Truyện ngắn “Mẹ điên” của Vương Hằng Tích (Trang Hạ dịch) đã bước từ thế giới ảo, từ những trang báo mạng “rác nhiều hơn văn” ra ngoài đời thực, trở thành tác phẩm được yêu thích của hàng trăm triệu người vốn từng đọc nó(*). Thậm chí, truyện ngắn chưa đầy 14 trang này đang được khuyến khích phát triển thành tiểu thuyết, dù trước đó nó đã được chuyển thể, dàn dựng thành một vở kịch lớn và lưu diễn khắp Trung Quốc.
Sở dĩ như vậy là vì “Mẹ điên” không chỉ kể về một mảnh đời thực đầy đau đớn, một thân phận bị chà đạp hay một số phận bi thảm điển hình mà còn ngợi ca một tình yêu vô biên, bất tận, một tình yêu Bồ tát: tình yêu của mẹ. Đây cũng là lý do mà nhiều bạn đọc online đã đổi tên “Mẹ điên” thành “Vừa đọc vừa khóc”.
Không có bút pháp mới, không có thủ pháp đặc biệt, không có lối hành văn ấn tượng, “Mẹ điên” được kể lại mộc mạc, chân chất như hơi thở, nhưng sức sống của nó lại vượt qua mọi không gian, mọi khuôn khổ thông thường bởi nó mang tải một thông điệp giản dị: tình mẹ luôn là mầm sống, là cõi yêu thương, bình yên cho mọi đứa con trên đời. Dù ngắn ngủi nhưng “Mẹ điên” làm ai cũng chảy nước mắt; người dịch vừa dịch vừa khóc, độc giả vừa đọc vừa khóc, như thể nước mắt là phương cách duy nhất để tỏ bày và chia sẻ cùng nhau trước một tình mẹ đơn sơ mà thấm đẫm.
“Mẹ điên” là truyện ngắn được viết dựa trên câu chuyện có thật của gia đình người cậu Vương Hằng Tích. Nguyên “Mẹ điên” thực là người vừa câm vừa điên, không rõ gốc gác, trôi dạt về làng Vương Hằng Tích. Vì gia cảnh bất đắc dĩ, mụ điên nọ trở thành mợ điên của Vương Hằng Tích và “mẹ điên” của nhiều chàng trai rải rác vài thôn quanh đó. Và vì sự ruồng rẫy của những đứa con đã khôn lớn, được ăn học, “mẹ điên” ngã chết dưới khe núi trong một lần đói quá, trèo hái đào dại kiếm thức ăn. Tuy nhiên, khác với chuyện trong đời thực nhiều phẫn uất, bất bình, “mẹ điên” của Vương Hằng Tích là câu chuyện nghiệt ngã, đau xót nhưng thắt chặt tình mẫu tử mà ở đó bi kịch, oan khiên trở thành những tấm gương bình thản, trong suốt cho con người soi vào.
Được viết bởi Vương Hằng Tích, là một người dân tộc thuộc khu tự trị Hồ Bắc, Trung Quốc, nhà nghèo đói, thất học nhưng đã tự mày mò viết văn, phấn đấu trở thành hội viên của Hiệp hội Nhà văn Hồ Bắc, trở thành nhà văn mang thân phận “kẻ làm thuê công nhật” đầu tiên của Hồ Bắc; câu chuyện “Mẹ điên” kể về cuộc đời một người điên như bao người điên khác nhưng lại là một “mẹ điên” tỉnh táo, sáng suốt như bao bà mẹ bình thường, một “mẹ điên” biết yêu con, hy sinh và xả thân vì con, một “mẹ điên” đã sống trọn vẹn cuộc đời chỉ vì con, một “mẹ điên” nghĩ cho con đến giờ phút cuối cùng.
