Chuyện cờ bịch...

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Biết có hại vẫn làm

Ai cũng biết “cờ bạc là bác thằng bần,” ngay từ hồi còn học trường làng, chúng tôi cũng đã được học bài này và nhớ mãi câu này. Dĩ nhiên ai cũng biết, cũng nhớ, nhưng người ta vẫn đánh bạc, cũng như ngay trên bao thuốc lá có ghi rõ “hút thuốc lá dễ bị ung thư” nhưng người ta vẫn hút. Sau này có nhiều vị đã bỏ được, còn khối vị vẫn phì phà như không có gì xảy ra, trong số đó có tôi. Tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ các vị đã đoạn tuyệt với thuốc lá. Tôi bỏ vài tháng, nhưng sau này không đi chơi, không “cờ bịch” nữa, chẳng còn cái thú gì. Vả lại khi ngồi gõ máy, cứ thấy “thiếu thiếu” một cái gì ấy, có lẽ là thiếu thứ tạo thêm cảm hứng nên lại hút thuốc lá “cho đời lên hương.” Tôi biết đó chỉ là “ngụy biện” cho cái thói hư tật xấu của mình, nhưng “không thích bỏ thì cứ hút.” Tám bó có lẻ rồi, mà mình hút thuốc lá đã hơn “60 năm cuộc đời” có chết vì ho lao hay ung thư đâu. Khối ông từ bé tới lớn không hút thuốc, vậy mà lăn quay ra chết vì bệnh ung thư phổi. Như ông Thái Thủy từ nhỏ tới già không hút thuốc thế mà chết vì bịnh phổi đấy các cụ ạ. Thế có “phản khoa học” không? Tôi chịu thua!
Tôi lại nhớ đến câu nói của ông bác sĩ Hà Xuân Du, khi ở San Jose về VN, ông ấy nói “anh hút thuốc lá lâu năm, có khi cơ thể anh quen với chất nicotin rồi, thiếu nó, anh bịnh đấy.” Tôi không biết ông bạn tôi nói thật hay nói đùa, tuy vậy tôi cũng cứ tin như thật để có thêm lý do mua thuốc lá đều đều.
Cũng xin nói thêm là, tôi chỉ hút thuốc lá có cái tên SAIGON. Tôi khoái cái tên ấy từ ngày ở “tù cải tạo” ra cho nên nhất định chỉ hút thuốc lá Saigon. Ông nào ở Mẽo về cho ba số 5, Cravena, xì gà gộc… tôi đem đổi hoặc đem cho hết. Một tút thuốc ba số 5 đổi được hơn hai tút thuốc Saigon, bởi thứ thuốc lá tôi hút bây giờ ở VN, một gói chỉ có giá 11 ngàn VN, chỉ bằng nửa đô la Mỹ. Song, giá cả chưa phải là chính, vẫn chỉ là cái tên tôi thích “THUỐC LÁ SAIGON.” Tuy vậy tôi vẫn đề nghị với bạn không nên hút thuốc lá. Còn tôi không bỏ được thì có chết cũng mang theo SAIGON trong túi áo.
Trở lại với chuyện “cờ bịch.” Dù là “vui chơi, giải trí” hay táng gia bại sản cũng là “cờ bịch.” Chữ này vốn là chữ của tôi dùng trong các bài phóng sự và nó đã được “bảo chứng” khi nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh cũng đã có lần dùng trong bài viết của mình và ông còn cẩn thận ghi thêm sau hai chữ “cờ bịch” là “chữ của anh Văn Quang.” Chắc ông cũng chỉ có ẩn ý muốn nhắc lại vài kỷ niệm của anh em chúng tôi thời xa xưa thôi. Ông Nguyễn Đạt Thịnh hơn tôi vài ba tuổi và tốt nghiệp khoá 6 Trường Võ Bị Đà Lạt. Hồi sau tết Mậu Thân 1968, còn cấm trại “chăm phần chăm em ơi,” chúng tôi cũng ngồi đánh phé còm với nhau ở phòng báo chí. Hồi đó tôi đã về Đài Phát Thanh Quân Đội, anh Thịnh làm Trưởng Phòng Báo Chí. Đánh phé còm cho đỡ buồn, bất kể cấp bậc, quan cũng như lính, ngồi vào chơi cùng nhau rất “bình đẳng bình quyền.” Cũng “tố,” cũng “tháu cáy” như điên. Rất hào hứng, đến nỗi có những anh em thích “chăm phần chăm” ở trại hơn là ở nhà với vợ. Chúng tôi bày ra cái trò này để anh em chơi cho đỡ “trốn cấm trại.” Ngay trong Cục Tâm Lý Chiến, buổi tối đã có 3 bàn phé còm. Ngoài phòng báo chí, ở trong phòng vi âm của đài phát thanh QĐ, máy lạnh 24/24, cũng có “sòng bài” nhỏ cho các ông nhạc sĩ, biên tập viên, phóng viên “oánh thả cửa,” nhưng dĩ nhiên là có kiểm soát, không vượt quá giới hạn. Nhật báo Tiền Tuyến do cụ Hà Thượng Nhân cai quản cũng có sòng xì phé và mạt chược còm.
Nhân nhắc tới chuyện cũ tích xưa này, tôi điểm lại đôi nét về chuyện “cờ bịch” tại VN, trong giới hạn thời gian, không gian nhỏ và bạn bè mà tôi biết, tất nhiên không thể nói hết.

