Giáo Dục thiếu nhi theo quan điểm Thiền Sư

...giáo dục là để thành người còn đào tạo là để thành những chuyên gia hay kỹ thuật gia, ví như họa sĩ và thợ vẽ hoàn toàn khác nhau vậy. Con nên triển khai những nhận thức chính xác và thực tiễn của chính mình, thầy chỉ nêu lên vài nét nguyên lý cơ bản và khái quát trong giáo dục để con chiêm nghiệm thôi.
Trong giáo dục nói chung có 3 yếu tố quan trọng là: người giáo dục, đối tượng được giáo dục và phương hướng, mục đích giáo dục. Riêng giáo dục thiếu nhi thì trong 3 yếu tố trên người giáo dục là chủ chốt vì bản thân người giáo dục phải bao hàm cả hai yếu tố kia.




Hà Nội, ngày 8 tháng 8 năm 2013
Thưa Thầy,
Mọi người nhận ra rằng nền Giáo Dục của Việt Nam đang trải qua những thời kỳ quá độ và gặp nhiều thách thức khi khối lượng kiến thức trở nên quá tải, trào lưu thành tích, sự máy móc dập khuôn, cùng với nhiều điều kiện như các thước đo của cha mẹ và sự thay đổi về mặt xã hội đòi hỏi  trẻ em – là niềm tự hào của cha mẹ và thầy cô - không chỉ có học sinh giỏi xuất sắc mà còn có cả các chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế. Điều đó đã góp phần tạo nên nhiều áp lực khi đi học của trẻ em.
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên và văn hóa gia đình cho rằng: học là con đường duy nhất để thành công và tiến thân. Quan điểm này đôi khi “bóp nghẹt tài năng của đứa trẻ” vì mỗi đứa trẻ luôn khác nhau, chúng có những nét đẹp riêng biệt, khả năng nổi trội cũng do bẩm sinh và môi trường của từng em mà khác nhau. Do vậy, học giỏi không phải là chỉ số duy nhất đánh giá năng lực của trẻ em. Có những em rất thông minh về âm nhạc, không gian, màu sắc… nên việc dạy học với các em không chỉ nên nhìn từ một phía theo các tiêu chuẩn của người lớn mà người lớn đề ra, mà nên nhìn từ góc độ chính sự phát triển của trẻ em về tâm lý, về sinh lý, về phương pháp sư phạm để tác động như một người hướng đạo mà không áp đặt.  
May mắn thay, chính vì những câu chuyện xã hội như vậy mà cuộc sống cũng từ đó tạo nên những giáo viên có ý thức trách nhiệm. Được đề xuất giảng dạy một bộ môn mới dành cho trường Quốc tế tại Hà Nội, những gì con có thể giảng dạy tuy nằm trong chương trình giáo dục về mặt giá trị nhưng nó uyển chuyển và không bị ép buộc về phương thức thể hiện hay tiêu chuẩn cụ thể như môn Toán hay Tiếng Việt. Vì vậy, con chọn việc phát triển NHÂN CÁCH là trọng tâm của đề án. Khi các môn học như Đạo Đức hay Giáo dục công dân là những bộ môn không hề có gánh nặng về điểm số thì sự ra đời của Bộ môn của con lồng ghép với những giá trị đạo đức sẽ có hiệu quả để cân bằng lại với cán cân mà xã hội đang đặt ra cho trẻ em. Mong muốn của con sau khi triển khai dự án này thì học sinh sẽ:
Được sống với đúng lứa tuổi của mình
Có cơ hội để khám phá bản thân
Phát triển tình yêu thương với những thiên nhiên, loài vật
Có tấm lòng nhân hậu, biết phân biệt đúng sai
Biết thương cảm, yêu thương và sống chan hòa với mọi người
Với chương trình lần này, con thấy đây là cơ hội lớn để cuộc sống có thể tặng cho trẻ em một món quà nhỏ. Trên đây là những những ý kiến và quan điểm cũng như mục tiêu của con khi thực hiện dự án này.
Quan điểm của con là, để học tập là một niềm vui ta cần khai thác những điểm mà trẻ yêu thích. Giáo dục không thể là những sản phẩm khuôn đúc, mà cần uyển chuyển linh hoạt với từng đối tượng.
Ngoài ra, con đã từng thực hiện một hoạt động ngoài giờ học có tên là “Không gian chia sẻ”. Ở trong hoạt động này, những học sinh của con có vấn đề cần sự giúp đỡ trong tình bạn, chuyện học tập hay gặp bất cứ một khó khăn gì đều có thể đến gặp và nói chuyện với con sau giờ học từ 4p.m – 5p.m. Kết quả con nhận được sau khi không gian này được mở ra là học sinh đến với con rất nhiều, có nhiều câu chuyện được khúc mắc và phản hồi của các bạn là thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, vui hơn vì giải quyết được những chuyện mâu thuẫn với một cái nhìn rõ hơn.
Ví dụ như học sinh lớp 5 của con đến chia sẻ là không thích bị các bạn trêu là thích bạn A, bạn ấy cảm thấy không thoải mái khi bị gán ghép như vậy, nhưng qua quá trình trò chuyện, con thấy về sau bạn ấy nhận ra rằng việc không thích bị gán ghép chỉ là bề nổi của câu chuyện thôi, còn bản chất bên trong là sợ chuyện đó sẽ đến tai bố bạn ấy, là người rất khó tính, bạn ấy sợ bị đánh, sợ gia đình chia tay… Và sau đó câu chuyện chia sẻ là những cách để gia đình gần gũi hơn, chia sẻ và thông cảm với bố, gần với bố hơn…
Con vẫn nghĩ giáo dục thì ở mọi lúc, mọi nơi, bất kỳ khi nào có cơ hội, và với việc vạch ra hướng đi cho đề án. Thầy giúp con trong việc chia sẻ góc nhìn của Thầy nhé! Con luôn tin tưởng vào Thầy, và con muốn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của một vị thiền sư, một người biết được chân hạnh phúc và giúp con cùng chia sẻ những hạnh phúc đó đến cho từng đứa trẻ như những gì nó xứng đáng được hưởng.
Con cảm ơn Thầy nhiều!
Con, Tuệ Linh.

