gàn quá, làm cho các con thêm lo âu.
Hôm nay con đi chùa, thầy dạy. Để có thể phát sinh được tâm Bồ-đề trong dòng tâm thức thì nên quán tưởng "coi - tất - cả - chúng – sinh – như - mẹ - mình." Việc làm này đối với con thật khó. Coi người thân như mẹ đã khó, mà còn phải coi người ngoài, nhẫn đến kẻ thù lại càng khó hơn. Trong giờ thiền quán buổi tối, con nghĩ đến mẹ, đến những sự chăm sóc và thương yêu vô bờ của mẹ dành cho anh chị em con mà rơi nước mắt. Sự chăm lo của mẹ thật là bao la, không bao giờ ngừng nghỉ, từ những lúc chúng con còn bé dại cho đến khi khôn lớn, dưới mắt mẹ chúng con vẫn chỉ là những đứa con rất khờ khạo, vẫn cần đền chiếc dù bảo bọc của mẹ dành cho chúng con.
Hình như con có một trí nhớ rất sớm Ngày đi học đầu tiên, con nhớ mẹ đưa con vào tận trường, con đứng gào khóc khản cổ để được về theo mẹ, nhưng mẹ vỗ về mãi, bảo nếu không đi học sau này sẽ làm ăn mày thôi. Con chẳng biết ăn mày là gì, con mếu máo trả lời: "Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con một mình ở đây, chẳng thà con làm ăn mày còn hơn là đi học." Lời nói trẻ thơ thật ngây ngô, nó không hiểu được sự chăm lo vô bờ của mẹ mình, hơn thế nữa, nó còn ngờ rằng, mẹ nó đang tâm muốn bỏ nó bơ vơ với đám người lạ. Mẹ ơi. Con thật thương mẹ biết bao…
Rồi con lại lớn dần theo thời gian. Con ham chơi với bạn bè, bị mẹ đánh đòn, phạt quỳ, con lại oán ghét mẹ, cho rằng mẹ khó tính, "chỉ - đi – chơi - một – chút - thôi" mà cũng bị đòn. Con nhớ mẹ bắt con nằm trên divan, con đã tỉ tê nằm khóc và chờ mẹ đi kiếm cái roi mây (mà trước đó con đã giấu rất kỹ trong kẹt tủ). Cuối cùng vì giấu quá kỹ, mẹ không thể kiếm ra nên đành phải lấy cái cán chổi vừa to, vừa dài để đánh đòn. Con đau quá, khóc rõ to, nhưng mẹ lại cấm không cho con khóc. Con ấm ức, cảm thấy mẹ thật "độc tài", đánh "người ta" đau thế mà không cho khóc! Con giận mẹ, nhất định làm nư không chịu ăn cơm chiều. Mẹ bảo chị Lan lên phòng con gọi xuống ăn cơm. Nhưng con cứ giấu mặt trong chăn, khóc thút thít cho đến khi mệt nhoài. Lúc đó, con hồ đồ nghĩ rằng chắc hồi nhỏ, ba đã tình cờ nhặt con về làm con nuôi nên mẹ mới ghét con đến thế. Một lần nữa, con lại khởi tâm oán ghét mẹ.
Lên đến trung học, con được mặc áo dài và bắt đầu bước vào cái tuổi mới lớn. Lúc đó gia đình rất nghèo, con chẳng biết được rằng ba mẹ đã làm việc đầu tắt mặt tối để nuôi mười người con, mà chỉ biết đến những thiếu thốn của một đứa trẻ đã bắt đầu biết mộng mơ, có những nỗi buồn vô cớ và những ước mộng không thực, nhưng lại đầy màu sắc như chiếc cầu vồng lửng lơ hiện trên nền trời sau cơn mưa. Lúc đó con ao ước có được một chiếc xe đạp, những cái kẹp tóc, những chiếc áo dài bằng vải phin trắng nõn như một số đứa bạn nhà giàu trong trường. Xin mẹ mãi, mẹ hứa rồi chẳng thấy mẹ cho. Con lại oán mẹ, ghét mẹ, cho rằng mẹ chỉ hứa cuội, chẳng bao giờ để ý đến con, chẳng bao giờ thương con. Ngẫm nghĩ, lúc đó con rất buồn và tủi thân. Một lần nữa, lại quả quyết mình chính là đứa con rơi mà ba đã khởi tâm từ đem về nuôi. Quả quyết rằng, mẹ chính là "người mẹ ghẻ" như cái người mẹ ghẻ ác độc trong truyện “Tấm Cám".
Vài năm sau, con lớn như thổi. Đi vào lứa tuổi ô mai, một số con trai trong trường đã bắt đầu để ý và đưa đón. Con đã biết e thẹn, biết làm điệu và ao ước giá mình có được một vài cây son, hộp phấn, một chiếc áo dài hoa bằng lụa mềm mại. Nhưng vì kinh tế gia đình, ráng nuôi mười đứa con được ăn học quả là một điều không phải dễ. Lương công chức của ba không thể đủ cho sự chi tiêu trong gia đình, cộng thêm tiền học cho con cái. Mẹ phải bươn chải, kiếm được một ít vốn mở một nhà hàng nhỏ rất thơ mộng bên bờ sông. Trời thương, quán ăn đông khách. Nhưng bù lại, mẹ rất cực. Nhất là vào những ngày lễ, nhiều khi con học bài khuya, đi xuống bếp kiếm nước uống vẫn thấy mẹ ngồi cặm cụi sửa soạn các món ăn cho bữa tiệc hôm sau. Mẹ không muốn các con phải đụng tay đụng chân bất cứ việc gì, mẹ chỉ thích các con dành hết thì giờ cho việc học hành. Biết thế, con lại lợi dụng lòng tốt ấy mà nhẩn nha, vừa chơi, vừa học mà không hề cảm thấy áy náy. Thời gian đó, mẹ mua cho con một cái xe PC, một loại xe gắn máy nhỏ, con đã không biết ơn và cảm thấy hài lòng, ngược lại, còn ganh tỵ với hai chị lớn đã được mẹ mua cho cái xe Honda vừa tốt, vừa đẹp hơn cái xe PC của con nhiều. Một lần nữa, con lại âm thầm trách mẹ sao đối xử với các con không công bằng, sao lại "con yêu, con ghét" như thế?