“Mẹ điên” hầu như là bức tranh u tối và buồn bã về số phận con người trong cuộc đời khắc nghiệt này. Tuy nhiên, trong những gam màu tuyệt vọng đó, tình yêu của người “mẹ điên” lại tô dặm vào nhiều sắc màu tươi sáng khiến cho toàn bộ câu chuyện tỏa ra một thứ ánh sáng khác, tươi đẹp và huyền diệu; khiến cho người xem vẫn tin vào lương tri con người. Đằng sau những tàn nhẫn, đói nghèo, khốn khổ, vô tri và bản năng đến cùng cực, ghê sợ mà truyện ngắn “Mẹ điên” khắc họa, bản tính lương thiện của con người vẫn không bị lụi tắt bởi cái ác, cái xấu. Đằng sau những ngang trái, khổ đau đẫm đầy câu chuyện về một kiếp người điên của “Mẹ điên”, tình yêu của một người mẹ, dù điên dại vẫn làm rúng động tâm can con người. Có thể thấy rằng, tình yêu của nhân vật “mẹ điên” là mối nối xuyên suốt cả câu chuyện và nâng tầm con người.
“Mẹ điên” là một cô gái trẻ ngây dại, đầu bù tóc rối, quần áo rách nát, bẩn thỉu, lang thang, không phân biệt được lúa với cỏ, không biết làm bất cứ việc gì, thậm chí đi đứng cũng không vững. Có ai ngờ, mụ điên đó là người mẹ nhất mực thương con và hoàn toàn ý thức mọi hành động có liên quan đến con trai mình. Trong tình yêu của mình, bà mẹ đó không hề điên. Hay nói cách khác, tình yêu đối với đứa con của mình làm cho người mẹ ấy thoát khỏi chứng bệnh điên khủng khiếp.
Trên thực tế, ngày nay, không phải tất cả các bà mẹ đều yêu thương con đến độ có thể xả thân, lăn xả. Nhưng tình mẫu tử vốn là thiên chức đã thấm trong từng giọt máu thì không thể nhạt phai dễ dàng. Tình yêu của người mẹ đối với con cái bao giờ cũng dễ dàng và tự nhiên như nó vốn thế. Nhưng tình mẹ của người điên dường như chưa bao giờ được xem trọng. Người ta sẵn sàng vì hoàn cảnh riêng tư, không ngần ngại bóc lột thiên chức đó của người phụ nữ điên dại.
Trong truyện ngắn “Mẹ điên”, mụ điên không những bị lợi dụng thể xác, giới tính, bị tận dụng như một cái máy đẻ vô hồn, sản sinh ra những đứa cháu “chống gậy” cho nòi giống của họ mà còn bị tước đoạt thiên chức làm mẹ. Những con người nghèo khó trong cái làng của Vương Hằng Tích cho rằng, chỉ cần cho mụ điên ăn thì có thể đổi lấy một đứa con, một đứa cháu. Chỉ cần nuôi cho mụ điên đẻ được đứa nối dõi tông đường rồi thì có thể lập tức đuổi đi. Người ta không lường được, như tác giả câu chuyện đã viết “y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này”, đối với một người điên, khi có con rồi thì tình mẫu tử sẽ trỗi dậy, ý thức làm mẹ của họ sẽ khởi lên, và tình yêu đối với núm ruột của mình dần dà cứu thoát họ khỏi bóng tối u mê điên loạn.
Điều thành công tuyệt vời của truyện ngắn “Mẹ điên” đồng thời cũng là phép nhiệm mầu đối với người mẹ điên kia chính là chứng bệnh điên khốn khổ, làm mất đi mọi ý thức của con người. Nhưng chứng điên đã chưng cất tình yêu của người mẹ, tách rời tình mẹ nói chung ra khỏi cuộc sống phàm trần, để độc giả của “Mẹ điên” được nhìn thấu suốt tình yêu của người mẹ và để chính người mẹ điên đó được trở lại làm một người bình thường, khi nó không bị bất cứ hình thức nào che lấp. Đó là thứ tình yêu khoan dung, vô điều kiện và lai láng. Đó là thứ tình yêu thương của Bồ tát, như của Bồ tát, rộng mở bao la và xả thân tận cùng.