Ảnh minh hoa

Tuệ Linh con,

Nhận thức của con trong đề án giáo dục lứa thiếu nhi rất đáng được khuyến khích, triển khai và ứng dụng trong nền giáo dục hiện nay để làm cân bằng lại mặt thiếu sót rất lớn là quá đặt nặng việc trang bị cho các em học sinh kiến thức chuyên môn về mặt kỹ thuật và phương tiện kiếm sống, hơn là nghệ thuật sống mà trong đó phát triển khả năng và nhân cách con người là chủ yếu. Không nên đồng hóa đào tạo với giáo dục, giáo dục là để thành người còn đào tạo là để thành những chuyên gia hay kỹ thuật gia, ví như họa sĩ và thợ vẽ hoàn toàn khác nhau vậy. Con nên triển khai những nhận thức chính xác và thực tiễn của chính mình, thầy chỉ nêu lên vài nét nguyên lý cơ bản và khái quát trong giáo dục để con chiêm nghiệm thôi.
Trong giáo dục nói chung có 3 yếu tố quan trọng là: người giáo dục, đối tượng được giáo dục và phương hướng, mục đích giáo dục. Riêng giáo dục thiếu nhi thì trong 3 yếu tố trên người giáo dục là chủ chốt vì bản thân người giáo dục phải bao hàm cả hai yếu tố kia.

1) Người giáo dục:  Thiên chức của người giáo dục thiếu nhi hết sức quan trọng nên cần có những phẩm chất thiết yếu như:
- Biết rõ bản thân mình, đó là điều kiện nòng cốt của người giáo dục. Giáo dục không phải là công việc truyền nghề với những kiến thức chuyên môn hay kỹ thuật thao tác - chỉ cần có kiến thức hay kinh nghiệm bên ngoài, mà là khai mở tiềm năng bẩm sinh trong mỗi người, nên bản thân nhà giáo phải thấu hiểu bản thân mới có thể giúp các em biết khai mở khả năng tiềm ẩn của chúng.
- Biết quan tâm lắng nghe, quan sát để tìm hiểu tính tình, năng khiếu, cách biểu hiện, khuynh hướng, thái độ… đang manh nha phát triển nơi cá tính của mỗi em để bảo vệ, che chở cho măng non mọc thẳng và đúng hướng chứ không uốn nắn theo ý mình.    
- Có lòng vị tha, thân ái, để các em dễ gần gũi, kính yêu và tin cậy. Thầy là người bạn hòa nhã đáng kính chứ không phải là người giám hộ nghiêm khắc đáng sợ.
- Có đức nhẫn nại, thông cảm và bao dung với các em vì các em còn trong giai đoạn dễ phạm sai lầm do chưa biết đâu là đúng sai, thiện ác. Các em cần phải tự mình thấy ra giá trị thiết thực này chứ không phải tuân theo những mẫu đạo đức quy định sẵn. Dù là những chuẩn mực đạo đức tất yếu thì cũng cần được các em hiểu ra và chấp nhận hơn là áp đặt một cách khắt khe.
- Giúp các em hiểu ra tình trạng thực tế của bản thân, gia đình và xã hội, để các em biết chia sẻ và thông cảm với cộng đồng, biết tận dụng và phát huy điều kiện thực tế trong hoàn cảnh hiện tại hơn là đề cao lý tưởng tương lai chỉ để các em nảy sinh lòng ham muốn không thực.
- Tôn trọng các em hơn là muốn các em tôn trọng mình. Thầy giáo thường thuyết phục các em kính trọng và vâng lời mình, nhưng điều này chỉ xuất phát từ trái tim chân thật của các em khi thấy thầy mình đáng kính chứ không do bất cứ áp lực nào từ thầy giáo hay học đường.
- Không dùng biện pháp răn đe, thưởng phạt chỉ làm cho các em phát triển tính tranh giành, ganh tỵ và sợ hãi. Chỉ khuyến khích sự nhiệt tình, yêu thích việc học hành và khám phá.
- Giúp các em hiểu rõ thế nào là tự do, tự giác, tự trọng hơn là ngăn chận các em bằng kỷ luật làm các em phát triển tính tinh ranh, ma mãnh, dối trá và luồn lách.
- Đánh thức sự thông minh và nhạy cảm của các em hơn là ép buộc hay nhồi nhét kiến thức và kinh nghiệm của người lớn vào đầu óc trẻ thơ - cần có thời gian để phát huy bằng chính sự khám phá và trải nghiệm bản thân chúng.
- Không đề cao thành tích, thang điểm, vị thứ, sự thành đạt… chỉ để gieo mầm mống danh lợi vào tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. Phải đối xử bình đẳng giữa những học sinh giỏi và kém, thông minh và khờ khạo (vì nhiều lý do khách quan riêng của các em), các em học càng kém càng được thương yêu chăm sóc và bảo vệ nhiều hơn. Chủ yếu là giúp các em chăm chỉ và hứng thú học hành là được. 
- Không biến các em thành những con người rập khuôn theo mẫu của mình hay lý tưởng mình chưa đạt được mà chỉ giúp các em biết quan sát, phát hiện sự vận hành trong chính mình và thế giới xung quanh.
- Biết phương hướng, mục đích giáo dục đúng đối tượng từng độ tuổi đang phát triển của thiếu nhi để làm vai trò hướng dẫn, chỉ đường, khơi gợi cảm hứng học hỏi, khám phá của các em.

