Học cách sống "tùy duyên thuận Pháp, vô ngã vị tha"

Con chào thầy! Con nghe thầy giảng về cuộc sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha. Con có một thắc mắc mong thầy giải nghi cho con, con cám ơn thầy nhiều. Trong cuộc sống hiện tại, con muốn làm gì cũng bị gia đình, vợ con của con hay gây khó dễ cho con, ví dụ như đi chùa, ăn chay... Nếu con tùy duyên thuận pháp thì con phải nghe theo lời của gia đình hả thầy? Làm việc gì cũng bị chi phối như vậy có phải là nhu nhược không thưa thầy? Cư xử sao cho đúng khi mà con muốn một đường còn người nhà con lại muốn khác? Nếu không giải quyết triệt để thì lâu ngày sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Con phải làm sao, mong thầy từ bi chỉ dạy, con mang ơn thầy nhiều lắm ạ! Con chúc thầy sức khỏe!


Trả lời:

Tùy duyên là tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống để hành xử cho thích ứng với từng sự kiện khác nhau. Thuận pháp là hành xử sao cho vừa đúng với tình đời vừa hợp với lý đạo. Còn vô ngã vị tha là không vì cá nhân mình mà vì mọi người, vì lợi ích chung. Nếu con đi chùa, ăn chay... một cách chủ quan hay chỉ vì lợi ích của riêng mình màkhông xét đến quan điểm của vợ con, bất chấp góp ý của người khác thì biết đâu họ nghĩ là con mê tín dị đoan hoặc ích kỷ cũng đúng?
Ăn chay, niệm Phật là pháp môn phương tiện có những lợi ích nhất định tùy căn cơ trình độ mỗi người, nhưng tu không phải chỉ là đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... là đủ, mà là sự quan sát, chiêm nghiệm tinh tườngđời sống thực tế để thấy ra toàn bộ sự mâu thuẫn trong bản thân mình, sự xung đột trong mối quan hệ gia đình, và những ràng buộc trong cuộc sống nhân quần xã hội. Có như thế con mới có thể bén nhạy trong khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình và giúp ích người khác. Chân lý không ở trong chùa, trong những khuôn mẫu phải tuân thủ suốt đời làm tê liệt nhận thức linh động và sáng tạo, chân lý ở trong sự tương giao hay mối quan hệ giữa cuộc đời.
Những xung đột trong đời sống đáng được quan tâm xem xét từng giây từng phút để ứng xử với thái độ minh bạch chính trực hơn là chỉ ngồi hàng giờ tụng đi tụng lại những bài kinh, bài chú để tự ru ngủ với hy vọng trốn tránh những bế tắc do chính mình gây ra trong cuộc sống. Kinh là những lời thuyết giảng của những bậc giác ngộ nhằm chỉ ra sự thật để giúp chúng ta khai thông những bế tắc trong đời sống, vì vậy cách thâm nhập kinh kệ tốt nhất là học hỏi, quan sát, chiêm nghiệm ngay nơi những diễn biến đời sống thì mới có thể thực sự giác ngộ giải thoát được.


Nguồn: www.trungtamhotong.org