Cờ bạc trước 1945

Tôi lấy cái mốc thời gian đó như nhiều ông bạn có tuổi bây giờ thường hay nghĩ đến. Thực ra từ hồi trước năm 1945, tôi chỉ biết vài thứ cờ bạc ở làng tôi. Miền Bắc hồi đó chỉ có xóc đĩa hay còn gọi là “lắc đĩa.” Ngay trong nhà tôi, cứ vào dịp Tết hoặc ngày giỗ ông nội tôi, thường tổ chức một canh xóc đĩa gồm nhiều vị “chức sắc” và điền chủ trong huyện đến chơi, đôi khi có cả các vị ở huyện khác thân quen với gia chủ cũng tới ngồi sòng. Có khi lên đến 50 - 60 người. Canh xóc đĩa này được coi là khá lớn, giấy “bạc con công” như bươm bướm. Thường là chừng hơn chục cái chiếu hoa cạp điều được trải trong dài trong dãy nhà khách khá lớn của nhà tôi. Nhà khách được thắp sáng trưng bởi mấy cái đèn “măng sông” và đèn đất. Canh bạc bắt đầu ngay từ chiều cho tới sáng hôm sau. Nhà tôi chỉ lập sòng mỗi năm một lần.
Tôi còn nhóc nên chỉ biết có mỗi cách đánh là chẵn lẻ. Tôi khoái nhất là khi sắp mở đĩa để quyết định thắng thua. Nhà cái hô hoán lung tung, khi cả “làng” đặt” tiền và đặt cược xong mới mở. Cái cử chỉ mở bát rất phóng túng, rất “tay chơi,” rất chuyên nghiệp. Cái bát được nhón lên cho khỏi va chạm làm ảnh hưởng tới cái đĩa, nhưng vừa lên khỏi đĩa là cái bát được vung mạnh bật ra xa nằm quay cu lơ. Mọi con mắt để dồn vào 4 đồng trinh trong đĩa sấp ngửa ra sao, nó có ảnh hưởng tới số phận hên xui, có khi tới cả vận mạng mình. Bởi có những ván bài rất lớn, bằng cả cơ nghiệp của một số “bá hộ” mà bây giờ người ta gọi là “đại gia miệt vườn.”
Sau xóc đĩa là những bàn bài nhỏ như chắn cạ, tổ tôm, đánh lú thì hầu như những nhà khá giả trong làng, ngoài tỉnh đều tổ chức đánh với hàng xóm, bạn bè mua vui. Cũng đôi khi có những sòng chắn cạ tổ tôm chuyên nghiệp, hầu hết họ ở gần phố, gần chợ, gần những “xóm cô đầu.” Còn ở làng khi có hội hè cũng tổ chức vài món chơi phổ thông như cờ tướng, tổ tôm điếm, tùy theo phong tục của từng làng.
Ở cổng các trường học, nhất là vào dịp có kỳ thi, thường có mấy bàn “bầu cua cá cọp” đứng dụ mấy cậu học sinh. Nó thoáng cho mình thấy cái con cờ bằng gỗ úp xuống là con cua, nên mình tưởng bở nhào vào đặt vài xu, khi lật lên lại là con cá nên nhiều anh thua hết cả tiền cơm.
Nói thêm một tí là cái thú “cờ bịch” của các cụ thời đó, nhiều nhất và “tốn kém đến mất nghiệp” là xóc đĩa, thường đi kèm với cái thú hút thuốc phiện và “đi hát cô đầu,” các ông anh và ông chú tôi đi hát cô đầu gọi tắt là “đi hát,” hoặc đi hút thuốc phiện là “đi hít.” Hồi đó, chưa có những loại ma túy ghê gớm như bây giờ. Phải bảnh lắm mới hút thuốc phiện và đi “hát cô đầu” được. Có lẽ nhiều bạn còn nhớ, hai phố cô đầu nổi tiếng đất Bắc xưa là Quán Bà Mau ở Hải Phòng và Khâm Thiên ở Hà Nội. Ở thành phố có vài dancing, hầu hết là trong các khách sạn lớn. Dân văn minh lắm mới đi nhảy với mấy “ông Tây bà đầm.”
Đó là vài thú chơi thường thấy thời tôi còn thơ ấu từ trước 1945 ở miền Bắc, còn ở miền Nam, tôi không biết nhiều nhưng chắc chắn là dân miền Nam không đánh xóc đĩa, theo tôi biết thì phần đông người miền Nam và miền Trung chơi tứ sắc, bài cào, sập sám và cờ tướng.

Cờ bạc ở VN trước 1975

Phần đời khôn lớn của tôi ở miền Nam, có thể kể từ năm 1953, khoảng gần mười năm sau tôi mới biết “cờ bịch.” Thoạt đầu là đánh chắn với mấy ông bạn “Bắc Kỳ chính hiệu con nai.” Tôi biết lơ mơ chắn cạ từ hồi còn nhỏ ngồi bên mẹ. Thế nên khi ông bà Quốc Phong rủ đánh chắn là tôi hăng hái nhận lời. Rồi đến Phạm Đình Chương rủ đến nhà đánh chắn cho bà cụ mua vui. Bàn chắn đó chúng tôi gọi là nhà “bà cụ Hoài Bắc.”
Sau đó, tôi biết đánh xì hay còn gọi là đánh phé. Từ năm 1960 có thể gọi là thời kỳ bộc phát của xì phé. Bàn xì phé có mặt lung tung đủ mọi nơi, từ cổng Đài Phát Thanh Sài Gòn, đến nhà Ân Shell, ông Tú Vopco, hay ở trong các hóc hẻm như nhà ông Hà Huyền Chi, Nguyễn Đình Toàn… Hai ông này thuộc loại “kinh tế suy thoái” nhưng đánh bài như công tử, chẳng kém ai.
Sau đó vài năm, đến phong trào chơi mạt chược cũng nẩy nở rầm rộ như chơi phé. Ít năm sau, tôi bỏ chơi phé, một trò chơi “không khoan nhượng” chỉ nhằm “giết” lẫn nhau dù là bạn bè thân thuộc, bởi nếu không thế thì không còn là đánh phé, phải giấu kỹ con bài tẩy, hở ra là “chết.” Chơi mạt chược có tính “gia đình” hơn, có thể khoan nhượng được. Nhưng hầu hết là chúng tôi chơi mạt chược còm, “láng” rất ít. Có thua nhiều lắm cũng chỉ mất một ngày lương chứ không thể so sánh với các sòng đại gia.