Vài năm sau, gia đình di cư sang Mỹ. Con theo đám bạn, học ăn, học chơi nhiều hơn học chữ. Con hội nhập vào cuộc sống Mỹ hóa rất nhanh. Những cái tốt của nước người thì không chịu học, mà chỉ suốt ngày cùng bạn bè đấu láo là giỏi. Rồi con bắt đầu có bạn trai. Mẹ không bằng lòng. Cho rằng còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện yêu thương. Mẹ đánh đòn và nhốt con trong phòng, ngoài giờ đi học, mẹ không cho con đi bất cứ đâu ra ngoài nửa bước. Con ghét mẹ quá! Mẹ quả là rất cổ hủ và độc tài. Con quan niệm (một thứ quan niệm rất hồ đồ và nông cạn), con đã lớn, mẹ không có quyền gì xen vào chuyện đời tư của con hết. Con đã hét lên, cãi mẹ, vất vào mặt mẹ những câu hỗn xược, đầy khổ đau và tức giận. Chưa đã, con đóng cửa phòng thật mạnh và lao lên giường khóc nấc lên. Con ghét mẹ! Con ghét mẹ hết sức! Con đâu biết rằng, sau cánh cửa đóng mạnh, mẹ đã trào nước mắt, mẹ lặng lẽ ngồi ở phòng khách khóc rất lâu…
Nhờ sự thương yêu và dạy dỗ của mẹ. Con đã ra trường, trở thành một người hữu ích trong xã hội. Con lập gia đình với một người có học thức và có một gia đình hạnh phúc. Từ khi bắt đầu làm mẹ, lúc đó con mới thật sự biết được tình thương yêu bao la như trời biển của các bậc cha mẹ đã dành cho con cái mình. Con bỗng cảm thấy thương mẹ thật nhiều. Nhìn tóc mẹ bạc dần theo thời gian, lưng mỗi ngày mỗi còng, tay chân bắt đầu run rẩy đi không vững, vậy mà mẹ vẫn không muốn làm phiền đến bất kỳ đứa con nào cả. Ngược lại, mẹ vẫn còn muốn chăm lo cho các con, vẫn còn muốn chúng luôn được an vui, hạnh phúc...
Mẹ ơi…
Con quả là một đứa con hư. Không nhìn thấy được sự hy sinh cả đời tận tụy của mẹ, cả đời mẹ đem tình thương bao la của mình làm một chiếc dù rộng mở che chở cho đàn con yêu dấu!

*
- Ngồi nghỉ đây thôi. Mỏi chân lắm rồi…
Bà cụ với mái đầu bạc trắng, kéo chị ngồi xuống chiếc ghế đá bên đường. Chỉ mới đi bộ từ nhà ra đến đầu ngõ, cụ đã đòi nghỉ. Quả nhiên, cụ không còn có được sức khỏe như năm ngoái. Cụ đã già đi nhiều, khuôn mặt nghiêng nghiêng đầy nếp nhăn của cụ nhìn xuống vạt áo, kêu khẽ:
- Ô hay!. Mới thay cái áo hôm qua sao đã bẩn rồi nè?
Chị nhìn mẹ. Vạt nắng đầu ngày hiền hòa rơi trên mái tóc cụ. Chị chợt hiểu tại sao thầy chị dạy muốn có được bồ-đề tâm thì cần phải nghĩ đến tình yêu thương của ngưòi mẹ dành cho con cái. Một tình thương vô bờ, cho đi mà không cần nhận lại một điều gì, chỉ biết xả thân hết mình để có thể đem lại an vui cho các con. Chị ngạc nhiên tại sao đến giờ này chị mới cảm nhận tình thương yêu mẹ dành cho mình một cách sâu xa như thế? Nghĩ xa hơn nữa, chị đã từng có nhiều thân, đã từng qua nhiều kiếp, đã từng có rất nhiều người mẹ đã xả thân nuôi dưỡng và dành cả đời tận tụy cho mình. Hiểu được như vậy, chị mới thấy mình có được một cái tâm biết ơn sâu xa đối với mẹ. Chị nghe mắt mình cay cay, giọt nước mắt của sự biết ơn vô bờ chảy ra khoé mi. Chị nâng bàn tay gầy guộc của cụ khẽ khàng áp vào má mình, bàn tay mà mấy chục năm nay đã từng nuôi nấng, dạy dỗ, đôi khi còn đánh chị đau để mong chị nên một con người hữu dụng. Nay đã không còn khỏe để làm cho chị phải khóc sau những trận đòn nữa, ấy thế mà chị vẫn khóc, giọt nước mắt tuôn như mưa mà chị không thể che giấu được.
- Ô hay! Tại sao con lại khóc thế?
Chị mỉm cười. Mẹ hay dùng cái chữ "Ô hay" một cách rất hồn nhiên như trẻ thơ…
Chị lau nước mắt và reo lên khe khẽ:
- Mẹ coi kìa. Hình như nắng đang lên. Mình phải về cho kịp giờ cơm trưa để mẹ còn uống thuốc.
Hai cái bóng xiêu xiêu đi trong nắng. Trên cao, tiếng một loài chim chích chòe rướn cổ cổ hát bàng bạc trong không gian…

Chiêu Hoàng