Ai mua thơ tôi bán thơ cho


Xin mượn lời thơ bất hủ của Hàn Mạc Tử để chuyển thành tựa cho bài viết này.

Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…

(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Tuy sống gần với văn chương, yêu thích những lời thơ, tôi thuộc hạng người kém trí nhớ, không thuộc thơ, kể cả thơ do vợ tôi sáng tác. Nàng thi sĩ nhà tôi in cả một tập thơ mà tôi hoàn toàn không thuộc một bài nào mặc dù chính tôi là người đã trình bày từng trang sách, duyệt lại mấy chục bài thơ trong tuyển tập ấy. Với tật quên thơ dở tệ như vậy, nên ngay cả thơ của Nguyễn Du, một đại văn hào của dân tộc Việt, tôi cũng không thể nhớ hơn một câu thơ nào của ông ngoài những câu phổ biến trong dân gian.
Ấy vậy mà tôi rất say mê, thích thú mỗi khi được đọc thơ, được tiếp cận với những rung cảm thẳm sâu, những hình ảnh diệu ảo mà thi sĩ có thể gợi lên từ những chữ được kết lại cô đọng trên một chiếc bè mong manh với nhịp bằng trắc, chuyên chở đầy ắp ý nghĩa đưa người đọc vượt bên trên đầu sóng của cuộc sống kham nhẫn để đến bên kia bờ mộng tưởng. Với mỗi bài thơ, tôi chỉ sống với thơ khi được đọc thơ, và rồi không thể nào mang nó theo trong trí nhớ cho dù có cố gắng cách mấy cũng chóng quên ngay sau khi đóng lại trang sách. Giải thích như vậy chỉ để nói một điều là tôi rất quí mến những nhà thơ cho dù tôi rất kém cỏi trong việc thuộc thơ, có khi còn chẳng nhớ tên của tác giả. Tôi quí người làm thơ một phần vì họ rất chọn lọc, cân nhắc, cẩn thận, trau chuốt với chữ nghĩa, không buông bừa như mấy kẻ viết văn như tôi.
Tình cờ đọc trên báo Los Angeles Times mới đây, tôi có thêm một thi sĩ để quí mến, ngưỡng phục mà không cần nhớ thơ của người này. Bài viết mô tả một buổi sáng làm việc của Jacqueline Suskin ở Hollywood Farmers Market, một ngôi chợ chuyên bán rau trái vào mỗi sáng Chủ Nhật ở phố điện ảnh. Buổi họp chợ hôm ấy, giữa những kẻ đẩy đưa lời chào mời khách, người hăng hái lựa rau tươi, cô Jacqueline Suskin mặc áo đầm, ngồi trên ghế dạng hai chân kẹp một chiếc bàn tròn nhỏ ở giữa. Bên trên bàn là một máy đánh chữ cổ xưa. Cô ngồi đó để bán thơ cho thiên hạ.
Giữa những gian hàng bán rau tươi quả tốt mới gặt hái từ đồng ruộng, bàn của Suskin treo một tờ giấy với mấy chữ đen được dán bằng băng keo lên trên mặt giấy trắng đập vào mắt thiên hạ mà tôi tạm dịch như sau: Tiệm Thơ. Bạn Chọn Đề Tài. Bạn Chọn Giá Tiền.
Bữa Chủ Nhật hôm ấy, tác giả của bài báo, bà Deborah Netburn, kể rằng có một ông thân chủ của Poem Store đã dừng chân trước tiệm, đặt xuống đất gần nửa chục bịch vải đựng rau trái mà ông mới mua. Với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán trong một ngày nóng, người đàn ông trung niên đeo gọng kiếng màu xám đặt mua một bài thơ với tựa đề “Kể Từ Ngày Thứ Tư.”
Nghe xong tựa đặt hàng, Suskin bắt đầu làm việc. Cô đặt một tờ giấy trắng nhỏ bằng một tờ hóa đơn vào trong máy đánh chữ hiệu Hermes, một loại máy không còn ai dùng trên thế giới ngày nay, may ra được tìm thấy trong bảo tàng viện. Suskin cúi đầu suy nghĩ trong vài giây, xong bắt đầu gõ từng mẫu tự vào tờ giấy. Khoảng ba phút sau, cô viết xong một bài thơ năm dòng mà tôi tạm dịch như sau với thời gian lâu hơn nhiều, và cũng thiếu vần điệu như thơ của cô:

Thời gian tiếp tục đi tới
chậm rãi, từng li trong hơi nóng
và muốn chúng ta phải hiểu
những gì có thể xảy ra chỉ trong
một ngày, giữa một tuần đang lên…

Suskin rút tờ giấy ra khỏi máy, đọc lớn cho khách nghe, xong đưa cho ông tự đọc lại một lần nữa. Ông khách đọc xong, ngước lên với đôi mắt đỏ hoe.
Ông nói, “Vợ tôi bắt đầu hóa trị kể từ ngày thứ Tư.”
Suskin gật đầu thông cảm. Đây không là lần đầu tiên nữ thi sĩ này làm cho khách hàng phải xúc động. Cô thường hỏi họ cho phép cô đọc lớn bài thơ vì tin rằng thơ là một nghệ thuật cần được diễn tả bằng lời nói. Hầu hết đều đồng ý, thỉnh thoảng cũng có người chỉ muốn thơ của họ được cô đọc khe khẽ. Họ chúi đầu thật gần Suskin, để nghe rõ từng lời thơ bay bổng bên trên tiếng ồn giữa chợ.
Suskin nói về việc sáng tác thơ cho khách, “Một phần của công việc là viết xuống ngay lập tức những gì khởi lên trong đầu. Những bài thơ cũng giống như một bài chú, một bài cầu nguyện nho nhỏ được trao cho người khác.”
Sau khi đọc thơ và giao tấm giấy cho khách, Suskin không bao giờ thấy lại bài thơ đó nữa.
Điều mà tôi thích về Tiệm Thơ là nó không là tôi,” cô giải thích. “Tôi không nghĩ về tôi. Tôi viết về sự giao tiếp giữa tôi với một người khác, và tôi muốn tặng họ những gì chỉ thuộc về họ.”
Buổi sáng hôm đó Suskin khá bận rộn. Cô viết thơ cho một nhà vẽ kiểu mẫu thời trang, một cặp tình nhân sắp làm đám cưới, một thiếu nữ xinh tươi mặc quần cụt áo căng đầy. Mấy tuần trước thiếu nữ này từng ghé quán thơ và đưa tựa “Tình Yêu Mới” cho Suskin sáng tác. Hôm trở lại cô đề nghị tựa “Một Khởi Đầu Mới.” Suskin nói rằng đa số khách hàng của cô chọn đề tài tình yêu.
Sáng hôm ấy có một bé trai 3 tuổi theo cha đến mua thơ. Em bé này thích xe cứu hỏa.
Chiều lòng người khách tí hon, trong mấy phút Suskin viết:

Xe cứu hỏa
gầm lên dễ dàng
nhanh chóng với ý nghĩ
bảo vệ, bánh xe phóng tới địa điểm để
chặn đứng mọi thứ với nước
cùng với sự can đảm.