Những sòng bài có bảo kê

Sau sự kiện đám Bình Xuyên tan tác, kéo theo Kim Chung Đại Thế giới đóng cửa, nhiều sòng bài các kiểu mọc lên và một số sòng bài lớn nhất thời đó thường được bảo kê bởi một vài thế lực lớn. Tôi biết khá rõ những địa chỉ bảo kê này qua nhà phóng sự gia Phan Nghị thường lăn lộn ở khắp “chốn giang hồ,” ông cho tôi biết từng địa chỉ và chính ông cũng được các đại ca thỉnh thoảng chi cho một tí tiền đi ăn chơi. Nhưng nay các vị đứng đầu bảo kê hoặc con em các vị ấy cầm đầu bảo kê đã mất, tôi không nhắc lại làm gì cho “mất đoàn kết.”
Hầu hết các sòng bài đó là sóc đĩa, xì phé, sì dách và cũng có những tổ chức bịp bợm rất tinh vi. Ngay trong tổ chức đánh phé ở nhà tư cũng có nơi bịp. Tôi còn nhớ có lần ông Phan Lạc Phúc và tôi đến nhà một ông ở khu Chợ Cá Trần Quốc Toản đánh phé. Đánh kiều nào cũng thua. Tôi khám pha ra bài có dấu. Liền dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông,” lấy lại đủ tiền. Đành xong ván đó, tôi nháy ông Phúc ra về ngay. Chính vì sợ bị bịp nên sau này, chúng tôi lập một club fermer chừng 7-8 anh em bạn biết nhau, chơi cho yên tâm. Mỗi tuần, thay nhau tổ chức đánh bài ở một nhà, không chơi với người lạ.
Vào thời này trường đua ngựa cũng được phép tổ chức khá bài bản, nhưng chưa có “đua chó,” bởi thời đó không nhiều “đại gia chơi chó” như thời nay. Cá độ bóng đá cũng chỉ có giới hạn nhưng hầu như các ông bạn tôi rất ít người đến trường đua Phú Thọ. (Tôi sẽ nói ở bài sau).

Vài cá tính cờ bịch của các ông văn nghệ sĩ


Nói đến cờ bịch, tôi nhớ lại vài tính cách chơi bài của các ông bạn tôi. Tôi chỉ nhắc đến vài ông có cá tính đặc biệt mà tôi tin rằng sẽ không ai viết tới, dù có viết tiểu sử các ông ấy rất cẩn thận. Những nét rất nhỏ nhưng lại là “giai thoại” mang theo hết cuộc đời mình.
Tôi nghĩ, bạn đọc cũng có những mẩu chuyện tương tự, chuyện lớn có thể không nhớ, nhưng kỷ niệm rất nhỏ lại cứ nhớ hoài. Gặp nhau là nhắc lại để tiếc thương những gì đã qua mà chỉ có “chúng mình biết với nhau.” Mới chỉ tuần trước đây thôi, một ông bạn tôi ở Úc về, chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn, ông ấy còn nhắc lại một ván bài với ông Quang “hói” khi chơi ở báo Tiền Tuyến cách đây gần nửa thế kỷ. Từng chi tiết sống động như mới xảy ra tháng trước.
Lại phải nói về cái sự đánh phé của ông Quang “hói.” Ông đánh phé hùng hục, “cái gì cũng theo” nên ăn tiền của ông “ngon” như đi ăn phở 79. Ông Quang “dù” và ông Quốc Phong chủ báo Kịch Ảnh cũng nóng tính không kém. Tài tử Lê Quỳnh đánh chắn không khá lắm nên thua xiểng liểng. Hoài Bắc - Phạm Đình Chương đánh phé rất “chắc,” có đôi lớn mới theo, khi ông ấy ra tiền là kể như ăn chắc nên được đặt cái nick name là “gánh gánh về.” Mai Thảo thì luôn uể oải kể cả khi đánh chắn hay đánh phé còm, mắt cứ lơ mơ như buồn ngủ. Dường như ông này không có máu ăn thua đủ. Ông Thái Thủy khi đánh phé, cứ có bài lớn là tay run run, mặt mũi xanh dờn như gặp cướp, nên đối thủ đoán được ngay. Cụ Hà Thượng Nhân chơi tổ tôm rất có “đẳng cấp” nhưng khi đánh phé thì cụ nhát gan, tố mạnh là cụ “chạy có cờ” ngay. Ông Anh Ngọc không đánh phé, có thời ở gần nhà tôi, ông và ông Cung Tiến cùng vài anh em khác hay chơi “băng ky.” Tôi không khoái trò này không hiểu luật chơi ra sao. Nghe nói sau này, qua Mỹ rồi ông cũng chơi mạt chược ở nhà, có bà Nhung phụ tá. Nhưng nay “người” hơi yếu rồi nên ông Hoàng Song Liêm thông báo là “người” chỉ cầm vài ván cho đỡ buồn tay thôi.
Ông Duy Trác là dân Hải Phòng với tôi một thời, sau này chơi mạt chược cũng là cao thủ. Nhạc sĩ Y Vân vẫn lao vào chơi mạt chược và vốn là dân đói rách “có hạng,” song nhưng lại hay thua. Ông Nhật Bằng chơi rấy hay và rất kỹ tính, cả nhà ông đều chơi mạt chược rất giỏi, có khi vợ chồng con cái ngồi chơi với nhau, chắc là chơi ăn “búng tai” thôi. Đó là vài “sự kiện” đáng nhớ.