Nước mắt độc giả rơi khi đọc “Mẹ điên” hầu như là ở những trang mà người mẹ khốn khổ đó thổ lộ tình yêu và phải đấu tranh để giành lấy quyền được yêu thương đứa con rứt ruột của mình. Đến nỗi độc giả phải tự hỏi mình, điên là như thế nào khi người mẹ tội nghiệp đó bị xua đuổi, sau năm năm đằng đẵng lang thang, lưu biệt vẫn tìm về và nhận ra con mình ngay lập tức. Cái gì đã dẫn dắt con người ngây dại đó? Cái gì khiến cho một kẻ loạn óc chấp nhận làm việc, biết làm việc và tiến bộ trong công việc, trong cuộc sống? Cái gì định hướng cho một kẻ không có trí óc bình thường, một kẻ điên loạn biết chịu đòn thay con, cầm ô che mưa cho con, đón con đi học về, đưa thức ăn cho con, hái trái cây cho con và bảo vệ con? Ngay cả với một người bình thường, việc đi lại trên 20 cây số đường núi ngoằn ngoèo ruột dê cũng đã là khó khăn, vậy mà một người điên lại có thể ghi nhớ con đường đó và đi lại ngay cả trong gió tuyết. Rõ ràng, “mẹ điên” không điên khi tình yêu với con trỗi dậy; “mẹ điên” không điên khi sống trong tình mẫu tử. Phải chăng đó là lúc lòng yêu con của bà khơi mở tâm trí cho bà? Phải chăng tình mẫu tử đang dần dà chữa chứng điên của bà, đang cho bà được trở lại làm người? Phải chăng, ngay cả một “mẹ điên” cũng biết yêu con tha thiết và nhờ yêu con tha thiết, nhờ sống trong tình mẫu tử sâu xa đó mà “mẹ điên” được trở lại thành người bình thường?
Nỗi đau trong “Mẹ điên” được đẩy đến tận cùng khi “mẹ điên” đã ý thức được tình cảm, mong muốn con và đang hạnh phúc được xả thân cho những niềm vui của con cũng chính là lúc bà tuột tay khỏi niềm hạnh phúc có đứa con yêu thương của mình trong cuộc sống. Ngã xuống khe núi trong khi đang trèo hái những quả đào cho con, “mẹ điên” đã trở thành người mẹ đích thực đầy tràn tình yêu con với cả tâm hồn và trí óc. Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, “mẹ điên” vẫn nắm chặt trong tay quả đào yêu thương đó.
“Mẹ điên” là câu chuyện đặc biệt vì ai cũng có thể tự đọc hiểu nó theo cách của mình, theo cung bậc tình cảm riêng mình. Trở thành tác phẩm thu hút mãnh liệt, “Mẹ điên” đem đến cho độc giả những khoảnh khắc thê thiết cõi lòng để con người chúng ta hiểu được tình mẹ, lòng mẹ là thứ chung duy nhất mà con người có được và có thể chia sẻ, thấu hiểu với nhau.
Mùa Vu lan lại về, đọc truyện buồn “Mẹ điên”, trong lòng không khỏi khắc khoải tự hỏi bản thân đã làm được gì cho mẹ kính yêu của mình trong suốt những tháng ngày qua, những tháng ngày được hân hưởng tình yêu của mẹ.
(*) Mẹ điên - Trang Hạ dịch, NXB Phụ Nữ, quý I-2008
(*) Mẹ điên - Trang Hạ dịch, NXB Phụ Nữ, quý I-2008
(Quý độc giả có thể đọc tác phẩm Mẹ điên tại trang nhà Giác Ngộ:
http://www.giacngo.vn/vanhoc/2008/07/31/53C41B/)
Quảng Như