Suskin để cho khách tự chọn tiền trả thù lao. Cô tin rằng cho dù trong túi chỉ có 50 xu, bạn cũng xứng đáng có được một bài thơ.
Đa số khách bỏ $5 vào một thùng “phước sương” nhỏ bằng thiếc đặt ở phía trước máy đánh chữ. Cũng có những người trả nhiều hơn. Tùy hỉ, bao nhiêu cũng được.
Thơ của Suskin thường rất ngắn, chỉ có mấy dòng, được tác giả ký tên và đề ngày trước khi biến mất theo khách hàng.
Năm nay Jacqueline Suskin được 28 tuổi. Cô làm thơ từ thời thơ ấu, học môn sáng tác văn chương chú trọng phần thơ ở đại học. Thay vì học cao hơn để lấy bằng tiến sĩ, cô du hành đó đây một thời gian trước khi dừng chân ở hạt Humboldt County, Bắc California, nơi cô thuê một căn cabin và trả tiền thuê bằng cách chăm sóc một vườn rau trái cho chủ nhà.
Căn cabin không có điện, nhưng có giá rẻ, đủ yên tĩnh để Suskin sống một mình và xuất bản một tập thơ nhỏ vào năm 2010. Tập thơ mang tựa đề “Sưu Tập” với những bài thơ được sáng tác dựa trên những cảm hứng xuất phát từ mấy tấm ảnh mà cô tìm thấy.
Poem Store không là sáng kiến của Suskin. Một thi sĩ khác đã “mở tiệm” bán thơ giữa nơi công cộng trong vùng San Francisco năm 2005. Ông đã mời Suskin mở “chi nhánh” vào năm 2009.
Người khách đầu tiên của Suskin muốn cô viết một bài thơ với nhan đề “Đau Lòng.” Chuyện đau lòng của người khách này không liên quan đến tình yêu, chuyện đổ vỡ trong gia đình, hoặc bệnh tật. Bà muốn có một bài thơ nói lên tâm trạng của một người nhìn ngược về quá khứ và nghĩ đến tất cả những nơi bà chưa bao giờ được đi, tất cả những người bà chưa được gặp, tất cả những kinh nghiệm bà chưa được biết.
Khi nhận được bài thơ, bà khách bắt đầu khóc.
Từ lúc đó tôi biết Tiệm Thơ sẽ đóng một vai trò quan trọng, thay đổi đời tôi,” Suskin kể.
Ít nhất mỗi tuần một lần Suskin ngồi bán thơ trong chợ rau trái, ban đầu ở Humboldt County, sau xuống phương nam ở Hollywood. Ngoài chợ trời, Suskin cũng nhận viết thơ ở tiệc cưới, tiệc họp mặt, tiệc khai trương triển lãm nghệ thuật, hội chợ và tiệm sách. Cô không nói nhiều, luôn mỉm cười chào khách từ đằng sau máy đánh chữ.
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet. Cô góp công mang thơ ra khỏi kệ sách đóng bụi để đưa vào đời thường của những người ít có dịp hoặc muốn tiếp cận với thơ văn. Tài sáng tác thơ nhanh chóng để cung cấp cho khách là điều mà chính Suskin cũng không thể hiểu có nguồn gốc từ đâu. Cô chỉ biết chữ nghĩa dễ tuôn trào trong cô từ thuở bé. Suskin nói rằng cô chưa bao giờ bị kẹt trong việc sáng tác thơ nhanh ở chợ. Đề tài dù khó hoặc lạ cách mấy cô cũng nghĩ ra một bài thơ.
Chẳng hạn có một cặp đồng tính muốn cô làm một bài thơ về tình yêu giữa một con rái cá và một con gấu để kỷ niệm mối tình của họ. Cô viết:

Tìm thấy bên bờ sông
gọi nhau cùng kết duyên.
Gấu đến soi lùng
bên dưới mặt nước để thấy
rái cá dưới đáy sâu.


Mặc dù là người rất năng động, Suskin cũng thú nhận đầu óc cô trở nên mệt mỏi sau gần bốn tiếng viết những bài thơ với nội dung đa dạng, từ tình yêu, nỗi nhớ nhà, chuyện đau bệnh cho đến thể thao. Thế nhưng cô chưa bao giờ từ chối khách cho dù thấm mệt.
Buổi sáng Chủ Nhật ở chợ rau Hollywood hôm ấy, vào khoảng gần 12 giờ trưa, cô rời bàn để dùng phòng vệ sinh. Khi trở lại cô thấy một anh khách quen. Anh này đã ghé tiệm mấy lần với yêu cầu những vần thơ cho các thân nhân, bạn bè. Lần này anh cũng đưa ra một tấm hình của một người bạn và muốn Suskin viết một bài thơ về người ấy.
Suskin không ngần ngại, cầm tấm hình xem xét, suy nghĩ vài giây xong mỉm cười và bắt đầu gõ máy, như con tằm nhã tơ làm vui lòng người

Phúc Quỳnh