Những ông không chơi cờ bịch

Có những ông không bao giờ bén mảng đến làng cờ bịch và dancing. Ông Hoàng Hải Thủy tức Công Tử Hà Đông viết phóng sự rất “ác liệt,” nhiều độc giả cứ tưởng công tử “ăn chơi kinh lắm” nhưng ông không hề chơi bất kỳ món nào. Ông là một ông chồng mẫu mực. Ông Tạ Quang Khôi cũng vậy, ông tự nhận là Giáo Gian nhưng thật ra ông rất hiền, tốt tính, chỉ hay giận vặt, không nhảy đầm, không cờ bịch dù suốt đời chơi với hầu hết anh em văn nghệ sĩ vì ông từng làm “nhớn” ở Phòng Văn Nghệ của đài PT Saigon. Ông Uyên Thao cũng là một người “chân chỉ,” cuộc sống của ông là “cày” và “cày.” Làm nhiều đến nỗi anh em… phát ghét. Lê Xuyên còn hiền lành hơn, không cờ bịch rượu chè, thậm chí không bước chân đến phòng trà nghe nhạc. Ông Nguyên Sa và ông Huy Phương cũng vậy, có lẽ ảnh hưởng từ “nghề làm thầy giáo” nên các ông ấy không “văng mạng” như chúng tôi…
Đặc biệt là mấy ông đạo diễn, làm phim “xã hội đen,” phim “giang hồ uýnh lộn tơi bời,” bắt diễn viên chơi bài bịp như làm xiếc nhưng đạo diễn lại chưa cầm đến con bài bao giờ, như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa, Hoàng Anh Tuấn…
Còn khá nhiều những ông như thế nữa. Nhưng tính theo tỷ lệ, ước chừng có 10% các “bố văn nghệ” không cờ bịch, không nhảy nhót. Còn hầu hết là ít nhiều có cờ bịch, có nhảy nhót, có cá độ và những món linh tinh khác.
Trong một ngày gần đây, tôi sẽ có dịp viết tỉ mỉ về “cuộc đời ái tình sự nghiệp” riêng của từng ông này nhưng tất nhiên là những chuyện “đàng goàng” chứ không có cờ bịch.

Từ mạt chược đến các phòng trà tiệm nhảy

Cùng với mạt chược là các phòng trà, tiệm nhảy mọc lên nhanh chóng. Sau 1975, cô đầu “rượu” ngoài Bắc “dô Nam,” một số lớn chuyển sang nghề làm gái nhẩy, thoạt tiên là “vào học nghề” ở các tiệm nhảy matinée có giá rất rẻ như Lai Yun ở đường Tổng Đốc Phương trong Chợ Lớn. Các ông Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ hiện ở Mỹ, chắc chưa quên, thời chúng ta còn rách, còn “xê li bạt,” những buổi chiều thứ Bảy, Chủ Nhật thường la cà vào đó để nhảy bốn chục một ly nước, ngồi hàng giờ với các em Hương khàn – sau này còn biệt danh là “Hương National” để phân biệt với Hương Suziki, em Hải 44, em Lan mập… Ông Toàn Phong thời còn trẻ, dường như cũng có vài lần đặt gót giầy “đời phi công” đến nơi đó rồi?
Trong khi đó các phòng trà tiệm nhảy ở Sài Gòn cho giới trung lưu ngày một nhiều và sang trọng thêm. Phòng trà Anh Vũ ra đời sớm rồi cũng tàn sớm ở đường Bùi Viện. Sau đó đến Tự Do, Mỹ Phụng, Baccara, Đại Nam, Queen Bee, Olympia, Versaille, Moulin Rouge… nhiều quá kể không xuể. Các nam nữ ca sĩ bắt đầu xuất hiện và tạo được tên tuổi nhờ phòng trà ca nhạc chứ không phải từ các đài phát thanh. Nhưng sau bước khởi nghiệp ban đầu, các đài phát thanh lại rất quan trọng, bởi đài phát thanh là mảnh đất cho các ca nhạc sĩ lan tỏa tên tuổi nghệ sĩ của mình và “nuôi” tên tuổi đứng vững trong làng giải trí toàn quốc và cho tới tận mai sau.

Sau 1975, cờ bịch Sài Gòn biến tướng ra sao


Những năm đầu, khi tôi còn nằm kỹ trong các trại tù cải tạo và các ông được gọi là “hào hoa phong nhã” của nền cờ bịch Saigon cũng di tản ra nước ngoài. Ở trong các trại cải tạo, chúng tôi tự làm những con bài mạt chược bằng gỗ, làm bàn bằng tre, ngồi đánh cho vui và cá độ đá bóng bằng vài điếu thuốc lá. Ở ngoài thành phố Saigon “đi dép lốp,” anh nào cũng rách như tổ đỉa, ăn bo bo thấy mẹ, làm gì có “cờ bịch” nữa. Nhưng chục năm sau, thành phố khá lên và những ông “hào hoa” còn kẹt lại có tí tiền từ bà con ở nước ngoài gửi về, lại tấp tểnh cờ bịch. Khi đi tù về, chúng tôi lại bắt đầu tụ họp đánh mạt chược cùng nhau, trước hết là ở nhà ông bà Đằng Giao - Chu Vị Thủy vào Chủ Nhật hàng tuần. Chỉ có vài anh em rất thân chơi với nhau, vậy mà vẫn có kẻ xấu miệng rêu rao chúng tôi tụ họp để “bàn chuyện chính trị.”
Ngày thường chơi ở nhà ông Khương “trực thăng.” Rất đông vui. Nhưng chỉ một thời gian, từng người lần lượt ra đi nên cả hai chốn hẹn hò đó đều ngưng hoạt động. Cho tới bây giờ tìm được một bàn mạt chược ở Sài Gòn hơi khó, chỉ còn vài nơi duy trì được nếp cũ. Và cho tới nay rất ít ông cán bộ và thanh niên biết chơi mạt chược. Các ông ấy chơi thứ khác. Sang Macao, Campuchia, Las Vegas chơi toàn đô la Mỹ và euro, cá độ bóng đá, đi karaoke, chơi ma túy, đi dancing săn chân dài. Hoặc ở vài tỉnh thành và thôn quê, một số anh có tiền lại quay về với thú cổ điển là xóc đĩa và thú “điền viên” là đi nhà nghỉ với “rau sạch.” Nền “văn hóa ngoại tình” phát triển như rươi.