2)  Đối tượng giáo dục: Thiếu nhi cấp tiểu học là độ tuổi tâm hồn còn trong trắng, ngây thơ, nghịch ngợm, nhiều tưởng tượng, tò mò, hiếu kỳ, ưa nói dối, che giấu, khoe khoang, phóng đại, dại dột, ham thu thập nhưng thiếu kiên trì, thích khám phá nhưng sợ thay đổi…

3) Phương hướng và mục đích:
- Phương hướng: Giúp các em khai mở về ba mặt trí dục, đức dục và thể dục để các em phát huy đúng đắn năng khiếu, khả năng, phẩm chất bẩm sinh, sự tự tin, khuynh hướng và thị hiếu của mình.
- Mục đích: Giúp các em sống có nhận thức đúng, hành vi tốt, có kiến thức cơ bản về thiên nhiên và đời sống, khả năng hòa nhập với mọi người, với môi trường và biết thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Giúp các em ý thức đạo đức, tự trọng, tôn trọng người khác và tôn trọng công ích.

Chúc con thực hiện thành công tâm nguyện của mình.

Thầy Viên Minh

Thư Thầy trò (51)
Tác giả: Viên Minh - Tuệ Linh



 Tùy năng khiếu...mà giúp các em khai mở tiềm năng

Ngày gửi: 08-08-2013

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con nghĩ rằng những người chơi đàn thì sẽ khó chánh niệm tỉnh giác, trở về trong sáng với thực tại vì họ thả hồn theo nốt nhạc. Và như vậy là không tốt cho đời sống tâm linh, trở ngại cho con đường giác ngộ giải thoát. Do vậy việc cho trẻ con học chơi đàn Piano là không nên!
Con kính xin Thầy cho con lời khuyên về việc này. Con xin cám ơn Thầy.

Trả lời:

Không hẳn như vậy. Tùy năng khiếu cũng như giai đoạn phát triển của trẻ mà giúp các em khai mở tiềm năng của mình vẫn là tốt hơn. Âm nhạc có thể làm cho trẻ mê đắm, nhưng ngược lại nó cũng có thể giúp cho các em biết cảm nhận sự vật sâu sắc, tinh tế, chính xác, linh hoạt hơn về cả nhận thức lẫn thao tác. Một số em có những năng khiếu liên hệ đến các giác quan, nếu biết phát huy sẽ trở thành những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc v.v... Nhưng quan trọng không phải là các em thành gì mà chỉ cần qua đó, các em khám phá chính mình và thế giới xung quanh. Vấn đề là biết rõ giai đoạn nào cần giúp các em phát triển về mặt gì, và điều gì giúp các em khai mở phù hợp nhất đúng với nhu cầu phát triển của nó.
Sai lầm là ở cha mẹ hay thầy cô không biết cho các em học môn nghệ thuật nào thích hợp mà chỉ muốn các em học theo thị hiếu của bản thân mình. Thí dụ như muốn con em mình học đàn piano chỉ để chứng tỏ thanh thế của mình, trong khi nó có năng khiếu về hội họa nên chỉ thích học vẽ, vì vậy khi bị học nhạc thì sẽ không một chút nhiệt huyết đam mê. Phải có đam mê nhiệt tình thì mới phát huy được khả năng của trẻ. Đam mê nhiệt tình khác với say mê cuồng nhiệt, một bên là đặt hết tâm hồn vào, một bên là bị lôi cuốn đi. Có thể một nhạc sĩ thả hết tâm hồn vào bản nhạc lúc biểu diễn trên sân khấu mà không say đắm, nhưng người nghe lại bị thu hút trong đắm say cuồng nhiệt.