Khi bàn về sự ổn định cần thiết cho xã hội Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro nguy hiểm nhất đến từ khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng sâu rộng. Một ước đoán là khoảng 2-3% dân số đang nắm ít nhất là 24% tài sản tư nhân. Thu nhập của 2 triệu người này trung bình khoảng 6,300 USD một năm một người; trong khi tổng số dân còn lại chỉ có thu nhập khoảng 1,010 USD. (Tất cả các con số này là một ước lượng năm 2011 từ luận án của một nghiên cứu sinh DBA nhờ tôi bảo trợ. Theo tôi, cách định lượng dựa trên vài số liệu thống kê không đạt chuẩn; nhưng tôi nêu lên đây để chúng ta có một khái niệm).
Khoảng cách giàu nghèo này có thể tạo những bất ổn xã hội đáng kể qua nạn cướp giật, lừa đảo, tranh chấp lao động…nhưng cá nhân tôi cho rằng bàn tay sắt của hệ thống an ninh khá hữu hiệu trong việc đối phó.
Vấn đề không ai nói đến
Trong khi đó, tôi suy nghĩ nhiều hơn đến khoảng cách về trí tuệ của 2 thành phần dân số. Tôi không thể minh định là bao nhiêu phần trăm dân số đạt chuẩn quốc tế cao nhất về giáo dục và văn hoá; và bao nhiêu phần trăm thực sự là “ngu hơn lợn”. Nhưng tôi chắc chắn là mọi người có thể nhận rõ sự khác biệt này khi tiếp cận với bạn bè gia đình, cũng như tại những hội họp của đám đông hay qua những cách thức xử sự tại nhiều hoàn cảnh, công và tư. Sự cách biệt này có thể tạo những hệ quả sau:
- Dựa vào kiến thức thượng đẳng của mình, thành phần ưu tú sẽ lợi dụng sự ngu dốt của đám đông mà áp đặt những thủ thuật lừa dối hòng đem lại cho phe nhóm mình những quyền lực và lợi ích “gần như phi pháp”.
- Sự tụt hậu của dân trí trên bình diện rộng sẽ là rào cản lớn nhất cho mọi phát triển văn minh của xã hội trên tiến trình cạnh tranh với toàn cầu.
- Dân sẽ không thể giàu; nên nước không thể mạnh. Sự lệ thuộc kinh tế vào công nghiệp gia công, vào nông nghiệp lỗi thời và vào dịch vụ “bạc cắc” là một tương lai đáng buồn trong vài thập niên tới cho đám con Rồng cháu Tiên.
Vài góc nhìn khi tìm hiểu
Gần đây, tôi có hai trải nghiệm vô cùng khác biệt về chủ đề trên.
Tôi được phân công phỏng vấn khoảng 100 sinh viên cho học bổng MBA của đại học Bristol trong 3 tháng qua. Dù đây là phân khúc sinh viên ở cấp cao của nền giáo dục, tôi vẫn ngạc nhiên và thú vị với kỹ năng và kiến thức của các thí sinh. Ngoài việc nói và viết thông thạo tiếng Anh, đại đa số sinh viên đều có sự đam mê trong công việc và sự học; cũng như ý chí để trực diện các thử thách trong mục tiêu của sự nghiệp.
Dù có hay không có học bổng của Bristol, tôi tin là 95% sẽ thành công trong lựa chọn nghề nghiệp và sẽ thăng hoa toàn diện trong 10 hay 20 năm tới. Đây là niềm tự hào chính đáng của đất nước này.
Trong một thái cực khác, nỗi thất vọng của tôi cũng sâu sắc với một trải nghiệm đáng xấu hổ.
Tôi có một người cháu, cũng là BCA, đang dậy môn luật kinh tế cho một lớp học năm thứ ba tại một trường đại học công lập. Tôi nhờ cô đem vào lớp một khảo sát nhỏ gồm 10 câu hỏi đơn giản để đánh giá kiến thức ngoài sách vở của các em sinh viên.
Các em có 20 phút để trả lời bài khảo sát sau đây:
Em có nói và viết tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào lưu loát không?
Tại sao Việt Nam muốn trở thành một thành viên của TPP?
Ông Kim Jong Un là ai?
Đường lưỡi bò Trung Quốc là gì?
Liên Âu đang gặp khủng hoảng gì?
Phương Uyên là ai?
GDP của Việt Nam năm 2012 đạt bao nhiêu tỷ?
Thu nhập mỗi đầu người của Singapore là bao nhiêu?
Cơ chế phân bổ tam quyền và đa đảng đa nguyên là gì?
Ông Nguyễn Văn Bình là ai?
Trong tổng số 32 sinh viên của lớp: 1 trả lời trúng 2 câu, 3 trả lời trúng 1 câu và 28 bạn trả lời không đúng câu nào.
Bạn duy nhất trả lời đúng 2 câu là câu 1: biết nói và viết tiếng Anh lưu loát và câu 6: GDP Viêt Nam khoảng 100 tỷ USD.
Những câu trả lời “vui” nhất là:
- Đường lưỡi bò TQ là món lưỡi bò ngâm đường khoái khẩu người TQ thích;
- GDP Việt Nam đạt 1 ngàn tỷ đồng;
- Kim Jong Un là người mẫu nổi tiếng của Hàn Quốc vừa tự tử;
- Là thành viên của TPP, Việt Nam được phép dự giải bóng đá của Anh;
- Liên Âu là quốc gia bên Phi đang gặp nạn đói.
- 3 câu trả lời khác nhau về ông Nguyễn Văn Bình: (1) Chủ Tịch Nước (2) Đại gia ngân hàng vừa bị bắt và (3) linh mục xứ đạo Hải Phòng.
Tôi hơi bị sốc vì đây không phải là kiến thức của những công nhân dệt may tại các ổ chuột khu công nghiệp hay nông dân vùng sâu vùng xa; mà là những thành phần được coi như là tương lai của trí thức Việt Nam.
Dĩ nhiên tôi không cần phải bàn ra tán vào. ….
Alan Phan
P.S. Tôi đã nói nhiều lần trong các buổi diễn thuyết “nghèo không phải là một cái tội; nghèo là một hoàn cảnh có thể thay đổi”. Tuy nhiên, tội lớn nhất của một con người là ngu dốt. Một người không bao giờ đọc là một người mù chữ dưới bất cứ lăng kính nào.
P.S. II: Xin nói rõ tôi không bao giờ nghĩ bài khảo sát nhỏ qua 32 bạn sinh viên là thống kê hay một nghiên cứu nghiêm túc gì. Có thể nhiều sinh viên đã không dám nói những “sự thật” họ biết. Dù sao, đây chỉ là một minh hoạ cho bài viết về đề tài “Khoảng Cách Trí Tuệ” mà tôi nghĩ là rất sâu rộng ở Việt nam ta. Xin các bạn hãy nghĩ và nói về đề tài chính…thay vì soi mói vào một bức tranh nhỏ.
Alan Phan
Theo Góc Nhìn Alan Phan