Trong kỳ sau tôi sẽ bàn với bạn đọc về những thứ cờ bịch hiện nay và chi tiết cái nghị định về cờ bạc của chính phủ VN cùng những dư luận của đa số người dân và khi thực hiện sẽ gặp những lợi hại ra sao.

Cho Phép Thì Lo, Không Cho Thì Lạc Hậu

Trong bài kỳ trước, tôi đã “hàn huyên” cùng bạn đôi điều về chuyện “cờ bịch tại VN thời xa xưa,” đồng thời kể những chuyện có thật tôi đã từng chứng kiến để hy vọng phác họa được đôi nét trung thực nhất về khung cảnh cờ bạc vui chơi thời đó.
(Trong bài này có một con số tôi đã nhớ lầm, đoạn “Từ mạt chược đến các phòng trà tiệm nhảy.”Các cô đầu rượu từ miền Bắc “dô Nam” là năm 1954, chứ không phải 1975 như đã viết lầm. Xin chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc).
Kỳ này tôi sẽ bàn về chuyện cờ bạc tại VN hiện nay. Dư luận bùng lên mạnh mẽ khi nhà nước đã chính thức trình dự thảo Nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế lên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Theo dự thảo, nhà nước sẽ cho phép kinh doanh ba loại hình đặt cược gồm đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, cùng với nghị định hoạt động kinh doanh casino.

Chỉ có 2 món cờ bạc nguy hại nhất


Trong 4 khoản đó, đua ngựa và đua chó chỉ ảnh hưởng tới một số người ở thành thị và là dân có tiền, loại trung lưu trở lên mới đến trường đua ngựa và đua chó. Dân “nhà quê” chẳng ai biết hai món ăn chơi này. Đua ngựa chỉ có ở Sài Gòn, còn đua chó là móm “ăn chơi” sau này mới mọc ra ở Vũng Tàu. Mỗi tuần thu hút vài trăm con bạc đến chơi. Như tôi đã kể với bạn kỳ trước, ngay từ hồi trước năm 1975, các bạn tôi hầu như chẳng ai buồn ngó ngàng đến cái trường đua ngựa ấy, ngoại trừ mấy em ca ve dắt mấy anh “kép độc” có máu cờ bịch đến chơi vài ba trận rồi thường là trắng tay trở về đi “cày” tiếp. Những ông cay cú với đua ngựa và đua chó thường là những ông có liên quan đến “chơi ngựa đẹp” hoặc “chơi chó Tây.” Tuy nhiên sự được thua ở cả hai cái trường đua này không lớn lắm, cho nên không mấy ai quan tâm đến hai cái trường đua này.
Chỉ còn 2 mục là cá độ bóng đá và cờ bạc ở các casino VN đang được đông đảo người dân chú ý đặc biệt. Chúng ta hãy tìm hiểu xem thật sự vì lý do nào có dự thảo nghị định và dư luận trên đây?

Cờ bạc là cứu cánh

Hàng chục năm gần đây, ở VN bỗng dưng có những ông giàu ngang xương, là quan chức thì chuyện giàu sang là hết sức bình thường, nó đã trở thành chuyện tất yếu cứ như người trúng vài chục cái xổ số độc đắc hay đào được kho vàng. Mấy ông ấy không giàu mới là lạ. Còn có những ông “tay ngang” bỗng trở thành đại gia, đại gia chân giày, đại gia chân đất. Có tiền không ăn chơi để làm gì? Nền cờ bịch nhờ “triết lý” đó phát triển nhanh chóng. Các đại gia “thi đua khoe của” lao vào vòng cờ bịch, khi ăn khi thua. Nhưng chẳng có anh nào giàu thêm vì cờ bạc cả. Chỉ toàn những anh thua cháy túi. Và càng thua thì càng phải gỡ lại chút vốn. Nay cay ăn, mai cay gỡ chính là cái cứu cánh cho cuộc chơi.
Những anh không có tiền thì hy vọng có tiền nhanh hơn, nhiều hơn nên lao vào vòng cờ bạc. Còn những anh cứ tưởng rằng mình giỏi, mình đáng làm thầy mấy thằng giàu ngu dốt, không giải thích được tại sao nó lại giàu hơn mình, vợ con nó sống sung sướng như bà hoàng, trong khi suốt đời vợ con mình nheo nhóc, đói rách. Anh ta lại thèm những chiếc xe sang trọng, mơ những cái nhà lầu sừng sững trước mắt, nên chỉ còn hai cách, một là đi ăn cướp hai là đi cờ bịch, may ra gập vận đỏ cũng nhảy lên hàng đại gia.
Cả cái sự giàu có thể hiểu được và không thể hiểu được trở thành nỗi khao khát của anh dân rách nên rách cũng lao vào vòng cờ bạc để may ra giàu như thằng hoạn lợn, thằng thợ hồ thời xưa. Đó là thứ cứu cánh cho anh rách.

Cho phép thì lo, không cho thì lạc hậu

Giàu chơi theo kiểu nhà giàu, nghèo chơi theo kiểu nhà nghèo. Nền cờ bạc ở VN từ đó trở nên “sung mãn” bội phần. Nhưng mọi hình thức cờ bạc ở VN đều bị cấm, mọi công dân đều phải đánh lén. Và tất nhiên cờ bạc lậu là bị bắt. Ngoại trừ khi có bảo kê. Cái gì cũng có “ngoại lệ” của nó. Nhưng bị bắt rồi vẫn đánh, cờ bạc như ma túy âm thầm không bỏ được. Từ đó tệ nạn trộm cướp, giết người lại có cơ hội tràn lan. Cướp giết rồi lại đi đánh bạc, đi cá độ. Cái vòng luẩn quẩn ấy xé nát biết bao gia đình, gây nên biết bao thảm cảnh. Bắt rồi lại phải thả, thả rồi lại bắt, xã hội cứ quay mòng mòng trong khung cảnh hỗn loạn ấy. Chính vì thế nên mới có cái “tư tưởng” là thà cho đánh bạc trong vòng trật tự của luật pháp hơn là cấm, càng cấm càng loạn. Ngoại tệ “chảy máu” ra nước ngoài ngày càng nhiều trong khi nhà nước đã nghèo lại không thu được đồng xu thuế nào lại phải chi cho công tác an ninh, theo dõi, bắt bớ, nuôi tù mỗi ngày một nhiều.
Đây là một “tư tưởng” đã có từ lâu, một “vết thương có thật,” song những nhà làm ra luật chưa nhìn nhận là một thực tế. Cho phép cờ bạc thì sợ dân chê “vi phạm đạo đức xã hội,” không cho phép thì tệ nạn nhiều không diệt được, xã hội loạn khó cai trị.

Lừng khừng và thói đạo đức giả


Có thể lấy câu nói của ông Chủ nhiệm UB Dân tộc Ksor Phước làm điển hình cho tâm trạng ấy, “Nếu đồng ý (cho cờ bạc hợp pháp) thì lo mà không đồng ý thì bị nói là mấy ông già, lạc hậu.” Câu nói phản ảnh rất đúng tâm rạng của các quan. Vì cái sự “lừng khừng” ấy mà cách làm và cách nghĩ cũng “lừng khừng” luôn hay còn mang tính là đạo đức giả. Bởi vậy nên mới sinh ra hàng loạt các dự thảo, các nghị định “không giống ai” vừa thò đầu ra đã bị dư luân đập tơi bời hoa lá. Đã có tới 50,000 văn bản sai quy định bị Bộ Tư Pháp bác bỏ. Gần đây là quy định về ghi họ tên cha mẹ trong chứng minh nhân dân; xử phạt xe không chính chủ; quy định về số vòng hoa được đặt trong đám tang, không rắc vàng mã, không lắp ô cửa kính trên nắp quan tài... quy định quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm việc phải xin phép, mới ra hơn một ngày đã phải hủy bỏ. Trước đó, còn có dự thảo nghị định buồn cười như quy định về “ngực lép, chân ngắn” không được đi xe máy, người đứng gác ở các nơi thu phí xe phải khâu túi áo...
Trong khi đó, những cái cần phải ra nghị định hoặc phải bàn thảo sâu sát hơn như cho hay không cho cá độ bóng đá, cho hay không cho người VN chơi ở các casino lại cứ làm thinh hàng chục năm, ông “đại biểu” nào của dân cũng biết và ông nào cũng... im lặng là vàng. Bây giờ sự thể quá đáng lắm rồi mới phải bàn, phải ra dự thảo. Cẩn thận là điều tốt, nhưng cẩn thận quá hóa nhu nhược, hóa “vô cảm” thì không chấp nhận được. Cho hay không, cứ dứt khoát một lần cho rõ ràng “giấy trắng mực đen.”

Tình hình cờ bạc tại VN qua cá độ bóng đá hiện nay

Trước hết xin điểm qua về tình hình cá độ bóng đá. Đây là phong trào điển hình rầm rộ nhất từ thành thị tới thôn quê, không nơi nào không có cá độ bóng đá. Chỉ cần nhìn vào những cuộc chơi này cũng có thể nhìn thấy rất rõ tình hình cờ bạc tại VN hiện nay.
Hãy nhìn lại một vụ cá độ bóng đá trong làng quan chức lên tới hàng triệu đô la Mỹ.
Đó là vào thời nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Việt Tiến. Trong Bộ này có ngài Tổng giám đốc PMU 18 là hách nhất. Ông này phạm nhiều tội, chỉ xin kể một tội có liên quan tới đề tài này là tội cờ bịch. Tòa án xác định nguyên tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng đã cá độ bóng đá $1.5 triệu USD với 2 đầu mối là cựu cảnh sát Bùi Quang Hưng và Nguyễn Văn Hồng. Một phần số tiền trên do cấp dưới và các đơn vị liên quan hối lộ Dũng. Trong năm 2005, Bùi Tiến Dũng đã giao dịch, đặt cược 1.5 triệu USD với 2 trùm cá độ Bùi Quang Hưng và Nguyễn Văn Hồng, sau khi Hưng và Hồng nhận tiền của các con bạc trên đã chuyển cho một số trùm các độ khác. Những người này sau đó lại liên lạc với các đường dây cá độ ở nước ngoài...
Xét như thế thì tình hình cá độ trầm trọng từ lâu rồi chứ chẳng phải vài năm gần đây. Ngoại tệ của VN chảy ra nước ngoài như suối. Chỉ có một vụ bị phanh phui cũng đã chóng mặt rồi. Chắc các bạn “con nhà giàu học giỏi” ở nước ngoài cũng hoảng hồn chứ nói gì đến dân Việt ở trong nước.
Còn mấy anh “con nhà bình dân” cá độ ở khắp các quán cà phê, từ năm ba chục đến vài ba trăm ngàn, vài ba triệu và cứ thế “ta tiến lên, ta đi lên, ta nộp tiền” vào cá độ. Thế nên anh truyền hình K+ mới chịu khó chi hàng chục triệu đô độc quyền những trận bóng đá hay nhất thi đấu sớm vào thứ bảy và ngày chủ nhật. Các quán cà phê nào cũng cần thuê bao đài K+ để dân ghiền kéo đến ra kèo, đặt cược, tiền trao cháo múc liền. Ngay trong chung cư tôi ở, một quán cà phê có cá độ và ngay đối diện bên kia đường là tiệm cầm đồ.
Văn minh hơn tí nữa, không cần ra quán cà phê thì cá trên các trang web, các trang báo. Trong thời gian diễn ra Euro 2012, CA VN đã ngăn chặn được hơn 300 website cùng 315 địa chỉ IP máy chủ của các website đánh bạc, cá độ bóng đá. Trong đó, khoảng 80% lượng website mới phát sinh bị chặn ngay lập tức.

Cá độ trên mạng vẫn quá dễ dàng

Tưởng rằng sau khi công an phá vỡ hàng loạt tổ chức cá cược qua mạng cuối năm 2012, đầu năm 2013 những kẻ tổ chức cá độ bóng đá sẽ chùn tay. Nhưng không phải vậy. Vào Internet tìm kiếm Google với từ khóa cá cược bóng đá chỉ trong vòng 3 giây đã có trên 5 triệu kết quả. Hàng ngàn địa chỉ sẵn sàng cung cấp trang chơi, tận tình hướng dẫn nộp tiền, cược tiền, rút tiền. Không chỉ Google mà nhiều trang tin điện tử cũng đang quảng cáo cho nhiều trang cá độ bóng đá, trong đó có một trang tin chuyên về bóng đá. Mới vào đầu giải, các trang cá độ đang tích cực khuyến mãi kéo khách chơi. Trang M88 khuyến mãi nhân đôi tài khoản nộp, thua cho trích lại hoa hồng. Có trang còn khuyến mãi hấp dẫn hơn: tặng một suất đi Brasil xem giải vô địch thế giới.
Đáng ngạc nhiên, các trang cá độ đều chuyển tiền và thanh toán tiền qua các ngân hàng mà họ quảng cáo là “liên kết.” Tìm hiểu những người đã từng thắng, họ chuyển tiền cho nhau rất dễ dàng.
Hiện nay, ngoài M88, Ibet, Sbobet... còn hơn 10 trang cá độ đang hoành hành tại Việt Nam. Mặc dù trang chủ đặt tại nước ngoài nhưng toàn bộ hệ thống điều hành nằm trong nước. Tổng đài tư vấn khách hàng với số điện thoại 00442... ứng trực trả lời 24/24h còn nhanh hơn tổng đài 1080 của ngành bưu điện. Các cơ quan chức năng làm gì mà bỏ ngỏ đối với hoạt động cờ bạc trái phép này?
Với những lời đường mật đánh trúng tậm lý của dân chơi, những tay có máu đen đỏ dễ dàng sà vào lòng các ông chủ sòng bạc nước ngoài.

Những người chơi không sợ bị bắt

Bản thân nhà nước cũng đã thẳng thắn công bố những hệ lụy – dù chỉ là phần nổi của tảng băng – của những hoạt động ngầm. Đó là 1.254 vụ cá cược bất hợp pháp bị phát hiện. Đó là số tiền thu giữ hơn 50 tỉ và 2,5 triệu USD. Đó là thực tế có trận, có người cá độ hơn 300 ngàn USD. Có tổ chức đã nhận cược hơn 10 triệu USD. Bản thân Quốc hội cũng đã xác nhận tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài để chơi casino dẫn đến ''chảy máu'' ngoại tệ. Và cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cũng đã “gật đầu” cho phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi trong casino Vân Đồn- Quảng Ninh.
Có những vị đi nước ngoài như đi chợ, tiền trong các ngân hàng trong và ngoài nước không ai biết bao nhiêu, họ chẳng bao giờ bị bắt, bởi lẽ rất giản dị là họ không thèm chơi ở VN, họ ra nước ngoài chơi thả cửa và hợp pháp cứ như ông hoàng xứ dầu lửa Ả Rập. Mỗi lần đi lại có một chân dài theo sau “nâng khăn móc túi.”
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng phải nhìn nhận “hậu quả của cá cược bóng đá ở Việt Nam hiện rất lớn. Đặt ra việc này là để giải quyết vấn đề xã hội chứ không phải thu ngân sách, kinh tế.”
Chưa nói đến ở Sài Gòn và các tỉnh giáp với viên giới Campuchia, khá nhiều vị kéo nhau sang các casino của Campuchia đánh bạc. Đã có rất nhiều cậu thua cháy túi, vay mượn của chủ sòng bài hoặc của “xã hội đen” bị chúng bắt giam hành hạ, buộc gia đình phải mang tiền sang trả nợ. Đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân làm ruộng cũng phóng sang bên kia biên giới quá nhiều rồi và vẫn đang tiếp tục.

Dân yêu bóng đá thích đội nào?

Nói về dân cá độ bóng đá vẫn yêu thích các đội bóng của Anh, họ quen thuộc với những cái tên đội bóng MU (Manchester United) mà nhiều ông bình luận viên truyền hình VN gọi là đội “mờ u,” tôi không hiểu tại sao họ lại không gọi là “mờ xi” (Man City) và những cái tên cầu thủ như Rooney, Van Persi.... Hôm nào có trận đối đầu nảy lửa như MU với Chelsea là náo nức chờ đón và cá độ tưng bừng. CA chán, cũng chẳng còn muốn bắt. Các đội Đức và Tây Ban Nha cũng bắt đầu được chú ý, nhưng chắc còn lâu mới được chào đón bằng các đội của Anh.
Còn bóng đá VN hồi này làm dân chán quá rồi. Đội bóng Sài Gòn Xuân Thành tức mình vì bị phạt oan, bỏ luôn giải, không thèm chơi nữa là gáo nước lạnh tạt vào mặt làng bóng đá VN. Cho nên có cho cá độ bóng đá VN hay không chẳng phải là điều quan trọng. Cá độ mà cứ nghi là cầu thủ đá như buồn ngủ, vừa đá vừa nằm sân nghỉ mệt câu giờ hay trọng tài cũng bị nghi là bán độ rồi cãi nhau um sùm, làm gì còn hứng thú mà cá nữa, chỉ thua oan. Đến khi mở cửa sân bóng cũng không có “khứa” vào xem thì hết chuyện nói rồi. Thế nên có cho cá độ hay không chẳng có gì đáng bàn.

Những cuộc chơi “bình dân” hợp pháp và không hợp pháp

Nếu nói chơi chơi cờ bạc hợp pháp hiện nay, ai cũng hiểu đó là chơi xổ số. Tỉnh nào cũng có, giàu nghèo gì chơi tuốt hết. Dân làm ruộng, bán ve chai cho đến các ông bà trí thức lớn, trí nhỏ đều vui vẻ bỏ tí tiền mua vé số và mua riết thành “ghiền.” Thật ra đây là “trò chơi” với 10 con số và “ngày nào cũng chỉ 10 con số” còn có “tính cờ bạc'” hơn là cá độ bóng đá. Bạn chỉ cần ngồi ở một quán phở, quan cà phê đầu hẻm, cũng có ít nhất vài chục lần phải lắc đầu đến xái cổ vì mấy người bán xổ số mời mọc. Có người mời rất lỳ lợm, bạn lắc vài cái chưa chịu đi.
Đi kèm với trò chơi xổ số là đường dây lô đề. Đây cũng chính là trò cờ bạc nguy hiểm nhất cho người bình dân. Có tí tiền là chui vào lô đề. Là anh em với xổ số hợp pháp nhưng lô để lại hoàn toàn bất hợp pháp. Càng bất hợp pháp càng nẩy nở mạnh.
Gần đây nhất một “Bà trùm” cầm đầu đường dây thầu đề bạc tỷ tại Sài gòn bị bắt với nhiều đàn em và tang vật. 13 điểm ghi đề. Các “đại lý” đánh bạc bị bắt quả tang nằm rải rác ở quận 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. 27 bị tạm giữ cùng bà “trùm đề.”
Bà “trùm” Tuyến khai nhận đứng ra thầu đề từ cuối năm 2010. “Bà trùm” này mở rộng chân rết là các đại lý ghi số đề ở nhiều quận. Cuối ngày, sau khi tính toán ăn thua, nhiều đàn em thân tín sẽ được bà Tuyến sai đi giao, nhận tiền. Mỗi ngày có hàng trăm phơi đề được fax về nhà Tuyến với số tiền cược trên dưới 500 triệu đồng. Bà này thừa nhận mỗi ngày bình quân thắng khoảng 300 triệu. Bà Tuyến nói tỉnh queo, “Có ngày thua hơn chục tỷ nhưng khoảng chừng một tháng sau là tôi kiếm cả vốn lẫn lời.”
Đó chỉ một đường dây ở Sài Gòn, còn bao nhiêu đường dây khác nữa vẫn hoạt động từ nhiều năm nay ở khắp các tỉnh thành cho tới thôn quê. Kết luận không ngoa rằng hầu như “cả nước đang đánh bạc bất hợp pháp.”

Còn phải chờ

Hiện nay còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề cho hay không cho phép cá độ bóng đá, cho hay không cho người VN vào đánh bạc tại các Casino tại VN. Còn rất nhiều quy định cần phải cân nhắc như mỗi lần cá độ bao nhiêu, tổ chức như thế nào và 7 đối tượng không được phép tham gia đặt cược, trong đó, nếu đối tượng thuộc diện bị bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột có đơn đề nghị không cho tham gia đặt cược.
Nhưng nhìn chung dư luận, đa số đã có vẻ đồng tình với dự thảo cho phép này. Tôi chỉ nêu hai thí dụ ngược chiếu trong rất nhiều lời bình của độc giả tràn lan trên các báo:
- Ban Phan Thanh Tùng viết ngắn gọn, “Đáng lẽ ra "cá cược" phải được cho phép lâu rồi.Thu nhập đánh thuế từ nguồn này là rất lớn, xã hội sẽ được hưởng lợi,tạo được nguồn thu cho nhà nước, người dân đỡ phải đóng phí chồng phí như hiện nay.”
- Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội viết “Tôi phản đối hợp pháp cá cược bóng đá. Đua ngựa, đua chó thì có thể chấp nhận cá cược, chứ cá cược bóng đá thìa hỏng.” Lý do, theo ông Vũ Vinh Phú, việc cá cược là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. “Hợp pháp cá cược khiến nhiều người rơi vào tâm lý ăn thua, ảnh hưởng tới tình cảm, đạo đức xã hội, nghĩa vợ chồng... Cá cược cũng như hành động giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ tương lai chơi cờ bạc.
- Khi được mời góp ý về dự thảo này, một Bộ có liên quan nhiều nhất đến hoạt động đặt cược - cho rằng hoạt động đặt cược (thực chất là đánh bạc, gá bạc) đang diễn ra hết sức phức tạp. Do vậy, cho phép đặt cược dù ở mức độ nào cũng dễ hiểu là Nhà nước đã hợp pháp hóa hoạt động đánh bạc, gá bạc trái phép hiện nay. Khi đó, hoạt động đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức (được phép hay trái phép) sẽ phát triển tràn lan, khó kiểm soát. Bộ này cũng đánh giá dự thảo nghị định "chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để ban hành" mà cần tiếp tục chỉnh lại theo hướng chặt chẽ hơn, tránh những vùng “tranh tối, tranh sáng.”
Có lẽ ranh giới mong manh giữa các hoạt động được phép và không được phép trong hoạt động kinh doanh cá cược cần có thêm thời gian để làm rõ và chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Trên thế giới có 135 quốc gia cho phép, nhưng ở châu Á chỉ có 19% quốc gia cho phép điều này. Đó là thái độ thận trọng của các nhà nước.
Còn ở VN, tôi nghĩ ngày pháp luật chính thức cho phép cá độ bóng đá cũng sẽ đến, nhưng bao giờ thì chỉ có trời biết, bởi còn phải “thảo luận” dài dài và cũng bởi cái tâm trạng cho phép thì lo, không cho thì lạc hậu.

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn